Một số thông tin kinh tế trên các báo ra ngày 26/10
08:02' 26/10/2004 (GMT+7)

1. Săn...bò vàng

2. Nhiều nước có nhu cầu nhập trái cây Việt Nam

3. Chuẩn bị chạy thử nghiệm đường sắt cao tốc đầu tiên tại Việt Nam  

4. Khuyến khích trồng nấm ăn trên diện rộng  

5. Tp.HCM rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư nước ngoài

6. Xây dựng Luật Du lịch: Khuyến khích đầu tư tư nhân

Săn...bò vàng

Soạn: AM 179359 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Anh Vinh và con bò được kêu giá tới... 25 triệu đồng!

TT - Đưa tay vuốt ve con bò lai sind mới kéo về, lái Tới (Châu Pha, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) nói chắc nịch: “Phải được “hai thước rưỡi” (25 triệu đồng) tui mới bán".

"Hôm qua đã có ba lái bò miệt Bến Tre lên kêu giá “hai thước tư” nhưng tui đã từ chối thẳng thừng. Kiếm được một con lai sind đâu có dễ, mà con lai này lại rất đẹp...”.

Phong trào chăn nuôi bò thịt đang phát triển rầm rộ từ giữa năm nay đã đẩy giá cả các loại bò thịt, kể cả bò cỏ (còn gọi là bò ta), bò bô và đặc biệt là bò lai sind tăng đến chóng mặt...

Đổ xô nuôi bò thịt

“Hổm rày hết lái này đến lái khác tìm tới hỏi mua nhưng tui hổng bán. Nghe người ta kêu giá mà mình hổng dám tin, nhẩm tính số tiền bán đàn bò này tui đã lãi hơn 100 triệu đồng...” - anh Trần Văn Vinh (Kim Hải, TX Bà Rịa) kể.

Đầu năm 2003, sau khi gom góp được gần 17 triệu đồng, anh Vinh tìm đến khu Châu Pha chọn mua bốn con bò lai sind với hi vọng lấy bò làm... của. Sau hơn một năm chăm sóc, đàn bò nhà anh đã có thêm ba con tơ. Lái bò từ các nơi đến đua nhau đẩy giá lên, những con thấp được kêu giá 18-20 triệu đồng/con, con bò đẹp nhất trong đàn có giá lên tới 25 triệu đồng! Tính ra tổng giá trị đàn bò bảy con của nhà anh Vinh lên tới gần 120 triệu đồng, một con số mà có mơ anh Vinh cũng không bao giờ dám nghĩ tới.

Anh Hai Đực (Tân Thạnh Tây, Củ Chi, TP.HCM) cho biết chỉ trong một tuần vừa qua con bò nhà anh được lái trả đến ba giá, từ 16 triệu đồng nhích lên đến 18 triệu đồng. Đây là con bò được anh mua vào cuối năm rồi, giá chỉ có 4,8 triệu đồng. Một số hộ chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi cho biết đang tính bán bò sữa để chuyển sang nuôi bò thịt nhưng giá bò sữa rớt mạnh, con đẹp cũng chỉ khoảng 18-20 triệu đồng, không đủ tiền để mua lại một con bò thịt.

Chị Thúy - chủ đàn bò 13 con (trong đó có 10 con lai sind) tại Kim Hải, TX Bà Rịa - cho biết từ dạo phong trào nuôi bò thịt bắt đầu phát triển rầm rộ đến nay, không ngày nào nhà chị không tiếp vài ba lái bò đến gạ mua. “Họ săn lùng dữ lắm, nhà nào có bò đều có lái viếng thăm. Có khi mới mua bò về hôm trước, hôm sau đã thấy lái bò đến hỏi mua, giá cả được kê lên. Thấy giá bò vàng khá cao cũng ham, nhưng tại tui đang gầy đàn nên không bán...” - chị Thúy nói.

Theo các chủ trại bò tại Bà Rịa - Vũng Tàu, phong trào nuôi bò thịt đã từng lên cơn sốt vào năm 2002 nhưng sau đó “hạ nhiệt” khi chương trình phát triển đàn bò sữa được ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích. Đầu năm 2004, khi con bò sữa thất bại nặng do giá thức ăn tăng mạnh, rồi gia cầm bị dịch cúm, giá cả và đầu ra của con heo bấp bênh, nhiều người dân chuyển sang nuôi bò thịt.

Lái Minh (Kim Hải) cho biết từ nhiều tháng nay, ngày nào “quân số” đàn bò vàng tại khu vực TX Bà Rịa cũng tăng 5-10 con, người nào chịu khó lùng kiếm thì được con kha khá, còn lại đều là bò cỏ - loại bò trước đây hầu như không người chăn nuôi nào để mắt tới. Giá cả các loại bò thịt - chủ yếu là bò cái - cũng đã tăng vọt khi nhiều người đổ xô nuôi bò. Một con lai sind nái tơ khoảng 6-8 tháng tuổi hiện có giá 14-16 triệu đồng, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2003! Những con lai sind đã qua “một lửa” - một lần đẻ - càng có giá cao ngất ngưởng, 22-25 triệu đồng/con, tăng 12-15 triệu đồng/con!

Theo ông Nguyễn Đăng Vang - viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cần sớm qui hoạch và điều chỉnh hoạt động chăn nuôi bò thịt, tránh lặp lại hiện tượng đã từng xảy ra với bò sữa, giá bò sữa có lúc đã lên tới 26 triệu đồng/con nhưng nay giảm xuống còn 14 triệu đồng/con.

Ông Vang cũng cảnh báo hiện tượng “sốt” giá bò thịt hiện đang gây rất nhiều khó khăn cho những nông dân thật sự có nhu cầu nuôi bò. “Một con bò cái giống đẻ 5-6 con tơ, tiền bán những con tơ này cũng chỉ vừa đủ mua con bò mẹ. Đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được...” - ông Vang nói.

Bò đi... xe nhiều hơn đi bộ!

Đưa chúng tôi đi khảo sát khoảng hơn chục trại bò tại chợ bò Đất Đỏ, tay lái “dẫn” (người dắt mối) tên Thu luôn miệng nhắc nhở: “Bò lai sind bây giờ khan hàng lắm, giá lại cao ngất ngưởng. Chú hãy cứ chọn loại bò cỏ hay bò bô dáng đẹp một chút, giá cả mềm hơn”.

Dọc quốc lộ 55, chỉ một đoạn đường chưa đến 3km, từ dốc Cống Dầu đến dốc Tên Lửa (huyện Đất Đỏ, BR-VT), hơn 20 trại bò mà phần lớn mới mọc lên trong mấy tháng nay đang hoạt động nhộn nhịp, hình thành một chợ bò và là trạm trung chuyển bò lớn nhất khu vực miền Đông.

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông Nhật - chủ trại bò - phải bỏ dở câu chuyện, cầm sổ ghi chép cặn kẽ những thông tin được các lái “lùng” (người chuyên phụ trách khâu lùng kiếm bò) đưa về. “Chỉ riêng trại tui đã có gần chục lái “lùng”, chưa kể các lái “dẫn” rải rác nhiều địa phương. Không có họ, tui cũng chẳng tài nào kiếm được hàng để cung cấp cho khách...” - ông Nhật giải thích.

Theo lời ông Nhật, cơn sốt giá bò thịt bắt đầu xuất hiện từ giữa năm nay khi hàng loạt lái bò từ khu vực miền Trung, miền Tây đổ xô đi săn lùng bò thịt. Rồi nhiều nông dân sau khi thất bại với con bò sữa chuyển sang mua bò vàng để nuôi. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở BR-VT, TP.HCM mà hầu hết các tỉnh miền Đông. Thời gian đầu chỉ những con bò lai sind đạt các tiêu chuẩn như lông vàng, tàn (yếm) thòng, dậu (rốn) dài, một xoáy lưng... mới được lái chọn mua, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hầu như lượng bò lai sind đều bị vét sạch, bất kể tốt hay xấu.

Thấy làm ăn được, nhiều người có vốn bung ra mở trại gom bò để cung cấp cho lái đến từ các tỉnh. Sau khi gom được những con bò đạt yêu cầu, chỉ cần “alô” một tiếng là những lái từ Bình Định, Quảng Ngãi, Bến Tre... đến chồng tiền và bốc hàng đi. Vào những tháng cao điểm, chợ bò Đất Đỏ cung cấp 100-200 con bò đi các tỉnh, chưa kể những người chăn nuôi địa phương cũng đến mua bò tại đây. “Số lượng đàn bò thịt có hạn, nhu cầu thì tăng nhanh. Con bò cứ được mua bán lòng vòng rồi đẩy giá lên. Con bò đi xe nhiều hơn đi bộ...” - lái Tới giải thích.

Nhiều nông dân sau khi đem bò về, con bò nằm chưa ấm chỗ lại được đem bán cho lái vì thấy có lãi, rồi cầm tiền đi kiếm mua con bò khác về nuôi... Ngay con bò lai sind của lái Tới cũng đã qua năm lái, rồi lòng vòng nhiều hộ chăn nuôi trước khi được anh mua về với giá 22 triệu đồng.

Không chỉ gom bò của địa phương, hầu hết các trại đều đưa người đi lùng kiếm bò tại các địa phương khác, từ TP.HCM đến Đồng Nai, Bình Dương và sang tận Campuchia. Một chủ trại bò cho biết trước đó mấy hôm, trại Hiền đã nhập về một xe hơn 30 con bò Thái, đa phần là loại bò lông trắng, giá rẻ. Theo lời các lái bò chuyên nghiệp, đặc điểm dễ nhận dạng nhất của bò Thái là đôi tai dài thòng xuống như tai thỏ, nhưng chỉ những người am hiểu mới phân biệt được đâu là bò Thái, đâu là bò ta. “Chẳng biết bò được đưa đi đâu, có lẽ cứ đi hết địa phương này đến địa phương khác. Bò đâu sinh sản nhanh được, số lượng đàn bò cả nước tăng chậm trong khi người dân cứ đổ xô mua bò thịt về nuôi. Cứ cái đà này, người nào quyết tâm nuôi bò cũng không đủ tiền mua” - lái Hùng (Đất Đỏ) nhận định.

(Theo Tuổi Trẻ)

Về đầu trang 

Nhiều nước có nhu cầu nhập trái cây Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh (TTXVN) - Theo Tổng Công ty Xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam, ngoài một số thị trường tiềm năng ở châu Á như Trung Quốc, Hông Kông, Đài Loan, Nhật Bản, một số nước như Anh, Pháp, Hà Lan, Canađa, Hoa Kỳ đang có nhu cầu tiêu thụ hoa quả tươi và sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc gần 100.000 tấn thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, xoài, chuối, hồng xiêm, dưa hấu, chanh, mít. Ngoài ra, gần 40.000 tấn trái cây chế biến và 17.000 tấn trái cây tươi đã được xuất khẩu sang Hồng Công, Xinhgapo, Đài Loan.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các nhà sản xuất kinh doanh rau quả Việt Nam là các sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sản phẩm hữu cơ./.

(Theo TTXVN)

Về đầu trang 

Chuẩn bị chạy thử nghiệm đường sắt cao tốc đầu tiên tại Việt Nam

Cuối năm nay, ngành đường sắt Việt Nam sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 10km đường sắt cao tốc. Đây là đoạn đường sắt cao tốc đầu tiên trên lộ trình xuyên Việt được làm theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.

Đây là đoạn đường chạy ngang qua sông Thu Bồn, thuộc Nông Sơn - Trà Kiệu (Quảng Nam), nằm trong điều kiện thủy văn phức tạp, nhất là vào mùa mưa lũ.

Một trong những ưu điểm của đường sắt cao tốc là ở những đoạn đường ngang không chắn, hệ thống báo động tự động phát ra lời cảnh báo "chú ý tàu hỏa!" khi con tàu ở cách xa đường ngang 3 - 4km. Hệ thống báo động này bao gồm một hộp cảm biến điện tự động được gắn dọc theo thanh ray và hệ thống loa phát ở các đường bộ cắt ngang không thanh chắn.

Bước đầu, việc sử dụng đoạn đường ray cao tốc này mang tính thử nghiệm nằm trong một dự án của Bộ GTVT với tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 270 tỉ đồng được vay từ Quỹ JBIC của Nhật Bản.

(Theo HNM)

 

Về đầu trang 

Khuyến khích trồng nấm ăn trên diện rộng

Soạn: AM 179361 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Sản xuất một triệu tấn nấm ăn vào năm 2010, đó là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra. Nhưng thực tế hiện nay cả nước mới chỉ sản xuất được khoảng 150.000 tấn nấm ăn mỗi năm. Tuy nhiên, theo Cục chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (CBNLS&NNNT) thì mục tiêu trên là khả thi.

Giá các loại nấm ăn hiện nay trên thị trường thế giới đang đứng ở mức cao: nấm mỡ muối vào khoảng 1.200 USD/tấn; mộc nhĩ, nấm hương, nấm rơm khoảng từ 1.700 USD/tấn đến 6.500 USD/tấn. Trong khi đó, giá nấm sản xuất tại thị trường Việt Nam vẫn rất thấp, do nhiều nguyên nhân như: giống không đủ chất lượng, năng suất thấp... Từ thực tế này có thể thấy nếu cân đối tốt giữa chất và lượng của nấm ăn Việt Nam sẽ mở ra một thị trường lớn không thua kém gì những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...

Hướng mở cho thị trường nấm ăn phát triển

"Một triệu tấn nấm ăn tương đương với 7.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu ước khoảng 200 triệu USD, tương đương 3.200 tỷ đồng. Đó là những con số hoàn toàn có thể thực hiện được và sẽ là hướng đi cho thấy sự phát triển của ngành nấm đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong sản xuất rau sạch" - ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục CBNLS&NNNT khẳng định.

Nếu như cách đây một vài năm về trước, sản lượng nấm ăn do nông dân sản xuất ra tại các địa phương trong cả nước chỉ đạt từ 50.000 đến 100.000 tấn mỗi năm thì hiện nay con số này đã lên tới 150.000 tấn. Nông dân từ chỗ trồng nấm ăn một cách tự phát, ồ ạt đã tính đến khả năng, thị hiếu, tiêu thụ của thị trường. Vì thế, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nấm ăn cũng ngày càng được nâng cao.

Chỉ với hơn 300 m2 đất trồng nấm, mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Đào ở xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên - Vĩnh Phúc đã thu lãi hơn 55 triệu đồng và giải quyết cho 13 hộ nông dân trong xã thường xuyên có việc làm với mức thu nhập hơn 400.000 đồng/tháng.

Chị Đào cho biết: thời gian đầu, chị dành toàn bộ số vốn là bốn triệu đồng để đầu tư nuôi gà nhưng thấy hiệu quả không cao. Chị quyết tâm sang Thái Bình học nghề trồng nấm. Ban đầu chỉ trồng nấm sò, thấy thị trường chấp nhận chị tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất cả nấm rơm, nấm mỡ, nấm mộc nhĩ... Kết quả thành công ngoài dự định vì ngoài tiền lãi thu về chị còn là người tạo ra một vùng sản xuất nấm tập trung tại xã Thanh Lãng.

Nghề trồng nấm ở hầu tất các địa phương trong cả nước sở dĩ đang được bà con nông dân ưa chuộng là do vốn đầu tư cho sản xuất rất ít mà lợi nhuận lại cao (một ha trồng nấm có thể thu đến 500 triệu đồng, gấp 30 đến 40 lần trồng lúa) và tận dụng được nguồn lao động trong dân. Việc khoanh vùng phát triển một cách tập trung của nghề trồng nấm cũng góp phần quan trọng vào việc hình thành nên một thị trường mới tạo hướng mở cho phát triển ngành nghề.

Hình thành các trung tâm thu mua nấm

Để tránh tình trạng thừa nguyên liệu nhưng vẫn thiếu sản phẩm, theo Bộ NN&PTNT thì điều quan trọng là phải "tăng cường nhiều giải pháp đầu tư đúng và trúng". Một trong những biện pháp mang tính chiến lược lâu dài là đưa nấm vào sản xuất theo đề án phát triển rau quả thực phẩm sạch. Khi đó, mục tiêu đạt 1 triệu tấn nấm ăn vào năm 2010 là hoàn toàn khả thi, bởi nước ta có nguồn nguyên liệu rơm rạ dồi dào, hàng chục triệu tấn mỗi năm. Nếu chỉ sử dụng khoảng 10% số đó để trồng nấm thì mỗi năm cũng có thể sản xuất ra tới hàng trăm nghìn tấn nấm.

Ngoài việc thành lập các trung tâm thu mua nấm dưới dạng nấm tươi, nấm khô, nấm muối, theo Cục CBNLS&NNNT thì việc đầu tư cho trang thiết bị sản xuất cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc đưa nấm đi xuất khẩu. Cần tránh tình trạng nhiều nhà máy chế biến nấm đầu tư một cách thiếu tính toán, đầu tư quá lớn, quá hiện đại mà không tính đến năng lực, khả năng sản xuất có phù hợp với điều kiện ở Việt Nam hay không, nên không phát huy được hiệu quả; nhiều địa phương mua nhà kính và thiết bị chế biến nấm giá trị hàng tỷ đồng nhưng không có người có đủ chuyên môn để vận hành và sử dụng một cách hiệu quả. Ngoài ra, Cục CBNLS&NNNT hiện cũng đang đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ chế biến chất lượng cao và quy mô phù hợp như sấy khô, muối, đóng lọ đến tận người nông dân.

Từ thực tế của nhiều người trồng nấm cho thấy: việc hình thành các trung tâm thu mua nấm là cần thiết. Nó giúp cho việc điều tiết giữa cung - cầu sát với thực tế hơn. Đây cũng là điều kiện tốt để đẩy mạnh việc xúc tiến mặt hàng nấm vào thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... Theo dự tính trong những năm từ 2005-2010, sản lượng nấm của Việt Nam sẽ rất cao và khả năng xuất khẩu nấm theo đó cũng sẽ tăng lên nhanh.

(Theo TBKTVN)

 

Về đầu trang 

Tp.HCM rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư nước ngoài

UBND Tp.HCM vừa có Quyết định số 236 ban hành quy định thủ tục, trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thời gian cấp phép cho một dự án đầu tư nước ngoài được rút ngắn. Đối với những dự án thuộc diện đăng ký được cấp phép, sẽ được cấp trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được hồ sơ hợp lệ. Riêng đối với các dự án đăng ký qua mạng Internet được cấp phép trong thời hạn ngắn kỷ lục: 2 ngày.

Đối với các dự án thuộc diện phải thẩm định trước khi cấp phép thì thời hạn cấp phép là 10 ngày nếu không phải qua ý kiến của các bộ ngành T.Ư, và đối với những dự án cần phải có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì thời hạn cấp phép cũng không quá 20 ngày. Đồng thời Tp.HCM cũng sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm, xác định các cơ hội đầu tư vào thành phố.

Sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, mọi việc còn lại do các cơ quan chức năng TP phối hợp giải quyết. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thay mặt nhà đầu tư hoặc cùng nhà đầu tư làm việc với các sở ngành, UBND quận huyện có liên quan để giải quyết các thủ tục hành chính. Các quận huyện phải xây dựng, cập nhật thường xuyên quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/200, quỹ đất kêu gọi đầu tư và gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, UBND quận huyện, trong vòng 3 ngày, phải thông báo đơn giá bình quân tại khu vực dự kiến bồi thường cho Sở Kế hoạch và Đầu tư... Sau khi nhà đầu tư được TP giao đất, trong vòng không quá 40 ngày, quận huyện phải thành lập hội đồng, phương án đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư trình cơ quan chức năng phê duyệt. Và trong vòng 3 ngày, kể từ ngày phương án bồi thường, tái định cư được duyệt phải triển khai giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư...

Quy trình mới này sẽ được áp dụng từ đầu tháng 11 tới.

(Theo Lao Động)

 

Về đầu trang 

Xây dựng Luật Du lịch: Khuyến khích đầu tư tư nhân

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới và Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức hội thảo xây dựng Luật Du lịch.

Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, đây là thời điểm thích hợp và thuận lợi cho Việt Nam xây dựng Luật Du lịch. Theo ông John J.Downes, chuyên gia của Tổ chức Du lịch thế giới, ngoài những mục tiêu chính như tạo ra một khuôn khổ pháp luật nhằm thúc đẩy và củng cố sự phát triển của du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành tiêu chuẩn nghề, Luật Du lịch còn phải khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Về vấn đề quản lý nhà nước, các chuyên gia của Tổ chức Du lịch thế giới gợi ý, Tổng cục Du lịch nên chịu trách nhiệm lập chính sách du lịch quốc gia và triển khai chiến lược quốc gia, quảng bá Việt Nam như là một điểm đến. Chiến lược này được tăng cường bằng những hoạt động quảng bá độc lập của các doanh nghiệp du lịch và Hãng hàng không Việt Nam. Các địa phương phải có trách nhiệm thực hiện chiến lược du lịch do tổng cục xây dựng, quản lý hoạt động vui chơi, giải trí, cấp giấy phép vận chuyển khách du lịch; phối hợp, hợp tác với tổng cục trong việc cấp giấy phép cho các đại lý, doanh nghiệp lữ hành cũng như việc quảng bá các di sản.

Ông Tony Charter, Giám đốc điều hành Cơ quan Chính sách, Quy hoạch và Phát triển du lịch Queensland - Úc khuyến nghị Việt Nam nên sớm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.

(Theo Thanh Niên)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi