1.Điện thoại không dán tem tiêu chuẩn sẽ bị tịch thu
2.Cảnh báo thị trường cá da trơn
3.May Việt Tiến hoạt động theo mô hình công ty “mẹ - con”
4.Ba ba - thần tài nước ngọt
5.TP.HCM: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 15%
Điện thoại không dán tem tiêu chuẩn sẽ bị tịch thu
Từ 1/1/2005 điện thoại không dán tem tiêu chuẩn sẽ bị tịch thu Kể từ 1/1/2005, các loại máy điện thoại cố định và điện thoại di động đều phải dán tem phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính - Viễn thông (BCVT) ban hành. Quyết định này sẽ tác động như thế nào đến các nhà sản xuất và nhập khẩu điện thoại? Báo Thanh Niên đã phỏng vấn ông Chu Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng BCVT và công nghệ thông tin - Bộ BCVT về vấn đề này.
- Thưa ông, việc dán tem các loại điện thoại có cần thiết không khi lẽ ra các hãng sản xuất điện thoại phải là người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng cũng như việc tương thích với các mạng viễn thông của thiết bị?
- Việc dán tem phù hợp tiêu chuẩn cho thiết bị viễn thông nhằm triển khai tiếp quy định về chứng nhận hợp chuẩn thiết bị BCVT đã được ban hành trước đây của Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Bưu chính - Viễn thông). Việc dán tem này là cần thiết vì tem được gắn lên từng thiết bị, thể hiện thiết bị viễn thông đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, là căn cứ để người sử dụng nhận biết thiết bị đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và khẳng định thiết bị phù hợp với mạng viễn thông Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông kiểm tra khi thực hiện đấu nối thiết bị, các cơ quan kiểm tra, kiểm soát trên thị trường.
Ngoài ra, việc dán tem hợp chuẩn cũng có tác dụng giảm bớt việc người tiêu dùng mua và sử dụng các loại thiết bị viễn thông nhập trôi nổi, không đủ chất lượng, không chứng nhận hợp chuẩn trên thị trường. Chúng tôi đã nghiên cứu các quy định quản lý thiết bị viễn thông của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... họ cũng thực hiện việc gắn tem phù hợp tiêu chuẩn. Tại Singapore nếu lật bất kỳ một máy điện thoại nào lên cũng đều có tem chứng nhận của IDA (cơ quan quản lý viễn thông của Singapore).
- Nhưng việc phải dán thêm một loại tem vào điện thoại sẽ gây không ít phiền hà?
- Không có gì phiền hà cả. Cục Quản lý chất lượng - Bộ BCVT chỉ làm nhiệm vụ phát hành, quản lý tem và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định về dán tem; còn việc dán tem là do các tổ chức, cá nhân sản xuất và nhập khẩu tự làm. Họ chỉ cần gửi hồ sơ gắn tem của các thiết bị đến Cục Quản lý chất lượng để nhận tem phù hợp tiêu chuẩn.
Kể từ 1/1/2005, quy định về dán tem mới được áp dụng. Vậy đối với những thiết bị đã sản xuất hoặc nhập về trước thời điểm này thì sao?
- Đối với các thiết bị đã bán cho người tiêu dùng thì không cần phải dán tem nữa. Tuy nhiên, đối với các thiết bị đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và đưa vào thị trường trước thời điểm có hiệu lực của văn bản này đang trong kho, trên đường vận chuyển hoặc đang bày bán (hàng sản xuất hoặc nhập khẩu trước 1/1/2005), doanh nghiệp gửi hồ sơ có giấy tờ thể hiện số lượng tới Cục Quản lý chất lượng, thiết bị này sẽ được nhận tem để dán như các thiết bị sản xuất hoặc nhập khẩu sau ngày 1/1/2005.
Các doanh nghiệp không thực hiện việc dán tem hợp chuẩn theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào?
- Các doanh nghiệp không thực hiện việc dán tem sẽ bị xử phạt theo Nghị định 142/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện. Theo đó, phạt từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi đưa vào lưu thông trên thị trường, đấu nối trên mạng viễn thông các thiết bị không có hoặc không đúng tem phù hợp tiêu chuẩn. Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tem phù hợp tiêu chuẩn viễn thông không đúng: bị tẩy xóa, đã qua sử dụng hoặc không đúng chủng loại thiết bị. Tang vật vi phạm sẽ bị tịch thu.
(Theo TN)
Về đầu trang
Cảnh báo thị trường cá da trơn
Chế biến cá tra, cá basa xuất khẩu Ông Ngô Phước Hậu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng theo chu kỳ hằng năm, cứ đến tháng 11 (mùa gió bấc) là cá da trơn ở đồng bằng lại bỏ ăn. Hiện tượng này là bình thường nên người nuôi cá phải hết sức bình tĩnh, đừng vội bán đổ bán tháo dẫn đến dội chợ, tụt giá. Ông Hậu cho biết thêm:
- Hết năm 2004 này, dự kiến các doanh nghiệp Việt Nam xuất được khoảng 300.000 tấn cá da trơn, tức gấp đôi sản lượng trước khi Mỹ tuyên bố chống bán phá giá. Lúc Mỹ tuyên bố chống bán phá giá, cá tụt giá xuống dưới 10.000đ/kg nhưng trong năm 2004 này có lúc giá cá đứng ổn định ở mức 15.000đ/kg (tăng 50%) và từ đầu năm đến nay mức cung - cầu của thị trường cá da trơn cân bằng; nông dân đạt lợi nhuận cao.
- Vậy theo ông, có điều gì đáng lo ngại?
- Thống kê mới nhất cho thấy vùng ĐBSCL trong năm 2005 có khả năng cung ứng cho thị trường 430.000 thậm chí 500.000 tấn nguyên liệu cá da trơn. Cung như thế là vượt cầu, tức lệch pha, mà lệch pha thì nông dân phải chịu sự lỗ lã. Cái chính là tới đây phải có một “nhạc trưởng” điều phối “bản nhạc cung cầu” này. VASEP không thể đảm đương được vai trò nhạc trưởng. Vậy ai sẽ đảm trách, cái đó thuộc tầm quản lý vĩ mô và phải làm sớm bởi cá da trơn hiện đang là siêu lợi nhuận. Tỉnh nào cũng tăng nuôi, liên tục xây thêm nhà máy chế biến xuất khẩu cá da trơn thì khủng hoảng thừa là điều không tránh khỏi. Việc cho ra đời một tổ chức có vai trò "nhạc trưởng" là để điều phối sao cho cung cầu không lệch pha. Có thế nông dân mới đạt lợi nhuận cao nhất.
Thị trường xuất khẩu cá da trơn hiện nay ra sao, thưa ông?
- Thị trường chính là châu Âu, kế đến là Mỹ. Thị trường phát triển tốt là châu Á, nhất là Trung Quốc. Các thị trường đang mở mới ở Nam Mỹ hứa hẹn nhiều tiềm năng. Tôi xin nói thêm về thị trường Trung Quốc. Đây là một thị trường lớn, giàu tiềm năng. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc chuộng sản phẩm cá da trơn giá thấp, xuất hàng vào họ không khó nhưng điều kiện tiên quyết là giá phải ổn định.
(Theo TN)
Về đầu trang
May Việt Tiến hoạt động theo mô hình công ty “mẹ - con”
Ngày 23-10, Công ty may Việt Tiến (Tổng công ty Dệt may VN) chính thức tuyên bố hoạt động theo mô hình “công ty mẹ - công ty con” theo quyết định số 86/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Sản phẩm của Việt Tiến. |
Theo đó, công ty “mẹ” là Công ty may Việt Tiến, vốn Nhà nước giữ 100%, điều hành 36 đầu mối sản xuất kinh doanh gồm 20 xí nghiệp trực thuộc, bảy công ty - xí nghiệp liên doanh hợp tác sản xuất kinh doanh trong nước, hai công ty cổ phần, bốn công ty liên doanh với nước ngoài và ba đơn vị hợp tác kinh doanh dịch vụ với nước ngoài. Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sẽ là hoạt động kinh tế chủ lực dù công ty “mẹ” tham gia hoạt động kinh doanh trên 12 lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Theo ông Nguyễn Đình Trường, tổng giám đốc công ty, ước tính năm 2004 doanh thu của Việt Tiến sẽ đạt khoảng 2.200 tỉ đồng, trong đó doanh thu sản xuất kinh doanh hàng may mặc chiếm khoảng 1.500 tỉ đồng, mức tăng trưởng bình quân 15-20%/năm.
(Theo TT)
Về đầu trang
Ba ba - thần tài nước ngọt
|
Ông Đỗ Đạt Mỹ ở xã Hàm Nhơn với con ba ba nuôi hai năm mà chỉ khoảng 600g. Ảnh minh hoạ. |
Đến thời điểm hiện tại, mô hình nuôi ba ba đã được ứng dụng khá rộng rãi trên cả nước ta, nhưng "cung" rõ ràng chưa thấm tháp vào đâu so với "cầu" - cái giá xấp xỉ 200.000 đồng/kg ba ba chứng tỏ loài vật này vẫn là "thần tài nước ngọt" như bà con ngư dân vẫn gọi.
Nhiều tỉ phú ba ba đã phất lên nhanh chóng nhờ biết áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, tiêu biểu có thể kể đến ông Trần Hoàng Mai, tên thường gọi là Tư Mai, sống tại khu phố 5, thị xã Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ông là một trong những người đầu tiên nuôi ba ba trên đảo, từ nguồn vốn hơn 20 triệu đồng ban đầu, ông đã mạnh dạn xây bể và mua gần 1.000 con ba ba giống. Chỉ sau 3 năm, ông Tư Mai đã có trong tay hơn 30.000 ba ba giống và khoảng 5.000 con ở độ tuổi sinh sản. Việc cung cấp thịt và ba ba con đã mang lại cho ông mỗi năm gần nửa tỉ đồng tiền lãi. Đến nay, nhân dân huyện đảo Phú Quốc đã có gần 200 hộ học theo để nuôi ba ba, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể.
Ba ba - còn được gọi là thuỷ ngư, cua đinh - phân bố nhiều ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Phi và Bắc Mỹ. Ở VN, ba ba có mặt hầu hết các vùng từ nam ra bắc như HN, Hải Phòng, U Minh, Cần Thơ, từ những vùng miền núi như thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) đến những khu vực đảo như thị trấn Dương Đông. Chúng sống ở những vùng nước ngọt, có thể thích nghi với nhiều vùng khí hậu khác nhau do khả năng thay đổi thân nhiệt theo nhiệt độ môi trường. Nuôi ba ba ít tốn kém vì chúng thường có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, từ những động vật nhỏ như giun đất, cá, tôm, ốc và thực vật thuỷ sinh đến những thức ăn công nghiệp như cám nuôi, bột ngô, hoặc khoai lang, rau muống. Hiện nay, người nuôi ba ba không phải lo lắng nhiều về nguồn thức ăn hợp lý và kinh tế cho chúng, bởi Hội Nông dân VN đã phổ cập và hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun quế đến nhiều trại nuôi ba ba. Giun quế được coi nguồn thức ăn "tại chỗ, tươi sống", gây nuôi dễ dàng, chỉ tiêu thụ phân trâu mà lượng đạm trong thịt lại cao (70%).
Ba ba nuôi đến 12 tháng tuổi là đã có thể thu hoạch được. Thời gian thu hoạch ba ba thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Ba ba thương phẩm đạt tiêu chuẩn thường nặng trên 200g, chiều dài mai khoảng 16cm. Ngoài việc cung cấp cho các nhà hàng đặc sản để chế biến những món đặc sắc như ba ba om chuối đậu, ba ba rang muối, rượu tiết..., ba ba vẫn được biết đến như một vị thuốc hữu hiệu trị sốt rét cơn, băng huyết, rong kinh. Trong đông y, mai ba ba (gọi là miết giáp) có vị mặn, tính bình, tính hàn không độc, có tác dụng bổ âm, ích khí, thanh nhiệt; thịt ba ba giúp bổ máu, tăng cường sức khoẻ, cầm máu. Các dược thư nổi tiếng của Y tổ Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông như Nam dược thần hiệu và Dược phẩm vậng yếu đều có nhắc đến ba ba. Không chỉ có tác dụng trị bệnh, theo kinh nghiệm dân gian, mai ba ba phơi khô, tán thành bột cho vào thùng đựng gạo còn có tác dụng loại trừ các loại sâu mọt.
Thịt ba ba và ba ba giống trên thị trường nội địa hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều hộ gia đình vẫn phải nhập ba ba con từ Thái Lan và Singapore, trong khi chính những thị trường này lại rất sẵn sàng tiếp nhận ba ba thương phẩm. "Tiềm năng" đã nhìn thấy rõ ràng là có, nhưng để ba ba VN có một thương hiệu thì rất cần sự hỗ trợ từ các nhà quản lý. Bản thân nhiều doanh nghiệp ở ta rất nhiệt tình trong việc hợp tác với nông dân phát triển và xuất khẩu ba ba, nhưng lại gặp khó khăn trong việc đưa được ba ba thành mặt hàng thuỷ sản do nhiều cơ quan quản lý còn "lăn tăn" trong việc phân biệt giữa ba ba nuôi và ba ba hoang dã cần được bảo vệ. Hy vọng trong thời gian không xa, "cơ chế" cho ba ba sẽ được quy định rõ ràng, để bà con nông dân yên tâm đưa "thần tài nước ngọt" phát triển đúng mức.
(Theo LĐ)
Về đầu trang
TP.HCM: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 15%
Tháng 10, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt gần 9.250 tỷ đồng, nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng qua đạt trên 82.000 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2003.
Khu vực sản xuất công nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng 16,5%, đạt giá trị trên 60.000 tỷ đồng, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 11,5%, đạt giá trị trên 22.000 tỷ đồng.
Có 23 trong 26 ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ như may mặc tăng 20,7%, chế biến gỗ tăng 29,7%, giấy tăng 24,7%; hóa chất tăng 16%; sản phẩm cao su và plastic tăng 28,6%; sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại tăng trên 16%.
(Theo TTXVN)
Về đầu trang |