Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 23/10
10:11' 23/10/2004 (GMT+7)

1.Giá vàng tăng: Giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định

2.Thức ăn gia súc tăng giá: Chủ động gắn chuồng trại với đồng cỏ

3.10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực về đích trước thời hạn

4.Khách quốc tế vào Việt Nam tăng nhanh

5.Đắc Lắc: mất mùa cà phê

6.Bán hàng truyền tiêu đa cấp: Mua noni sẽ thành gì?

7.Cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo: Cơ hội nào cho DN nội?

Giá vàng tăng: Giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định

Liên tiếp 3 ngày qua, giá vàng đã vượt qua mức 8.000.000đ/lượng, giá vàng 999,9 ngày 22-10 ở mức 8.050.000đ/lượng. Sức mua vàng miếng và nữ trang có giá trị lớn mấy ngày qua rất chậm.

Soạn: AM 177839 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Giá vàng trong nước tăng cao theo giá vàng thế giới. Giá chiều ngày 22-10: 424,1 USD/troy ounce, giảm gần 1 USD/troy ounce so với ngày hôm trước song còn cao 90.000 đ/lượng so với giá trong nước.

Theo thông tin truy cập được, giá vàng thế giới tăng cao một phần chịu tác động của giá dầu thô tăng quá cao, hiện ở mức chưa từng có: 55 USD/thùng; đồng đô la Mỹ giảm mạnh: tỷ giá đồng Euro và USD vượt qua ngưỡng 1,26 (1 Euro=1,26 USD) nên các nhà đầu tư tiếp tục chuyển hướng sang dự trữ vàng.

Chiều 22-10, giá bán các mặt hàng nông sản thực phẩm và một số mặt hàng tiêu dùng trên thị trường vẫn khá ổn định. Thậm chí giá bán một số hàng thực phẩm tươi sống như rau, cá biển, cá đồng đang trong xu hướng giảm mạnh: cá lóc 20.000-25.000đ/kg (giảm 5.000đ/kg), cá điêu hồng từ 25.000-30.000đ/kg, cá nục 12.000đ/kg (giảm 2.000đ/kg), cá thu 30.000-35.000đ/kg, cá rô 25.000-35.000đ/kg (giảm 5.000đ/kg), mực ống còn 33.000đ/kg,…

Lượng hàng về các chợ đầu mối khá nhiều, cung ứng đủ cho nhu cầu người dân TP: tại chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng là 300 tấn/ngày (tăng 30 tấn/ngày); tại chợ Trần Chánh Chiếu gạo 230-240 tấn/ngày (tăng 20 tấn/ngày), đường 60-70 tấn/ngày, đậu 90-100 tấn/ngày (tăng 10 tấn/ngày); lượng thịt heo về chợ đầu mối Phạm Văn Hai khoảng 280 tấn/ngày…

Theo dự báo của các chợ đầu mối, lượng hàng nông sản thực phẩm về TP trong thời gian tới sẽ còn tăng cao do các tỉnh đang vào mùa thu hoạch.

Ông Trần Đình Thọ, Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM nhìn nhận: Từ nhiều năm nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tách khỏi sự ràng buộc bởi giá vàng. Gần đây, do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu bị điều chỉnh, giá các mặt hàng nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao, rồi dịch cúm gia cầm… khiến giá bán một số mặt hàng tăng cao. Giá vàng trong nước tăng là do ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Thức ăn gia súc tăng giá: Chủ động gắn chuồng trại với đồng cỏ

Thời gian qua, người chăn nuôi bò sữa ngoại thành gặp không ít khó khăn khi tất cả nguyên vật liệu, thức ăn cho chăn nuôi đồng loạt tăng giá. Trước những khó khăn này, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, một trong những nơi phát triển việc chăn nuôi bò sữa hàng đầu của thành phố, đã chủ động đối phó bằng cách đẩy mạnh phát triển đồng cỏ gắn với từng chuồng trại.

Soạn: AM 177841 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Cỏ được đưa lên bờ tại phiên chợ cỏ Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Theo thống kê, hiện nay toàn xã có trên 7.000 con, chiếm hơn 30% tổng đàn bò sữa của huyện Củ Chi. Điều đáng nói là so với 21 xã, thị trấn khác trong huyện, chẳng những số lượng đàn bò sữa ở đây đứng đầu mà ngay cả sản lượng, chất lượng sữa tính trên mỗi đầu con của xã cũng vào hàng nhất, trung bình 15kg - 18kg/ngày (những xã khác chỉ dao động từ 12kg – 15kg/ngày).

Cỏ được đưa lên bờ tại phiên chợ cỏ Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Để làm được điều này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Võ Văn Nuôi cho biết: “Sở dĩ sản lượng sữa luôn luôn cao hơn những xã khác là do người chăn nuôi ở đây chú trọng đến việc tăng lượng thức ăn thô xanh, nhất là biết phát triển ruộng cỏ gắn liền với chuồng trại. Do vậy, thời điểm hiện nay, khi nguyên vật liệu, phế phẩm thức ăn gia súc đồng loạt tăng giá thì đồng cỏ của xã càng được phát triển rộng thêm”.

Từ năm 2001 về trước, ở Tân Thạnh Đông chưa có lấy nửa mẫu đất chuyên canh trồng cỏ, nhưng hiện nay diện tích đất trồng cỏ của xã đã lên đến trên 100ha.

Anh Sáu Nhỏ, ở ấp 7 nuôi 10 con bò sữa, phân tích: “Nếu trồng đủ lượng cỏ cung cấp cho bò sữa thì sẽ giảm được 50% chi phí nuôi một con bò sữa hàng ngày, nhất là trong thời điểm hiện nay, mọi thứ cho chăn nuôi đều tăng giá.

Vì vậy, nếu giảm được lượng hèm bia, xác mì, cám thực phẩm thì sẽ đồng nghĩa với việc người chăn nuôi được tăng thêm thu nhập cho mỗi con bò”.

Hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa trong xã đều áp dụng theo phương thức này. Thế là, những thửa ruộng chuyên canh trồng cỏ lần lượt ra đời. Ban đầu, người chăn nuôi còn e dè, chỉ chuyển đổi trồng cỏ trên những thửa ruộng trồng lúa năng suất thấp, nhưng đến nay cả những thửa ruộng tốt, thuận tiện đường giao thông cũng được lên bờ bao để thâm canh trồng cỏ.

Thậm chí, nhiều gia đình chưa có vốn đầu tư nuôi bò cũng chuyển đổi hẳn từ đất trồng lúa sang trồng cỏ để bán lại cho những hộ chăn nuôi bò sữa trong xã. Cách trồng, chăm sóc và chọn loại cỏ nào cho thích hợp với từng khu đất được nông dân phổ biến cho nhau.

Đất thấp trũng nước thì trồng cỏ lùn, đất gò thì trồng các loại cỏ ống hay cỏ chỉ, đất trảng và triền gò thì trồng cỏ xả hoặc cỏ voi… Đến nay hầu như hơn 400 hộ đang chăn nuôi bò sữa trong xã đều chủ động được nguồn cỏ cho bò.

Từ khi phát triển đàn bò sữa theo hướng đàn bò và ruộng cỏ phải tăng tỷ lệ thuận với nhau, lần lượt các tổ vượt nghèo trong xã ra đời nhằm trợ vốn cho những hộ diện xóa đói giảm nghèo để nuôi bò sữa, ưu tiên cho những gia đình có đất ruộng và có kế hoạch trồng cỏ.

Kết quả bước đầu khá mỹ mãn, hơn 50 hộ được trợ vốn vay nuôi bò từ các tổ vượt nghèo này, chẳng những hoàn lại được vốn vay mà còn thoát khỏi diện nghèo, ổn định cuộc sống. Cá biệt có hộ hiện nay đã khá hẳn, thu nhập ổn định từ 40 triệu – 80 triệu đồng/năm.

Xã Tân Thạnh Đông có thể xem là xã điển hình đi đúng hướng, là xã duy nhất có lượng cỏ “cung” tương đối đủ “cầu”. Xét trên bình diện chung, nhu cầu đồng cỏ cho đàn bò hiện nay của thành phố còn rất lớn. TP Hồ Chí Minh hiện có trên 50.000 con bò sữa nhưng diện tích đất trồng cỏ chỉ trên 1.000ha, mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng tăng trên 28%

10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực về đích trước thời hạn

10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực về đích gồm: gạo (chưa tính chỉ tiêu mới tăng thêm từ đầu tháng 10), cà phê, hạt tiêu, nhân điều, chè, dầu thô, than đá, hàng điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, xe đạp và phụ tùng.

Soạn: AM 177845 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chế biến tiêu xuất khẩu tại Công ty Tiến Hưng TPHCM. 

Ngày 22-10, Bộ Thương mại cho biết, tính đến cuối tháng 10 đã có 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực về đích trước thời hạn, hoàn thành sớm kế hoạch năm, gồm: gạo (chưa tính chỉ tiêu mới tăng thêm từ đầu tháng 10), cà phê, hạt tiêu, nhân điều, chè, dầu thô, than đá, hàng điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, xe đạp và phụ tùng.

Trong đó, lượng gạo xuất khẩu 10 tháng qua đã đạt xấp xỉ 3,5 triệu tấn, trị giá 817 triệu USD, vượt kế hoạch năm 117 triệu USD. Giá trị cà phê xuất khẩu từ đầu năm đến nay cũng đạt 533 triệu USD (vượt 58 triệu USD so với kế hoạch cả năm)...

Ở nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, kim ngạch xuất khẩu dầu thô 10 tháng đạt 4,66 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2003; than đá đạt 256 triệu USD, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 76 triệu USD so với kế hoạch cả năm. Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nhóm hàng công nghiệp là sản phẩm gỗ với giá trị xuất khẩu 10 tháng đạt 835 triệu USD, tăng 84,3% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm 165 triệu USD...

10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng nhanh về khối lượng và trị giá đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng qua đạt trên 21,3 tỷ USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2003. Các thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng nhanh vẫn tiếp tục được giữ vững là: ASEAN, Nam Phi, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất... với mức tăng trung bình từ 27%-102%.

Tuy nhiên, ở một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, rau quả, lạc nhân, hàng thủ công mỹ nghệ... đang có dấu hiệu chững lại hoặc tốc độ tăng trưởng rất chậm chạp do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ: xuất khẩu thủy sản chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2003 với giá trị kim ngạch đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD; lạc nhân đạt kim ngạch 25 triệu USD, giảm 46,6% so với cùng kỳ...

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Khách quốc tế vào Việt Nam tăng nhanh

Theo nhiều công ty du lịch và khách sạn quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, số lượng du khách quốc tế đặt chỗ từ nay cho đến cuối năm bắt đầu tăng nhanh.

Khách quốc tế vào VnN tăng nhanh.

Tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon, công suất phòng trong tháng 10 đạt gần 80%, có những ngày đạt 100%. Tại khách sạn Caravelle Saigon, công suất bình quân 3 tháng cuối năm đã vượt qua 95%; có thời điểm tất cả 335 phòng của khách sạn này đều kín chỗ và khách sạn buộc phải từ chối yêu cầu của khách. Công suất phòng bình quân của khách sạn Sheraton trong tháng 10 đạt 86% và cũng có những thời điểm kín tất cả các phòng. Một số công ty du lịch như Saigon Tourist, Fiditourist cũng xác nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong mùa cao điểm năm nay khả quan hơn các năm trước.

(Theo TN)

 

Về đầu trang 

Đắc Lắc: mất mùa cà phê

Theo một số doanh nghiệp sản xuất cà phê và nhà vườn trồng cà phê tại Đắc Lắc, vụ thu hoạch mới bắt đầu từ tháng mười này dự báo sẽ mất mùa, giảm đến 30% sản lượng. Một số doanh nghiệp cà phê không mua đủ số lượng cho các hợp đồng xuất khẩu cà phê đã ký.

Nguyên nhân mất mùa là do hoa nở sớm hồi đầu vụ bị rụng nhiều, giá phân bón tăng nên người trồng cà phê giảm bón phân, hạn hán kéo dài. Sản lượng giảm mạnh còn do nhân cà phê nhỏ hơn mọi năm. Vụ năm ngoái cứ 4,3kg quả tươi thu được 1kg nhân cà phê, vụ này 5,5kg quả tươi mới thu được 1kg nhân cà phê.

Mất mùa, sản lượng thiếu hụt nhưng giá lại giảm do có thông tin cho rằng vụ này Đắc Lắc và những vùng trồng cà phê khác trong cả nước được mùa với sản lượng ở mức 800.000 đến trên 1 triệu tấn. Giá mua vào ở Đắc Lắc giảm 1.000 đồng/kg, ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg cà phê nhân. Người trồng cà phê hiện bán ra rất ít, chỉ để đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Bán hàng truyền tiêu đa cấp: Mua noni sẽ thành gì?

Kiểu bán hàng truyền tiêu đa cấp vẫn đang phát triển. Trong đó có Công ty Noni Vina, chuyên bán các sản phẩm chế biến từ trái noni. Loại trái có cái tên "Tây" nghe lạ hoắc này thật ra chỉ là trái nhàu có đầy rẫy ở Việt Nam. Bị lóa mắt về một viễn cảnh trở thành tỉ phú, nhiều người đang lao vào mạng lưới này...

Làm việc cho tập đoàn quốc tế?

Soạn: AM 177849 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Chỉ cần mua sản phẩm noni của Công ty Noni Vina là có cơ hội trở thành tỉ phú trong... vài tháng! Đó là lời quảng cáo về cách làm giàu nhanh chóng với việc mua bán nước ép trái noni, có tên gọi VN là trái nhàu.

Muốn đăng ký làm phân phối viên phải tìm được người bảo trợ giới thiệu vào công ty. Thủ tục gồm hợp đồng, bản sao chứng minh nhân dân, bản sao giấy mở tài khoản ngân hàng. L.A., phân phối viên của Noni Vina, giải thích: tiền mua bán hàng và cả hoa hồng chỉ giao dịch qua tài khoản ngân hàng. “Sản phẩm của công ty có nhiều loại được làm từ trái noni, như sữa tắm, dầu gội, kem dưỡng da... Mới chỉ bán nước trái nhàu, giá sỉ là 2,4 triệu đồng/thùng bốn chai, mỗi chai 1 lít. Đây là giá chỉ dành cho phân phối viên của Noni Vina. Còn giá bán lẻ công ty qui định cho phân phối viên bán ra là 3,2 triệu đồng/thùng. Tính ra 800.000 đồng/chai” - L.A. cho biết.

Tối thứ ba, thứ năm hằng tuần công ty tổ chức thuyết trình hàng chục “phân phối viên tương lai” với ba phần chính: giới thiệu tập đoàn quốc tế Tahitian Noni, giới thiệu về loại nước trái cây noni, nước uống Tahitian Noni và nền y khoa hiện đại. Cùng nhóm với L.A. là P., có văn phòng hoạt động riêng trong hẻm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1).

Theo L.A. và P., họ đang làm việc cho một tập đoàn quốc tế danh tiếng có tên Tahitian Noni International (TNI) hoạt động trên toàn cầu thành lập vào giữa năm 1996, trụ sở đặt tại bang Utah, Mỹ (!?). Tại VN, TNI khai trương chi nhánh đặt văn phòng tại 37 Tôn Đức Thắng, Q.1 có tên Công ty Noni Vina vào tháng 7-2004.

“Doanh số cho đến năm 2003 đã đạt đến 2 tỉ USD, trong đó có hơn 1 tỉ USD tiền hoa hồng đã được chi trả cho phân phối viên”! Riêng tại VN, theo lời P., đã có mạng lưới trên 1.000 phân phối viên hoạt động mạnh ở Hà Nội và TP.HCM, và đang tỏa rộng về các tỉnh trong cả nước.

Ông Lê Văn Công, phó giám đốc Sở Thương mại TP.HCM, cho biết: “Bộ Thương mại đã đề xuất với Chính phủ đưa kinh doanh truyền tiêu đa cấp vào hình thức kinh doanh có điều kiện và do bộ cấp phép. Sắp tới thanh tra xong một số công ty bán hàng đa cấp, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị cấm hẳn hình thức kinh doanh này”.

6.561 người làm giàu cho 1 người

Các buổi thuyết trình luôn có video minh họa các nhân vật đã thành công trong việc bán nước ép trái nhàu có nhà cao cửa rộng như thế nào, nhằm gieo niềm tin cho người nghe thuyết trình vào việc kinh doanh tương lai. P. say sưa thuyết giảng: “Bạn dễ dàng kiếm được 55 triệu đồng chỉ trong vòng 60 ngày! Điều kiện gia nhập mạng và hưởng hoa hồng cao là đóng 300.000 đồng để làm thẻ phân phối viên và mua một thùng bốn chai (1 lít/chai) noni giá 2,4 triệu đồng. Bạn sẽ được mời đi du lịch Mỹ, tham quan công ty mẹ nếu đạt đến cấp phân phối viên cao nhất là “ngọc trai”...”.

Đó là danh hiệu “cao quí” phong tặng phân phối viên đạt được sáu tầng truyền tiêu trở lên. Muốn thế phải gầy dựng mạng lưới của mình bằng cách chào mời ba người khác tham gia rồi cứ thế hưởng hoa hồng. Ba người ở tầng thứ nhất cũng bắt đầu bằng việc bỏ ra 2,7 triệu đồng để trở thành phân phối viên. Người gầy dựng được hưởng 20% hoa hồng trên số tiền mà tầng thứ nhất mua sản phẩm. Ba người ở tầng thứ nhất cũng phải tìm mỗi người thêm ba người nữa gia nhập mạng lưới truyền tiêu. Lúc này tầng thứ hai sẽ là chín người của người gầy dựng ban đầu và lại được hưởng thêm 5% hoa hồng ở tầng này. Phát triển đến tầng truyền tiêu thứ năm, mức hoa hồng lại được cộng thêm 10% với tổng số người tham gia mạng lưới đã lên đến 243 người! Lên đến tầng thứ tám thì số người tham gia mạng lưới truyền tiêu đã là 6.561 và thu nhập của người gầy dựng ban đầu tổng cộng trên 56,2 triệu đồng.

Đó mới chỉ là mức “hoa hồng chuyên nghiệp”. Còn được tính thêm hoa hồng 8% nữa của mạng lưới toàn cầu với tổng số tiền lên đến 1,37 tỉ đồng. Như vậy chỉ sau hơn hai tháng đã có thể “hái” một số tiền khổng lồ là hơn 1,4 tỉ đồng.

Lừa và ăn lẫn nhau

Anh Cường, một người buôn bán nhỏ, đã nghe thuyết trình làm giàu bằng bán truyền tiêu nước trái nhàu, cho biết: “Tôi và mấy người bạn quyết định không tham gia vì giá bán đẩy lên quá cao, mức hoa hồng lên đến 60% được hưởng từ người khác chứ không phải lợi nhuận từ việc bán hàng”. Hình thức kinh doanh này chỉ là người ở tầng trên ăn hoa hồng của người tầng dưới. Chứ bản thân người tiêu dùng chẳng có lợi lộc gì và cũng không có nhu cầu sử dụng món hàng mua từ mạng đa cấp. Thực chất là lừa đảo lẫn nhau để ăn lời của nhau chứ không phải ăn lời trên việc bán hàng.

Người dân ở các thành phố đã biết nhiều về tính chất lừa đảo của kiểu bán hàng này, nên các công ty truyền tiêu đa cấp đã mở rộng hoạt động về nông thôn, nhắm đến những người ít hiểu biết, chưa có thu nhập ổn định.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo: Cơ hội nào cho DN nội?

Một cảnh quảng cáo trên truyền hình. 1 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm 2003 trên thị trường VN đủ sức thu hút nhiều tập đoàn quảng cáo tên tuổi của nước ngoài. Chính vì sự góp mặt của nhiều tên tuổi các anh tài thế giới trong lĩnh vực này đã khiến các DN quảng cáo non trẻ của VN lép vế, nhưng từ đó cũng tạo ra các cơ hội kinh doanh cho họ.

DN nước ngoài chiếm ưu thế Không thể phủ nhận rằng chi phí lớn cho quảng cáo thuộc về các tập đoàn nước ngoài với những hình ảnh quảng cáo ấn tượng, xây dựng công phu mang tính nghệ thuật cao. Theo chân các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn đó là các Cty quảng cáo tên tuổi của thế giới tràn vào thị trường VN. Hiện có khoảng gần 30 DN quảng cáo nước ngoài tại VN, gồm các đại gia như: JW Thompson, Mc Can, Sattchi, Densu... Riêng JW Thompson đã chiếm tới 40% thị phần quảng cáo VN.

DN quảng cáo VN mới xuất hiện từ sau những năm 90 với những tên tuổi đầu tiên như Quảng cáo Trẻ, Quảng cáo Sài Gòn, Vinataf... Giờ đây rất nhiều Cty quảng cáo ra đời, hoặc thêm vào chức năng kinh doanh quảng cáo. Nhưng những Cty đủ sức thực hiện trọn gói các hợp đồng quảng cáo lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn chủ yếu chỉ tham gia vào một vài khâu trong hợp đồng của các hãng nước ngoài. Quy mô của các công ty cũng còn quá nhỏ bé. Những tên tuổi như Leo Burnett hay JW Thompson có doanh số mỗi năm lên tới 5-7 tỷ USD, trong khi Đất Việt - công ty quảng cáo VN lớn nhất, mỗi năm doanh số cũng chỉ khoảng 10-15 triệu USD.

Một yếu điểm khác mà DN quảng cáo không thể khắc phục được trong một thời gian ngắn đó là thiếu tính chuyên nghiệp. Đơn giản như khi chụp 1 ảnh quảng cáo, họ có thể chi từ 3-5 nghìn USD để lập một êkíp từ đạo diễn hình ảnh, phụ trách kỹ thuật, đến đội ngũ chụp ảnh chuyên nghiệp. DN VN chưa đạt được tính chuyên nghiệp cao như vậy và chi phí cho công việc cùng loại thường chỉ đạt 1/10 so với nước ngoài.

Sống nhờ bảo hộ Theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ: ''Các dịch vụ quảng cáo chỉ thông qua liên doanh hay hợp tác kinh doanh với đối tác VN được phép kinh doanh hợp pháp dịch vụ quảng cáo''. Mặt khác, phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, sau 5 năm, hạn chế này là 51% và sau 7 năm mới bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn. Chính nhờ bảo hộ như vậy mà các DN quảng cáo VN mới sống được nhờ được chia sẻ hoa hồng với các DN nước ngoài.

Tuy 80% thị trường quảng cáo thuộc về DN nước ngoài những cũng không thể phủ nhận họ đang tạo ra thị trường cho DN VN. Sự chênh lệch quá lớn cả về quy mô hoạt động, tiềm lực tài chính, năng lực sáng tạo, tính chuyên nghiệp... giữa DN nước ngoài và Cty quảng cáo trong nước nên khó nói tới cạnh tranh, chưa nói tới cạnh tranh thắng lợi. DN nước ngoài chiếm hầu hết các hợp đồng lớn của các ngành hàng dành nhiều chi phí cho quảng cáo.

DN quảng cáo trong nước mới hoạt động trong khoảng trên dưới 10 năm, và đang nỗ lực để lớn mạnh. Nhưng nhiều quy định còn bất lợi cho ngành quảng cáo, như quy định về khống chế tỷ lệ quảng cáo không vượt quá 10% doanh thu, gây khó cho cả nhà sản xuất và DN quảng cáo.

Thêm nữa, chi phối hoạt động quảng cáo còn chồng chéo. Chính phủ giao cho Bộ Thương mại quản lý nhà nước nhưng Bộ Văn hóa - Thông tin cũng có Pháp lệnh Quảng cáo hướng dẫn hoạt động DN. DN mong muốn những quy định thống nhất và thông thoáng hơn để phát triển trước khi thị trường quảng cáo hoàn toàn mở cửa cho DN nước ngoài.

(Theo DĐDN)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi