1.Tỷ lệ DN thương mại và dịch vụ tăng mạnh
2.TP Hồ Chí Minh: Hàng điện tử, điện lạnh đua nhau giảm giá
3.Các nhà khoa học TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Không nên di dời Cảng Sài Gòn
4.Kiến nghị có qui chế cho vay du học trung dài hạn
5.Giá dầu thô tiếp tục giảm
Tỷ lệ DN thương mại và dịch vụ tăng mạnh
|
Bưu chính viễn thông là một trong những dịch vụ đang phát triển mạnh tại VN. |
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với gần 1.000 doanh nghiệp (DN), tỷ lệ các DN tham gia trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ đã tăng từ 41% năm 2002 lên 61% năm 2003. Đó là một con số đáng được ghi nhận về sự chuyển đổi cơ cấu DN. Thêm vào đó, tỷ lệ các DN tham gia xuất khẩu chiếm tới 71%, tăng đáng kể so với năm trước, trong đó, số DN xuất khẩu trên 30% sản phẩm sản xuất ra cũng chiếm tới 35%...
Trong số các DN dịch vụ được điều tra, 57% đạt tăng trưởng (trong đó, 37% có mức tăng trưởng đáng kể) và 22% DN bị giảm giá trị dịch vụ (trong đó 4% giảm đáng kể). So với các DN trong lĩnh vực sản xuất thì chỉ tiêu của các DN trong lĩnh vực dịch vụ đang ở mức cao và xu hướng chuyển dịch từ sản xuất sang dịch vụ và xuất khẩu đậm nét hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định rằng, sự chuyển dịch cơ cấu DN đã chứng tỏ chiến lược chủ động hội nhập quốc tế với định hướng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Chính phủ đã phần nào được cụ thể hoá trong các kế hoạch kinh doanh của mỗi DN. Đây thực sự là một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động DN để từ đó các cơ quan Chính phủ tiếp tục có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện được các kế hoạch kinh tế vĩ mô. “Việc thực hiện được mục tiêu tăng tỷ trọng các khu vực dịch vụ trong GDP lên trên mức 38% hiện nay của Chính phủ sẽ phụ thuộc rất lớn vào các chính sách và mỗi DN. Bởi chỉ có DN mới làm nên những con số thực trong tăng trưởng kinh tế”, ông Lộc nói.
Một điểm đáng chú ý trong bảng đánh giá mức độ không thuận lợi của các yếu tố khác nhau đối với hoạt động của DN (thang điểm từ 1 đến 5 với mức độ ảnh hưởng tăng dần), trong khi các vấn đề về luật lệ thiếu rõ ràng, hay thay đổi đã được cải thiện từ mức điểm 3,5 năm 2002 xuống mức 2,6 năm 2003; những phàn nàn về thuế giảm từ 3,1 năm 2002 còn 2,2 năm 2003... thì thiếu thông tin tiếp tục là yếu tố bất lợi nhất ảnh hưởng đến hoạt động của các DN, duy trì mức 3,1-3,2 điểm trong vài năm trở lại đây. Tiếp đó là chi phí vận tải, điện, khó vay vốn dàn hạn và trung hạn, nạn hàng giả... đều ở mức 3,0 điểm. Đặc biệt, các tổ chức xúc tiến thương mại, mặc dù có những tiến bộ nhất định song vẫn bị các DN than phiền nhiều về hoạt động chưa hiệu quả. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN có những đánh giá thiếu tự tin hơn trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, thị trường nước ngoài.
Điểm đáng nói nữa là khả năng tự nâng cao tính cạnh tranh của DN đang có xu hướng giảm xuống, từ 3,95 điểm năm 1999 còn 3,2 điểm năm 2003. Về vấn đề này, ông Lộc bình luận rằng, khi hội nhập càng sâu, các vấn đề của hội nhập càng trở nên rõ ràng hơn, thì DN càng thấy rõ nhiều việc cần phải làm hơn. Cụ thể, vào những năm trước, các biện pháp tự nâng cao cạnh tranh của DN chỉ là tăng năng suất, giảm chi phí, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới... thì năm 2003, các hoạt động xây dựng văn hoá cho DN, xây dựng thương hiệu của sản phẩm đã ở mức ngang bằng với các biện pháp tăng năng suất... Nhiều chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của văn hoá DN, thương hiệu sản phẩm trong các phiếu điều tra DN là một biểu hiện về mối quan tâm tới phát triển bền vững của DN và cũng là một động thái thuận từ phía DN đối với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
(Theo Đầu Tư)
Về đầu trang
TP Hồ Chí Minh: Hàng điện tử, điện lạnh đua nhau giảm giá
|
Khách chọn mua tủ lạnh. |
Tại hệ thống siêu thị điện máy E-Mart, nhiều mặt hàng ti vi, máy lạnh, máy giặt giảm giá từ 100.000đ - 1 triệu đồng/cái. Tại hệ thống Siêu thị Điện máy Thiên Hòa, một số loại máy camera giảm khoảng 1 triệu đồng/cái, một số máy ảnh kỹ thuật số giảm khoảng 700.000đ/cái.
Tại Siêu thị Điện máy Chợ Lớn, một số loại tủ lạnh ngoại nhập cũng giảm giá từ 100.000đ - 1 triệu đồng/cái, máy giặt giảm khoảng 200.000đ/cái, máy camera, máy ảnh kỹ thuật số cũng giảm khoảng 200.000đ/cái... Theo các trung tâm, siêu thị điện máy, sở dĩ có sự giảm giá mạnh là do các nhà sản xuất cũng như các cửa hàng đang cố gắng "đẩy" nhanh lượng hàng tồn vì sắp tới sẽ có thêm nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu được miễn thuế hoặc giảm thuế mạnh theo lộ trình gia nhập AFTA, cũng như nhiều sản phẩm mới sắp được tung ra thị trường.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Các nhà khoa học TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Không nên di dời Cảng Sài Gòn
|
Cảng Sài Gòn luôn sầm uất với những lô hàng ngày đêm được xuất và nhập tại đây. |
Hội đồng phản biện (HĐPB) của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật (LHCHKHKT) TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chưa nên quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 (khu vực TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu), bao gồm cả quy hoạch tổng thể di dời các cảng trên sông Sài Gòn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, LHCHKHKT TP đã tổng hợp được các ý kiến phản biện sơ bộ của HĐPB sau khi xem báo cáo tóm tắt quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 5; quy hoạch tổng thể di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy Đóng tàu Ba Son do Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) lập vào tháng 1/2004. HĐPB ghi nhận sự cần thiết nghiên cứu quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 5 phục vụ cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, HĐPB đã nêu ra một nhược điểm trong dự án quy hoạch là chưa chỉ rõ được vị trí của cảng trung tâm có khả năng trung chuyển hàng hóa trong khu vực, có khả năng cạnh tranh phát triển, thu hút khách hàng với các cảng lớn trong khu vực. Nhìn chung, quy hoạch cụm cảng số 5 manh mún, thiếu hệ thống và mâu thuẫn với những tiêu chí đã đề ra.
Khu vực Gò Gia nằm ở phần đông bắc của huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, có diện tích 2.750 ha. Phía đông, tây và nam được bao bọc bởi sông Thị Vải và sông Gò Gia, với đường bờ dài 22,5 km. Xét về vị trí, khu vực Gò Gia tiếp cận với tất cả các khu công nghiệp của khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời giao lưu thuận lợi với đồng bằng sông Cửu Long bằng đường thủy...
HĐPB nêu rõ quan điểm về việc di dời Cảng Sài Gòn: "Theo quan điểm lịch sử, ở phía Nam có cảng Sài Gòn, phía Bắc có cảng Hải Phòng. Đó là thương hiệu, là địa danh đã đi vào sử sách, đi vào lòng người cả trong nước và ngoài nước. Đó cũng là di sản văn hóa. Vì vậy, chỉ nên di dời ở mức tối thiểu cần thiết những gì phải di dời. Nói chung là phải bảo tồn. Hơn nữa, di sản đó là một tài sản khổng lồ hàng tỉ đô la, được tích lũy từ đời này sang đời khác, nó gắn liền với miếng cơm manh áo của cả cộng đồng công nhân viên chức và gia đình con cái của họ mà chúng ta không có quyền tùy tiện xáo động".
Vấn đề tiếp theo là việc sẽ chọn Gò Gia hay Thị Vải - Cái Mép làm cảng trung tâm? Hai nhà khoa học TS Trương Đình Hiển và PGS.TS Hồ Chín đã chứng minh với HĐPB bằng những hình ảnh và tư liệu đã được nghiên cứu cách đây hơn chục năm về tính ưu việt của địa điểm Gò Gia đối với việc xây dựng cảng biển. Báo cáo trên đã thuyết phục hoàn toàn HĐPB vì những cơ sở khoa học về vị trí, luồng lạch, địa chất, thủy văn... để có thể biến nơi đây không chỉ thành cảng trung tâm của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn có thể trở thành cảng trung chuyển lớn của cả khối ASEAN, đón được tàu có sức chở 50 - 80 ngàn tấn. Bà Lương Bạch Vân, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) TP cho biết, UBMTTQ TP sẽ sát cánh cùng với các nhà khoa học, thuyết phục lãnh đạo thành phố xem xét đến những nghiên cứu hết sức tâm huyết và thuyết phục của các chuyên gia về cảng Gò Gia. GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch HĐPB - cho biết sẽ mời lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nghe các chuyên gia báo cáo cụ thể về cảng Gò Gia trong thời gian sớm nhất.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Kiến nghị có qui chế cho vay du học trung dài hạn
Ông Hồ Hữu Hạnh - phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước TP.HCM - vừa kiến nghị NH Nhà nước VN có qui định cụ thể cho phép các NH thương mại cho vay trung dài hạn đối với các đối tượng du học ở nước ngoài, với điều kiện là các NH phải cân đối được nguồn ngoại tệ.
Theo ông Hạnh, hiện nay một số NH cho vay đến 10 năm để du học nhưng thực tế chưa có qui định chính thức nào mà chỉ đề cập cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng). Do pháp lý chưa rõ ràng nên các NH thương mại vẫn chưa đẩy mạnh cho vay “dài hơi” trong khi nhu cầu là khá lớn.
Được biết, hiện mỗi tháng đã có 4-5 triệu USD được chuyển ra nước ngoài vào mục đích du học. Sở Giao dịch 2 NH Công thương VN và NH Xuất nhập khẩu VN là hai NH dẫn đầu về chuyển tiền du học.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Giá dầu thô tiếp tục giảm
Ngày 19/10, giá dầu thô giao tháng 11/2004 trên thị trường NewYork đã giảm 3,8 cen xuống còn 53,29 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2004 cũng giảm 14 cen xuống 48,77 USD/thùng.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp giá dầu thô giảm sau khi đạt mức cao kỉ lục 55,33 USD/thùng hôm 18/10. Trước đó, các chuyên gia kinh tế đã dự đoán việc giá dầu lên cao sẽ ảnh hưởng mạnh đên tốc độ tăng trưởng cao hiện nay của kinh tế toàn cầu.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ(OPEC), ngày 18/20, đã tuyên bố giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dự kiến để đáp ứng nhu cầu dầu thô năm 2005 xuống mức 1,61 triệu thùng / ngày. Cơ quan Năng lượng Thế giới(IEA) hồi tuần trước cũng dự báo tốc độ tăng của nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm xuống 1,8% tức 1,45 triệu thùng/ngày trong năm 2005 so với mức 3,4% tức 2,71 triệu thùng / ngày của năm 2004.
Các quan chức Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại về tác động của việc giá dầu lên cao đối với kinh tế toàn cầu. Ngày 19/10, Bộ trưởng Tài chính Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di đã đề xuất tổ chức một cuộc họp của Liên minh châu Âu nhằm bàn các biện pháp phối hợp giảm thiểu các tác động của giá dầu.
(Theo TTXVN)
Về đầu trang |