1.Giá tôm giảm
2.Cổ phiếu đồng loạt tăng giá
3.Vinashin có thể mất hợp đồng đóng tàu 350 triệu USD vì thiếu vốn
4.99,9% DN mua công nghệ không “thèm” nhờ tư vấn
5.‘Cháy chợ’ bất động sản
6.4.619 xe Toyota phải bảo dưỡng ghế
Giá tôm giảm
|
Phân cỡ tôm sú. |
Giá thu mua tôm hiện nay ở các nhà máy đã giảm khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá tôm loại 30 con/kg giảm 8.000 đồng/kg, chỉ còn 94.000 đồng.
Theo các doanh nghiệp thu mua và chế biến xuất khẩu, giá giảm nhưng sản lượng thu mua cũng không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng tìm thị trường mới không bù đắp nổi sự sút giảm từ thị trường Mỹ. Phó giám đốc Công ty Camimex (Cà Mau) Nguyễn Tín Ngưỡng cho biết riêng sản lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ của công ty đã giảm chỉ còn khoảng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thông tin từ Ủy ban Tôm VN, do chưa có mức thuế cuối cùng cho các nước xuất khẩu tôm nên giá tôm tại thị trường Mỹ liên tục hạ và giá hiện nay đang ở mức thấp.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Cổ phiếu đồng loạt tăng giá
Phiên giao dịch đầu tuần (18.10) kết thúc khá ấn tượng với chỉ số VN tăng mạnh 1,44 điểm. Có tới 18 cổ phiếu tăng giá, duy nhất 2 cổ phiếu giảm không đáng kể. Cùng với việc VNIndex tăng phiên thứ 5 liên tiếp, tình hình giao dịch cổ phiếu cũng được cải thiện qua từng phiên.
Phiên giao dịch hôm nay, trong số 18 cổ phiếu tăng giá, nhiều cổ phiếu tăng khá và lượng giao dịch cũng rất lớn. Đáng kể nhất là REE, tăng 400đ/cp, giao dịch trên 4 vạn; BBC tăng 300đ, giao dịch gần 7,5 vạn; BBT tăng 300đ, giao dịch đạt 2,3 vạn...
Cổ phiếu của công ty Bibica 3 phiên gần đây giao dịch rất khá, đứng thứ hai thị trường sau REE. Với 7,5 vạn cổ phiếu được khớp lệnh, đạt giá trị trên 1,2 tỷ đồng, BBC đã giành ngôi quán quân phiên này. Giá BBC tăng mạnh 400đ ngay từ lần khớp lệnh mở cửa nhưng lại giảm trở lại 100đ trong lần khớp lệnh thứ hai. Trên 82% khối lượng giao dịch của BBC được thực hiện trong lần giao dịch thứ hai tại giá 16.900đ/cp.
Một cổ phiếu khác cũng được giao dịch khá trong phiên là KHA. Sau phiên giao dịch hết quyền ưu đãi mua cổ phiếu phát hành bổ sung, giao dịch của KHA có chững lại. Tuy nhiên giá cổ phiếu này lại liên tục tăng. Hôm nay KHA giao dịch đạt xấp xỉ 2,1 vạn cổ phiếu, giá tăng nhẹ 100đ. Mặc dù trên số liệu thị trường, KHA là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tuần trước, giảm 3.500đ/cp, nhưng nguyên nhân không phải do KHA "mất giá" mà do việc điều chỉnh giá giảm 5.200đ. Thực tế, KHA đã tăng 1.700đ so với cuối tuần trước nữa.
Không "đóng góp" vào xu hướng tăng giá trong phiên nhưng GMD là cổ phiếu duy nhất được giao dịch thỏa thuận. 15.400 cổ phiếu được thỏa thuận tại giá 52.500đ, bằng giá khớp lệnh, đạt trên 800 triệu đồng. Mặc dù trên sàn, cổ phiếu này chỉ được khớp lệnh hơn 6.000 cổ phiếu nhưng nếu tính giá trị chuyển nhượng cả phiên, GMD chỉ xếp sau BBC với khoảng hơn 100 triệu đồng kém hơn.
2 gương mặt "đen" trong phiên là DPC và VTC. Tuy nhiên, cả hai cổ phiếu này giảm giá không đáng kểm, tương ứng 100đ và 200đ. Đồng thời, khối lượng giao dịch tổng cộng của DPC và VTC cũng chỉ đạt 1.000 cổ phiếu.
Trái với diễn biến tuần trước, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cân bằng giữa lượng mua vào và lượng bán ra. Tuần trước, không một cổ phiếu nào được nhà đầu tư nước ngoài được bán ra dù lượng mua vào lên tới trên 6,3 vạn. 2 mã cổ phiếu được mua vào là BT6 và DHA với tổng cộng 1 vạn cổ phiếu. Ngoài BBC, HAP được bán ra đúng 1 lô.
Ngoài cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào gần 6.000 trái phiếu mã CP4A3304, đạt 600 triệu đồng, bằng 63% tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của phiên. Hai mã trái phiếu khác cũng được giao dịch là CP4A2704 và CP4_0404. Nhờ trên 953 tỷ đồng giao dịch trái phiếu, tổng giá trị chuyển nhượng toàn thị trường đạt 6,5 tỷ đồng, chưa bằng một nửa phiên trước.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này chủ yếu do giao dịch trái phiếu và giao dịch thỏa thuận cổ phiếu giảm. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối lượng chuyển nhượng đã tăng gần 10 vạn và giá trị khớp lệnh tăng gần 1 tỷ đồng.
(Theo VnEconomy)
Về đầu trang
Vinashin có thể mất hợp đồng đóng tàu 350 triệu USD vì thiếu vốn
|
Tàu thủy do VINASHIN chế tạo. |
Hợp đồng đóng 15 tàu chở hàng trọng tải 53.000 của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) đã ký với chủ tàu Grai Group của Vương quốc Anh hồi tháng 2 năm nay rất có thể sẽ bị đổ bể vì thiếu vốn thực hiện hợp đồng.
Hiện nay, tiền đặt cọc (bằng 35% trị giá hợp đồng) đã được chủ đầu tư chuyển cho Vinashin nhưng đơn vị này chưa tìm được nguồn vốn thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Ánh – Phó Tổng giám đốc Vinashin cho biết ngày 20/10 là hạn cuối cùng Vinashin phải ký được thỏa thuận bảo lãnh với ngân hàng nhưng đến hết chiều 18/10, phía ngân hàng và Tổng công ty vẫn chưa thỏa thuận được điều kiện bảo lãnh. “Hợp đồng lớn nhất của ngành công nghiệp tàu thủy VN từ trước tới nay có thực hiện được hay không phụ thuộc vào câu trả lời hôm nay (19/10) từ phía các ngân hàng”. Ông Nguyễn Quốc Ánh nói.
(Theo NLĐ)
Về đầu trang
99,9% DN mua công nghệ không “thèm” nhờ tư vấn
Số công ty tư vấn đầu tư đúng nghĩa về kỹ thuật, công nghệ tại TPHCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiềm năng của thị trường này rất lớn nhưng không khai thác được.
Theo kết quả điều tra của hai tổ chức Swiss Contact (Thụy Sĩ) và GTZ (Đức) tiến hành trên 1.200 doanh nghiệp (DN) tại VN, chỉ có khoảng... 0,1% DN có sử dụng tư vấn khi đầu tư mua sắm công nghệ. Đại diện một số công ty tư vấn tại TPHCM nhận định: Phải mất 20 năm nữa VN mới thực sự có thị trường dịch vụ tư vấn đầu tư công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật.
Một thị trường trầm lắng...
Thực ra, loại hình tư vấn nói trên đã ra đời hơn 10 năm qua, đặc biệt nở rộ trong 4 năm gần đây kể từ khi có Luật DN cùng với sự ra đời của hàng ngàn DN mới. Lúc đó, nhiều chủ DN dự đoán sẽ có một thị trường “béo bở” dành cho các công ty tư vấn đầu tư nhưng thực tế ngược lại. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Nhơn Hữu, thừa nhận: “Đây là một thị trường hết sức khó khăn, hầu hết các công ty tư vấn đầu tư gặp bế tắc trong việc khai phá thị trường, buộc phải chuyển hướng kinh doanh”. Nguyên nhân chính là vì DN chưa có “thói quen” sử dụng tư vấn khi đầu tư. Đối với nhiều DN, tư vấn là một loại hình xa vời, nặng về lý thuyết và thiếu thực tế. Chính vì lối tư duy này nên nhiều chủ DN tự tìm hiểu và tự quyết định hoạt động đầu tư, mua sắm của DN. Theo đánh giá của một chuyên viên kinh tế, đại đa số các DN tư nhân hiện nay quá chủ quan với vốn kiến thức tự tích lũy của mình, đích thân sang nước ngoài để tìm hiểu về máy móc, công nghệ và quyết định mua ngay sau khi về nước. Vì lẽ này, giữa DN và các đơn vị tư vấn ngày càng có khoảng cách.
Lý do tế nhị: “Hoa hồng” và “lại quả”
Các DN Nhà nước cũng “ngại” nhờ tư vấn. Hiện nay, có rất nhiều DN Nhà nước làm ăn hiệu quả, có thừa đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật viên nên có thể tự thẩm định được các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, có không ít DN thuê hẳn chuyên gia tư vấn của nước ngoài. Nhưng, vẫn còn nhiều DN Nhà nước, dù thiếu đội ngũ cán bộ tư vấn riêng (hoặc có nhưng không đủ năng lực), vẫn dứt khoát không tìm tới công ty tư vấn vì lý do khá “tế nhị”, đó là khoản tiền hoa hồng mà cá nhân – người quyết định hợp đồng mua bán – được hưởng. Nếu nhờ đơn vị tư vấn thì cá nhân đó sẽ mất đứt khoản hoa hồng kia. Bài học về mua sắm dây chuyền sản xuất đã... lỗi thời cho Nhà máy Dệt Nam Định trước đây, đến nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi, minh chứng rằng việc tư lợi trong hoạt động đầu tư sẽ giết chết DN.
DN bị thiệt thòi
Phải thừa nhận một điều rằng, không phải lúc nào DN cũng bắt buộc tìm tới công ty tư vấn đầu tư, bởi họ có những nguyên tắc về bảo mật hoạt động kinh doanh. Nhưng, để hạn chế tối đa những rủi ro trong hoạt động đầu tư, DN không nên xem nhẹ vai trò của công ty tư vấn. Ông Nguyễn Thành Nhơn có kể câu chuyện về một tổng công ty Nhà nước trước đây đầu tư 10 tỉ đồng để nhập dây chuyền thiết bị nghiền, sàng đá. Vì thiếu khảo sát thị trường trong nước, không nhờ công ty tư vấn về thiết bị nên đã mua nhầm hàng không phù hợp, giá cao, trong khi giá bán trong nước chỉ hơn 1 tỉ đồng! Trong trường hợp này, thiệt hại càng lớn hơn khi tiến độ sản xuất bị đình trệ.
Ông Phan Tâm Tình, Giám đốc Công ty Tư vấn T.Q.M, cho biết: “Nhiều DN tư nhân có tiếp cận dịch vụ tư vấn đầu tư nhưng tiếp cận không chính thức, hoặc sơ sài. Điều này cũng có thể dẫn tới những hệ lụy”. Theo các công ty tư vấn, số DN tư nhân đầu tư sai vì thiếu tư vấn có rất nhiều, nhưng đại đa số giấu nhẹm, một thời gian sau mới tìm đến công ty tư vấn để nhờ “gỡ”. Có thể kể đến trường hợp của một DN chế biến thực phẩm - bao bì mới đây đã nhập một giàn máy đóng gói của Đài Loan với giá hết sức “hời”. Về sau mới biết sản phẩm này đã quá đát, tuổi thọ chỉ còn vài năm. Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, không đánh giá đúng, không sử dụng hết tính năng của thiết bị thì cũng đã là lãng phí rồi. Với những nguyên nhân phân tích trên, có thể thấy thị trường tư vấn đầu tư dù rất tiềm năng nhưng đang còn bỏ ngỏ.
(Theo NLĐ)
Về đầu trang
‘Cháy chợ’ bất động sản
“Đã hơn 20 năm trong nghề tư vấn đầu tư, kinh doanh bất động sản, tôi nhận thấy một điều rất lạ trên thị trường bất động sản ở hai thành phố lớn nhất của Việt Nam hiện nay: diện tích dành cho kinh doanh thương mại, văn phòng cho thuê loại A và loại B hoàn toàn kín chỗ, mặc dù nguồn cung trong 12 tháng qua cũng rất lớn”. Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CB Richard Ellis Việt Nam (một công ty Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ địa ốc) đã nhận định như vậy.
|
Bitexco - một cao ốc cho thuê ở TP.HCM. |
Theo kết quả thống kê của CB Richard Ellis, trong những tháng vừa qua, nhu cầu thuê văn phòng cũng như mức giá thuê đều gia tăng đáng kể. Hệ số sử dụng văn phòng cho thuê lên đến hơn 90% ở cả Hà Nội và TP.HCM đối với văn phòng loại A, thậm chí có lúc lên tới 98%, đẩy giá cho thuê lên cao đến mức không bình thường.
Giá cho thuê văn phòng loại A tại Hà Nội trung bình là 23 - 31 USD/m2/tháng. Sức ép đối với diện tích văn phòng loại B có ít hơn, do một số dự án (như toà nhà Ocean Park) mới được đưa vào hoạt động làm tăng nguồn cung, song hệ số sử dụng vẫn lên đến 74%. Nếu như đa số khách hàng có nhu cầu thuê văn phòng trước đây là các công ty có vốn nước ngoài thì hiện nay đối tượng khách hàng là công ty Việt Nam chiếm một tỷ lệ lớn. Dự báo trong 5 năm tới, khoảng 190.000m2 văn phòng cho thuê có thể được đưa vào hoạt động.
Nhu cầu về địa điểm kinh doanh thương mại tại Hà Nội và TP.HCM cũng rất lớn, mặc dù giá cho thuê thường đắt gấp 2 lần giá cho thuê văn phòng. Một yếu tố thuận lợi hiện nay là nhiều tập đoàn bán lẻ lớn đa quốc gia như Dunhill, Mango, Benetton, Cartier... đã và đang có ý định mở rộng hoạt động tại Việt Nam, do những quy định về môi trường kinh doanh cho các nhà bán lẻ nước ngoài vừa qua đã được mở rộng. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh khách sạn cũng đang gặt hái những kết quả rất khả quan trong hai năm trở lại đây.
“Khoảng 5 năm trở về trước, Việt Nam không có khả năng đón những đoàn khách quốc tế lớn, do không có đủ số buồng phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế, song hiện nay tình hình đã khác. Tại TP.HCM và Hà Nội những tháng vừa qua đều có các dự án khách sạn có sao với quy mô hàng trăm phòng được đưa vào sử dụng hoặc đang tích cực triển khai. Doanh thu của khu vực này dự kiến sẽ tăng khoảng 15 đến 20%”, đại diện của CBRE bình luận.
Xây dựng, kinh doanh khu công nghiệp và sân golf được nhìn nhận là hai lĩnh vực đầu tư hứa hẹn khác, mặc dù có sự cạnh tranh khá quyết liệt từ các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Dĩ nhiên, thị trường nhà ở cũng tỏ ra hết sức sôi động, với việc Chính phủ gần đây chủ trương mở rộng cửa hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Gần 70 dự án lớn tại Hà Nội và 20 dự án lớn tại TP.HCM đang được triển khai ở những giai đoạn khác nhau. Đặc biệt, thị trường căn hộ cho thuê đạt tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu dành cho đối tượng người nước ngoài đạt tỷ lệ sử dụng tới hơn 90%, giá cho thuê tăng đều và ổn định suốt 4 năm qua.
Mặc dù chỉ có thể sở hữu các căn hộ trong một thời gian giới hạn, nhưng khách hàng tỏ ra rất ưa chuộng hình thức đầu tư này. Tại toà nhà Pacific Place (Hà Nội), chỉ 3 tháng sau ngày đăng bán (mặc dù cuối năm 2006 mới được nhận nhà), chỉ còn lại khoảng 10%, tức 20 căn hộ chưa có người đăng ký.
Thực tế trên dễ dàng lý giải việc dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh vào thị trường này. Nhiều dự án cao ốc đa năng đang trong quá trình xây dựng hoặc chuẩn bị đưa vào sử dụng với quy mô lớn gấp 2 - 3 lần các dự án từng có. Tại Hà Nội có Vincom, Pacific Place, khu thương mại thuộc Khu đô thị mới Ciputra giai đoạn 2. Tại TP.HCM có An Dong Plaza, The Saigon Pearl... Một số dự án trước đây “đóng băng” nay khởi động lại. Xu hướng đáng lưu ý là ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia tích cực vào thị trường bất động sản cao cấp. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này khuyến cáo rằng, cục diện thị trường cũng như khả năng thu lợi nhuận hấp dẫn từ lĩnh vực này sẽ thay đổi trong 2 đến 3 năm tới, do đặc thù của bất động sản và hoạt động kinh doanh bất động sản. Mặt khác, nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về tính ổn định của các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này.
(Theo Đầu Tư)
Về đầu trang
4.619 xe Toyota phải bảo dưỡng ghế
|
Camry 2.4G |
Mỡ bôi trơn khớp quay lưng ghế trước của ba loại xe Camry 2.4G (sản xuất trong khoảng thời gian từ 5-5-2003 đến 4-8-2004); Corolla Altis (từ 24-2 đến 28-6-2004) và Vios (từ 7-6-2003 đến 20-8-2004) có thể bị đông cứng gây gỉ sét dẫn đến không khóa được lưng ghế.
Công ty ôtô Toyota VN (TMV) đã chính thức giới thiệu “Chương trình bảo dưỡng đặc biệt” bắt đầu thực hiện từ hôm qua 15-10 tại mạng lưới của Toyota trên toàn quốc. Một trong những điểm đặc biệt của chương trình này là việc bảo dưỡng miễn phí cơ cấu điều chỉnh ngả lưng ghế trước được lắp đặt trên 4.619 xe đã lưu hành: 2.016 xe Camry 2.4G (sản xuất trong khoảng thời gian từ 5-5-2003 đến 4-8-2004); 435 xe Corolla Altis (từ 24-2 đến 28-6-2004) và 2.168 xe Vios (từ 7-6-2003 đến 20-8-2004).
Phó tổng giám đốc TMV Lâm Chí Quang lý giải: trong quá trình sản xuất và theo dõi, Toyota đã nhận thấy mỡ bôi trơn khớp quay lưng ghế trước của ba loại xe sản xuất trong thời gian nói trên có thể bị đông cứng gây gỉ sét dẫn đến không khóa được lưng ghế. Việc thực hiện chương trình bảo dưỡng miễn phí nhằm mục đích phòng ngừa hiện tượng này.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang |