1.Khởi động kinh doanh mùa tết
2.Số lượng thẻ thanh toán, tín dụng tăng nhanh
3.Nông sản xuất khẩu: Tăng mạnh về giá và lượng
4.Trung du và miền núi Bắc bộ GDP phải tăng từ 9% đến 10%/năm
5.Thị trường ô tô nóng dần vì thuế
6.Thanh long đồng bằng: Khổ vì... tiềm năng!
Khởi động kinh doanh mùa tết
Chuẩn bị cho thị trường mua sắm tết Ất Dậu 2005, ngay từ giữa tháng 9/2004, các công ty kinh doanh đã hoàn chỉnh kế hoạch thị trường và tiến hành sản xuất trữ hàng bán tết với số lượng nhiều hơn tết Nguyên đán năm ngoái 20 - 60%.
Giá các loại thực phẩm, bánh kẹo, thủy hải sản chế biến… vào dịp tết sẽ tăng khoảng 5 - 10% so với thời điểm giá tháng 10/2004 này. Ông Nguyễn Văn Đức, phó giám đốc công ty Vissan cho biết: giá lạp xưởng có thể tăng dao động quanh mức 5% đến tối đa 7%. Giá các loại giò chả, xúc xích làm từ thịt heo sẽ tăng khoảng 5%. Giá các mặt hàng nông sản, đậu, thực phẩm khô cũng sẽ tăng khoảng 3 - 8%. Còn giá thịt heo bò và các mặt hàng tươi sống như gà, vịt, tôm, cá… sẽ tăng đến mức giá nào thì các nhà kinh doanh chưa thể dự đoán được.
Không thể không tăng giá
Theo lãnh đạo các công ty, họ buộc phải tăng giá khi các nguyên liệu đầu vào đều tăng: bao bì tăng 15 - 20%, phí vận chuyển tăng 5 - 10%, bột - đường - đậu tăng 10 - 20%, bơ, phô mai tăng 5%… Cộng thêm tiền lương cho công nhân phải tăng 10 - 20% vào tháng sản xuất hàng tết nên giá sản phẩm bán ra thị trường sẽ phải tăng. Tăng giá trong tình hình cạnh tranh hiện nay tuy làm giảm sức cạnh tranh, nhưng là tình thế bắt buộc.
Ông Nguyễn Kim Ngân, giám đốc công ty thực phẩm Việt Hương nói: "Sợ nhất là khách hàng cho rằng mình thừa nước đục thả câu, cứ hễ tết là lên giá. Cuộc cạnh tranh giữa các nhãn hiệu hiện nay suy cho cùng là cạnh tranh về giá. Cùng trên nền tảng khẩu vị, chất lượng, phục vụ khách hàng tương đương nhau, cùng nỗ lực đầu tư cho mẫu mã bao bì, quảng bá hình ảnh sản phẩm như nhau, nhãn hiệu nào có mức giá thấp hơn dĩ nhiên sẽ bán được nhiều hơn".
Tạo một chút khác biệt cho sản phẩm để tăng giá là một trong những cách để tăng sức mua đang được các công ty áp dụng. Ông Nguyễn Thanh Sơn, trưởng phòng kinh doanh công ty APT cho biết: "Giá các loại thực phẩm đông lạnh chế biến từ hải sản như chả cá, chả tôm, cá tẩm, gia vị… bán dịp tết sẽ tăng khoảng 5 - 10%, và cách để thuyết phục người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua tốt nhất là tạo ra hương vị mới như thêm chua, thêm cay, thêm hành, thêm lớp vỏ bọc hoặc thay đổi bao bì…".
Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng
Giá tăng, nhưng sức mua sẽ không giảm. Đó là cơ sở để các nhà kinh doanh quyết định tăng sản lượng hàng hóa chuẩn bị cho mùa vụ tết này khá dồi dào. So với tết năm ngoái, APT sản xuất nhiều hơn 30%, Bibica 20%, Vissan từ 20 - trên 30% tùy mặt hàng, Việt Hương 50%… Ngoài kế hoạch, các công ty vẫn dự trù thêm trên 10% nguyên liệu hoặc sản phẩm để kịp đáp ứng cho thị trường tăng đột biến vào giờ chót.
Tính đến thời điểm hiện nay, mỗi đơn vị sản xuất thực phẩm chế biến bán tết có ít nhất là 5 loại sản phẩm mới chuẩn bị ra mắt người tiêu dùng từ tháng 11/2004. Bên cạnh lạp xưởng thịt heo, tết này lạp xưởng cá, tôm, hải sản sẽ có thêm một số khẩu vị mới. Thủy hải sản đông lạnh dùng trong các gia đình có đủ món từ lẩu chua cay kiểu Thái, kiểu Nhật cho đến cà ri, xốt ngũ vị…
Để tạo nét mới, Việt Hương đang chuẩn bị làm cây nem nặng 100kg, cây chả lụa nặng 250kg để mời người tiêu dùng ăn miễn phí vào tháng 12/2004 tại Tao Đàn. Các quầy giới thiệu sản phẩm mới, lịch đăng ký chương trình hoạt động dành cho khách hàng ở các siêu thị cũng đã kín chỗ.
Các sản phẩm hóa mỹ phẩm vừa ra sản phẩm mới, vừa tăng cường tổ chức các chương trình dùng thử, ngày hội khách hàng vui chơi miễn phí. Song song đó là các tặng phẩm khuyến mãi và phim, hình ảnh quảng cáo mới "dội bom" liên tục.
Với nhóm hàng dệt may, các doanh nghiệp Việt Nam đang chọn mùa tết để khởi động xu hướng kinh doanh cao cấp và giới thiệu thương hiệu mới để đánh bóng tên tuổi. Dệt Thái Tuấn đầu tư hàng tỉ đồng để quảng bá thương hiệu mới Rosshi và mở trung tâm kinh doanh hàng thời trang, kéo các nhà tạo mẫu đoạt giải tại các cuộc thi vừa qua về với công ty để có thể vừa cung cấp chất liệu, vừa đảm nhận dịch vụ thiết kế.
May Nhà Bè chuẩn bị lượng quần áo thời trang may sẵn hơn 200% so với năm ngoái, mở cửa hàng chuyên bán veste và quần áo dạ hội, công sở cao cấp mặc dịp Noel, tết cho quý ông, quý bà với mức giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/bộ. Chỉ tính riêng việc hoàn chỉnh kích cỡ cho bộ veste may sẵn, Nhà Bè đã đầu tư cả tỉ đồng để cho ra 40 size khác nhau theo nhu cầu riêng của người Việt Nam.
Bán một tháng tết doanh thu cao hơn 10 lần tháng bình thường, vì lẽ đó mà các nhà kinh doanh luôn "chu đáo" với mùa vụ tết.
(Theo SGTT)
Về đầu trang
Số lượng thẻ thanh toán, tín dụng tăng nhanh
Tốc độ phát triển số lượng thẻ thanh toán, tín dụng của các ngân hàng thương mại đang tăng nhanh chóng với tổng số lượng thẻ trong cả nước là 500.000 thẻ.
Thẻ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (EAB) từ đầu năm đến nay tăng rất nhanh, từ 15.000 thẻ (cuối năm 2003) lên đến 62.000 thẻ hiện nay. Sau 1 tháng đưa vào hoạt động, thẻ đa năng Saigon Bankcard của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công thương cũng đạt được 8.500 thẻ...
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho khách hàng sử dụng thẻ, một số ngân hàng vừa đưa ra thêm các dịch vụ mới. Khách hàng sử dụng thẻ đa năng của EAB có thể trả góp cước phí trả trước (850.000đ) trong chương trình "Điện thoại trao tay" của S-Fone mà không tính lãi suất. Khách sử dụng thẻ đa năng Saigon Bankcard có thể gửi tiền, rút tiền, thanh toán, thấu chi (sử dụng vượt mức số tiền có trong tài khoản khoảng 50 triệu đồng)...
(Theo TN)
Về đầu trang
Nông sản xuất khẩu: Tăng mạnh về giá và lượng
Theo Bộ Thương mại, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực tăng mạnh về lượng và giá. Trong đó, mặt hàng có giá trị tăng cao nhất là gạo, với 779 triệu USD, tăng 79 triệu USD so với kế hoạch năm 2004 và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2003.
|
Đồ gỗ xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu ở Công ty Koda (KCN Tân Tạo). |
Hiện nay các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 3,3 triệu tấn và ký thêm được khoảng 400 ngàn tấn, khả năng đạt 3,8 - 3,9 triệu tấn như năm rồi là trong tầm tay. Điều khác cơ bản là lượng gạo xuất tương đương năm 2003 nhưng giá trị tăng thêm 15% (khoảng 34 USD/tấn) và vẫn còn trên 1/2 triệu tấn làm chân hàng xuất khẩu cho năm sau.
Đồ gỗ xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu ở Công ty Koda (KCN Tân Tạo). Trong khi đó, con số 751 ngàn tấn cà phê đã được xuất khẩu hiện nay, đạt trên 500 triệu USD, tăng hơn 49% về lượng và 44,4% về trị giá so cùng kỳ năm rồi, đã vượt kỷ lục xuất 482,5 ngàn tấn cà phê (năm 1999).
Với tiến độ này, năm 2004 kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 900 ngàn tấn, khoảng 590 triệu USD. Dù chỉ bằng phân nửa giá xuất khẩu bình quân năm 1999 (1.213 USD/tấn), nhưng nhờ tăng gấp 2 lần lượng cà phê xuất khẩu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay vẫn cao hơn năm 1999.
Kim ngạch xuất khẩu điều nhân cũng tăng trên 43%, với hơn 286 triệu USD. Theo ông Hồ Ngọc Cầm, Chủ tịch Hiệp hội Cây điều VN, giá điều vẫn tiếp tục tăng mạnh thời gian gần đây, trên 5.000 USD/tấn (giá cao nhất từ năm 1997), là điều thuận lợi và khuyến khích người dân trồng và chăm sóc để có năng suất cao hơn cho mùa vụ tới. Dự kiến năm nay có thể xuất khẩu 90.000 tấn điều nhân (tương đương khoảng 420 - 450 triệu USD).
Ngoài ra, với khoảng 85.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu hiện nay, đạt 123 triệu USD (tăng 41%), Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Lượng tiêu xuất khẩu qua nước trung gian như Singapore là 70%, nay chỉ còn 7%. Hồ tiêu VN mở rộng sang nhiều thị trường mới như EU, Trung Đông…
Các mặt hàng nông sản khác cũng đạt khá, như rau quả, đạt 123 triệu USD (tăng 5,1%); cao su đạt 294 triệu USD (tăng 22,4%); trà đạt 67 triệu USD (tăng trên 52%). Nhưng ấn tượng nhất là mặt hàng gỗ chế biến, đạt 741 triệu USD (tăng 86,2%), có khả năng năm nay con số xuất khẩu sẽ đạt 1 tỉ USD. Dù gặp khó khăn về thị trường Mỹ (vụ kiện tôm), nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn đạt trên 1,6 tỉ USD (tăng 1,8%)… 9 tháng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ hải sản đạt trên 3,85 tỷ USD.
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Trung du và miền núi Bắc bộ GDP phải tăng từ 9% đến 10%/năm
Mục tiêu phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, trong đó, quan trọng nhất là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 9%-10% để tới năm 2010 bình quân đầu người gấp 2,5 lần so với năm 2000.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tỷ trọng GDP các ngành nông, lâm, ngư nghiệp vào khoảng 26%, ngành công nghiệp và xây dựng 34% và dịch vụ 40% trong tổng GDP của vùng.
Đó là một nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2010, được tổ chức tại tỉnh Yên Bái trong 2 ngày 16, 17-10 vừa qua dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trương Tấn Sang.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu trong vùng thể hiện quyết tâm thực hiện cho được các mục tiêu phát triển xã hội, phấn đấu đến năm 2010 có 60%-70% số xã có bác sĩ; 100% số trạm y tế xã, cơ sở y tế và phòng khám đa khoa khu vực được chuẩn hóa, 25%-30% tổng lao động được đào tạo có kỹ thuật...
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ sẽ hướng vào mục tiêu nâng cấp và hoàn thiện hệ thống các trục giao thông chính nối với vùng đồng bằng sông Hồng và các tuyến đường nhánh đến các trung tâm phát triển kinh tế, các vùng kinh tế mới.
Hình thành một số đường cao tốc quốc gia gắn với hành lang phát triển kinh tế ở những nơi có nhu cầu, đồng bộ hóa các tuyến trục giao thông dọc, ngang, mạng lưới thông tin nối với các đầu mối của quốc gia... Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở khai thác thế mạnh về khoáng sản, tài nguyên nông lâm nghiệp, du lịch, đặc biệt là chăn nuôi gia súc; phát triển các ngành khai khoáng, cơ khí, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ chế biến nông lâm sản…
Đồng thời, các tỉnh trong vùng cần mở rộng giao lưu qua biên giới với Trung Quốc và Lào, tiếp tục đầu tư phát triển du lịch Sa Pa, Điện Biên Phủ; khai thác có hiệu quả các hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai - Hà Nội, Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng...
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Thị trường ô tô nóng dần vì thuế
|
Khách hàng tìm mua ô tô tại showroom của MeKong Auto trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1-TP.HCM. |
Từ ngày 1-1-2005, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô du lịch tăng lên 40%, sau đó lại tăng đến 56%, rồi 80% vào năm 2007
Những ngày vừa qua, thị trường ô tô du lịch (xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống) lại bắt đầu “nóng”. Tại các cửa hàng trưng bày và bán lẻ xe hơi trên địa bàn TPHCM, giá bán tuy chưa tăng nhưng số người mua xe ngày càng nhiều. Các nhân viên kinh doanh ô tô cho biết nếu không mua sớm thì tháng sau giá xe sẽ tăng lên...?
Thuế tăng theo lộ trình
Theo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, từ đầu năm 2004 dòng ô tô du lịch từ 5 chỗ ngồi trở xuống nếu nhập khẩu nguyên chiếc thì thuế suất thuế TTĐB là 80% (trước đó là 100%), còn sản xuất trong nước là 24%. Nhưng từ ngày 1-1-2005 thuế suất này sẽ tăng lên 40%, đến 2006 sẽ tới 56% và năm 2007 là 80%, ngang bằng với ô tô nhập khẩu cùng chủng loại. Theo tiến sĩ Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế của Bộ Tài chính, sở dĩ thuế suất này điều chỉnh liên tục như vậy là nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô trong nước có thời gian để đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển thị phần.
Được biết, sau khi tăng thuế TTĐB vào đầu năm nay, sức tiêu thụ ô tô trên thị trường nội địa đã giảm khá nhiều, đặc biệt là dòng ô tô du lịch. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), trong 9 tháng đầu năm nay lượng ô tô của các thành viên thuộc VAMA bán ra thị trường chỉ đạt 22.447 chiếc, giảm 3.344 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Nếu đầu năm 2005 thuế TTĐB vẫn tăng theo lộ trình thì có thể sức mua thị trường sẽ giảm nhiều hơn. VAMA đã gửi văn bản lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan bày tỏ sự lo ngại cho thị trường ô tô sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong những năm tới cho đến năm 2007, nếu Chính phủ vẫn cho giữ nguyên lộ trình tăng thuế TTĐB như đã nêu trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này Chính phủ chưa có ý kiến gì trước phản ứng của VAMA, vì vậy nhiều người cho rằng việc tăng thuế TTĐB theo lộ trình là khó tránh khỏi.
Không để xe tồn kho?
Theo VAMA, nếu thuế TTĐB tăng từ 24% lên 40% thì giá ô tô du lịch sẽ tăng thêm khoảng 15% so với hiện nay. Mức tăng giá này người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu. Trước áp lực tăng giá xe vào năm tới, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sắm ô tô du lịch tranh thủ mua sớm để có giá rẻ làm cho thị trường ô tô đang nóng lên. Số khách hàng mua xe trên cả nước đang tăng dần theo thời gian ngày càng kề cận giờ G. Trong tháng 9, số xe của VAMA bán ra 3.432 chiếc, tăng 1.032 chiếc so với mức trung bình của 8 tháng đầu năm. Trong những ngày đầu tháng 10 lượng xe bán ra tăng cao hơn. Nhiều công ty đang gấp rút tranh thủ sản xuất để bán hàng trước thời điểm tăng thuế TTĐB. Ông Makoto Sasagawa, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, cho biết: Toyota VN sản xuất cả ngày nghỉ, tuyển thêm công nhân, đầu tư thêm trang thiết bị... để tăng 46% số lượng xe sản xuất hằng ngày trong suốt quý IV năm nay mà vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường. Nhưng sự tăng trưởng này rất không ổn định, gia tăng nhanh nhưng cũng sẽ giảm nhanh. Vì sợ đầu năm 2005 khi thuế TTĐB tăng thì sẽ khó bán xe nên Toyota nỗ lực để giao toàn bộ số xe sản xuất trong 2004 đến tay người tiêu dùng, không có xe để tồn kho?
Sức tiêu thụ ô tô sản xuất trong nước còn thấp
Theo tính toán của Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, nếu tính cả yếu tố ưu đãi về giảm thuế TTĐB và mức bảo hộ qua thuế nhập khẩu thì ô tô sản xuất trong nước hiện nay vẫn được bảo hộ về thuế khoảng từ 100% - 230% so với xe nhập khẩu, tùy theo từng loại. Trong đó, mức bảo hộ đối với loại xe du lịch dưới 6 chỗ ngồi hiện đang vào khoảng 230%, nên tại VN ô tô bán giá đắt nhất so với các nước trong khu vực. Một nhà buôn phụ tùng ô tô từ Campuchia cho biết, bên Campuchia giá ô tô rẻ đến mức các nhà buôn mua xe mới rồi tháo vứt bỏ khung sườn, vỏ máy, chỉ đem linh kiện, phụ tùng về VN bán vẫn thu siêu lợi nhuận...
Chính phủ đang đầu tư, khuyến khích ngành ô tô phát triển, nhưng lại đánh thuế mặt hàng này rất cao làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Sức tiêu thụ ô tô sản xuất trong nước của VN thấp, chỉ bằng khoảng 8% của Thái Lan. Điều này đang làm cho ngành công nghiệp này trở nên èo uột.
(Theo NLD)
Về đầu trang
Thanh long đồng bằng: Khổ vì... tiềm năng!
Trồng đến cả ngàn hecta thanh long nhưng nông dân Tiền Giang (TG) và Long An (LA) vẫn phải tự chở thanh long đi bán.
Người trồng thanh long ở hai tỉnh trên đều phải “tự cứu” mình vì thương lái đến tận vườn mua thanh long không nhiều, nếu có cũng chỉ chọn những trái ngon nhất, to nhất và đẹp nhất. Tính ra, số thanh long bán cho thương lái loại này chỉ chiếm chừng 10-20% sản lượng, còn lại nếu không tìm cách tiêu thụ coi như phải bỏ cho chim ăn hoặc để cho thối.
Ông Nguyễn Văn Y, ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (TG), cho biết: hiện nay năng suất thanh long chỉ đạt 5-6 tấn/ha. Giá cả thì tùy thời điểm, nhưng thường không quá 2.200đ/kg (loại 0,5 kg/trái trở lên). Nhưng hiện nay loại này chỉ bán được 1.600đ/kg, còn loại 0,3 kg/trái trở lên hiện khoảng 1.000đ/kg.
Thời gian qua chỉ có thanh long Bình Thuận (BT) thường xuyên “xuất ngoại”, còn thanh long TG và LA chỉ “đi” Campuchia trong vòng ba tháng (từ tháng sáu đến tháng tám) với số lượng không đáng kể. Từ tháng chín đến tháng năm năm sau thanh long vùng này chủ yếu tiêu thụ nội địa mà thôi.
Hiện nay tỉnh TG có trên 2.000ha thanh long, chủ yếu được trồng ở huyện Chợ Gạo; còn tỉnh LA có trên 1.000ha thanh long được trồng ở huyện Châu Thành. Diện tích thanh long ở hai tỉnh này liên tục tăng lên, bởi vì người nông dân được ngành nông nghiệp cho biết: “Đây là một trong những loại trái cây có khả năng cạnh tranh”. Nhưng ông Mai Văn Chính, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, nói: “Chưa có thương hiệu, việc xuất khẩu tươi trái thanh long TG và LA sẽ... còn lâu mới trở thành hiện thực”.
Kỹ sư Tạ Minh Tuấn - phòng nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) - cho rằng: “Trong trường hợp thanh long hai tỉnh TG và LA đã có thương hiệu rồi cũng chưa chắc xuất được như thanh long BT. Bởi vì trái thanh long vùng này thua kém thanh long BT cả về hình thức lẫn chất lượng”. Ngay Công ty Rau quả TG cũng thừa nhận hiện công ty không chế biến thanh long, nhưng nếu có chế biến thì cũng thu mua thanh long của… BT, chứ chưa nghĩ tới thanh long hai tỉnh trên (!).
Có người đặt vấn đề: Vì sao không chế biến thanh long đóng hộp rồi xuất khẩu như các loại trái cây khác? Kỹ sư Tạ Minh Tuấn lý giải: do đặc điểm sinh học trái thanh long khác với trái cây khác, nên tới giờ chúng ta chưa thể chế biến được, xuất khẩu tươi hiện vẫn là... số một.
Khả năng cạnh tranh, đó là tiềm năng của trái thanh long. Thế nhưng để tiềm năng thành thế mạnh cạnh tranh thì cần phải làm rất nhiều, từ khâu kỹ thuật đến qui mô sản xuất và đặc biệt là khâu tiêu thụ. Người nông dân mới chỉ được khuyến khích trồng thanh long thì chuyện phải tự sản tự tiêu là điều tất nhiên.
(Theo TT)
Về đầu trang |