Một số tin kinh tế trên các báo ra ngày 15/10
08:48' 15/10/2004 (GMT+7)

1.Chính phủ chỉ đạo tiếp tục kiềm chế tốc độ tăng giá cả  

2.Giá đường tăng do miền Bắc khan hàng  

3.Triển khai dự án hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển XK  

4.Khách nhập cảnh có thể không phải khai báo hải quan  

5.Bùng nổ trung tâm thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh 

6.Dư luận Thái Lan đánh giá cao tiềm lực hàng không VN

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục kiềm chế tốc độ tăng giá cả

Hàng thực phẩm tươi và hoa quả đồng loạt tăng giá trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá trong thời gian tới, đặc biệt kiểm soát đầu vào đối với những mặt hàng sản xuất trong nước phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu có giá tăng cao đột biến.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Y tế, Thương mại phối hợp chặt chẽ để thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá của Chính phủ, nhằm bảo đảm nguồn cung. Các biện pháp cần đặc biệt quan tâm đến việc bình ổn giá xăng dầu, phân bón, thóc gạo, thuốc chữa bệnh, thép, mía đường, đồng thời khẩn trương hoàn thiện quy chế điều hành kinh doanh một số mặt hàng trọng yếu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là các tỉnh trọng điểm sản xuất lương thực, phối hợp với các bộ liên quan đẩy mạnh sản xuất, khôi phục nhanh đàn gia cầm, kiểm soát hệ thống cung ứng thức ăn để kiềm chế tăng giá thực phẩm; điều hành tốt công tác xuất khẩu gạo để tránh việc đẩy giá thóc trong nước tăng đột biến.

Các bộ quản lý ngành hàng phối hợp với tổ điều hành thị trường trong nước xây dựng kế hoạch cân đối cung - cầu, thị trường và giải pháp bình ổn thị trường trong nước đối với các mặt hàng trọng yếu năm 2005 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng này.

(Theo TTXVN)

Về đầu trang 

Giá đường tăng do miền Bắc khan hàng

Ngành mía đường

Giá đường đã nhích nhẹ, so với hai tuần trước giá đường ở Hà Nội tăng khoảng 200 đồng/kg, TP.HCM tăng trên 50 đồng/kg. Hiện tại TP.HCM giá bán sỉ đường RS dao động từ 5.400-5.600 đồng/kg, đường RE loại tốt trên 6.350 đồng/kg...

Giá đường tăng vì đang giáp vụ (mới có các nhà máy đường ở miền Tây vào vụ sản xuất); miền Bắc thiếu đường, từ chỗ chuyển vào tiêu thụ ở phía Nam nay các doanh nghiệp phải đưa đường ra phía Bắc. Tình trạng thiếu hụt đường kéo dài thêm 2-3 tuần nữa vì miền Bắc cũng chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mía đường 2003-2004.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đường đang phối hợp không tăng giá quá cao đề phòng đường Thái Lan nhập lậu có thể tác động xấu đến sản xuất đường trong nước. Theo các doanh nghiệp đường, nếu giá tăng thêm quá 200 đồng/kg thì đường Thái Lan sẽ tràn vào.

* Trong khi đó giá mía vùng ngập lũ ở miền Tây tiếp tục tăng. Mua cao nhất là Công ty Mía đường Cần Thơ, 280.000-330.000 đồng/tấn (tùy chất lượng) trong khi đầu vụ chỉ dao động 200.000-240.000 đồng/tấn.

Do giá mía tăng cao, đã có nhà máy đường bỏ cuộc vì sợ lỗ. Tuy vậy cuộc cạnh tranh mua mía vẫn khá căng thẳng theo hướng có lợi cho người trồng mía.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

 

Về đầu trang 

Triển khai dự án hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển XK

Trong 2 ngày 14-15.10, Cục xúc tiến thương mại, Bộ thương mại (VIETRADE) sẽ tổ chức một chương trình đào tạo xây dựng năng lực phân tích thị trường và lập chiến lược xuất khẩu cho các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến-hỗ trợ thương mại và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đây là chương trình phối hợp với Dự án VIE/61/94 “Hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu” do Chính phủ Thụy Sĩ và Chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ.

Khoá tập huấn đầu tiên này diễn ra tại Tp.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội nhằm giới thiệu kỹ năng sử dụng các công cụ phân tích thị trường của ITC trên Internet như Trademap Việt Nam và Producmap Việt Nam.

(Theo VnEconomy)

 

Về đầu trang 

Khách nhập cảnh có thể không phải khai báo hải quan

Làm thủ tục nhập cảnh tại Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.

Tổng cục Hải quan vừa có công văn về việc cải cách thủ tục khai báo hành lý của khách xuất nhập cảnh. Theo đó, những hành khách xuất nhập cảnh thuộc diện không phải khai báo hải quan, nếu hành lý không vượt định mức miễn thuế theo quy định tại Nghị định 66/2002/NĐ - CP ngày 1.7.2002 của Chính phủ.

Theo đó, hành khách không có hàng cấm xuất, nhập khẩu hoặc xuất, nhập khẩu có điều kiện, không có hàng gửi trước hoặc sau chuyến đi, không có hàng hóa, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập, vàng và ngoại hối dưới mức phải khai báo trên tờ khai xuất nhập cảnh CHY- 2000 (tờ khai chung của 2 ngành công an và hải quan).

Như vậy, hành khách nằm trong những diện nói trên chỉ cần đưa hành lý qua máy soi là xong, không phải đưa cho nhân viên hải quan ký và đóng dấu như trước đây.

(Theo NLĐ)

 

Về đầu trang 

Bùng nổ trung tâm thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tòa nhà Diamond Plaza ở Q.1 TP.HCM.

Cuối tuần qua, Công ty Vạn Thịnh Phát (VTP) đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại - Khách sạn du lịch An Đông Plaza tại quận 5, TP.HCM. Việc An Đông Plaza đi vào hoạt động cho thấy, các trung tâm thương mại (TTTM) đang có chiều hướng bùng nổ tại TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó tổng giám đốc VTP, tòa nhà TTTM này có tổng diện tích hơn 6.000 m2, gồm 22 tầng chính và một tầng hầm giữ xe, được xây dựng theo mô hình kết hợp kinh doanh với du lịch. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD (100% vốn là của doanh nghiệp Việt Nam). An Đông Plaza được chia thành 3 khu vực với nhiều ngành nghề kinh doanh: nhà hàng khách sạn, dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu, quảng cáo, xây dựng, bất động sản, thu đổi ngoại tệ...

Từ tầng trệt đến tầng 3 (hơn 18.000 m2) gồm 2.000 gian hàng được phân cách bằng vách ngăn di động để thuận tiện trong việc trưng bày hàng hoá. Hệ thống nhà hàng dịch vụ từ tầng 4 đến tầng 7 (10.000 m2) phục vụ các hoạt động thể dục thẩm mỹ, massage, karaoke, bar, nhà hàng thức ăn nhanh, nhà hàng Việt, Á, Âu, tiệc cưới, liên hoan... Một khách sạn 5 sao chiếm giữ từ tầng 8 đến tầng 21, với hơn 40 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế... Ông Lập cho biết, hiện tại từ tầng 1 đến tầng 3 đã có trên 80% gian hàng được tiểu thương đăng ký sang nhượng hoặc thuê dài hạn với thời gian sử dụng 10 năm. Giá sang nhượng, thuê theo diện tích trong 10 năm thấp nhất là 24.000 USD/quầy, cao nhất là 180.000 USD/quầy...

Lý giải sự ra đời ngày càng nhiều TTTM, các chuyên gia địa ốc cho rằng, trong khi mức sống người dân đô thị tăng lên và thời gian rảnh cho việc đi chợ ngày càng eo hẹp thì người dân tìm đến mua sắm tại các TTTM ngày càng nhiều vì các TTTM có ưu điểm là hàng hóa rất phong phú để người tiêu dùng chọn lựa. Đồng thời, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đang có xu hướng chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản theo hình thức đầu tư phát triển các TTTM nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Về phương thức kinh doanh, nếu “tinh ý” sẽ nhận thấy điểm khác biệt giữa các TTTM. Nếu như tại Diamond Plaza và Saigontourist, tầng trệt thường là lãnh địa của các thương hiệu cao cấp với giá tối thiểu cũng phải vài triệu đồng/món, thì ngược lại, tầng trệt của Thương xá TAX, ZEN Plaza lại dành cho các thương hiệu có uy tín, chất lượng ổn định và giá thành vừa túi tiền. Do vậy, TAX dù thay đổi nhiều về hình thức nhưng về cơ bản vẫn là một “cửa hàng bách hóa” cao cấp, hơn là một trung tâm mua sắm hiện đại.

Tương tự, TTTM An Đông Plaza mới khai trương dù được giới thiệu là TTTM dịch vụ khách sạn nhưng nếu dạo quanh một vòng thì ngoài tầng trệt là các cửa hàng cao cấp, các tầng còn lại chính là một trung tâm mua hàng bán sỉ các loại. Thậm chí, nhiều khách hàng đến tham quan nơi đây sau ngày khai trương đã nói vui “An Đông Plaza là Chợ An Đông cao cấp”... Nhưng nói thế không phải là có sự phân biệt “đẳng cấp”, mà xét cho cùng đây chính là lợi thế cạnh tranh kinh doanh của các chủ đầu tư TTTM cũng như là đích ngắm của chính các hộ kinh doanh khi chọn điểm thuê cửa hàng kinh doanh và đây cũng chính là nét riêng tạo ưu thế cạnh tranh của các TTTM.

Bây giờ còn quá sớm để kết luận mô hình nào là thành công và sẽ thăng hoa, nhưng dù thế nào thì mô hình kinh doanh TTTM sẽ vẫn tiếp tục hình thành, tồn tại và ra đời và đương nhiên áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, theo các chủ đầu tư, xu hướng xây dựng TTTM là một xu hướng đầu tư được xem là hiệu quả trong thị trường bất động sản hiện nay.

(Theo Đầu Tư)

 

Về đầu trang 

Dư luận Thái Lan đánh giá cao tiềm lực hàng không VN

Vietnam Airline

Tờ Nhà quản lý của Thái Lan số ra ngày 14/10 có bài viết về tiềm lực hàng không của Việt Nam, trong đó nêu rõ mấy năm gần đây, ngành công nghiệp hàng không Việt Nam lớn mạnh rất nhanh chóng.

Bài báo cho biết Hãng hàng không quốc gia phát triển mạnh đội ngũ máy bay nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, còn Chính phủ Việt Nam đang tiến hành xây dựng hoặc nâng cấp nhiều sân bay do số lượng máy bay cất, hạ cánh tăng nhiều và lượng khách ngày càng gia tăng.

Bài báo dẫn đánh giá của nhiều nhà chuyên môn cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ trở thành "Cửa Đông" của Đông Nam Á, tương tự như sân bay Changi (Xinhgapo), ở điểm cực Nam của Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng thêm một sân bay nữa ở Long Thành, thuộc tỉnh Đồng Nai, với qui mô lớn gấp 3 sân bay Xuvănnaphum, đang được thi công của Thái Lan.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn có kế hoạch cải tạo, nâng cấp khoảng 2-3 sân bay ở khu vực miền Trung và sân bay quốc tế Nội Bài ở thủ đô Hà Nội. Năm nay, hàng không Việt Nam đặt mua nhiều máy bay thế hệ mới nhằm phát triển các tuyến tầm trung và tầm xa.

Nhiều hãng hàng không nước ngoài cũng không ngừng tăng chuyến bay tới Việt Nam, tiêu biểu có hãng United Airlines của Mỹ với dự kiến nối lại tuyến bay sang Việt Nam vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã liên doanh với Air France để hàng ngày có chuyến bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và châu Âu./.

(Theo TTXVN)

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi