Một số thông tin kinh tế trên các báo ra ngày 13/10
09:35' 13/10/2004 (GMT+7)

1. “Doanh nhân vẫn bị xem như chùm khế ngọt”

2. Rau thương hiệu 

3. Dự án BOT không còn lực hút 

4. Nhập lượng lớn bắp Thái!  

5.Cuộc cạnh tranh mới đã bắt đầu

6. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi đầu tư hiệu quả hơn

Doanh nhân Việt, anh là ai?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam:

“Doanh nhân vẫn bị xem như chùm khế ngọt”

Soạn: AM 169394 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

“Phải thừa nhận một điều là môi trường kinh doanh hiện nay đã tạo thuận lợi cho doanh nhân (DN) rất nhiều, song trên thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước thay vì tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN thì ngược lại xem DN như chùm khế ngọt, bầu sữa mà ai cũng có thể vắt được...”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - thành viên ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại, Bộ Thương mại) - nhận xét.

Về đội ngũ DN hiện nay, ông Nam cho rằng: “So với cách đây vài năm thì đội ngũ DN của chúng ta lớn mạnh hơn rất nhiều, đặc biệt là lớp DN trẻ. Nhiều DN hiện nay đã được đào tạo khá bài bản và có thể tự mình thao tác trên máy tính, tự mình liên hệ với khách hàng bằng nhiều thứ tiếng...

Tôi đã từng gặp và tiếp xúc với nhiều tổng giám đốc, giám đốc tuổi chỉ 30 - 35, họ đều có một nền tảng tri thức rất cao và đã trưởng thành khi xông pha ra thị trường thế giới giao dịch mua bán.

Tuy nhiên, nói về kinh nghiệm thương trường thì theo tôi, DN của chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn tập sự. Và cũng phải thừa nhận là tính cộng đồng trong DN của chúng ta còn thấp, chưa thật sự tập hợp lại thành một khối vững mạnh như nhiều nước đã làm được”.

Tuy vậy, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam vẫn lạc quan: “Trong bộ phận DN của chúng ta hiện nay đã có những người tích lũy hàng triệu USD và sản phẩm của họ đã được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến. Nhiều DN đã trưởng thành rất nhanh chóng bằng chính đôi chân của họ.

Và tôi tin chắc nếu chúng ta thay đổi cách nhìn hiện nay với DN để có những chính sách hỗ trợ, kích thích tinh thần kinh doanh thì đội ngũ DN sẽ lớn mạnh lên rất nhanh chóng và chắc chắn sẽ không thua kém DN Thái Lan, Malaysia...”.

(Theo Tuổi Trẻ)

Về đầu trang 

Rau thương hiệu

Lần đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện những cửa hàng bán rau an toàn (RAT) mang thương hiệu Bảo Hà, có mã vạch kiểm định chất lượng. Toàn bộ quy trình từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đều được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội kiểm định, người tiêu dùng được bảo hiểm.

Gắn mã số đến từng hộ nông dân

HTX rau Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) được Chi cục BVTV Hà Nội chọn làm điểm sản xuất RAT mang thương hiệu Bảo Hà. Mỗi ngày, Đặng Xá cung cấp cho thị trường gần một tấn RAT các loại. Anh Bùi Thế Hiển - Chủ tịch Hội nông dân, kiêm Chủ nhiệm HTX Đặng Xá cho biết: Chi cục BVTV lập hồ sơ theo dõi các hộ dân tham gia mô hình đồng thời cử hai cán bộ kỹ thuật xuống cắm điểm, hướng dẫn, giám sát nông dân từ khâu sản xuất đến thu hoạch rau. Hộ nào làm sai quy trình sản xuất, sử dụng thuốc BVTV không theo hướng dẫn sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, cảnh cáo đến loại khỏi mô hình.

Ông Nguyễn Hồng Anh - Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Nội cho biết: Chúng tôi chọn những vùng đất chuyên rau, hàm lượng kim loại nặng ở mức cho phép, cách xa các cơ quan xí nghiệp, bệnh viện để triển khai mô hình sản xuất RAT. Nguồn nước tưới cho rau là nước phù sa hoặc nước giếng khoan. Nông dân không sử dụng phân tươi mà chỉ được phép sử dụng chất BVTV sinh học, có thời gian cách ly ngắn. Chi cục hỗ trợ 30% giá phân bón cho nông dân.

Theo ông Hồng Anh, sử dụng các loại thuốc sinh học sẽ làm cho năng suất rau bị giảm. Tuy nhiên, Chi cục sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại cho nông dân. Sau khi thu hoạch, nông dân có quyền quyết định giá bán rau. Chi cục sẽ thu mua toàn bộ rau, sau đó niêm phong, gắn mã số trước khi chuyển về xưởng đóng gói.

Tháng 8-2004, Chi cục BVTV Hà Nội đã tiến hành đăng ký mã vạch cho sản phẩm rau mang thương hiệu Bảo Hà tại Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hệ thống mã vạch gồm 13 số, mã hóa các thông tin: tên HTX sản xuất rau, tên của người sản xuất. Người tiêu dùng muốn tra cứu nguồn gốc sản phẩm chỉ cần đem bao bì có tem mã vạch đến tra cứu trên máy tính sẽ biết ngay rau đó của hộ nào, HTX nào sản xuất. "Chúng tôi gắn mã số cho từng hộ nông dân để quản lý sản phẩm thông qua mã vạch"- ông Hồng Anh nói.

Để việc đóng gói và niêm phong sản phẩm phù hợp với từng loại rau và theo nhu cầu của người tiêu dùng, bao bì các sản phẩm đựng rau an toàn mang thương hiệu Bảo Hà được thiết kế và niêm phong theo ba hình thức: rau đựng trong thùng nhựa, có niêm phong bằng máy hàn dây đai tự động như hình thức kẹp chì. Bó và niêm phong rau cũng bằng máy và dán tem mã vạch lên từng sản phẩm bán lẻ.

Bảo hiểm cho người tiêu dùng

Đến thời điểm hiện nay, Chi cục BVTV Hà Nội mới chỉ ký hợp đồng triển khai mô hình sản xuất RAT với ba HTX, trên tổng diện tích l4ha. Mỗi ngày các HTX này mới cung cấp cho thị trường từ 1,5-2 tấn rau sạch các loại. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường cao hơn gấp nhiều lần. Chị Lê Thị Bắc, thôn Hoàng Long - một trong những hộ sản xuất RAT của HTX Đa Tốn cho biết: "Nhờ thương hiệu Bảo Hà, nhiều cơ quan đã đến tận gia đình đặt mua rau. Giá rau ở địa phương cũng tăng vùn vụt. Rau sạch do nông dân trong HTX sản xuất giá thường cao hơn các loại rau thông thường từ 500-700 đồng/kg".

Ông Bùi Thế Hiển cho biết thêm: Một số siêu thị, nhà hàng, khách sạn đã đặt vấn đề mua rau của HTX với số lượng lớn nhưng do diện tích trồng rau hẹp, chưa đủ chủng loại, sản lượng nên chúng tôi chưa ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ.

Để nông dân cũng như một số cửa hàng bán rau Bảo Hà không lợi dụng thương hiệu, trà trộn các loại rau khác lừa người tiêu dùng, Chi cục BVTV Hà Nội đã xây dựng một mạng lưới giám sát viên. Ông Hồng Anh khẳng định: "Mỗi ruộng rau sau khi thu hoạch phải để lại 1m2 rau làm mẫu. Nếu người tiêu dùng gặp sự cố khi ăn rau mang thương hiệu Bảo Hà, chúng tôi dễ dàng quy trách nhiệm đó là do người sản xuất, người lưu thông hay người bán hàng. Đặc biệt, người tiêu dùng khi sử dụng RAT Bảo Hà sẽ được bảo hiểm nếu bị ngộ độc".

(Theo Nông Thôn Ngày Nay)

 

Về đầu trang 

Dự án BOT không còn lực hút

Soạn: AM 169396 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Chưa bao giờ các dự án hạ tầng giao thông lớn tại TPHCM lại khát vốn đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) như thời điểm này.

Khi nhà đầu tư "bán lúa non"…

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) cách đây không lâu đã đề nghị chuyển giao dự án cầu đường Bình Triệu 2, dự án mà tổng công ty đã thực hiện được khoảng một phần ba theo hình thức BOT, về cho thành phố tiếp tục đầu tư và khai thác. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cienco 5, ông Dương Viết Roãn, cho biết đề nghị này xuất phát từ việc Cienco 5 không thể cân đối về mặt tài chính để vừa tiếp tục đầu tư dự án này vừa thực hiện những dự án khác.

Trước đó, liên doanh CONAC (thuộc Bộ Xây dựng), Cienco 6 và Cienco 8 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) - chủ đầu tư BOT dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương-An Lạc-cũng muốn bán lại quyền thu phí dự án. Dự án này hiện đang trong giai đoạn hoàn chỉnh các hạng mục cuối và thời gian thu phí được dự kiến trong quí 4 năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn chuẩn bị cho việc đàm phán chuyển giao dự án về cho UBNDTP quản lý và khai thác.

Không đủ lực để theo những dự án mới

Tại cuộc họp giữa Chính phủ, các bộ, ngành cùng đại diện ba tỉnh, thành là TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương về ba dự án giao thông lớn của khu vực phía Nam vào giữa tháng 9 vừa qua, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) đã nhận định rằng các nhà đầu tư trong nước đều không có khả năng đầu tư trọn vẹn bất cứ dự án nào.

Đơn cử dự án đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây dài 54km cần đầu tư hơn 5.800 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 30% và phần còn lại do liên doanh gồm bảy nhà đầu tư đảm nhận. PMU Mỹ Thuận cho biết mức vốn trên đã vượt quá cao so với 4.300 tỉ đồng được duyệt từ dự án tiền khả thi cách đây hai năm nên có khả năng các nhà đầu tư không thể thực hiện.

Riêng dự án cầu đường Nhơn Trạch dài 17,5 ki-lô-mét nối từ khu công nghệ cao của TPHCM đến Nhơn Trạch của Đồng Nai hiện nay cần kinh phí gần 2.200 tỉ đồng, vượt 1.000 tỉ đồng so với dự toán trước đây, trong khi khả năng tài chính của liên doanh BOT chỉ gần 800 tỉ đồng.

Tương tự, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1K từ Thủ Đức qua Bình Dương đến Đồng Nai khi được phê duyệt dự kiến vốn đầu tư gần 400 tỉ đồng. Đến thời điểm này các tỉnh lại thay đổi phương án tuyến và vốn đầu tư bị đội lên 662 tỉ đồng, vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu

Trước tình hình thiếu vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành cầu đường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức đã yêu cầu các ban quản lý dự án rà soát và đánh giá năng lực tài chính của từng nhà đầu tư. Sau đó các ban quản lý phải báo cáo tình hình lên bộ kèm theo các hồ sơ chứng từ tài chính để bộ thẩm định trước ngày 15.10 này.

Theo ông Đức, bộ sẽ thẩm định các báo cáo trên và căn cứ vào những đề xuất góp vốn, góp việc của các địa phương để đánh giá khả năng thành công của các dự án và báo cáo lên Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải hy vọng Chính phủ sẽ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhiệm được vị trí chủ đầu tư.

(Theo TBKTVN)

 

Về đầu trang 

Nhập lượng lớn bắp Thái!

TT - Thời gian gần đây hằng ngày có một lượng khá lớn bắp lai được nhập về theo đường tiểu ngạch qua ngả biên giới Tây Nam. Nhiều chủ hàng cho biết bắp này vốn từ Thái Lan được các đầu mối Campuchia nhập khẩu, tập trung sẵn tại các kho bãi ở Phnom Penh, Ta Keo, Kothom...

Sau đó thương lái VN qua mua chuyển về bán lại cho một số đơn vị sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ... Loại bắp này có hạt to, chắc và chất lượng hạt khá đồng đều mà giá mua tại Campuchia trung bình 1.840 đồng/kg, cao hơn so với loại bắp lai trong nước chỉ ngoài 100 đồng/kg nên rất được ưa chuộng, tiêu thụ khá mạnh.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Về đầu trang 

Kinh doanh siêu thị

Cuộc cạnh tranh mới đã bắt đầu

Soạn: AM 169398 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Siêu thị mạng không mất vốn đầu tư mặt bằng sẽ thúc đẩy hoạt động siêu thị có sự cạnh tranh mới.

Tháng 10 này, TPHCM có thêm một siêu thị mới: Modern Mart. Mạng lưới của Modern Mart đang tỏa đi khắp nơi, tiếp thị đến từng nhà dân, mời gọi đăng ký làm hội viên. Siêu thị Modern Mart là mô hình siêu thị trên mạng, bán hàng qua điện thoại.

Tuy nhiên, khác với các siêu thị trên mạng hiện hữu, Modern Mart đã du nhập cách thức mua bán của nhiều nước phát triển trên thế giới. Modern Mart mang đến những dịch vụ khá tiện ích, từ tháng 11 này, chỉ cần ngồi một chỗ truy cập vào website: www.modernmart.com.vn khách hàng có thể tra cứu danh mục hàng hóa cần mua, các chương trình khuyến mãi và click vào đặt hàng.

Không muốn lên mạng, khách hàng chỉ việc mở các bản tin giới thiệu hàng hóa được gửi đến hàng tháng, hàng tuần qua bưu điện để chọn hàng, xem khuyến mãi và đặt mua hàng qua điện thoại. Hàng hóa sẽ được giao tận nhà theo yêu cầu mà không cộng thêm một khoản phí nào; khi Việt Nam chưa phát triển giao dịch thương mại điện tử, thủ tục thanh toán sẽ được thực hiện tại nhà. Tất nhiên, để an toàn và bảo mật, chỉ những khách hàng là hội viên của Modern Mart, có mã số riêng mới thực hiện được các cuộc gọi đặt hàng.

Siêu thị mạng đã từng xuất hiện ở TPHCM như VDC Mart, Gift Mart… nhưng dịch vụ và khuyến mãi đều nghèo nàn. Modern Mart ra đời báo trước một cuộc cạnh tranh mới trong mạng lưới siêu thị, bởi các loại dịch vụ cung ứng không thua các siêu thị đã có tên tuổi: Metro, Coop Mart, Maxi Mart, City Mart, Big C… Cũng chào hàng bán sỉ với đơn giá cam kết sẽ rẻ nhất không thua giá Metro, hướng vào đối tượng khách lẻ bằng các chương trình tính điểm thưởng khá hấp dẫn không thua Coop Mart.

Với lợi thế không mất vốn đầu tư mặt bằng, mạng lưới giao hàng phủ khắp, chi phí thấp, sự ra đời của các siêu thị mạng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh siêu thị bước vào bước ngoặt cạnh tranh mới. Điều quan trọng người dân TP có thêm nhiều dịch vụ tiện ích, ngồi một chỗ đi chợ, hàng hóa giao tận nhà và giá cả hàng hóa sẽ ngày càng rẻ hơn nhờ cạnh tranh!.

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Quyền Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi đầu tư hiệu quả hơn

TT - Chiều 12-10, phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), quyền Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng cần xem xét lại một số dự án, chương trình phát triển chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối, xây dựng hệ thống thủy lợi...

Theo ông Phát, nếu nghề làm muối đạt hiệu quả thấp, có thể hỗ trợ diêm dân chuyển dần sang công việc khác hiệu quả hơn; tương tự là cây lúa, không nên khuyến khích nông dân trồng lúa ở những vùng có năng suất quá thấp mà chuyển sang chăn nuôi hoặc trồng cây khác. Với ngành chăn nuôi bò, cần quan tâm phát triển bò thịt thay vì tập trung cho bò sữa...

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ NN&PTNT sớm qui hoạch phát triển một số vật nuôi như cá sấu, tránh hiện tượng nhiều người đổ xô vào nuôi rồi không tìm được đầu ra.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT TP cho biết từ năm 1995 đến cuối năm 2003 diện tích đất nông nghiệp và nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp giảm mạnh nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp lại tăng với tỉ lệ khá cao, tăng hơn 39%.

Những chương trình đầu tư cho cây giống (dứa cayern, rau an toàn) và con giống (tôm sú, bò sữa) là những nhân tố tích cực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp trên địa bàn phát triển.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi