Một số thông tin kinh tế trên các báo ra ngày 11/10
08:13' 11/10/2004 (GMT+7)

1. Nhập khẩu phôi thép tăng mạnh

2. Giá thức ăn chăn nuôi giảm nhưng vẫn ở mức quá cao

3. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức sẽ đến Việt Nam  

4. Đầu tư 230 triệu USD xây dựng khu du lịch tại Phú Yên 

5. Một thị trường còn bị chia rẽ, manh mún

6. EVN mở rộng kinh doanh viễn thông và sản xuất cơ khí

7. Thành công nhờ quan hệ rộng hay nhờ năng lực?

Nhập khẩu phôi thép tăng mạnh

TT - Theo Bộ Thương mại, lượng phôi thép nhập trong tháng chín ước đạt 150.000 tấn, trị giá 52 triệu USD, tăng 34% so với tháng trước.

Tổng cộng chín tháng, cả nước đã nhập gần 1,515 triệu tấn, trị giá 564 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2003. Trong khi đó lượng thép sản xuất trong nước lại giảm, chỉ đạt 210.000 tấn trong tháng chín, giảm 7,89% so với tháng trước.

Hiện toàn Hiệp hội Thép VN đang tồn khoảng 218.000 tấn thép thành phẩm (Tổng công ty Thép VN chiếm 1/3), tồn kho phôi khoảng 230.000 tấn. Mức tiêu thụ của toàn ngành hiện bước vào giai đoạn thấp điểm do bị mùa mưa chi phối.

(Theo Tuổi Trẻ)

Về đầu trang 

Giá thức ăn chăn nuôi giảm nhưng vẫn ở mức quá cao

TT - Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) có vốn đầu tư nước ngoài vừa đồng loạt giảm giá bán ra các sản phẩm TACN, mức giảm giá cao nhất là 120 đồng/kg đối với loại TACN đậm đặc và thấp nhất là 80 đồng/kg loại TACN hỗn hợp.

Tuy nhiên mức giảm này không đáng kể, chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/bao, tương đương 2-3% nếu so với mức tăng giá trước đây từ 25-30%.

Trước đó, các đơn vị sản xuất TACN trong nước cũng đã giảm giá bán 3-5% so với mức giá cao nhất vào tháng 7-2004. Theo nhận định của một thành viên Hiệp hội TACN, việc điều chỉnh giảm giá bán của các doanh nghiệp TACN chỉ là động thái đối phó với dư luận và phản ứng của các nhà chăn nuôi lớn.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Về đầu trang 

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức sẽ đến Việt Nam

Soạn: AM 167569 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Ditmar Staffelt.

Tiến sĩ Ditmar Staffelt, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Lao động Đức trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên.

* Ông có thể cho biết 3 lĩnh vực sẽ tác động mạnh tới quan hệ kinh tế Việt - Đức trong những năm tới?

- Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đức hiện nay đang tiến triển rất tốt nhưng tôi cho rằng hai bên còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Tôi tin rằng trong thời gian tới đây, quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai bên sẽ có bước phát triển mới. Đặc biệt là trong 3 lĩnh vực: cơ sở hạ tầng; các công nghệ mới như sinh học, môi trường...; tin học và viễn thông.

* Tới Việt Nam lần này, ông có đặt ra những mục tiêu cụ thể nào không?

- Nhìn chung, chúng tôi rất mong muốn các điều kiện khung về hợp tác kinh tế giữa Đức và các quốc gia châu Á sẽ được cải thiện và đó là điều các quốc gia khác tham dự ASEM 5 này mong muốn. Ngoài ra, với tư cách là Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Lao động, tôi có một mục tiêu đặc biệt khi tới Việt Nam: giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức tìm kiếm các cơ hội làm ăn tại đây. Xin lưu ý Đức là một quốc gia phát triển nhưng lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 70% lực lượng lao động và cung cấp 80% việc đào tạo nghề cho lao động tại Đức. Phái đoàn đầu tiên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức sẽ sang Việt Nam vào tháng 11 năm nay và các phái đoàn tiếp theo sẽ tới vào mùa xuân năm 2005.

* Theo ông, cần có những thay đổi gì để tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương Việt - Đức?

- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cần có sự đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho các doanh nhân Đức khi họ đầu tư sang Việt Nam. Thứ hai, chúng tôi cũng muốn ít thủ tục quan liêu, các điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn để có thể mở doanh nghiệp tại đây. Chúng tôi cũng muốn Việt Nam đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách và mở cửa nền kinh tế. Không một quốc gia nào trên thế giới muốn cải thiện môi trường đầu tư lại tìm cách tiếp tục duy trì những hàng rào bảo hộ dày đặc.

(Theo Thanh Niên)

 

Về đầu trang 

Tập đoàn Igu (Hàn Quốc)

Đầu tư 230 triệu USD xây dựng khu du lịch tại Phú Yên

(NLĐ) - Theo văn bản đã ký kết chiều 9-10 giữa lãnh đạo Tập đoàn IGU (Hàn Quốc) và UBND tỉnh Phú Yên, IGU sẽ đầu tư một dự án du lịch lớn tại tỉnh này vào đầu năm 2005.

Dự án này dự kiến được triển khai tại hai xã An Phú và An Chấn, gồm 1 khách sạn 5 sao 450 phòng, 1 sân golf rộng 132 ha, khu vui chơi trên biển, làng văn hóa – ẩm thực truyền thống, cửa hàng miễn thuế và khu nhà nghỉ cao cấp. Tổng kinh phí đầu tư cho khu du lịch này khoảng 230 triệu USD.

(Theo Người Lao Động)

 

Về đầu trang 

Thương mại ASEAN nhìn từ Hội chợ ATF 2004

Một thị trường còn bị chia rẽ, manh mún 

Soạn: AM 167571 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một gian hàng tại hội chợ ASEAN.

Với gần 600 gian hàng của trên 400 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Hội chợ Thương mại ASEAN 2004 (ATF 2004 - tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 5-10 đến 10-10) là cuộc hội ngộ của trí tuệ doanh nghiệp và các sản phẩm đặc sắc của các nước trong và ngoài khối ASEAN. Với hơn 500 triệu dân và tổng giá trị sản xuất hơn 500 tỷ USD, khu vực ASEAN là một thị trường đầy tiềm năng ...

Tiềm năng lớn, nhưng...

Nhìn ở góc độ năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Prasidh cho rằng, giá cả hàng hóa của 10 nước ASEAN có sự khác biệt quá lớn nên việc di chuyển hàng hóa ngay trong nội khối còn gặp nhiều khó khăn. “Chai Pepsi ở Philippines và Thái Lan có giá thấp giống nhau, nhưng ở Malaysia thì lại rất cao. Nếu so với các nước thuộc Liên minh châu Âu (giá cả các mặt hàng của các nước này đều có mức ngang bằng nhau) thì giá cả của các nước trong khối ASEAN vẫn chênh nhau tới 1/2 lần. Như vậy thì khó có thể cạnh tranh được? “ - ông Cham Prasidh nói.

Trong khi ASEAN vẫn còn là một thị trường bị chia rẽ và manh mún thì Trung Quốc đang nổi lên là một đối thủ lớn, nhanh chóng chiếm được thị phần về xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2003 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, 5 trong số 6 nước ASEAN được nghiên cứu tiềm năng phát triển qua chỉ số năng lực cạnh tranh phát triển (GCI) đều bị giảm vị trí xếp hạng so với năm 2002.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do mức độ liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp các nước còn yếu, khả năng thống nhất tổ chức phân công lao động trong phạm vi khu vực rất hạn chế.

Trên thực tế, phần lớn các trường hợp thành công trong việc kết nối sản xuất ở phạm vi khu vực đều nằm trong chiến lược toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia trong khi vai trò chủ động của giới doanh nhân ASEAN chưa được thể hiện rõ – Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét.

Doanh nhân ASEAN hội nhập

Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Prasidh nhận định: “ASEAN đang đứng trước ngã tư đường phát triển. Mỗi năm khối ASEAN có tới trên 100 cuộc họp nhưng dường như vẫn chưa có những kiến nghị thật thực tế để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, những cam kết được thực hiện vẫn còn chậm. ASEAN vẫn có nguy cơ bị tụt hậu về kinh tế. Muốn cải thiện điều này, chỉ còn cách là ưu tiên phát triển những ngành trọng điểm, loại bỏ hàng rào thuế quan nội khối cũng như hài hòa thuế quan với ngoài khu vực, nâng cao năng lực thể chế”.

Một loạt biện pháp đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua để hỗ trợ cho tiến trình liên kết các thị trường khu vực thành một thể liên hoàn, mà tiêu biểu là quyết định đẩy nhanh 11 ngành ưu tiên: nông sản, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, cao su, dệt may, ô tô, y tế, vận tải hàng không, thương mại điện tử và du lịch. Dự kiến, các lộ trình hội nhập ngành ưu tiên với các biện pháp cụ thể xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế trong các ngành sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 tại Vientiane (Lào) tháng 11 tới.

Đây là lần đầu tiên, các nhóm biện pháp tổng thể về tự do hóa, thuận lợi thương mại, đầu tư được triển khai với thời hạn và đối tượng áp dụng cụ thể. Đến năm 2005 sẽ phấn đấu để miễn visa cho công dân các nước trong khối ASEAN và tiến tới phát hành thẻ thông minh như một giấy thông hành để công dân các nước có thể dễ dàng tìm được việc làm.

Nhưng xét đến cùng, mục tiêu thị trường trong cuộc cạnh tranh ở quy mô khu vực và thế giới này sẽ không thể đạt được nếu thiếu vai trò chủ động của cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, Chính phủ là người mở đường, còn doanh nghiệp là động lực đi trên con đường đó – Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Nhìn từ Hội chợ Thương mại ASEAN 2004, có thể nhận thấy sự quyết tâm của các doanh nghiệp ASEAN đối với mục tiêu hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định uy tín của mình trong khu vực và quốc tế.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

EVN mở rộng kinh doanh viễn thông và sản xuất cơ khí

Hà Nội (TTXVN) - Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh viễn thông công cộng và sản xuất cơ khí.

Trong tháng 10, EVN sẽ triển khai cung cấp dịch vụ Internet trong khoảng 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, và từ nay đến cuối năm triển khai kinh doanh dịch vụ điện thoại IP đường dài ở 30 tỉnh, thành phố và dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại qua mạng (Internet Telephony).

EVN cũng dự kiến triển khai mạng cáp quang truyền hình cáp kết hợp với truyền dẫn tín hiệu thông tin ngành điện tại một số tỉnh, thành phố, và mở rộng vùng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định không dây cho 19 tỉnh ở miền Bắc, 10 tỉnh miền Trung và 12 tỉnh miền Nam.

Về sản xuất cơ khí, từ nay đến cuối năm, EVN dự kiến nâng cấp dây chuyền sản xuất máy biến áp 110kV ở Công ty cơ điện Thủ Đức, hoàn thành chế tạo 2 máy biến áp 220kV tại Công ty sản xuất thiết bị điện và đảm bảo tiến độ chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cung cấp cho các công trình thủy điện đang xây dựng như Quảng Trị, Bản Vẽ./.

(Theo TTXVN)

 

Về đầu trang 

Doanh nhân Việt, anh là ai?

Thành công nhờ quan hệ rộng hay nhờ năng lực?

Soạn: AM 167573 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

TT - Phỏng vấn ông Nguyễn Quang Vinh, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, chung quanh đề tài về văn hóa kinh doanh.

* Thưa ông, khi nói về giới doanh nhân, người ta vẫn hình dung một ông giám đốc bụng phệ hay nhậu nhẹt, có thư ký trẻ đẹp... Theo ông, vì sao lại có cái nhìn tiêu cực về giới doanh nhân như vậy?

- Đó là một biểu hiện dễ thấy của thái độ kỳ thị đối với hoạt động kinh doanh còn tồn tại trong một bộ phận dân cư. Theo các cuộc khảo sát xã hội của chúng tôi gần đây, một trong những nguyên nhân quan trọng của định kiến này là quan niệm “đồng tiền là nguồn gốc sinh ra tội lỗi”.

Một lần nữa mối xung khắc rất khó dàn hòa giữa nghĩa và lợi trong kinh doanh lại được chạm đến, nhưng dưới một ánh sáng khác. Song, một cuộc nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy điều quan trọng hơn là hiện thực sống động của sự nghiệp đổi mới đã làm biến đổi rất lớn thái độ kỳ thị của người dân trong hoạt động kinh doanh, và sự tôn trọng đối với nhà doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu định hình trong ý thức đa số dân chúng đô thị ở địa bàn TP.HCM.

Có hai số liệu mà chúng tôi cho rằng có tính chất “chấn động” về mặt thay đổi nhận thức: 94% người được hỏi đã cho rằng “kinh doanh là một nghề có ích cho xã hội”, và quan trọng hơn, 97% đồng ý “hoạt động kinh doanh cũng là một thứ lao động”.

Người dân không chỉ bày tỏ một cái nhìn xác đáng và thiện cảm đối với hoạt động kinh doanh, mà hơn thế nữa, còn bày tỏ ý muốn tự mình tham gia hoạt động kinh doanh. Nếu chỉ tính riêng những người chưa kinh doanh mà chúng tôi khảo sát, 29% cho biết sẽ mở cơ sở buôn bán hoặc sản xuất và 18% sẽ hùn vốn với người khác để làm ăn. Riêng nhóm sinh viên kinh tế năm cuối, ý chí khởi nghiệp đã được biểu lộ cụ thể trong 50% số người được hỏi.

* Có ý kiến cho rằng ở nước ta nhiều DN thành công nhờ vào mối quan hệ rộng hơn là nhờ vào năng lực. Đề tài của ông có đề cập đến điều này?

- Đây quả là một khía cạnh khá đặc thù của môi trường kinh doanh ở xứ ta cho đến thời điểm này. Khía cạnh đó cũng xuất hiện trong cuộc khảo sát xã hội học của chúng tôi. Điều cần nói ngay là xu hướng dựa vào quan hệ rộng như là một chủ bài - mạnh hơn cả năng lực, và xu hướng nhờ vả, chạy chọt hiện đang tồn tại ở mức đáng kể.

Tôi cho rằng cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy công quyền có lẽ là một trong những yếu tố có tính quyết định trong việc xóa bỏ não trạng “chạy cửa sau” và phục hồi luật chơi sạch sẽ trên thương trường. Đó là một khía cạnh của văn hóa kinh doanh ở cấp độ xã hội.

* Vậy còn ở cấp độ DN, văn hóa kinh doanh đang được xây dựng như thế nào?

- Đấy là văn hóa DN (corporate culture). Nó là một cấu trúc mạch lạc và có bề sâu mà ngày càng đông đảo DN thuộc các thành phần kinh tế ở TP.HCM ra sức vun trồng. Rất mừng là trong cuộc khảo sát của chúng tôi, 17% số doanh nhân được hỏi chuyện đã coi việc gây dựng văn hóa DN như là một trong những thành công lớn nhất của công ty mình trong năm năm trở lại đây.

* Ông có thể cho biết những thành công đó được thể hiện trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể như thế nào?

- Đi tới những công ty có văn hóa DN mạnh, chúng tôi cảm nhận được ngay chẳng những là vẻ đẹp của sự bố trí không gian, của đồng phục nhân viên, của sự giao tiếp thân thiện, mà còn là sự phối hợp ăn ý và sự chuyển vần tự tin của bộ máy kinh doanh, cứ như là được... tự động hóa vậy. Ấy là vì ở đó người ta cùng chia sẻ một số giá trị và triết lý chung, cùng tuân thủ những chuẩn mực chung mà họ cùng thấy đáng làm.

Trong mẫu khảo sát DN năm 2004 của chúng tôi, 32% DN đã xác lập triết lý hoặc châm ngôn cho phát triển công ty với bản sắc riêng. Có nơi hướng vào mối gắn bó giữa DN với lợi ích khách hàng, như “lắng nghe và đáp ứng” hay “cùng tồn tại và phát triển với khách hàng”. Có nơi lại hướng vào sự hài hòa giữa các lợi ích, như “đưa lợi ích khách hàng vào lợi ích DN” hay “đưa lợi ích DN vào lợi ích xã hội”.

Có triết lý lại đề cao giá trị của các cá nhân-thành viên công ty như là ngọn nguồn mọi thành công của DN, mà một trong những ví dụ tiêu biểu là “cống hiến cho công ty nhân danh giá trị bản thân”.

Đề tài “Hoàn thiện và nêu cao hệ giá trị VN trong văn hóa kinh doanh như một lợi thế của cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế” do ông Nguyễn Quang Vinh làm chủ nhiệm được thực hiện từ năm 2002 đến nay.

Đề tài đã tiến hành cuộc điều tra chọn mẫu 570 người dân và gần 300 lãnh đạo DN thuộc các thành phần kinh tế ở thành phố, tổ chức bốn cuộc tọa đàm khoa học và phỏng vấn sâu khoảng 50 doanh nhân.

Cơ quan chủ trì là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

* Từ triết lý đến hành động...

- Có chứ! Có thể nói những giá trị có tính định hướng của công ty thường được diễn đạt thành một loạt chuẩn mực (thành văn hoặc không thành văn) trên các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cụ thể của công ty. Vừa qua, chúng tôi đã ghi nhận được tần số xuất hiện của các loại chuẩn mực hành động trong văn hóa DN tại các công ty được khảo sát, theo mức độ từ cao đến thấp như sau: chuẩn mực trong giao dịch và ứng xử với khách hàng, trong giao dịch với bạn hàng, trong bảo hành sản phẩm, trong ứng xử với cấp trên - cấp dưới, trong giao dịch với đối tác nước ngoài. Thậm chí có 28% tổng số công ty được khảo sát còn hình thành các chuẩn mực ứng xử với đối thủ cạnh tranh.

Soạn: AM 167575 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Mỗi sáng thứ hai, toàn thể ban giám đốc, nhân viên Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín đều làm lễ chào cờ. Đây cũng là một nét văn hóa doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng phải kể đến nhiều dấu hiệu bề nổi nhưng cũng rất quan trọng của văn hóa DN đã xuất hiện ở thành phố này: 71% số cơ sở được khảo sát đã có logo công ty, 38% có đồng phục nhân viên, 27% đã có cung cách riêng để tiếp nhận điện thoại và tiếp khách, 18% có tổ chức sinh nhật cho nhân viên công ty, 10% có khẩu hiệu chung của công ty, 5,5% có tổ chức lễ hội tôn thờ vị tổ nghề, 2% có bài ca riêng của công ty...

Tất cả điều nói trên chẳng phải là động lực làm nên tính hiệu quả của kinh doanh và bản sắc của tổ chức công ty hay sao!

* Nhóm nghiên cứu dự định sẽ sử dụng kết quả khảo sát nói trên vào những việc gì, thưa ông?

- Sau khi được chính thức nghiệm thu vào quí 4, ngoài việc gửi tới lãnh đạo thành phố và phổ biến dưới các hình thức tọa đàm, sách, bài báo..., chúng tôi sẽ kết hợp với các công ty tư vấn và đào tạo, các chương trình như vườn ươm DN và tuổi trẻ khởi nghiệp của thành phố để sử dụng các kết quả nghiên cứu như một nguồn tham khảo cho đào tạo doanh nhân và tư vấn kinh doanh.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi