Cấm hay không kiểu bán hàng đa cấp?
16:14' 25/12/2003 (GMT+7)

Hiện nay có khoảng 10 DN kinh doanh theo phương thức truyền tiêu đa cấp ở Việt Nam. Không ít DN đã lợi dụng mặt trái của phương thức kinh doanh này để móc túi người tiêu dùng. 

Nhận diện mặt trái

Sản phẩm của tập đoàn Thiên Sư (TQ) đang được hệ thống bán hàng đa cấp tại Việt Nam gây nhiều tai tiếng.

Tại cuộc toạ đàm về truyền tiêu đa cấp tổ chức tại Hà Nội ngày 24/12, TS. Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, khái niệm "bán hàng đa cấp" hiện chưa được hiểu thấu đáo cả ở các cơ quan quản lý nhà nước lẫn giới tiêu dùng. Theo ông, chuyện bán hàng đa cấp đã tồn tại ở Việt Nam hơn 3 năm nay và đang gây ra rất nhiều điều phản ứng ngược chiều, muốn "điều trị" phải "chẩn đúng bệnh", nghĩa là phải hiểu tường tận bản chất của phương thức kinh doanh này, xem cái gì là tiến bộ, sai trái, từ đó mới có thể ban hành các văn bản pháp quy điều chỉnh.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thương mại) thừa nhận phương thức bán hàng này có nhiều lợi thế: Không cần chi phí quảng cáo (vì có hệ thống nhân viên đi tiếp thị trực tiếp); giảm chi phí thuê cửa hàng (vì họ bán chuyền tay nhau); tận dụng mọi thời gian của người bán hàng nên chi phí lao động giảm... Đây chính là nguyên nhân để nhiều công ty lao vào phương thức kinh doanh này.

Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và của các cơ quan báo chí, ông Nam cũng nhận thấy nhiều công ty đã lợi dụng sơ hở của pháp luật để quảng cáo gian dối, trốn thuế, lừa đảo... Phương thức bán hàng đa cấp theo kiểu hình Kim tự tháp (khép kín) là bất chính với chi phí ban đầu cho người tham gia vào mạng rất cao  và sản phẩm của nó cũng có chất lượng bất bình thường; sử dụng các thủ đoạn lôi kéo không minh bạch.

Ai là nạn nhân?

Hầu hết các ý kiến tham luận đều nhận định rằng, phương thức bán hàng đa cấp bất chính đều không nhằm cung cấp hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng mà chủ yếu phân phối lòng vòng. Thực tế đã minh chứng điều này, các sản phẩm chủ yếu tồn tại, lưu đọng trong hệ thống phân phối chứ không đến được tay người tiêu dùng. Chính bởi cái lối kinh doanh này, có nhiều trường hợp, giá sản phẩm bị đẩy lên tới 40-50 lần.

Luật sư Nguyễn Hải cũng đồng ý với nhận xét trên khi ông cho biết hầu hết những nạn nhân cầu cứu đến ông trong các vụ khiếu nại đều thuộc hệ thống nhân viên kinh doanh trong mạng (nhưng chủ yếu rơi vào những người có trình độ thấp, kém hiểu biết), còn những người có trình độ thì phương thức này lại là mảnh đất tốt cho họ kiếm chác! 

Ở khía cạnh khác, theo TS. Nguyễn Minh Chí thì bán hàng đa cấp bất chính còn làm lệch lạc, méo mó thị trường, gây mất an ninh trật tự xã hội, vi phạm đạo đức kinh doanh vì nó bắt người tiêu dùng phải trả giá quá cao cho một sản phẩm không tương xứng.

Cấm hay không cấm?

Và một ý tưởng khá đồng thuận là: Không nên cấm triệt để nhưng phải có chế tài xử lý nghiêm những mặt trái của phương thức kinh doanh này. Nhiều ý kiến đề nghị trước mắt Bộ Thương mại cần soạn thảo một nghị định trình Chính phủ để điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Và xa hơn, cần đưa đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh khi soạn thảo.

Tuy nhiên, có cái khó là hiện trên địa bàn cả nước có không dưới 10 DN hoạt động theo phương thức này. Họ có giấy phép đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ? Vậy khi xây dựng một văn bản pháp luật cần chú trọng đến khía cạnh nào để hạn chế và tiến tới triệt tiêu những mặt trái của phương thức bán hàng đa cấp?

Luật sư Nguyễn Hải lại đưa ra đề xuất: Nếu chúng ta đánh thuế triệt để các khâu bán hàng đa cấp chắc ta sẽ triệt được cách làm ăn gian dối. TS. Nguyễn Minh Chí đưa ra một ý tưởng: Cần thiết phải sinh ra thêm một thứ "giấy phép con" để quản hoạt động này. Điều đó không trái tinh thần tự do kinh doanh vì tự do không có nghĩa là làm cho bầu không khí kinh doanh "ô nhiễm".

(Theo Lao Động)

Tin liên quan:

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi