Hội chợ Thương mại Việt - Cam 2003 đã kết thúc. Trong những ngày diễn ra hội chợ 12-16/12 luôn tấp nập người đến tham quan, mua hàng. Hàng của các DN Việt Nam được người tiêu dùng Campuchia rất ưa chuộng.
Khách mua liên tục.
|
Các mặt hàng melamine của Công ty Fataco tại hội chợ luôn thu hút đông đảo khách hàng. |
Ngay trong ngày đầu tiên mở cửa (12/12), hàng vạn lượt khách nô nức kéo về Trung tâm Thương mại Mondial trên đại lộ Mao Tse Tung, nơi diễn ra hội chợ. Các gian hàng đồ gia dụng (melamine Phát Thành, Fataco), văn phòng phẩm (bút bi Thiên Long, Bến Nghé), thực phẩm (các sản phẩm của Công ty Lương thực TP.HCM, Saigon Coop), vật liệu xây dựng (Gạch Đồng Tâm)... luôn tấp nập người đến tham quan, mua hàng.
Tại gian hàng của Fataco, khách hàng chen chúc chọn lựa, mua sắm. Chị Chanthy, người Phnom Penh, cho biết: Chị chọn mua các mặt hàng của Fataco vì so với hàng Thái Lan, chất lượng tốt và giá lại rẻ hơn. Chị đã chọn mua bộ đĩa melamine trang trí in hình các danh thắng của Campuchia để trưng trong phòng khách.
Ông Lê Văn Thành, Giám đốc Fataco, nói: Bình quân mỗi ngày doanh số của Fataco tại hội chợ hơn 70.000 USD, doanh số cả đợt khoảng 500.000 USD.
Cạnh tranh bằng chất lượng cao, giá rẻ
Liên tục những tháng gần đây, việc phát triển thị trường Campuchia được các cơ quan hữu trách và DN Việt Nam đặt ra bức bách bởi sự kiện Campuchia gia nhập WTO và dự liệu hàng của Trung Quốc, Thái Lan sẽ tràn ngập, hàng Việt Nam khó cạnh tranh. Hội chợ lần này nhằm quảng bá hàng Việt Nam, tiếp tục khẳng định và duy trì hình ảnh hàng Việt Nam trên thị trường Campuchia, cạnh tranh được với hàng các nước.
Có thể nói Fataco là DN đầu tiên lựa chọn mô hình tổng đại lý để thâm nhập thị trường. Từ 10 năm trước, Fataco đã chọn ông Lee, một thương gia Campuchia gốc Hoa, làm đại lý độc quyền. Công cuộc làm ăn ngày càng thuận tiện, tổng đại lý của Fataco không chỉ đưa hàng của công ty đến thị trường Campuchia, mà từ đây hàng Fataco còn được xuất sang Thái Lan, Malaysia, New Zealand. Tại hội chợ lần này, nhiều doanh nhân Campuchia đã tìm đến đặt hàng với Fataco thông qua ông Lee.
Tương tự Fataco, gần đây Biti’s, Thiên Long cũng chọn đại lý là người bản xứ. Thiên Long, Bến Nghé mở văn phòng đại diện tại Phnom Penh, Biti’s hiện đã có 200 điểm bán lẻ tại 26 chợ, siêu thị ở nơi đây. Vinamilk cũng phối hợp các DN mở cửa hàng phân phối sản phẩm, Saigon Coop. liên kết mở siêu thị... Đại diện nhiều DN tham gia hội chợ cho biết: Mở văn phòng chính thức, chọn nhà phân phối chính thức là khâu cực kỳ quan trọng ở thị trường này, bởi chính họ sẽ là người tiếp thị, hậu mãi tốt nhất cho hàng Việt Nam.
Kiến nghị hạ thuế, thông thoáng thủ tục
Thị trường lớn, phải làm ăn lớn, là quyết tâm của nhiều DN Việt Nam, bởi thách thức cũng đi đôi với cơ hội. Từ thành công của hội chợ, các DN Việt Nam cũng “đặt hàng” với cơ quan hữu quan Việt Nam về những giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy kinh doanh. Ông Vũ Xuân Đức, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, cho rằng Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn trong công tác xúc tiến thương mại ở các thị trường lân cận; Bộ Thương mại nên hỗ trợ cụ thể thông qua Quỹ Xúc tiến thương mại quốc gia.
Mặt khác, các đầu mối thanh toán phải được đặc biệt chú trọng, vì đây là điểm yếu nhất hiện nay tại thị trường Campuchia. Các DN cũng đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đàm phán trong việc hạ thuế xuất nhập khẩu với Campuchia để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh tại thị trường này. Đồng thời, cần thông thoáng hơn về các thủ tục, giao thông (chi phí vận tải hiện nay còn lớn) và nếu được, nên tổ chức nhiều hội chợ tương tự, không nên mỗi năm chỉ một lần và chỉ tập trung tại Phnom Penh.
(Theo NLĐ) |