Nhằm đáp ứng nhu cầu của rất nhiều độc giả đang được mời chào tham gia một số công ty kinh doanh truyền tiêu trá hình hiện nay, xin trân trọng giới thiệu bài viết tiếp theo về kiểu bán hàng truyền tiêu này.
|
Thẻ hợp tác viên và đơn khiếu nại của nạn nhân một công ty truyền tiêu. |
Nếu nhận được lời mời tham gia làm nhà phân phối của một công ty kinh doanh kiểu truyền tiêu, bạn nên tìm hiểu kỹ những điểm sau đây:
Chi phí ban đầu để trở thành nhà phân phối: Đối với hệ thống “truyền tiêu”, chi phí mà bạn phải trả khi tham gia nói chung là rất hợp lý, chủ yếu dưới hình thức mua một số sản phẩm mẫu tối thiểu cần thiết cho hoạt động tiếp thị của bạn đến người tiêu dùng.
Đối với mô hình “truyền tiêu tháp ảo”, vì nguồn thu nhập chủ yếu của công ty là thông qua việc bán sản phẩm cho những người muốn trở thành nhà phân phối, nên họ luôn yêu cầu bạn phải mua một lượng sản phẩm nhiều hơn mức cần thiết với giá cao bất hợp lý.
Hệ thống “truyền tiêu” luôn cho phép bạn được quyền trả lại những sản phẩm đã mua, nhưng chưa bán được (hoặc chưa sử dụng) sau một khoảng thời gian nhất định, thường là 12 tháng nếu bạn quyết định chấm dứt làm nhà phân phối. Khi đó, công ty sẽ hoàn trả khoảng 90% số tiền mua hàng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Hãy cảnh giác với những công ty không cho phép trả lại sản phẩm hoặc đưa ra những điều kiện để trả lại rất mập mờ và khó khăn. Ngoài ra lại có nhiều công ty tuy đã đưa ra điều khoản trả lại sản phẩm nhưng trên thực tế thì không thực hiện cam kết của mình bằng cách viện ra nhiều lý do khác nhau. Bạn hãy lưu ý rằng khi công ty sụp đổ thì sẽ không ai chịu trách nhiệm nhận lại sản phẩm và hoàn trả tiền cho bạn đâu.
Sản phẩm của công ty có bán được cho người tiêu dùng không thuộc hệ thống nhà phân phối hay không? Đây là yếu tố then chốt giúp bạn đánh giá bản chất của một công ty phân phối theo kiểu “truyền tiêu”. Cũng giống như các loại hình bán lẻ thông thường, sự sống còn của hoạt động kinh doanh và phân phối theo kiểu “truyền tiêu” hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả bán hàng cho người tiêu dùng, những người thực sự sử dụng và tiêu thụ sản phẩm chứ không phải là mua bán lòng vòng giữa các nhà phân phối.
Trong hệ thống “truyền tiêu tháp ảo”, rất ít sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng nên chủ yếu hàng hóa chỉ được bán lòng vòng trong các nhà phân phối. Nếu so sánh với hệ thống phân phối hàng hóa thông thường thì điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa của công ty mới chỉ nằm ở các cửa hàng bán sỉ và lẻ chứ chưa bán được cho người tiêu dùng. Vì vậy, doanh thu và lợi nhuận của công ty (nếu có) lúc ấy chỉ là ảo và có tính chất tạm thời.
Để tránh cho hệ thống “truyền tiêu” không bị rơi vào tình trạng “truyền tiêu tháp ảo” ngoài tầm kiểm soát, các công ty bán hàng theo kiểu “truyền tiêu” làm ăn chân chính thường quy định trong một tháng mỗi nhà phân phối phải có một tỷ lệ phần trăm bắt buộc các sản phẩm được bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng không thuộc hệ thống.
Nếu nhà phân phối không đảm bảo được tỷ lệ bán lẻ trực tiếp nói trên thì có thể sẽ không được hưởng tiền hoa hồng trên lượng sản phẩm do các nhà phân phối do mình bảo trợ đã tiêu thụ được trong tháng đó. Tỷ lệ phần trăm này là bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng điều kiện kinh doanh cụ thể.
Cần hết sức cảnh giác với các công ty tự quảng cáo là bạn có thể kiếm được nhiều tiền khi chỉ cần chính bạn tiêu thụ sản phẩm của công ty và giúp công ty tuyển thêm nhà phân phối mới mà ít quan tâm đến việc bạn có bán được sản phẩm cho người tiêu dùng hay không.
Bạn hãy tự hỏi chính bạn và người thân của mình xem “nếu không phải là nhà phân phối thì có sẵn sàng mua sản phẩm của công ty với tư cách là người tiêu dùng hay không?” Nếu câu trả lời là “Không” hoặc “Phải suy nghĩ lại” thì càng nên cảnh giác vì đó có thể là một công ty “truyền tiêu tháp ảo” hoặc có thể sắp rơi vào tình trạng “tháp ảo”.
Thông tin về sản phẩm và công ty mà bạn định làm nhà phân phối: Sản phẩm của công ty phân phối theo kiểu “truyền tiêu tháp ảo” thường có giá bán cao bất hợp lý và được quảng cáo là có nhiều tính năng “thần kỳ” khó tin, chẳng hạn như thuốc chữa bách bệnh. Bạn cần nghiên cứu kỹ về sản phẩm cũng như quá trình hoạt động của công ty thông qua các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, bạn bè và người thân trước khi quyết định làm nhà phân phối.
Hoạt động phân phối hàng hoá và dịch vụ theo kiểu “truyền tiêu” còn khá mới mẻ đối với nước ta, ngoài những mặt tích cực của nó như tạo thêm cơ hội và công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ có thêm thu nhập, hình thành thêm một loại kênh phân phối mới đưa lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng thì cũng cần phải lưu ý đến mặt hạn chế là hệ thống này rất dễ bị một số kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo được che đậy bằng việc mua bán các loại sản phẩm trá hình.
Không một loại hình kinh doanh hợp pháp nào, bao gồm cả hình thức bán hàng theo kiểu “truyền tiêu”, có thể giúp bạn kiếm tiền nhanh chóng mà không phải đổ mồ hôi và công sức.
(Theo Thanh Niên)
|