Hàng Việt Nam tại Campuchia cần một tổng đại lý
08:45' 15/12/2003 (GMT+7)

Năm nay, hàng Việt Nam tại Campuchia đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhưng hệ thống phân phối hàng tại thị trường này chưa chuyên nghiệp và chưa an toàn, do đó dù đã có thị trường nhưng các doanh nghiệp vẫn phải sử dụng thương lái để không bị lệ thuộc vào những khó khăn trong xuất nhập khẩu và thanh toán".

Thành công của Việt - Cam

Chở hàng xuất khẩu sang Campuchia.

Một cuộc khảo sát mới đây do Câu lạc bộ doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty cổ phần Hàng Việt thực hiện cho thấy hàng Việt Nam có nhiều sản phẩm hiện tràn ngập thị trường Campuchia như giày dép Biti's, đồ chơi nhựa Chợ Lớn, văn phòng phẩm Thiên Long, Bến Nghé, bánh kẹo Kinh Đô, Bibica, bột thực phẩm Tài Ký, nước ngọt Tribeco, Bidrico, sản phẩm Vinamilk, nhựa melamine của Fataco, Rosa, gạch men Đồng Tâm...

An Giang cũng đã tận dụng được khá nhiều cơ hội. Ông Nguyễn Minh Trí, nguyên Giám đốc Sở Thương mại và Dịch vụ An Giang, nay là Trưởng ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu An Giang cho biết: "Tiếng tăm của hàng Việt Nam sau hội chợ năm trước đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn dễ dàng xuất khẩu hàng hoá sang Campuchia; năm nay kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp An Giang sang Campuchia ước khoảng 10 triệu USD. Nhiều nhà sản xuất ở TP.HCM đã sử dụng những đại lý tại An Giang để vận chuyển và tiêu thụ hàng hoá sang Campuchia vì họ quen đường đi nước bước, nắm bắt được thị trường tại đây".

Tổng đại lý sẽ sớm ra đời

Ngoài công ty Cambo, một nhà phân phối khá chuyên nghiệp hiện đang trực tiếp phân phối hàng tại thị trường Campuchia cho khoảng 20 doanh nghiẹp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều sử dụng hệ thống thương lái để phân phối hàng cho mình tại thị trường này.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Dệt Phước Thịnh nhận xét: "Hệ thống phân phối tại thị trường Campuchia chưa chuyên nghiệp và chưa an toàn, do đó mặc dù đã có thị trường nhưng dệt Phước Thịnh vẫn phải sử dụng thương lái để không bị lệ thuộc vào những khó khăn trong xuất nhập khẩu và thanh toán".

Nhưng việc sử dụng thương lái để phân phối hàng cho thị trường Campuchia vẫn còn hạn chế. Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn cho biết: "Thực tế hiện nay, nếu chịu bán thiếu thì bao nhiêu cũng bán hết, nhưng vấn đề thu hồi công nợ là rất khó và rắc rối. Ngoài ra có một khó khăn là không ai kiểm soát được hệ thống phân phối nên rất khó trong việc chủ động cạnh tranh. Chỉ cần điều chỉnh lợi nhuận, tăng cường khuyến mãi hàng của Thái Lan, Trung Quốc là các đại lý đẩy hàng của mình ra ngay để tiêu thụ hàng của họ".

Ông Nguyễn Minh Trí cho biết đến giữa năm 2004, ban quản lý kinh tế cửa khẩu An Giang sẽ cho ra đời chợ "bảo thuế" ở các cửa khẩu Tịnh Biên, Vũ Xương và có kế hoạch thành lập cả ở cửa khẩu Long Bình. Các chợ này sẽ là nơi tập trung giao dịch hàng hoá giữa Việt Nam, Campuchia và cả của những nước khác. Bên cạnh đó cũng tại những khu vực biên giới sẽ có các cửa hàng bán lẻ miễn thuế phục vụ nhân dân hai nước.

Ông Lê Xuân Khuê, Giám đốc công ty Hàng Việt cho biết, Công ty này đang nộp đơn để mở văn phòng đại diện tại Campuchia và mục đích chính là tạo ra một địa điểm để các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao có thể hoạt động mà không cần mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện riêng. Tiếp theo sẽ phát triển thành một tổng đại lý để phân phối hàng Việt Nam tại Campuchia.

(Theo SGTT)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Cơ hội tìm hiểu thị trường Campuchia
Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Campuchia
DN Việt Nam khảo sát thị trường Campuchia
Ra mắt Tập đoàn phát triển kinh tế Campuchia - Việt Nam
''Hàng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ở Campuchia''
Thép Việt xuất sang Campuchia
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia tăng vọt
Cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Campuchia và Lào