Kiểu bán hàng "truyền tiêu" là gì?
10:20' 08/12/2003 (GMT+7)

Đã có nhiều bài báo phản ánh chuyện lừa đảo của một số công ty kinh doanh kiểu "truyền tiêu".  Để giúp độc giả hiểu rõ về kinh doanh "truyền tiêu", ông Lê Lan Sơn, chuyên viên kinh tế, công tác tại một lãnh sự quán nước ngoài ở TP.HCM có bài viết về vấn đề này.

Xà bông, dầu gội, mỹ phẩm... là các mặt hàng thường được bán theo hình thức bán hàng trực tiếp.

Theo lý thuyết maketing, hoạt động bán hàng theo kiểu "truyền tiêu" thực chất là một dạng bán hàng trực tiếp không thông qua cửa hàng bán lẻ. Hoạt động bán hàng trực tiếp thường diễn ra tại các địa điểm như tại nhà của người mua. Nhân viên tiếp thị sản phẩm (hoặc dịch vụ), thường được gọi là tư vấn, đại diện, đại lý hoặc nhà phân phối, liên hệ trực tiếp với khách hàng đa số là người quen, bạn bè, hàng xóm để giới thiệu và bán sản phẩm.

Nhân viên tiếp thị là những người kinh doanh độc lập, phải đăng ký với công ty nhưng thường không nhận lương mà thu nhập chính của họ chủ yếu là bằng tiền hoa hồng được tính bằng lượng sản phẩm tiêu thụ được. Trong lĩnh vực tiêu dùng, hình thức bán hàng trực tiếp thường được sử dụng phổ biến để phân phối các lượng hàng tiêu dùng (xà bông, dầu gội, mỹ phẩm), đồ gia dụng (máy khử mùi, lọc nước, làm sạch không khí) hay các loại dịch vụ như bảo hiểm nhân thọ...

Tại Việt Nam từ lâu đã có nhiều công ty áp dụng kiểu bán hàng trực tiếp để tiêu thụ sản phẩm của mình và đa số sử dụng phương thức "tiếp thị đơn cấp" (single level marketing). Với phương thức này, nhân viên tiếp thị bán lẻ sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng và chỉ hưởng hoa hồng trên số lượng sản phẩm do chính mình tiêu thụ được.

Trong thời gian gần đây, một phương thức bán hàng trực tiếp khác được một số công ty bắt đầu áp dụng được gọi là "tiếp thị đa cấp" (multi level marketing) hay còn có tên là bán hàng theo kiểu "truyền tiêu". Theo phương thức này nhân viên tiếp thị ngoài việc bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng còn được phép tuyển các nhân viên tiếp thị khác làm nhà phân phối cho mình và được hưởng hoa hồng trên sản phẩm do chính mình và nhà phân phối của mình tiêu thụ được. Để có cái nhìn toàn diện về hình thức kinh doanh theo kiểu "truyền tiêu", xin lấy hoạt động của một số công ty trên thế giới sử dụng hình thức này.

Bán hàng trực tiếp bao gồm cả hai phương thức "tiếp thị đơn cấp" và "đa cấp" được đề cập trên xuất hiện đầu tiên tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Đến năm 1910, các công ty bán hàng trực tiếp đã cùng nhau thành lập Hiệp hội Các công ty bán hàng trực tiếp (DSA), để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như quảng bá cho hình thức bán hàng trực tiếp rộng rãi hơn.

Hiện nay Hiệp hội DSA có hơn 150 thành viên, bao gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng như Avon, Alticor, Creative Memories, Longaberger, Mary Kay, The Pampered Chef và Shaklee. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội DSA phân phối hàng hoá theo kiểu "truyền tiêu". Số còn lại sử dụng phương thức "tiếp thị đơn cấp". Năm 2001, tổng doanh số bán lẻ của các công ty thành viên thuộc Hiệp hội DSA tại Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 27 tỷ USD với hệ thống nhà phân phối lên đến hơn 12,2 triệu người trong đó khoảng 81% là phụ nữ.

Về mặt quy mô thì tập đoàn Amway Corporation, thành lập năm 1959, có trụ sở chính tại Ada tiểu bang Michigan, là công ty phân phối hàng hoá theo kiểu "truyền tiêu" lớn nhất thế giới với doanh số năm 2001 đạt khoảng 4,5 tỷ USD và hệ thống nhà phân phối lên đến 3,6 triệu người hoạt động tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Điều đó không có nghĩa là tất cả các công ty thành viên của Hiệp hội DSA đang phân phối hàng hoá theo kiểu "truyền tiêu" là hoàn toàn hợp pháp. Theo nhận định của Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC), cơ quan bảo vệ pháp luật của Chính phủ Mỹ trong lĩnh vực tự do thương mại, một số hình thức phân phối theo kiểu "truyền tiêu" được xem là hợp pháp. Song cũng có nhiều hệ thống "truyền tiêu" có thể là những hoạt động lừa đảo do chưa bị phát hiện hoặc chưa đủ bằng chứng để khởi tố nên hiện vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động bình thường.

(Theo Thanh Niên, còn tiếp)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi