Đời sống người dân ngày càng được cải thiện nên thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng tăng đáng kể. Đến nay cả nước có gần 4 triệu hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực. Dù vậy, trong lĩnh vực này còn rất nhiều tồn tại, nhất là trong khâu giải quyết đền bù .
Làm khó để từ chối bồi thường
|
Công nhân lao động nặng cần có chế độ bảo hiểm. |
Thời gian qua, có rất nhiều đơn thư yêu cầu đền bù bảo hiểm của người tiêu dùng đã bị các công ty bảo hiểm nhân thọ từ chối. Nhiều người tiêu dùng rất bức xúc vì khi mời chào mua bảo hiểm, các công ty bao giờ cũng hứa hẹn đủ thứ, nhưng khi có sự cố, tai nạn xảy ra, yêu cầu giải quyết đền bù thì các công ty bảo hiểm lại luôn làm khó.
Còn nhớ, khoảng 2 năm trước đây, con trai của một nghệ sĩ tên tuổi đã phải khiếu nại khắp nơi vì cái chết của mẹ mình không được một công ty bảo hiểm giải quyết thỏa đáng, cho dù bà mua bảo hiểm ở đơn vị này trước đó gần 1 năm. Lý do để công ty bảo hiểm này từ chối bồi thường là lời khai trong đơn yêu cầu bảo hiểm của nghệ sĩ này có nhiều chi tiết không đúng với thực tế (như đã đi nước ngoài nhiều lần lại khai chưa đi, đã từng khám chữa bệnh cũng khai là không khám…).
Hay như mới đây, bà Nguyễn Thị Oanh, trú ở quận Phú Nhuận cũng làm đơn khiếu nại một công ty bảo hiểm nhân thọ lên Văn phòng người tiêu dùng, vì công ty này không chịu đền bù bảo hiểm cho chồng bà (mới chết vì bị bệnh ung thư dạ dày). Lý do từ chối không giải quyết là khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, chồng bà quên không khai rằng “trong vòng 3 năm qua, ông đã đi khám và điều trị bệnh đau dạ dày 2 lần”.
Một trường hợp nữa cũng gây bất bình là gia đình ông Trần Văn Quý ở quận Bình Thạnh,có con trai bị chết vì tai nạn xe máy, công ty bảo hiểm nhân thọ nọ đã kiên quyết không giải quyết đền bù bảo hiểm với lý do “có hơi men trong khi điều khiển phương tiện giao thông”. Ông Quý cho rằng “uống một ly bia nhỏ thôi cũng đủ để có hơi men, và như vậy thì đâu phải là say rượu?
Bà Oanh cũng cho rằng: “Trong khoảng mấy năm trời như thế, làm sao có thể nhớ được chính xác là mình nhức đầu, sổ mũi, ốm đau, chữa bệnh cụ thể bao nhiêu lần, điều trị bằng thuốc loại gì, tên thuốc ra sao?”.
Ông Quý thắc mắc: “Nếu các công ty bảo hiểm bắt bẻ từng ly, từng tí như vậy thì sao không chịu nói từ đầu. Khi mời chào mua bảo hiểm, mấy cô cậu tiếp thị cứ nói ngọt xớt, giục người ta ký cho nhanh, chứ có thấy hướng dẫn, phân tích cụ thể như vậy đâu!”.
Đòi hỏi ngoài phạm vi bảo hiểm
Thị trường Bảo hiểm Việt Nam hiện có 21 DN, trong đó có 4 DN thuộc sở hữu nhà nước, 3 DN cổ phần, 1 DN tư nhân, 9 DN liên doanh và 5 DN 100% vốn nước ngoài. Trong số 21 DN này, có 5 DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, số còn lại là bảo hiểm phi nhân thọ.
Doanh thu phí bảo hiểm đang ngày càng tăng. Nếu như năm 1995 doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 85 tỷ đồng thì đến năm 2002 đã tăng lên 391,8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2003, doanh thu phí bảo hiểm có thể đạt trên 400 tỷ đồng.
Có trên 100.000 người đang làm việc trong các công ty bảo hiểm, trong đó nhiều nhất là ở các công ty bảo hiểm nhân thọ với gần 75.000 đại lý, nhân viên tư vấn chuyên nghiệp, số còn lại hoạt động trong các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Cả nước hiện đã có gần 4 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn hiệu lực.
(Nguồn: Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam) |
Đề cập đến vấn đề đền bù bảo hiểm, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Prudential cho biết, thời gian qua đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho rất nhiều trường hợp với tổng số tiền lên đến trên 100 tỷ đồng. Nhưng công ty không có chủ trương tuyên truyền về lĩnh vực “tế nhị” này để bảo mật thông tin, thực hiện đúng các cam kết đối với khách hàng. Trong giải quyết đền bù, Prudential luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật cũng như các thỏa thuận đã ký với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng có thể vì các lý do khác nhau đã không hiểu rõ các nguyên tắc, quy định trong đền bù bảo hiểm nên có những đòi hỏi nằm ngoài phạm vi đền bù, công ty không thể đáp ứng được.
Về phía Công ty Bảo hiểm Nhân thọ miền Nam, ông Đặng Ngọc Thanh, Giám đốc cũng cho rằng: “Tồn tại lớn nhất trong công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm hiện nay là rất nhiều khách hàng không hiểu hết các quyền lợi mà mình được hưởng. Từ đầu năm đến nay công ty đã giải quyết đền bù trên 20 tỷ đồng cho khách hàng, trong đó có khá nhiều trường hợp đòi hỏi những khoản đền bù thiếu căn cứ, không có sức thuyết phục. Nhiều người còn lầm tưởng bảo hiểm nhân thọ với bảo hiểm phi nhân thọ nên so sánh, đòi hỏi đền bù với mức tương ứng. Cần nhớ rằng, khi mua bảo hiểm nhân thọ, khi đáo hạn hợp đồng, khách hàng sẽ nhận lại toàn bộ số tiền của mình đã đóng cộng với lãi chia, còn ở bảo hiểm phi nhân thọ thì không”.
Một vấn đề nữa mà các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng kêu ca không ít là tình trạng trục lợi trong bảo hiểm đang có dấu hiệu gia tăng. Có người đã mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, lao phổi vẫn cứ mua bảo hiểm với hy vọng “khi chết đi sẽ để lại một khoản tiền bảo hiểm cho người thân!”. Trên thực tế, phần lớn các trường hợp trục lợi bảo hiểm đều bị các công ty bảo hiểm phát hiện, bởi quy trình, thủ tục giải quyết đền bù bảo hiểm tại các công ty rất chặt chẽ, khắt khe (luôn có sự phối hợp điều tra, giám định của các cơ quan chức năng và ngành y tế).
Cần sớm chấn chỉnh đội ngũ nhân viên tư vấn
Nhu cầu mua bảo hiểm trong nhân dân ngày càng tăng. Các công ty bảo hiểm đang nỗ lực mở rộng quy mô hoạt động, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu đa dạng và phong phú trong nhân dân. Tuy nhiên, để giành được cảm tình, sự ủng hộ lâu dài trong nhân dân, các công ty bảo hiểm cần phải chấn chỉnh lại công tác đào tạo và quản lý đội ngũ các đại lý, nhân viên tư vấn bán bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp hóa, đặt phẩm chất đạo đức, sự trung thực trong hoạt động nghề nghiệp lên hàng đầu, chứ không nên chỉ khuyến khích chạy đua theo số lượng hợp đồng và doanh thu.
Các đại lý, nhân viên phải chịu trách nhiệm và hướng dẫn thật cụ thể chi tiết về nội dung, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là điều kiện, thủ tục khi giải quyết bồi thường, các quyền lợi và giới hạn bồi thường mà người tiêu dùng được hưởng, cũng như những điều khoản loại trừ để giúp người tiêu dùng hiểu rõ, cân nhắc trước khi đặt bút ký kết các hợp đồng bảo hiểm. Không ai trách các công ty bảo hiểm khi thực hiện chặt chẽ các quy trình, thủ tục trong giải quyết đền bù, nhưng nếu không phân tích cho người tiêu dùng biết rõ thì họ sẽ cảm thấy mình bị lừa và như thế ý nghĩa của hoạt động bảo hiểm nhân thọ sẽ không còn.
(Theo SGGP)
|