Xe ôtô giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường
06:41' 17/10/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ông Nguyễn Xuân Chuẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, nay là Chủ tịch Hội kỹ sư ôtô, nhận định: thời gian tới xe ôtô Trung Quốc với giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.

Ôtô Trung Quốc đang từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Rất nhiều ý kiến phân tích về thị trường ôtô Việt Nam cũng thống nhất với nhận định này. Bởi vì thời gian tới chắc chắn Việt Nam sẽ ra nhập WTO, hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, giá xe nói chung sẽ giảm và xe ôtô Trung Quốc với lợi thế giá rẻ nhất sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Thực tế thì ngay từ bây giờ xe ôtô Trung Quốc (xe tải và xe khách) đã bắt đầu tràn ngập thị trường Việt Nam.

Soạn: AM 583537 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dây chuyền sơn điện ly tại nhà máy ôtô Xuân Kiên.

Theo Bộ Công nghiệp, hiện nay có 30 doanh nghiệp trong nước được phép lắp ráp sản xuất ôtô, mà hầu hết nguồn cung cấp linh kiện đều từ Trung Quốc. Hiện nay chúng ta chưa gia nhập WTO, hàng rào thuế quan chưa bị dỡ bỏ, nhưng do chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, thuế nhập khẩu linh kiện ôtô chỉ có 25% (trong khi nhập xe nguyên chiếc là 100%) và từ 1/1/2006 sẽ chia ra các mức 30%- 20%-5%. Như vậy sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp vì họ nhìn thấy rõ nguồn lợi, mà nguồn cung cấp từ Trung Quốc vừa nhiều vừa dễ và giá vừa rẻ.

Theo thống kê, hiện nay có tới 11 nhãn hiệu xe Trung Quốc đang được lắp ráp tại miền Bắc Việt Nam, với các tên tuổi như: Đông Phong, QingQi, Faw (Trường Chinh), Forland, Jiulong, Lifan, Jinbei(xe của tập đoàn Hoa Thần do nhà máy ôtô Xuân Kiên lắp ráp), Vinaxuki (xe Trung Quốc nhưng mang thương hiệu Việt Nam, của nhà máy ôtô Xuân Kiên)... và chất lượng xe Trung Quốc có rất nhiều chuyện đáng nói.

Lắp ráp cũng có nhiều đẳng cấp

Theo  Bộ Công nghiệp, hiện nay trong số các đơn vị lắp ráp xe ôtô  Trung Quốc, chỉ có 2 doanh nghiệp là Xuân Kiên (Mê Linh - Vĩnh Phúc) và Trường Hải (Quảng Nam) là có đầu tư dây chuyền sơn điện ly, còn lại đều chưa có. Vì vậy rất  nhiều những sản phẩm ôtô Trung Quốc lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam đã không được sơn điện ly, mà chỉ sử dụng sơn tĩnh điện (Theo quy định bắt buộc của Bộ Công nghiệp là xe ôtô tải từ 3,5 tấn trở xuống bắt buộc phải được sơn điện ly). Nếu không sử dụng sơn điện ly,  khung, gầm xe sẽ nhanh bị han gỉ, ăn mòn khi tiếp xúc với  khí hậu, thời tiết, nước... Khi đã bị han gỉ, ăn mòn thì  kết cấu, độ bền của  khung gầm không được đảm bảo dễ gây nguy hiểm khi lưu hành và tuổi thọ của xe giảm.

Sơn điện ly hay còn gọi là mạ điện sơn là công nghệ sơn nhằm nâng cao khả năng chống gỉ của khung xe. Với công nghệ này, sơn sẽ bám chặt vào bề mặt của kim loại dưới tác dụng của dòng điện 1 chiều. Dòng điện từ các điện cực đặt trong bể sơn sẽ làm phân ly dung dịch sơn thành 2 phần: ion âm và ion dương. Phần ion âm được hút về các điện cực để loại bỏ, còn phần ion dương là phần sơn được tách ra sẽ bám vào bề mặt vỏ kim loại như 1 lớp mạ.
Sau khi nhúng vào các bể sơn,  vỏ xe như được khoác lên mình một lớp sơn đồng đều trơn láng gần như không có tỳ vết do các phần tử sơn bám vào các ngóc ngách của vỏ xe, làm cho khung máng không bị gỉ sét cả bề mặt lẫn các góc cạnh. Sau khi sơn điện ly, vỏ xe có khả năng chống gỉ cao, chống bong tróc,  trày xước khi va chạm. Hiện nay loại sơn điện ly thế hệ mới nhất không pha chì, chống độc hại khi sử dụng, đã được một số liên doanh sản xuất ôtô tại Việt Nam và Nhà máy ôtô Xuân Kiên đầu tư, dùng để sơn các loại xe cho mình.
Khác với sơn điện ly, sơn tĩnh điện và sơn chống gỉ thông thường là bột chảy ra khi được sấy .Về kỹ thuật sơn, các hạt sơn bám vào bề mặt kim loại dưới tác động cơ học của súng phun, tại các dây chuyền sản xuất tô hiện đại, các súng phun sơn do rô bốt điều khiển, tại các nhà máy ở Việt Nam do công nhân trực tiếp phun. Hiệu quả của súng phun chỉ tác động lên bề mặt, còn tại các điểm ngóc ngách thì sơn không xâm nhập hết. Những điểm không phủ sơn sau 1 thời gian tiếp xúc với khí hậu, thời tiết, nước sẽ bị han gỉ, các chuyên gia gọi đây là hiện tượng bị gỉ từ bên trong ra, sau đó vết gỉ sẽ tấn công toàn bộ bề mặt kim loại, ngoài ra độ bám dính của sơn tĩnh điện cứng, độ dày mỏng khác nhau.

Công nghệ sơn điện ly được phát hiện và ứng dụng trên thế giới từ những năm 1970. Ngày nay theo tiêu chuẩn, tất cả các loại xe ôtô đều phải được sơn điện ly.Tại Việt Nam chỉ quy định bắt buộc với xe tải dưới 3,5 tấn và xe khách dưới 15 chỗ ngồi.

Theo điều tra của công ty cổ phần phụ tùng Hà Nội, (nhà cung cấp phụ tùng ôtô lớn tại Việt Nam) thì trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại xe tải của Trung Quốc do các doanh nghiệp Việt Nam lắp ráp chỉ vừa đủ tiêu chuẩn thay thế xe công nông. Những loại xe này có công suất động cơ nhỏ, cầu xe nhỏ, chassis (gầm bệ) ép thẳng, không có khả năng chịu lực nén, nhưng tải trọng đăng ký rất cao, vì  linh kiện nhập từ Trung Quốc, lại được thiết kế trong nước. 

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải  thì cứ 8,7KW (tính theo công suất động cơ)  có thể cho phép chở 1 tấn, nên việc đăng ký vượt tải tương đối phổ biến. Vì vậy mới có hiện tượng, có những xe tải tương tự nhau về các thông số kỹ thuật, nhưng có tải trọng gấp đôi nhau giữa các hãng.

Chẳng hạn xe tải nhẹ của Trung Quốc thường dùng động cơ 44KW, nhưng động cơ này được lắp cho các xe có tải trọng từ 1tấn, 1,5 tấn và 2,5 tấn. Một số loại xe của  nhà máy ôtô Xuân Kiên, như  SY 1030DFH, SY 1041 DLS3, SY 1043 DVL, SY 1047DVS3... có công suất động cơ, chassis, cầu xe tương đương với các xe tải nhẹ khác của Trung Quốc như Forland, Đông Phong, QingQi... trên thị trường mà tải trọng đăng ký luôn thấp hơn khá nhiều. 

Người tiêu dùng Việt Nam khi mua xe thường quan tâm đến tải trọng, thấy xe nhỏ có tải trọng cao là thích, mà không biết đó là cách đăng ký vượt tải, còn nhà sản xuất thì dựa vào đó để nâng giá bán xe.

Xe Trung Quốc - muôn hình vạn... đẳng cấp

Bên cạnh đó, động cơ của nhiều loại xe ôtô nhập từ Trung Quốc về có công nghệ sản xuất đã lạc hậu. Vẫn sử dụng công nghệ phun xăng chế hoà khí, không phải là phun xăng điện tử và không áp dụng theo tiêu chuẩn EURO. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc và các nước công nghiệp phát triển, những loại động cơ này đã bị cấm sử dụng từ lâu.

Thực tế trong đợt kiểm tra 12 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô tại miền Bắc của Bộ Công nghiệp vừa qua, thì chỉ có duy nhất Nhà máy ôtô Xuân Kiên đủ tiêu chuẩn làm các loại xe, Công ty ôtô 1-5  được làm xe khách và nhà máy ôtô Jiulong  được làm xe tải trên 3,5 tấn, các doanh nghiệp khác đều chưa đạt điều kiện để sản xuất lắp ráp xe ôtô.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên, thì tại Trung Quốc  thời gian  qua có khoảng 400 doanh nghiệp ôtô phải đóng cửa do công nghệ lạc hậu. Nếu  những dây chuyền sản xuất, phụ tùng của các cơ sở này được bán sang Việt Nam, thì Việt Nam sẽ trở thành bãi thải xe công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Xuân Chuẩn, hiện tại Trung Quốc chỉ còn khoảng 70 doanh nghiệp sản xuất ôtô. Các doanh nghiệp này tồn tại và phát triển rất mạnh là nhờ họ liên doanh, liên kết, nhận được sự chuyển giao công nghệ từ các hãng sản xuất ôtô lớn trên thế giới. Những tập đoàn sản xuất ôtô như: Thượng Hải, Nam kinh, Hoa Thần, Trường Thành, Bắc Kinh...  hầu như đã làm chủ công nghệ sản xuất ôtô, có nhà xưởng và các trang thiết bị sản xuất hiện đại, không chỉ làm xe mang thương hiệu riêng của Trung Quốc, mà còn sản xuất lắp ráp cả các thương hiệu xe nổi tiếng thế giới như MERCEDES, BMW, AUDI... 

Sự kiện tập đoàn ôtô Nam Kinh bỏ ra 85 triệu USD để mua lại hãng ôtô nổi tiếng thế giới MG ROVER (Anh) mới đây cho thấy công nghiệp ôtô Trung Quốc đang tìm cách bắt kịp các "đàn anh" trên thế giới. Bên cạnh đó một số tập đoàn ôtô như Hoa Thần mang xe sang triển lãm tại Frankfurt (CHLB Đức) vừa qua cũng chứng tỏ kế hoạch muốn bành trướng ra thế giới của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc. Nếu nhận được sự hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất từ các tập đoàn này thì chắc chắn chất lượng xe được đảm bảo.

Theo "Quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô" do Bộ Công nghiệp Ban hành (Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN ngày 27/10/2004), muốn trở thành một doanh nghiệp lắp ráp ôtô thì yêu cầu về vốn đầu tư tối thiểu phải là 200 tỷ đồng, có công đoạn sơn điện ly, đường chạy thử dài ít nhất 1km trên đó có cấu tạo các mặt địa hình khác nhau, diện tích nhà xưởng tối thiểu 20ha, sản lượng tối thiểu 5.000xe/năm, được xem như là các điều kiện tiên quyết.

Nhưng để nhận được sự chuyển giao của các tập đoàn này không đơn giản. Theo ông Huyên, họ luôn yêu cầu các đối tác phải đầu tư đầy đủ mới chuyển giao công nghệ. Đáp ứng đầy đủ điều kiện đặt ra của họ thì vốn đầu tư tối thiểu cho một nhà máy cũng ở mức 300 tỷ đồng. Để nhận được chuyển giao công nghệ từ tập đoàn Hoa Thần và Trường Thành, Nhà máy ôtô Xuân Kiên đã phải đầu tư 120 tỷ đồng cho dây chuyền sơn điện ly, chưa kể các dây chuyền khác như hàn, dập chi tiết thân xe với gần 10 máy dập từ 300 tấn đến 1.200 tấn và cử hàng chục công nhân sang học nghề...

Vẫn còn nhiều loại xe chất lượng thấp, giá không rẻ

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không có đủ tiềm lực thường  tìm đến những hãng xe công nghệ lạc hậu, không đặt ra các yêu cầu khắt khe. Thế nên  ở Việt Nam mới có chuyện doanh nghiệp ôtô vừa được cấp phép thành lập 2 tháng, đã có xe bán ra trên thị trường! Hiện nay có không ít doanh nghiệp ôtô Việt Nam, vẫn đang phải đi thuê các doanh nghiệp khác lắp ráp xe!

Soạn: AM 587343 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xe tải nhẹ JinBei của tập đoàn ôtô Hoa Thần (Trung Quốc) do nhà máy ôtô Xuân Kiên lắp ráp
Không những thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại đang bán xe Trung Quốc với giá chẳng rẻ gì. Làm phép so sánh sẽ thấy. Chẳng hạn xe tải nhẹ Forland của tập đoàn ôtô Phúc Điền, động cơ công suất 44KW, tải trọng 1,5 tấn, không sơn điện ly, động cơ không đề cập đến tiêu chuẩn EURO, bảo hành 1năm, giá bán 123 triệu đồng, trong khi đó xe SY 1041 của nhà máy ôtô Xuân Kiên cũng động cơ 44KW theo tiêu chuẩn EURO 1, tải trọng 1,605 tấn, sơn điện ly, bảo hành 18 tháng, riêng nước sơn bảo hành 3 năm, có giá bán 129 triệu đồng, được khuyến mãi tặng 1 ti vi trị giá 1.850.000đồng khi mua.

Hay như xe QingQi, có công suất động cơ 37KW không đề cấp đến tiêu chuẩn EURO, tải trọng 980 kg, không sơn điện ly, giá bán 107 triệu đồng, bảo hành 1 năm, xe SY 1030 của Xuân Kiên có công suất động cơ 44KW tải trọng 990kg, có sơn điện ly, động cơ tiêu chuẩn EURO1, giá bán 126 triệu, bảo  hành 18 tháng, riêng nước sơn bảo hành 3 năm và được khuyến mại tặng 1 tivi trị giá 1.850.000đồng khi mua

Về giá xe thì tương đương nhau, nhưng theo ông Huyên  chi phí cho 1 xe sơn điện ly sẽ tăng thêm so với sơn tĩnh điện từ 8 triệu đến 15 triệu đồng, chưa kể động cơ theo tiêu chuẩn EURO cũng đắt  hơn so với động cơ không tiêu chuẩn.

Nếu sự thật đúng  như vậy, thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phải mua  những chiếc xe ôtô Trung Quốc, có chất lượng không cao và giá bán không rẻ.

  • Trần Thuỷ
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 157% (14/10/2005)
EPM Vietnam 2005: Cơ hội để VN tiếp cận công nghệ (14/10/2005)
500 tỷ đồng để khai thác quặng bôxit (14/10/2005)
Coi trọng rừng phòng hộ, lơ là rừng sản xuất (13/10/2005)
Công nghiệp: quốc doanh thất thế, DN nước ngoài thăng hoa (12/10/2005)
Cấp miễn phí 54 tấn hạt rau giống cho nông dân (12/10/2005)
Dự án 5.000 ha chè phá sản:Lãng phí cả chục tỷ đồng (12/10/2005)
Vinashin sẽ có Tổng giám đốc nước ngoài (11/10/2005)
Miền Trung mất trắng 245 tỷ đồng do mưa lũ (10/10/2005)
6 câu hỏi của Mỹ trước khi đầu tư vào Đà Nẵng (09/10/2005)
Doanh nghiệp kêu vì giá thuê đất tăng cao (08/10/2005)
Thay 20 triệu bóng đèn sợi đốt, lợi 12.370 tỷ đồng (06/10/2005)
Đề xuất giải pháp "nóng" để có thủy sản sạch (05/10/2005)
Sẽ khoanh nợ cho ngư dân thiệt hại do bão (04/10/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang