(VietNamNet) - Từ 11-14/10, Hội chợ quốc tế về máy móc, thiết bị công nghiệp EPM Vietnam 2005 lần thứ 9 do Công ty Hanover-Messe International GmbH (CHLB Đức) và Công ty Hội chợ - Triển lãm quốc tế TP (AFC) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM.
|
Thứ trưởng Bộ công nghiệp Bùi Xuân Khu và khách tham quan tại gian hàng cơ khí chính xác. Ảnh: Đ.V. |
Trên 100 công ty đã tham gia trưng bày gian hàng. Trong đó, 60% là các doanh nghiệp đến từ châu Âu và Đức. Một số đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... tìm hiểu nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Các gian hàng tập trung giới thiệu các sản phẩm mới nhất trong các lĩnh vực: khai thác mỏ, xây dựng, sắt thép, cơ khí chế tạo, năng lượng và điện, chế biến thực phẩm, bao bì, in ấn, cao su và nhựa, gốm sứ, chế biến gỗ…
Theo ông Wolfgang Lenarz, Giám đốc điều hành Công ty Hanover-Messe International GmbH, đơn vị tổ chức hội chợ, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực này. Hội chợ được tổ chức nhằm giúp các công ty quốc tế giới thiệu sản phẩm, chào hàng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đây là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tìm kiếm các giải pháp đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại.
Hội chợ diễn ra từ 11/10/2005 đến 14/10/2005, tại Trung tâm triển lãm và Hội nghị quốc tế TP.HCM.
Đồng thời với EPM Vietnam 2005, lần đầu tiên một cuộc triển lãm quốc tế về ngành nước mang tên "H20 Vietnam 2005" diễn ra cùng ngày và cùng địa điểm với sự tham gia của 30 doanh nghiệp đến từ châu Âu. Các gian trưng bày các thiết bị, công nghệ xử lý nước ăn, nước thải, lập kế hoạch và xây dựng dự án về nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn, đến nay tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương và hầu hết các thị xã tỉnh lỵ đều có các dự án cấp nước bằng nguồn vốn ODA. Mục tiêu đề ra đến năm 2010, 90% dân số đô thị được cấp nước sạch với lượng nước 100 lít đến 120 lít/người/ngày; thị trấn, thị tứ phấn đấu 80 lít đến 100 lít/người/ngày. Hiện nay tổng công suất cấp nước của Việt Nam chỉ mới đạt 3,7 triệu mét khối/ngày, đến năm 2010 dự kiến đạt 6,5 triệu mét khối/ngày, 2020 đạt 13,5 triệu mét khối/ngày, với nhu cầu vốn khoảng 5,5 tỷ USD.
|