(VietNamNet) - "Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng" kéo dài 12 năm, từ 1998 đến 2010, với tổng vốn đầu tư 33.000 tỷ đồng, để đưa độ che phủ của rừng lên trên 40%. Song, sau 7 năm triển khai, tiến độ dự án đạt chậm, nhất là trong việc trồng 3 triệu ha rừng sản xuất.
|
Không giao rừng cho dân nên người dân chưa thực sự gắn bó với rừng. |
Do vậy, để đánh giá kết quả và tìm hướng đi thích hợp trong những năm tới, trong 2 ngày (11-12/10), Chính phủ đã tổ chức "Hội nghị sơ kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và công tác bảo vệ rừng", dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng.
Theo như mục tiêu của Chương trình 5 triệu ha rừng, thì trong vòng 12 năm, cả nước sẽ trồng được 2 triệu rừng phòng hộ, trong đó khoanh nuôi tái sinh 1 triệu ha, trồng mới 1 triệu ha. Đồng thời, trồng mới 3 triệu ha rừng sản xuất (rừng nguyên liệu công nghiệp giấy, ván nhân tạo, cây đặc sản... ) khoảng 2 triệu ha; cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả khoảng 1 triệu ha.
Kết quả mà Bộ NN-PTNT đưa ra cho thấy, đến nay, chỉ trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là cho kết quả tốt, đạt và vượt nhiệm vụ của kế hoạch 1998-2005, đạt 63% kế hoạch của năm 2010. Độ che phủ của rừng đã lên trên 37%. Song, đối với rừng trồng mới thì cả nước mới đạt 1/3 kế hoạch. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị cho rằng, yếu nhất là trồng cây ăn quả và cây công nghiệp, với mục tiêu đạt 1 triệu ha vào năm 2010 thì đến thời điểm này mới trồng được gần 87.000ha, đạt có 9% kế hoạch.
Ông Nhị nhận xét, việc không đạt được diện tích rừng sản xuất có lỗi bởi đất trồng rừng sản xuất được quy hoạch hạn chế và do nhiều địa phương chỉ chú trọng quy hoạch rừng phòng hộ (có nơi là 63%) nhằm tranh thủ nguồn vốn (trồng rừng phòng hộ được Nhà nước cấp vốn), dẫn tới thiếu đất cho rừng sản xuất. Thậm chí, sau khi trồng xong rừng phòng hộ, dân lại chặt đi để trồng cây khác (như vải thiều, cà phê... ).
Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ KH-ĐT, diện tích rừng do Nhà nước quản lý vẫn quá còn lớn, trong khi người dân thì thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm. Hệ quả là dân làm nghề rừng vẫn nghèo và không gắn bó với rừng. Kế hoạch là đến năm 2000 giao xong đất lâm nghiệp, song nay mới giao và cấp giấy chứng nhận sử dụng khoảng 1,5 triệu ha đất cho các hộ gia đình, bằng 8,5% kế hoạch. Số còn lại Nhà nước vẫn "ôm", với mức đầu tư hàng năm lên tới 500 tỷ đồng mà cũng chỉ trồng mới được 70.000ha.
Chất lượng rừng trồng cũng chưa đảm bảo. Qua khảo sát một số điểm trồng rừng cho thấy, nhiều diện tích đã trồng không đảm bảo mật độ, chất lượng, Có hiện tượng trồng đi trồng lại nhiều lần trên một đơn vị diện tích, dẫn tới đội chi phí.
Đó là chưa kể, trồng rừng quá chú trọng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kết hợp với trồng rừng kinh tế. Do vậy, sản lượng gỗ khai thác rất thấp, chỉ đạt 2,5 triệu m3/12 triệu ha rừng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp chỉ đóng góp có 4% giá trị của toàn ngành nông, lâm nghiệp và bằng 1% GDP cả nước.
|