Công nghiệp: quốc doanh thất thế, DN nước ngoài thăng hoa
17:20' 12/10/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) -  Số liệu tổng hợp về sản xuất công nghiệp 2001 - 2005 của Vụ Công nghiệp và Xây dựng - Tổng cục Thống kê cho thấy: trong khi công nghiệp quốc doanh đang có mức tăng trưởng thấp nhất và tốc độ tăng trưởng giảm dần,  khu vực ngoài quốc doanh tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Doanh nghiệp trong nước nhiều hạn chế

Cụ thể, năm 2001 khối công nghiệp quốc doanh tăng 12,7%, năm 2002 tăng 12,5%, đến năm 2003 tăng trưởng chỉ còn 11,9%, năm 2004 tăng 12,2% và năm 2005 tăng 10,9%. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2001 - 2005 là 12,0%/năm. Mặc dù có sụ sụt giảm nhưng qua quá trình sắp xếp, doanh nghiệp nhà nước đã được tăng cường đáng kể về năng lực và vẫn giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước đã giảm dần từ 44.1% năm 2000 xuống còn 35,2% năm 2005.

Soạn: AM 580856 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Công nghiệp tăng trưởng có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Vũ Văn Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng - Tổng cục Thống kê, đây là kết quả của quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua. Trong đó, Nhà nước tiếp tục hạn chế tăng thêm doanh nghiệp mới, đồng thời lại giảm doanh nghiệp hiện có do cổ phần hoá chuyển qua khu vực ngoài quốc doanh hoặc giải thể. Số liệu biến động doanh nghiệp công nghiệp cũng cho thấy, trong  5 năm qua, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp đã tăng lên nhanh chóng và đến đầu năm 2005 tăng 17,3% so với năm 2001. Trong khi, số doanh nghiệp nhà nước giảm 18,6% (giảm khoảng 341 doanh nghiệp) thì khối ngoài quốc doanh đã tăng đến 13 8,4%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 118,7% .

Trái ngược với quốc doanh, công nghiệp ngoài quốc doanh là khu vực luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng dần trong 5 năm qua. Cụ thể, năm 2001 tăng 21,5%, năm 2003 tăng 23,3%, và năm 2005 tăng 25,8%, bình quân 5 năm tăng 22,5%. Với mức tăng trưởng ấn tượng này, công nghiệp ngoài quốc doanh được xem là nhân tố mới trong sự phát triển công nghiệp 5 năm qua. Tỷ trọng trong ngành công nghiệp tính đến năm 2005 là 29,3%.

Tuy có được nhịp độ tăng trưởng cao nhất nhưng điểm yếu lớn nhất của khu vực này vẫn là quy mô doanh nghiệp còn nhỏ. Đây là khu vực tập trung hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với kỹ thuật thủ công lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm phần lớn ở nhóm kém. 

Vì vậy, ông Tuấn tỏ ra lo ngại khu vực này sẽ gặp khó khăn để duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao một cách ổn định và lâu dài. Và yêu cầu cấp thiết thực lúc này là các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới kỹ thuật công nghiệp.

Lợi thế của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Trong lúc các doanh nghiệp trong nước tiếp tục vật lộn với việc sắp xếp, đổi mới; đau đầu với bài toán vốn và công nghệ thì đây lại chính là lợi thế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, trong 5 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có nhịp độ tăng trưởng cao và ổn định. Năm 2001 tăng 12,6%  và đến năm 2005 tăng 16,6%, bình quân giai đoạn 2001-2005 tăng 15,7%/năm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang chiếm giữ tỷ trọng cao trong một số ngành như: Dầu khí (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 99,9%), dệt, may, da giầy chiếm 40,5%, sản xuất thực phẩm đồ uống chiếm 24,6%, hoá chất 37,7%, sản xuất cao su và plastic chiếm 25,6%, sản xuất xi măng 29,6%, sản xuất thép 31,5%, sản xuất điện tử 44,8%, lắp ráp ô tô 84,2%, sản xuất phương tiện vận tải khác 75%. Hiện nay, tỷ trọng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2005 là 35,6%, trở thành khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp

Theo ông Tuấn, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với ưu thế hơn hẳn về kỹ thuật công nghệ, quan hệ kinh tế đối ngoại và kinh nghiệm quản lý kinh doanh sẽ là khu vực phát triển nhanh với tiềm năng lớn, ưu thế về cạnh tranh, có thể trở thành khu vực có tỷ trọng cao nhất, thậm chí cao hơn cả tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước.

  • Đông Hiếu

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cấp miễn phí 54 tấn hạt rau giống cho nông dân (12/10/2005)
Dự án 5.000 ha chè phá sản:Lãng phí cả chục tỷ đồng (12/10/2005)
Vinashin sẽ có Tổng giám đốc nước ngoài (11/10/2005)
Miền Trung mất trắng 245 tỷ đồng do mưa lũ (10/10/2005)
6 câu hỏi của Mỹ trước khi đầu tư vào Đà Nẵng (09/10/2005)
Doanh nghiệp kêu vì giá thuê đất tăng cao (08/10/2005)
Thay 20 triệu bóng đèn sợi đốt, lợi 12.370 tỷ đồng (06/10/2005)
Đề xuất giải pháp "nóng" để có thủy sản sạch (05/10/2005)
Sẽ khoanh nợ cho ngư dân thiệt hại do bão (04/10/2005)
Thái Bình: Trắng tay những triệu phú đầm tôm (04/10/2005)
Bão số 7 làm thiệt hại 0,5% GDP năm nay (04/10/2005)
Bão số 7 tàn phá ít nhất 17.000ha thủy sản (29/09/2005)
FDI đạt 4 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 37,5% (28/09/2005)
Bia Foster’s tăng thêm 21 triệu USD vốn đầu tư (26/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang