Dự án phát triển giống chè Nhật tại Mộc Châu, Sơn La đã lặp lại số phận của dứa Cayen hay cây Sở cành mềm ở các tỉnh phía Bắc… không những làm biến dạng môi trường đầu tư mà còn gây lãng phí hàng chục tỷ đồng.
Nông dân ở Mộc Châu hôm nào hồ hởi đốn cả trăm ha mận để trồng chè Nhật, giờ đây lại sắp phải rớt nước mắt chặt bỏ chè.
Trồng 4 năm, chè chỉ như… bụi cỏ!
|
Ảnh minh họa |
Sau một chuyến lên thăm Mộc Châu mờ sương đẹp huyền ảo vào năm 2002, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã ra quyết định rất nhanh, bỏ qua góp ý của các chuyên gia ngành chè: Xây dựng vùng sản xuất giống chè đầu dòng cao sản nhập từ Nhật Bản trồng thử nghiệm tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên sau đó tiếp tục hướng đến trồng 5.000 ha chè loại này ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) và một phần ở Thái Nguyên, Lai Châu.
Để nhập về 13 giống chè có cái tên rất kêu: Saemidori, Meiryoku, Fushun, Okuyutaka… cần hơn 10 tỷ đồng.
Ngay sau khi được quyết định, những công việc nhập giống và trồng đại trà trên 130 ha chè tại 3 địa phương trên được thực hiện rất gấp rút. Thế rồi đã hơn 3 năm được trồng, cây chè vẫn trơ khấc chẳng khác nào trảng cỏ, dù theo Tổng Cty chè VN (Vinatea), các biện pháp kỹ thuật canh tác chè tiên tiến đã áp dụng, vật tư được “đổ” đến từng hộ khoán trồng chè.
Trong 130 ha chè giống trồng tại Mộc Châu (100 ha), Mường Chà (Lai Châu) và Sông Cầu (Thái Nguyên), diện tích chè không phát triển được chiếm số lớn, phần còn lại nhiễm sâu bệnh, táp nắng và… chết. Đáng nói là hai giống chè tốt nhất của Nhật lại chỉ có tỷ lệ sống thấp nhất. Chè Yabukita tỷ lệ sống: 45%; chè Yakata Midori: 62%.
Phải đầu tư lớn trong thời gian dài không thu hoạch, nhiều giám đốc nông trường và người dân kêu trời. Bộ NN&PTNT đã thành lập Hội đồng khoa học lên tận Mộc Châu kiểm tra đánh giá dự án và hiệu quả cây chè Nhật. Hội đồng khoa học của Bộ đã thống nhất nhận định: Tuy được chăm sóc tốt nhưng chè Nhật sinh trưởng chậm, thân thấp, tán hẹp, búp chè ngắn, nhỏ, ra nụ nhiều.
Chè cằn, mẫn cảm nhiều loại sâu bệnh (rầy xanh, nhện đỏ, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi và bệnh thán thư cháy đầu ngọn lá. Năm 2004, tỷ lệ chè sống chỉ còn 70% dù đã được trồng dặm lại liên tục, cho thu hoạch ít (chỉ 4 lần/năm)… Kết luận chung là cây chè Nhật không phát triển được và đề nghị Bộ NN&PTNT thanh lý dự án, không phát triển tiếp 5.000 ha chè Nhật tại Sơn La.
Lãng phí đầu tư: Ai chịu?
Nhiều người cho rằng đây cũng là kết quả của sự triển khai nóng vội, áp đặt các quan điểm ngược với những khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Rõ nhất là sự kiên cưỡng trong đầu tư không chú ý đến khí hậu đất đai. Chè của Nhật chỉ phù hợp với nhiệt độ trung bình 15oC, lượng mưa bình quân 1.500 – 2.000 mm.
Thế nhưng vùng trồng chè của Việt Nam luôn có nhiệt độ cao hơn 5-8oC. Còn lượng mưa thấp hơn và đặc biệt khắc nghiệt là có gió Lào, sương muối rất không thích ứng với chè Nhật. Một quan chức nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Vinatea cho biết, ngay khi chuẩn bị thực hiện dự án, nhiều người trong ngành chè đã ra sức can ngăn không nên nhập nhiều, trồng tràn lan, vì biết là sẽ không hiệu quả, không thể nóng vội mà làm đột biến được ngành chè.
Nhưng đã chẳng ai nghe theo. Không những vậy, Bộ NN&PTNT không những không đấu thầu dự án để đảm bảo an toàn cho đồng vốn đầu tư mà còn không cho Vinatea - đơn vị có chuyên môn về chè nhập khẩu giống. Điều này dẫn đến hậu quả là chất lượng hom giống chè đã không được kiểm soát, khó có thể nói việc nhập giống chè không bị tiêu cực, ăn hớt như đã từng xảy ra ở đơn vị nhập giống dứa Cayen trước đó.
Nếu so với trồng giống chè lai LDP1 sản xuất được trong nước, nông dân trồng chè Nhật bị thua lỗ nặng, bởi: trồng chè Nhật năng suất rất thấp, chỉ đạt 2-4 tấn/ha. Còn chè LDP1 năng suất đạt 7-10 tấn/ha. Trong khi đó, giá chè Nhật không cao hơn chè LDP1. Dù sắp phải phá sản dự án lãng phí hàng tỷ đồng, nhưng không ít người vẫn cho rằng, trong cả trăm ha chè phải phá bỏ vẫn còn thu được một vài giống chè đưa vào nghiên cứu, chọn tạo giống.
TS Nguyễn Thái Thắng – Phòng Nông nghiệp (Vinatea) cho rằng, cái dở của dự án chè Nhật chỉ là trồng trên diện tích quá lớn. Còn một số giống chè Nhật đưa vào lai tạo có thể sẽ cho ra giống chè mới có hiệu quả kinh tế cao trong tương lai, cần nhìn nhận hiệu quả kinh tế của dự án xa hơn.
Tuy nhiên, một giáo sư trong Hội đồng nghiệm thu dự án thì quả quyết: Dự án chè Nhật hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, là dự án làm nghèo đất nước và không ai chịu trách nhiệm. Được biết tới đây, Bộ NN&PTNN sẽ làm thủ tục chuyển dự án trồng 130 ha chè Nhật này sang hình thức trồng thử nghiệm phục vụ nghiên cứu để làm “nhẹ” vấn đề.
Nếu vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc một số người ra quyết định đầu tư dự án chè Nhật đã bắt hàng trăm hộ dân phá mận trồng chè dẫn đến trắng tay, đầu tư tiền của Nhà nước thiệt hại hàng tỷ đồng đã phủi bỏ được trách nhiệm. Và các lý do khiến dự án phá sản đều là tại… thời tiết.
(Theo Tiền Phong)