(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc sáng nay (4/10) cho VietNamNet biết, Bộ đã thành lập Tổ công tác đánh giá cụ thể thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra đối với ngành thủy sản, từ đó, sẽ kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ cụ thể.
>> Bão số 7 làm thiệt hại 0,5% GDP năm nay >> Thái Bình: Trắng tay những triệu phú đầm tôm
|
Rất nhiều triệu phú, tỷ phú nuôi trồng thủy sản đã trắng tay sau cơn bão số 7. |
>> Toàn cảnh cơn bão số 7
Thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ cho thấy, bão số 7 đã làm gần 21.200ha ao, hồ nuôi tôm cá tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... bị vỡ, ngập, thiệt hại 1.300 tấn thủy sản. Đã có 65 tàu thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm, mất hoặc vỡ nát, hư hỏng. 35 cống thủy sản bị vỡ và 75.000m3 đê thủy sản sạt lở nghiêm trọng.
Song, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho rằng, con số này hoàn toàn chưa phản ánh hết những thiệt hại mà ngành thủy sản hứng chịu. Đến thời điểm này, không phải chỉ duy nhất cơn bão số 7 xảy ra mà trước đó, diện tích, sản lượng thủy sản nuôi của một số tỉnh miền Bắc, miền Trung đã thiệt hại đáng kể do 3-4 cơn bão. Con số thống kê này cũng chưa chính xác, bởi ngư dân khó có thể tính toán được sản lượng thủy sản còn lại trong các ao, hồ.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, bão số 7 lại xảy ra khá muộn. Từ nay đến cuối năm, nếu Bộ Thủy sản và các địa phương không có được phương án sản xuất cụ thể, ngư dân sẽ không biết phải thả nuôi con gì, vào thời điểm nào. Toàn bộ diện tích bị ngập có thể bị để trắng.
Trao đổi với PV VietNamNet, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc lo lắng về cách thức sẽ làm để cân bằng môi trường mặn - ngọt cho sản xuất. Đây là việc hết sức khó khăn. Đó là còn chưa kể đến phần diện tích đất trồng lúa ngập mặn, nay chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Rồi hạ tầng cơ sở, đê biển phục vụ cho nuôi trồng thủy sản bị tàn phá nặng nề, không phải ngày một ngày hai là có thể khắc phục được.
Do vậy, Bộ Thủy sản sẽ phối hợp với UBND các tỉnh nhanh chóng thống kê lại tổng thiệt hại do bão số 7 gây ra đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, về nội đồng, về con giống... Từ đó, xác định khâu nào, vùng nào sẽ được ưu tiên khôi phục trước. Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho biết, cũng trên cơ sở này, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ khoanh nợ, treo nợ cho ngư dân, đảm bảo để bà con có vốn sản xuất. Song song đó, các địa phương cần vận dụng mọi kiến thức về khuyến ngư để lên phương án sản xuất từ nay đến cuối năm, trong đó nêu rõ nuôi con gì, thả vào thời điểm nào... cho hợp lý nhất.
Thời gian tới, Bộ Thủy sản cũng sẽ ra quy định chi tiết về tiêu chuẩn cho vùng nuôi tôm, như phải có bao nhiêu hécta rừng ngập mặn, vùng đệm, đê bao... Đây là các tiêu chuẩn tối ưu nhằm hạn chế thấp nhất cho nuôi trồng thủy sản nếu bão lũ xảy ra, như Cà Mau đã làm rất tốt việc này.
|