(VietNamNet) - Ông Kuniaki Baba, Giám đốc Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn, kể rằng, công ty ông cần mở rộng diện tích đất trồng rừng nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy chế biến giấy tại Nhật. Song, đã nhiều ngày qua, dự án của công ty "án binh bất động" vì không thuê được đất.
|
Đất đai đang là bài toán khó cho nhiều DN đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp. Ảnh PV. |
Không chỉ riêng ông Kuniaki Baba, nhiều vị lãnh đạo DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp cũng đang kêu cứu về tình trạng thiếu đất sản xuất, hoặc không thể có đất để tạo vùng nguyên liệu. Ở một Bộ chuyên về sản xuất nông nghiệp, việc thiếu đất nghe như chuyện đùa, nhưng lại hoàn toàn là sự thật.
Trong kiến nghị của lãnh đạo các DN FDI có mặt sáng qua (22/9) tại Hội nghị các nhà tài trợ Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG), do Bộ NN-PTNT tổ chức, hầu hết các ý kiến đều nói về chính sách đất đai cũng như tình trạng thiếu đất cho sản xuất. Cùng với sự rủi ro, nguyên liệu bấp bênh, những phân biệt đối xử với DN trong nước... là những nguyên nhân chính khiến tổng số dự án FDI trong nông nghiệp còn hiệu lực là 623, với vốn đăng ký 3,2 tỷ USD, vốn thực hiện 1,56 tỷ USD. Số vốn này chỉ chiếm 7% trong cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài và thấp nhất so với các lĩnh vực khác là dịch vụ và công nghiệp (tương ứng với 34% và 59%).
Công ty TNHH Quy Nhơn có 100% vốn của Nhật Bản, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995. Hiện nay, công ty đang có 10.000 ha rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho Công ty giấy Uji. Kế hoạch của Uji là trồng 300.000 ha rừng nguyên liệu, tập trung ở Việt Nam, Brazil, Australia, Lào... Hiện công ty này đã trồng được 140.000 ha. Và ông Kuniaki Baba kỳ vọng, Việt Nam sẽ là cơ hội để Uji tìm kiếm đất đai, mở rộng diện tích.
Song đến giờ này, công ty vẫn đang loay hoay tìm đất cho dự án. Ông Kuniaki Baba cho biết ông đã đặt vấn đề này lên chính quyền địa phương. Địa phương cũng nhiệt tình giúp đỡ. Cuối cùng, câu trả lời mà ông nhận được là đất đai đã nằm trong quy hoạch của tỉnh và đất còn để dành cho các dự án khác. Do vậy, đất để công ty ông trồng rừng là rất hạn chế và gần như không có. Do vậy, tại diễn dàn này, ông muốn nghe xem các DN khác có rơi vào tình huống của Quy Nhơn không? Bộ NN-PTNT cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam có cách gì tháo gỡ?
Một trường hợp khác là Công ty CP Chè Trần Phú. Ông Trần Hữu Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam, bức xúc, đầu tư cho nông nghiệp thì tất phải gắn với cây trồng, vật nuôi. Trong khi đó, đất đai tại các địa phương ít còn liền vùng liền khoảnh, rất khó lập ra các trang trại lớn.
Đó là chưa kể công ty thường xuyên bị tranh cướp nguyên liệu. Khó khăn lắm DN mới tạo được vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Đùng một cái, địa phương lại cấp phép cho những nhà máy chè khác hoạt động ngay gần vùng nguyên liệu của mình. Chỉ cần trả thêm 50 đồng/kg chè tươi, bà con nông dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng với nhà máy để bán với giá cao hơn. Điều tệ là, các nhà máy mới này lại có công suất nhỏ, hay chỉ là những lò sấy mini, cho chất lượng chè thành phẩm thấp.
Trả lời các câu hỏi này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-ĐT) Phạm Mạnh Dũng nhận xét các dự án FDI trong nông nghiệp hiện đang vướng vào 3 vấn đề:
Thứ nhất là rủi ro, vì vậy mà Chính phủ Việt Nam đã dành những chính sách ưu đãi nhất cho chế biến nông lâm sản, đặc biệt là đối với nông lâm sản xuất khẩu.
Thứ hai, việc lựa chọn đối tác. Thực tế một số liên doanh đã không tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng liên kết, dẫn đến làm ăn không hiệu quả, phá sản.
Thứ ba là quy hoạch đất đai. Đây là vấn đề mà rất nhiều dự án đang vấp phải, đặc biệt là trong việc mở rộng diện tích cho vùng nguyên liệu. Như Nhà máy LD mía đường Tate & Lyte (Nghệ An) trong việc mở rộng diện tích mía, Nhà máy Vedan mở rộng diện tích sắn, Nhà máy chè Phú Bền mở rộng diện tích chè... Thậm chí, có nhà máy giấy đã phải đầu tư sang Lào, Nam Phi để trồng rừng nguyên liệu... Ông Dũng cho rằng, lẽ ra trong khi xin cấp giấy phép đầu tư, các DN phải nói rõ về kế hoạch mở rộng diện tích vùng nguyên liệu để Bộ KH-ĐT cũng như các địa phương xem xét, chuẩn bị. Hiện các DN mới phát sinh nhu cầu, vì vậy, việc giải quyết sẽ khó khăn hơn. Ông Dũng gợi ý các DN nên làm việc trực tiếp với Sở KH-ĐT để chính quyền địa phương tiếp tục xem xét, mở rộng diện tích đất cho thuê.
Ông Lê Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) thì cho rằng, quy hoạch nguyên liệu của chúng ta chưa chuẩn xác. "Hơn nữa, các nhà đầu tư ban đầu cũng không làm, đến giữa chừng lại kêu ca với Chính phủ thì rất khó giải quyết. Lẽ ra, khi xin cấp giấy phép, nhà đầu tư phải tính kỹ cho 5 năm, 10 năm sau nữa. 3-4 năm sau, hoặc khi làm ăn có hiệu quả anh mới đặt vấn đề xin mở rộng ra mấy chục, mấy trăm ha thì rất khó", ông Minh nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, các địa phương trong cả nước sẽ rà soát lại công tác quy hoạch đất đai. Đặc biệt, sẽ rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng loại cây con, từ đó, gợi ý cho các nhà đầu tư là nên trồng cây nào, nuôi con nào cho hiệu quả.
|
Ông Lê Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế. Ảnh PV. |
Ông Lê Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT):
Hiện nay mối lo của chúng tôi là vốn ODA đầu tư vào nông nghiệp càng ngày càng giảm. Đầu tư trực tiếp vào ngành NN-PTNT đang chiếm tỷ lệ rất thấp, về tiền cũng như tổng số dự án, chỉ chiếm khoảng 7% so với toàn bộ đầu tư chung của cả nước. Khá nhiều dự án đầu tư nước ngoài đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ hoặc triển khai chậm. Hiện có đến 1/3 số dự án đang tiến hành xây dựng cơ bản và triển khai các thủ tục khác. Tỷ lệ dự án bị giải thể khá cao so với các lĩnh vực đầu tư khác (trên 30% so với mức bình quân chung là 20%), nhất là các dự án được cấp Giấy phép đầu tư thời kỳ trước năm 1992.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư mới chỉ tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về đất đai, lao động, chưa có nhiều dự án tạo giống cây, con mới và nuôi trồng, chế biến các loại rau quả xuất khẩu cho chất lượng cao. Nhiều dự án, đặc biệt là các dự án trồng rừng, chiếm diện tích đất đai lớn, song hiệu quả trên 1ha đất rất thấp.
Thời gian qua, đối tác nước ngoài trong nông nghiệp vẫn chủ yếu là các nhà đầu tư từ châu Á. Nông nghiệp Việt Nam chưa có khả năng thu hút nhà đầu tư từ các khu vực tiềm năng, có thế mạnh to lớn trong nông nghiệp, như Hoa Kỳ, Canada, Australia và các nước EU.
Theo tôi, ngành NN cần phải giải quyết các vấn đề mấu chốt sau: Sự trùng lặp về thể chế và chính sách. Chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ chính sách đầu tư đối với NN-PTNT, những vấn đề riêng của ngành như thú y, thuốc, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật... Từ đó, hoàn thiện lại trên cơ sở gắn với quy định của WTO cũng như các tổ chức quốc tế. Bộ đã thành lập một đầu mối sẽ tiếp nhận mọi vấn đề về đầu tư trực tiếp, sẽ giải quyết chung các câu hỏi của các DN và nhà đầu tư muốn làm. Cuối cùng là Bộ phải chung vai với DN, nhà đầu tư giải quyết đến cùng. |
|