(VietNamNet) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, toàn bộ 20 triệu bóng đèn sợi đốt sẽ dần được thay miễn phí bằng đèn huỳnh quang compact, với số tiền hỗ trợ gần 570 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
|
Các hộ dân sẽ được thay miễn phí bóng đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang. |
Theo ông Hùng, nếu tính bình quân 1,3 USD/đèn, cộng cả thuế suất thuế nhập khẩu, thì giá mua đèn vào khoảng 1,82 USD/chiếc. Hiện nay, giá đèn huỳnh quang trong nước có thuế GTGT thấp hơn một chút, khoảng 1,7 USD/chiếc.
Như vậy, theo tính toán của EVN, để thực hiện chương trình 20 triệu đèn compact, cần số tiền khoảng 36 triệu USD, tương đương 569 tỷ đồng. Đại diện EVN cho rằng, nếu được Chính phủ miễn giảm thuế nhập khẩu, số tiền trên giảm còn 25,4 triệu USD, tức khoảng 405 tỷ đồng.
Theo Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng, hiện trong nước có 2 DN sản xuất được đèn huỳnh quang, đó là Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông và Công ty Philips Việt Nam. Rạng Đông mỗi năm sản xuất được 1,5 triệu đèn và Philips Việt Nam là 6,5 triệu đèn. Do vậy, có thể cung cấp gần như đủ lượng đèn cho chương trình.
EVN đang dự kiến thay thế dần các bóng đèn sợi đốt này theo lộ trình: từ nay tới tháng 7/2006, thay 10 triệu đèn sợi đốt; từ 8/2006 đến hết năm 2007, thay thế 10 triệu đèn còn lại. Việc thay thế này sẽ được áp dụng với tất cả các hộ gia đình, các cửa hàng, quầy hàng buôn bán nhỏ ở mặt phố có sử dụng đèn sợi đốt. Việc đưa ra các đầu mối nhập khẩu sẽ do UBND các tình thành chỉ đạo thực hiện, hoặc thực hiện đấu thầu nguồn cung. Đối với các nhà máy trong nước, ông Hùng cho rằng, nếu có đủ năng lực sản xuất thì cần đăng ký với Bộ Công nghiệp để ấn định số lượng.
Số liệu điều tra từ các DN sản xuất bóng đèn điện trong nước cho thấy, hàng năm, thị trường trong nước tiêu thụ ổn định khoảng 50 triệu bóng đèn sợi đốt. Hai công ty Rạng Đông và Điện Quang đáp ứng được 90% thị phần, 10% còn lại là đèn nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. Hiện tại 11,5 triệu hộ gia đình nông thôn đã có điện, mỗi gia đình có trung bình từ 2-3 bóng. Bên cạnh đó, ở khu vực ven đô, đèn tròn vẫn đang được sử dụng trong các gia đình có thu nhập thấp. Đèn sợi đốt cũng rất phổ biến ở các quầy hàng kinh doanh nhỏ, các quầy hàng lưu động, các cửa hàng ăn uống vỉa hè... ở đô thị nhờ lợi thế giá rẻ, chỉ 3.000-4.000 đồng/bóng và không đòi hỏi nhiều về chất lượng điện. Trong khi đó, giá đèn compact đang bán trên thị trường cao gấp nhiều lần, từ 15.000 đến 50.000 đồng/chiếc.
Ông Hùng cho biết, nếu sử dụng điện 3giờ/ngày thì trong một năm, đèn compact sẽ tiết kiệm được 50 kWh. Với tuổi thọ của bóng là 6.000 giờ, trong một "đời" sử dụng đèn compact sẽ tiết kiệm được 300 kWh, tương đương với số tiền tiết kiệm được là 300.000 đồng.
Như vậy, chỉ một phép tính đơn giản là nhân số tiền này với tổng 50 triệu đèn sợi đốt đang sử dụng hiện nay trên cả nước, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 150.000 tỷ đồng.
Theo như dự án mà EVN đã trình Chính phủ về việc thay thế 20 triệu bóng đèn, với công suất bình quân 60W/bóng bằng đèn compact có độ sáng tương đương, sẽ giảm được đầu tư 686 MW điện, giảm nhu cầu vốn khoảng 10.000 tỷ đồng. Nếu phải vay với lãi suất 10%/năm, mỗi năm Nhà nước sẽ bớt được 1.000 tỷ đồng trả lãi vay. Đó là chưa kể việc thay thế này còn khắc phục được tình trạng thiếu hụt về công suất và sản lượng điện trong thời kỳ 2006-2008, với tính khả thi cao.
Do vậy mà EVN đang kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng và áp dụng ưu đãi thuế đối với đèn huỳnh quang và ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nhập dây chuyền sản xuất đèn tiết kiệm. Đồng thời, áp dụng lãi suất vay ưu đãi để các DN trong nước vay vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng dây chuyền công nghệ sản xuất đèn tiết kiệm điện. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần nâng mức thuế suất nhập khẩu hoặc cấm nhập khẩu đèn sợi đốt.
Hiện nay, Cuba cũng đang áp dụng biện pháp để thay thế cho 5 triệu bóng đèn sợi đốt trong nước. Đối với Ấn Độ, Công ty điện lực Bangalore phối hợp với các nhà cung cấp, phân phối đèn huỳnh quang bán cho người dân với giá ưu đãi, dưới hai hình thức: mua luôn với giá ưu đãi hoặc mua đèn trả chậm trong vòng 9 tháng với giá thị trường. Việc trả chậm được thực hiện qua hóa đơn tiền điện.
SriLanka cũng áp dụng biện pháp này. Mỗi hộ có thể mua 4 bóng đèn tiết kiệm, trả chậm không tính lãi trong vòng 12 tháng.
Đối với Thái Lan, Chương trình đèn tiết kiệm được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (1996-1999), trong vòng 3 năm, bán đèn với giá ưu đãi (thấp hơn 40%) tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc; Giai đoạn tiếp theo thực hiện từ năm 2000 với việc thử nghiệm và dán nhãn các loại đèn huỳnh quang có chất lượng.
Hầu hết các nước còn lại, như Philippines, Mexico đều bán đèn với giá ưu đãi cho người dân. Riêng tại Anh, một chương trình trợ giá bán đèn thông qua các nhà sản xuất và chương trình cho không đèn huỳnh quang cho khách hàng. Đã có 800.000 hộ gia đình được nhận 1 đèn huỳnh quang 20W thay thế đèn sợi đốt 100W. Đan Mạch cũng thực hiện chương trình 1 triệu bóng đèn tiết kiệm cho không hoặc trả tiền qua hóa đơn tiền điện và qua phiếu giảm giá.
Tại Việt Nam, chúng ta đã thực hiện thí điểm việc đưa vào sử dụng đèn compact giai đoạn 1 với 300.000 bóng và giai đoạn 2 là 700.000 bóng tại Hà Nội, Long An, Vĩnh Phúc và TP. Đà Nẵng. .. theo cách trợ giá 50%. |
Ý kiến của bạn? |