Cứu đàn bò sữa!
15:42' 15/09/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mục tiêu đạt 200.000 con bò sữa vào năm 2010 không phải là quá khó đối với Việt Nam, bởi giai đoạn 2000-2005, chúng ta đã về đích sớm. Song, trước mắt ngành nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm để dọn đường cho đàn bò sữa phát triển. 

Soạn: AM 547998 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Việt Nam đang có gần 20.000 hộ dân, trang trại nuôi bò sữa.

Nông dân bị ép giá: nguy cơ dỡ bỏ chuồng trại

Hiện nay, tổng lượng sữa của Việt Nam đạt 151.000 tấn. Mặc dù sản lượng sữa đã tăng 7,2 lần trong vòng 10 năm qua, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 16% nhu cầu sữa tươi trong nước, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Song, một nghịch lý hiện nay là giá thu mua sữa của các nhà máy chế biến quá thấp, không đủ để khuyến khích nông dân đẩy mạnh nuôi bò sữa (nhất là trong điều kiện chi phí đầu vào đang tăng cao), còn bản thân các nhà máy lại thiếu nguyên liệu, phải nhập ngoại với giá cao.

Ông Vang dẫn chứng, giá thành thu mua sữa tại trang trại của các nhà máy chế biến ở Trung Quốc, Thái Lan là 4.200-4.400 đồng/kg. Riêng ở Việt Nam, mức giá này chỉ 3.000 đồng/kg (Mộc Châu, Sơn La) hay các nơi khác là 3.900 đồng/kg. Giá thu mua sữa vào loại cao tại nhà máy cũng chỉ lên 4.200 đồng/kg. Duy nhất có Nhà máy sữa Milass Thanh Hóa đang mua sữa của bà con nông dân với giá 4.500 đồng/kg tại trang trại và 4.800 đồng/kg tại nhà máy. So với giá nhập khẩu, mức này vẫn rẻ hơn gần 1.100 đồng/kg.

Thiếu nguyên liệu, chúng ta phải nhập sữa bột với giá 47.113 đồng/kg. Sau khi hoàn nguyên với tỷ lệ 1/8, giá đã là gần 5.900 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với giá mua sữa tươi của bà con. Tương quan giữa giá sữa và giá thức ăn không hợp lý đã đặt người nông dân trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, thậm chí phá dỡ chuồng trại bởi giá thức ăn, giá đầu vào tăng. Tiêu biểu là bà con nuôi bò vùng ven đô TP.HCM vừa qua. Sở NN-PTNT đã phải kiến nghị các nhà máy sữa nâng giá thu mua cho bà con.

Trao đổi với PV VietNamNet, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhận xét, ông hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khi cho rằng, Việt Nam chưa xác lập được cơ chế định giá sữa, dẫn tới giá thành sữa ngày một cao trong khi giá thu mua sữa vẫn thấp. Nếu ở Thái Lan, Indonesia, việc đưa ra giá thu mua sữa do Nhà nước, DN và nông dân cùng thỏa thuận, thì tại Việt Nam, các nhà máy chế biến "đơn thương độc mã" quyết định, dẫn tới tình trạng bất hợp lý trên.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến này và nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ có cơ chế đưa ra giá thu mua hợp lý, đảm bảo để chăn nuôi bò sữa phát triển cũng như lợi ích cho người nông dân", Thứ trưởng Bổng nói.

Đàn bò đa mà chưa tinh

Các chuyên gia của Viện Chăn nuôi Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng 4 năm (2000-2004), tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 28%/năm. Hiện đã có 32 tỉnh, thành trong cả nước có chương trình phát triển đàn bò sữa. 94% trong tổng số 107.000 con bò sữa được nuôi tại gần 20.000 hộ dân, trang trại, quy mô phổ biến 3-20 con. Đã xuất hiện một số trang trại có quy mô lớn, đạt từ 200 đến 2.000 con.

Song, chính sự phát triển quá nhanh, quá nóng trên một địa bàn quá rộng đã gây ra bất cập về nhiều mặt. Đã đến lúc, ngành chăn nuôi cần giảm bớt sự gia tăng ồ ạt số lượng và chú trọng vào chất của đàn bò. Ông Nguyễn Đăng Vang, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, nói rằng, 16 tỉnh thành mới phát sinh nuôi bò sữa (chỉ có 16 tỉnh được nuôi bò theo chương trình quốc gia) quá nôn nóng trong việc nuôi bò, trong khi lại rất thiếu kinh nghiệm, dẫn tới hiện tượng "sốt giống". Giống bò nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu. Chất lượng đàn bò và chất lượng sữa vì thế không cao.

Trong quá trình phát triển, ông Vang cho biết phải loại thải những con bò xấu về sinh sản, nhưng do tâm lý "tiếc nuối", ngần ngại khi thấy giống bò nhập ngoại giá cao và quý, các hộ dân đã giữ những con bò "vô tích sự" này. Do đó, sau 2 năm, tỷ lệ loại thải ở Việt Nam mới đạt 15% (theo quy trình chọn giống phải đạt 20-25%). Trong khi ở các nước khác, còn số này đã là 40%. Như vậy, trong tổng đàn hơn 100.000 con hiện có, ông Vang nói, cần phải loại thải thêm ít nhất 2%, tức khoảng 2.000 con.

Ông Lê Viết Ly (Hội Chăn nuôi Việt Nam), thì cần tiến hành thống kê đánh giá và chọn lọc lại đàn bò. Thống kê lại đàn bò sữa: thành phần bò sữa, bò hậu bị, bê con trong đàn và chất lượng của chúng. Theo ông này, từ khi triển khai chương trình bò sữa, đàn bò Việt Nam đã biến động nhiều. "Sốt giống" làm người dân mua đi bán lại, kể cả những con bò kém chất lượng cũng chạy vòng vo.

Chăm sóc kém

Theo Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Vũ Chí Cương, thức ăn cho bò cũng là vấn đề mà chúng ta chưa quan tâm thỏa đáng. Tại các trang trại, nông dân thường cho bò thức ăn tinh với 65-70% là vật chất khô trong khẩu phần, dẫn tới mất cân đối tỷ lệ tinh/thô, khiến bò dễ mắc một số bệnh về sinh sản, móng, nhất là sản lượng và chất lượng sữa không cao. Thức ăn thô xanh thiếu trầm trọng, đặc biệt vào mùa đông. Thức ăn tinh giá cao, làm tăng giá thành sản xuất sữa, hiệu quả chăn nuôi bò giảm sút.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi cho rằng, không nên phát triển bò sữa ở các vùng hàng năm bị lũ lụt như ĐBSCL, cũng không nên nuôi bò sữa ở các vùng khô hạn vì không đủ thức ăn xanh, con vật dễ bị bệnh.

Mặt khác, tại Hội thảo quốc tế "Những kinh nghiệm trong phát triển ngành sữa tại một số nước Đông Nam Á" diễn ra hôm qua (14/9), tại Hà Nội, ông Itosuo Shimohira, Cố vấn trưởng dự án Nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò tại Việt Nam, nhấn mạnh, việc giúp người dân cải tiến kỹ thuật nuôi bò là không đủ. Điều quan trọng là Việt Nam cần tạo ra một thể chế để duy trì và phát triển ngành sữa. Do vậy, tại hội thảo, các chuyên gia Thái Lan, Indonesia sẽ đưa ra đề xuất, gợi ý những mô hình, kiểu mẫu hay khung hoạt động cần thiết mà các nước này đã áp dụng thành công, để từ đó, có thể dọn đường cho Việt Nam phát triển đàn bò sữa.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Bò sữa Israel cho sữa gấp 4 lần bò sữa VN
20 tỷ đồng xây dựng trung tâm chăn nuôi bò sữa
Đàn bò sữa đáp ứng 18% nhu cầu sữa trong nước
Phiên chợ cỏ đầu tiên cho... bò sữa
Bò sữa: nuôi càng lắm, lỗ càng nhiều
6 bài học kinh nghiệm về nhập bò sữa
Để có con bò sữa Việt Nam, cần 20 năm nữa
Nhập bò sữa giống phải "gánh" trách nhiệm chất lượng
Cần 5.800 tỷ đồng để có đàn bò sữa 200.000 con
CÁC TIN KHÁC:
Sau 10 năm, tuyến Kim Liên-Ô Chợ Dừa sẽ khởi công (12/09/2005)
Việt Nam nuôi thử nghiệm thành công cá hồi (10/09/2005)
Cao su xuất khẩu tăng giá, tăng sản lượng (09/09/2005)
Sẽ thiếu điện trầm trọng trong 5 năm tới! (08/09/2005)
Cảng biển Việt Nam lãng phí 25% công suất (07/09/2005)
Một kiểu thi công bên bờ phá sản (07/09/2005)
Xe ôtô giá rẻ đã xuất hiện tại Việt Nam! (07/09/2005)
Doanh nghiệp chè phải chủ động 70% nguyên liệu (06/09/2005)
VASEP chia sẻ và kêu gọi hỗ trợ ngành thủy sản Mỹ (06/09/2005)
Mô hình 1,4 tỷ đồng/ha/năm với ếch, ba ba (05/09/2005)
Mỹ chi 4 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu tôm (05/09/2005)
Giá ôtô không thể giảm trước 2008 (05/09/2005)
Doanh nghiệp Việt Nam "tấn công" các khu công nghiệp (04/09/2005)
Thái Hòa - KCN có nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt (03/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang