Sau 10 năm, tuyến Kim Liên-Ô Chợ Dừa sẽ khởi công
12:15' 12/09/2005 (GMT+7)

Ngày 10/10, dự án đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) sẽ chính thức khởi công sau gần 10 năm chờ đợi. Mặc dù thành phố có nhiều cố gắng song người dân ra đi vẫn còn nhiều tâm trạng.

Soạn: AM 545031 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đường vành đai 1 tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa bị tắc ở Trung Tự sẽ khởi công sau 10 năm bị treo. Ảnh: TPO
Hạ tầng thiếu, chất lượng nhà tái định cư chưa như ý

230 hộ dân phường Phương Liên đã nhận tiền đền bù đợt 1, trong số này có 201 hộ được nhận nhà tái định cư, bắt đầu di dời từ 9 -15/9.

Theo báo cáo nhanh của Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường & Nhà đất Hà Nội, tính đến ngày 10/9, Cty nhà số 2 và 3 đã nhận bàn giao 180 căn hộ nhà B3-B, B3-D khu đô thị Nam Trung Yên (NTY), 13 căn ở nhà G (khu đô thị Đền Lừ).

Và trong 2 ngày 9-10/9, 198 hộ dân đã nhận và nộp đủ tiền mua nhà hơn 42,2 tỷ đồng. Nhận nhà mới, người dân không còn phải sống trong tâm trạng “đi cũng dở, ở không xong” như gần 10 năm qua.

Nhưng thời điểm Cty nhà số 3 giao nhà, không ít người dân lại lo lắng. Hai khu chung cư cao 13 tầng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, đường nội bộ chưa trải nhựa xong. Hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, vườn hoa chưa có gì.

Thực chất, khu chung cư đang xây dựng theo quy trình ngược “xây nhà trước, xây hạ tầng sau”. Nhận nhà, ông Vũ Quốc Tuấn (P901-nhà B3-D, NTY) phàn nàn: “Chợ chưa có, trường cũng không. Con em chúng tôi phải học nhờ, cuộc sống sẽ rất khó khăn”.

Được mua căn hộ 63,8m2 nhưng ông Tuấn không hài lòng: “Thiết kế rất kém, cách làm cẩu thả. Tổng thể lô nhà bí và xấu”. Từ tầng 1, ông dẫn chúng tôi lên tầng 9 bằng cầu thang bộ (do điện đang hoàn thiện, thang máy chưa vận hành được).

Nhà ông Tuấn có 3 phòng, 1 bếp nhưng có nhiều bất cập. Ví như, nhà có tới 7 cửa nhưng vẫn bí, bếp quá nhỏ, hai “lô gia” không hút được gió, không giải quyết được chức năng mở rộng không gian.

Quạt thông gió khu phụ chưa được lắp, ông Tuấn hỏi người hướng dẫn thì được trả lời: “Phải đợi đến lúc bàn giao nhà mới biết có quạt hay không”! Một cán bộ trong Ban quản lý các dự án trọng điểm Hà Nội trả lời: “Cái này không có trong thiết kế!”.

Vậy là những cư dân đầu tiên đến NTY đã phải nhận căn hộ chưa thật sự hoàn thiện. Một số người khác phàn nàn về áp lực nước, về một số chỗ không đảm bảo chất lượng.

Ai cũng thấy sự bức thiết và ủng hộ việc xây dựng đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, ai cũng biết việc giải phóng mặt bằng và di dời tái định cư là chuyện phải làm, nhưng quá trình này sẽ nhẹ nhàng và nhanh hơn rất nhiều nếu các khu tái định cư được quan tâm xây dựng tốt hơn.

Thiếu nhà tái định cư thì dự án sẽ lại “treo”

Giải thích về mức giá đền bù, ông Hoàng Kim Thành - Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng (Ban quản lý các Dự án trọng điểm Hà Nội) cho biết: Thành phố đã có 2 lần điều chỉnh giá (thực chất chỉ là điều chỉnh vị trí), như khu vực đê La Thành, đã bỏ vị trí 4 áp giá vị trí 3…

Đến nay, 230 hộ dân (đợt 1) đã nhận tiền đền bù (hơn 131 tỷ đồng); những hộ được tái định cư (TĐC) đã nhận nhà. Gần 900/1200 hộ dân phường Phương Liên và Nam Đồng nằm trong diện di dời đã được lên phương án.

“Giá đền bù nhích lên, giá bán nhà cho dân là giá cũ. Nhưng dân vẫn thắc mắc vì chắc họ nghĩ đòi được thêm chút nào hay chút đó” - Ông Thành nói.

Nhà tái định cư tại chỗ vào tay ai?

* Người dân phường Phương Liên đã tiếp tục gửi đơn tới báo Tiền Phong cho biết:

Hiện tại phường Phương Liên có 2 dự án tái định cư: NhàTĐC tại khu vực Ao Đấu (QĐ 3318 của UBND TP Hà Nội), gồm 123 căn hộ; dự án nhà 11 tầng gồm 100 căn hộ tái định cư tại tổ 47 (QĐ 772) cũng của UBND TP Hà Nội phục vụ di dân tại chỗ. Thế nhưng cho tới nay, chưa hộ nào ở phường Phương Liên được di dân tại chỗ, vậy đề nghị thành phố trả lời để dân được rõ.

* Hơn 200 căn hộ (Lô B3-B, B3-D) khu TĐC Nam Trung Yên mặc dù đã giao cho người dân đến ở nhưng vẫn chưa có bản giám định chất lượng. Theo ông Hoàng Kim Thành, hiện bản giám định vẫn đang chờ ký, đóng dấu.

Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường& Nhà đất Hà Nội, ông Dương Văn Chỉnh cho biết: “Quỹ nhà chưa được nhận nhưng chúng tôi đã phải lên kế hoạch giao nhà cho dân. Cách làm này gấp gáp và bị động”.

Gần 200 hộ dân đầu tiên đã nhận nhà nhưng vấn đề quản lý nhân khẩu, an ninh trật tự, ổn định đời sống lâu dài cho dân vẫn chưa được tính đến. Một vấn đề khác là phải tiếp tục tổ chức TĐC cho gần 1 nghìn hộ dân còn lại trên mặt bằng của dự án đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Ông Thành cho biết theo kế hoạch của Ban, ngày 30/9 sẽ tổ chức di dời hơn 200 hộ dân đợt 2. Như vậy, đến ngày khởi công dự án (10/10), có khoảng 500 hộ dân phải chuyển đi, giải phóng được 400m dài (từ đường Phạm Ngọc Thạch đến cống Chẹm).

“Vấn đề nhà TĐC đợt 1 đã tạm ổn, nhưng vẫn còn vướng do nhà xây dựng chưa có hạ tầng tốt, công trình phúc lợi xã hội như chưa thể có ngay được” - Ông Thành nói.

Hiện Ban quản lý các Dự án trọng điểm Hà Nội đã gặp phải một số khó khăn như: khu vực Nam Đồng chưa điều tra đo đếm hết số hộ cần giải tỏa để có kế hoạch đền bù, di dân; nhiều nhà ở chung tới 15-16 hộ, chủ đất cũng chưa chọn phương án đền bù theo thửa hay theo số hộ...

Hơn 40 hộ dân di dời từ Ngã Tư Sở lại phải chuyển nhà lần thứ 2 - nói như Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn “2 lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà” - nhưng thành phố chưa có cơ chế đền bù để dân đỡ thiệt.

Cách tính vị trí dọc đường Nguyễn Lương Bằng còn vướng, chẳng hạn nhà ở vị trí 4 nhưng lại có ngõ mặt đường thì áp mức giá nào? Quỹ nhà còn thiếu dù dân đã phải chịu áp dụng cơ chế mỗi mét vuông nhà chỉ được đền bù gấp 2.

Có gia đình bị thu hồi hơn 300m2 đất nhưng chỉ được mua một căn hộ vì chỉ có một hộ khẩu. Vì số căn hộ rộng tại khu NTY rất thiếu, nhiều người dân phải chờ đợi nhà B3-A, B3-C gần đó.

Nhìn hai chung cư đang gấp rút hoàn thành, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Chủ tịch Hội đồng GPMB tỏ ra lo lắng: “Trông thế nhưng phải mất cả tháng nữa mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trong năm nay. Người dân cũng rất nóng lòng đến nơi ở mới”.

Khó nhất vẫn là những đoạn sau, nếu người dân vẫn tiếp tục thắc mắc, chờ đợi. “Theo kế hoạch, sớm nhất quý I/2006 mới có thể di dân xong toàn tuyến, nhưng với điều kiện phải có đủ quỹ nhà TĐC” - Ông Hoàng Kim Thành cho biết.

(Theo Tiền Phong)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam nuôi thử nghiệm thành công cá hồi (10/09/2005)
Cao su xuất khẩu tăng giá, tăng sản lượng (09/09/2005)
Sẽ thiếu điện trầm trọng trong 5 năm tới! (08/09/2005)
Cảng biển Việt Nam lãng phí 25% công suất (07/09/2005)
Một kiểu thi công bên bờ phá sản (07/09/2005)
Xe ôtô giá rẻ đã xuất hiện tại Việt Nam! (07/09/2005)
Doanh nghiệp chè phải chủ động 70% nguyên liệu (06/09/2005)
VASEP chia sẻ và kêu gọi hỗ trợ ngành thủy sản Mỹ (06/09/2005)
Mô hình 1,4 tỷ đồng/ha/năm với ếch, ba ba (05/09/2005)
Mỹ chi 4 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu tôm (05/09/2005)
Giá ôtô không thể giảm trước 2008 (05/09/2005)
Doanh nghiệp Việt Nam "tấn công" các khu công nghiệp (04/09/2005)
Thái Hòa - KCN có nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt (03/09/2005)
Thị trường Mỹ vẫy gọi cá rô phi Việt Nam (03/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang