Việt Nam nuôi thử nghiệm thành công cá hồi
15:33' 10/09/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hai đợt đưa trứng cá hồi vân (còn gọi là cá hồi ráng) giống Phần Lan vào nuôi thí nghiệm tại Sa Pa (Lào Cai) đầu năm đến nay đã cho kết quả khả quan, có thể đưa vào nuôi để thay thế việc nhập khẩu.

Soạn: AM 543047 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Những con cá hồi xứ ôn đới hoàn toàn thích nghi tại Việt Nam.

Theo Sở NN-PNTT Lào Cai, đợt 1, Sở đã nhập 25.000 trứng vào ngày 21/1 từ Công ty Samon Tainam (Phần Lan), sau 4-7 ngày trứng nở với tỷ lệ trên 90%. Đợt 2, Lào Cai nhập tiếp 25.000 trứng vào 8/2, cho tỷ lệ nở cao hơn là 97% do đã rút được kinh nghiệm trong quá trình vận chuyển trứng từ Phần Lan vào Việt Nam.

Cá bột ươm thành cá giống, với tổng số khoảng 29.400 con, nuôi tại Thác Bạc (Sa Pa). Kỹ thuật nuôi cá Hồi vân dựa trên công nghệ chuyển giao của Phần Lan và có tính đến điều kiện của Việt Nam. Cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, cũng mua từ Phần Lan. Hiện tại, đàn cá đang trong điều kiện sức khoẻ tốt, chưa có dấu hiệu bệnh tật.

Trại thử nghiệm cá hồi tại thác Bạc nằm ở độ cao hơn 1.700m, cách thị trấn Sapa 12km. Điều kiện khí hậu ở đây có thể xuống 0oC vào mùa đông, song, vào mùa hè nước ao có thể lên tới 24-25oC. Nước cấp cho trang trại được lấy một phần từ thác Bạc và suối nhỏ gần kề. Tốc độ dòng chảy khoảng 30l/s trong mùa khô và trên 120l/s trong mùa mưa. Các điều kiện của trại thử nghiệm cá Hồi vân rất phù hợp cho việc ấp trứng vào mùa đông, ươm và nuôi cá thịt vào thời gian còn lại trong năm.

Loài cá này được nuôi trong môi trường nước chảy và cho ăn thức ăn viên khô (35-65% đạm), được trộn thêm vitamin C và vitamin B1, tỷ lệ cho ăn là 3,5-5% khối lượng cá trong bể, phụ thuộc vào nhiệt độ nước và mức ôxy hoà tan. Muối cũng được cấp lấy định kỳ vào bể để cung cấp thêm các ion kim loại cần thiết (khi nước bị đục).

Tuy nhiên, do thiếu các phương tiện sản xuất nên cá bị nuôi ở mật độ quá cao dẫn đến tăng trưởng chậm. Ngoài ra, do số lượng cá giống nhiều hơn so với dự kiến nên lượng thức ăn được dự án cấp chỉ đủ để sản xuất 6,5 tấn cá, tương đương khoảng 9.000 cá giống. Trong khi đó, cá tầm cũng đang dần dần sử dụng thức ăn của cá hồi dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn.

Bên cạnh đó, do không có nguồn tài chính để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu (thi công đường ống, làm bể chứa nước, hệ thống lọc rác, bể muối) nên gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn trong mùa mưa bão hoặc cá thành phẩm phải bán sớm.

Tuy nhiên, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản nhận định, việc nhập những loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế vào Việt Nam mở đầu cho sự phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, trong tương lai sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương. Ngoài ra, có thể phối hợp mở các dịch vụ du lịch câu cá tại các suối nước lạnh.

Cá hồi được phát hiện tại khu vực Bắc Mỹ cách đây hơn 100 năm và ngày nay đã nhanh chóng trở thành đối tượng nuôi trên thế giới và tiếp tục được giới thiệu thành công ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Nêpan, Ấn Độ, Pakistan và Butan. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên cá hồi vân được đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, đạt thành công ngoài dự kiến.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cao su xuất khẩu tăng giá, tăng sản lượng (09/09/2005)
Sẽ thiếu điện trầm trọng trong 5 năm tới! (08/09/2005)
Cảng biển Việt Nam lãng phí 25% công suất (07/09/2005)
Một kiểu thi công bên bờ phá sản (07/09/2005)
Xe ôtô giá rẻ đã xuất hiện tại Việt Nam! (07/09/2005)
Doanh nghiệp chè phải chủ động 70% nguyên liệu (06/09/2005)
VASEP chia sẻ và kêu gọi hỗ trợ ngành thủy sản Mỹ (06/09/2005)
Mô hình 1,4 tỷ đồng/ha/năm với ếch, ba ba (05/09/2005)
Mỹ chi 4 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu tôm (05/09/2005)
Giá ôtô không thể giảm trước 2008 (05/09/2005)
Doanh nghiệp Việt Nam "tấn công" các khu công nghiệp (04/09/2005)
Thái Hòa - KCN có nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt (03/09/2005)
Thị trường Mỹ vẫy gọi cá rô phi Việt Nam (03/09/2005)
DN Mỹ muốn xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam (02/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang