Bộ Thủy sản giải quyết vấn đề cá basa xuất khẩu
16:59' 31/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong thông cáo báo chí phát đi hôm nay (31/8) Bộ Thủy sản cho biết, sẽ tiến hành đồng loạt các biện pháp để tránh lặp lại sự việc cá tra, basa Việt Nam bị ngưng bán ở 3 bang của Mỹ như vừa qua.

 

Làm việc với phía Mỹ

 

Soạn: AM 534875 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Sẽ có danh mục các kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
 

Theo đó, để kịp thời chứng minh với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) rằng Việt Nam đang có hệ thống kiểm soát tương đương Hoa Kỳ về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trong đó có hóa chất kháng sinh (bao gồm cả Fluoroquinolones), Bộ Thủy sản đã chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng, ATVS và Thú y thủy sản (NAFIQAVED) khẩn trương làm văn bản thông báo tới FDA những thông tin cập nhật về hoạt động kiểm soát ATVSTP  tại Việt Nam.

 

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu NAFIQAVED  thực hiện kiểm tra chứng nhận không chứa kháng sinh cấm (bao gồm Fluoroquinolones) cho các lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

 

Căn cứ Chương 123 Bộ Luật Thực phẩm Hoa Kỳ và kết quả làm việc giữa Đại sứ và Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ với FDA cho thấy, FDA đã quy định, nếu một lô hàng của DN không bảo đảm an toàn thực phẩm, thì lô hàng đó không được nhập khẩu vào Hoa Kỳ, hoặc bị tiêu hủy tại chỗ nếu chứa những yếu tố đặc biệt gây hại đến sức khỏe con người.

 

Tên DN sẽ bị đưa lên mạng cảnh báo của FDA và các lô hàng tiếp theo sẽ bị tự động giữ lại để kiểm tra, cho đến khi nào đạt được năm lô hàng tiếp theo đạt yêu cầu TTTP của Hoa Kỳ và DN có văn bản gửi FDA đề nghị được bỏ tên ra khỏi mạng cảnh báo.

 

Đồng thời, theo thông lệ, nếu 1 nhóm hàng có nhiều lô hàng bị phát hiện cùng 1 mối nguy an toàn thực phẩm, FDA có thể áp dụng biện pháp cảnh báo tự động giữ lại để kiểm tra đối với cả nhóm hàng hóa đó.

Bộ Thủy sản cũng sẽ phối hợp với Bộ Y tế và Bộ NNN-PTNT cử  đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Cục Thú y và NAFIQAVED sang làm việc với FDA trong thời gian sớm nhất để bàn các biện pháp giải quyết khó khăn trước mắt và xây dựng kế hoạch hợp tác lâu dài giữa FDA với các cơ quan chức năng của Việt Nam.

 

Về việc này, Bộ Thủy sản cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam luôn duy trì và thực thi chính sách nhất quán về kiểm soát dư lượng các chất độc hại nhằm đảm bảo ATVSTP thủy sản.

 

Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, các danh mục hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng và cho phép sử dụng có giới hạn dư lượng đều được xây dựng phù hợp với các qui định, tiêu chuẩn hiện hành của Hoa Kỳ, Ủy ban Liên minh châu Âu và Ủy ban Codex.

 

Theo Bộ Thủy sản, riêng đối với nhóm Fluoroquinolones, tại thời điểm ban hành QĐ 07/2005/QÐ-BTS ngày 24/2/2005 về danh mục các loại hóa chất kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng,  Mỹ cấm sử dụng 3 dẫn xuất nhưng EU và một số nước qui định giới hạn cho phép. Vì vậy, Bộ Thủy sản đã dựa vào quy định của Codex, EU và JEFCA để đưa nhóm chất này vào danh mục các chất hạn chế sử dụng.

 

Nên ban hành danh mục được phép thay vì danh mục bị cấm

 

Trao đổi với PV VietNamNet, một quan chức VASEP cho biết, một trong những giải pháp mà Bộ Thủy sản đang xem xét là nên ban hành Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng, chế biến thủy sản, thay vì cứ thỉnh thoảng, Bộ Thủy sản lại đưa thêm một chất kháng sinh vào Danh mục các chất bị cấm sử dụng như hiện nay.

 

"Việc làm như vậy là hoàn toàn bị động. Chúng ta nên đi bằng đường lớn, chứ không nên đi mãi bằng đường vòng", vị quan chức này nói. 

 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, thông thường, ở nhiều nước có nuôi trồng thuỷ sản cho sử dụng tất cả các loại kháng sinh, trừ những kháng sinh bị cấm (trong đó có Việt Nam). Ngược lại, ở Hoa Kỳ, trừ những loại kháng sinh được phép sử dụng còn lại tất cả các loại kháng sinh khác đều bị cấm.

Ở Mỹ, hiện chỉ có 6 loại kháng sinh được phép sử dụng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) còn chỉ rõ các loại kháng sinh này do công ty dược phẩm nào cung cấp, cũng như quy định cụ thể đối tượng, điều kiện và cách thức sử dụng của từng loại. Sáu loại kháng sinh đó là: chorionic gonadotropin, formalin solution, tricaine methanesulfonate, oxytetracyline, sulfamerazine và hỗn hợp sulfadimethoxine/ormetoprim.

Ngoài ra, FDA còn có một danh mục 18 loại khác không phải kháng sinh, hiện đang được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Danh mục này gồm: axít acetic, calcium chloride, calcium oxide, carbon dioxide gas, fuller’s earth, tỏi (cả củ), hydrogen peroxide, ice, magnesium sulfate, hành (cả củ), papain, potassium chloride, povidone iodine, sodium bicarbonate, sodium chloride, sodium sulfite, thiamine hydrochloride, axít urea và tannic.
 

Trong khi đó, hiện nay, việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào yêu cầu từ các thị trường, nhất là về ATVSTP. Đặc biệt, các nhà nhập khẩu, cũng như các thị trường, có thể lợi dụng hàng rào kỹ thuật này để gây khó dễ cho thủy sản Việt Nam. Việc đưa ra một giải pháp toàn diện, tránh rơi vào trường hợp 3 bang của Mỹ cấm bán cá tra, basa Việt Nam như vừa qua, là rất cần thiết.

Đây không chỉ là lần đầu Bộ Thủy sản bị động trong việc đối phó với dư lượng kháng sinh. Năm 2004, các cơ quan chức năng của Bộ mới đưa Malachite Green vào cấm sử dụng khi cũng có lô hàng thủy sản của ta bị thị trường nhập khẩu trả lại.

  • Hà Yên

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lẹt đẹt ngành công nghiệp phụ trợ (31/08/2005)
Xuất khẩu thuỷ sản tăng gần 10%/năm (31/08/2005)
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,2% (30/08/2005)
Xoá sổ chương trình 1 triệu ha lúa lai (30/08/2005)
Bò sữa: nuôi càng lắm, lỗ càng nhiều (29/08/2005)
Những nhà máy đường công suất nhỏ có thể bị xoá sổ (29/08/2005)
Đi thăm đà điểu - “VIP” trong ngành chăn nuôi (28/08/2005)
Những tỉ phú trẻ chân đất (27/08/2005)
Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng” (27/08/2005)
Phát hiện một giếng dầu mới ngoài khơi Việt Nam (26/08/2005)
Không có chuyện cấm cá basa VN trên toàn nước Mỹ! (25/08/2005)
È cổ lo trả nợ cho các nhà máy đường (25/08/2005)
Doanh nghiệp phê phán cả Bộ Thuỷ sản lẫn phía Mỹ (25/08/2005)
Việt Nam sẽ còn thiếu đường trầm trọng (24/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang