Lẹt đẹt ngành công nghiệp phụ trợ
15:38' 31/08/2005 (GMT+7)

Sẽ không thể có một nền công nghiệp phát triển nếu như ngành công nghiệp phụ trợ cứ tiếp tục “lẹt đẹt” như hiện nay. Với một xuất phát điểm thấp, thực sự không thể chần chừ được nữa.

Soạn: AM 533892 gửi đến 996 để nhận ảnh này

“5 năm trước, khi đầu tư vào Việt Nam, đại diện Công ty Fujitsu đã lặn lội đi tìm đến 64 doanh nghiệp trong nước mà không mua nổi... cái ốc vít”.

Đó là quan điểm chung của hầu hết các chuyên gia, các nhà kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp có mặt tại buổi hội thảo về nền công nghiệp phụ trợ và mối liên hệ giữa các doanh nghiệp được tổ chức sáng qua (30/8) tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

“Hỏi 64 doanh nghiệp không mua được cái... ốc vít”

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME PC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu lên một ví dụ để thông qua đó có thể hình dung phần nào về thực trạng của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam: “5 năm trước, khi đầu tư vào Việt Nam, đại diện Công ty Fujitsu đã lặn lội đi tìm đến 64 doanh nghiệp trong nước mà không mua nổi... cái ốc vít”.

Theo bà Hằng, sự việc này đã thể hiện được một thực trạng là trình độ chuyên môn hóa và khả năng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp.

Chia sẻ với quan điểm này, ông Sachio Kagayama, Tổng giám đốc Canon Việt Nam cho rằng: Tập đoàn Canon cũng như hầu hết các tập đoàn kinh tế đa quốc gia khác đều sẵn sàng hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để các doanh nghiệp trong nước xây dựng, phát triển thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và những dịch vụ phụ trợ khác. Tuy nhiên, sau các cuộc điều tra, một thực trạng của các doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ là khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng rất kém.

“Điều rất đáng tiếc là có quá ít doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp phụ trợ, nếu có thì chủ yếu tham gia khâu đóng gói, bao bì còn cung cấp những linh - phụ kiện hỗ trợ chủ yếu cho chúng tôi lại không có mấy. Trên thực tế, nếu phải tiến hành nhập từ các quốc gia thứ ba như Trung Quốc, Thái Lan thì chắc chắn giá thành sẽ bị đẩy lên cao. Do đó, nhất thiết phải có các nhà cung cấp của Việt Nam. Hiện tại, 99% nhà cung cấp cho chúng tôi đều là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Sachio Kagayama nói.

Đáng tiếc hơn, rất hiếm khi có các doanh nghiệp mạnh dạn đến đề nghị làm nhà cung cấp cho cho các tập đoàn, công ty lớn, có thể là vì sự chệnh lệch còn lớn. Ông Sachio Kagayama dẫn thêm một ví dụ: “Thời gian trước chúng tôi có liên kết với một doanh nghiệp Việt Nam để làm linh kiện. Lần đầu tiên sản phẩm của công ty này rất tốt, đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chất lượng. Nhưng đến lần thứ hai màu sắc của sản phẩm đã bắt đầu khác đi. Cứ như thế đến lần thứ sáu, màu sắc của sản phẩm đã khác hẳn so với lần thứ nhất”.

Tự “cải cách” chính mình

Vậy sẽ phải bắt đầu từ đâu với một thực trạng còn chưa sáng sủa như vậy trong khi sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu và yêu cầu về công nghiệp phụ trợ chính là một nền tảng căn bản nhất cho một nền công nghiệp thực sự phát triển?

Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Một thực tế không mấy tươi sáng song vẫn phải thẳng thắn thừa nhận là quy mô và tiềm lực của đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Điều đó dẫn đến một tâm lý chung là doanh nghiệp nào cũng “ngại” nghĩ đến việc chuyên môn hóa khi phải bỏ vốn đầu tư lớn. Tài chính là một chuyện, điều khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn nhất là tính “mạo hiểm” bởi phải thay đổi trong khi cứ làm như hiện nay vẫn có thể “tự nuôi nhau”.

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử trăn trở: “Ai ngồi đây cũng có thể nhận thấy tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ. Xương sống của một nền công nghiệp chính là các ngành điện tử (nói chung cho cả viễn thông, tin học...), ôtô – xe máy, chế tạo máy..., tất cả những ngành này đều phải có đầy đủ các nhà cung cấp để phát triển, chẳng ai tự mình làm được hết. Thế nhưng, tính rủi ro lại rất cao bởi phải đầu tư lớn trong khi tuổi đời của sản phẩm ngắn, phải “chạy đua” với thời gian về mẫu mã (trừ một số ngành như chế tạo máy, khuôn mẫu...) Thậm chí, có khi hàng đang trên đường vận chuyển thì trên thị trường đã lỗi thời, lỗ vốn.”

Từ đó, ông Hùng cho rằng, cần phải có một quy hoạch tổng thể cho ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi lẽ, sẽ không doanh nghiệp nào có thể và dám một mình tiến hành được. Một sản phẩm như chiếc máy tính xách tay cần phải có hàng chục, thậm chí cả trăm nhà cung cấp. Ví dụ chiếc máy tính hiệu IBM nhưng ổ cứng là Seagate, màn hình là Samsung, main của Intel, chưa kể đến từ chiếc ốc vít cũng phải có một nhà cung cấp chuyên nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ làm chuyên một vài sản phẩm mới có thể liên tục cải tiến được với khoản đầu tư không quá sức.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu chỉ có quy hoạch tổng thể thì dù chi tiết đến đâu cũng khó thực hiện khi bản thân các doanh nghiệp chưa thực sự xắn tay vào công việc. Kinh nghiệm từ ngành công nghiệp ôtô cho thấy, đã có cả một chiến lược dài hơi đến năm 2020 và Bộ Công nghiệp cũng đã vạch ra quy hoạch khá chi tiết cho công nghiệp phụ trợ song hiện đại đa số các dự án được cấp phép hoặc đang xin phép lại là lắp ráp, tức là bắt đầu đi ngược từ “ngọn”.

Bên cạnh đó, muốn làm thành công thì bản thân doanh nghiệp phải bắt đầu tự “cải cách” từ chính mình. Bà Phan Thu Lương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư Nước ngoài cho rằng, một thực trạng đáng buồn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn mang cung cách làm ăn “chộp giật”, thiếu tính bền vững. Điều này đã được thể hiện rất rõ ở câu chuyện của ông Tổng giám đốc Canon Việt Nam. Cứ như thế, khó ai có thể mạo hiểm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thành một nhà cung cấp chuyên nghiệp được.

(Theo Thời báo Kinh tế VN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu thuỷ sản tăng gần 10%/năm (31/08/2005)
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,2% (30/08/2005)
Xoá sổ chương trình 1 triệu ha lúa lai (30/08/2005)
Bò sữa: nuôi càng lắm, lỗ càng nhiều (29/08/2005)
Những nhà máy đường công suất nhỏ có thể bị xoá sổ (29/08/2005)
Đi thăm đà điểu - “VIP” trong ngành chăn nuôi (28/08/2005)
Những tỉ phú trẻ chân đất (27/08/2005)
Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng” (27/08/2005)
Phát hiện một giếng dầu mới ngoài khơi Việt Nam (26/08/2005)
Không có chuyện cấm cá basa VN trên toàn nước Mỹ! (25/08/2005)
È cổ lo trả nợ cho các nhà máy đường (25/08/2005)
Doanh nghiệp phê phán cả Bộ Thuỷ sản lẫn phía Mỹ (25/08/2005)
Việt Nam sẽ còn thiếu đường trầm trọng (24/08/2005)
Bàn cách giải quyết 300.000 điện kế điện tử (24/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang