Doanh nghiệp phê phán cả Bộ Thuỷ sản lẫn phía Mỹ
06:26' 25/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trao đổi với PV. VietNamNet, lãnh đạo một số DN chế biến, xuất khẩu thủy sản nói rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã không cập nhật thường xuyên những quy định mới nhất về chất lượng, an toàn vệ sinh (ATVS) từ các thị trường nhập khẩu, dẫn tới bị động như trường hợp 3 bang của Mỹ ngưng bán thủy sản VN vừa qua.

Soạn: AM 527371 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Giá cá tra, basa đã giảm, gây tâm lý hoang mang cho bà con ngư dân. Ảnh H.Y.

Bộ Thuỷ sản chậm 8 năm!

Ông Bửu Huy, Phó Giám đốc Công ty XNK Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex) cho biết, Fluoroquinolones là  kháng sinh bị các thị trường cấm sử dụng từ lâu. Trong khi EU chỉ giới hạn ở ngưỡng nhất định, thì Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm hoàn toàn sự có mặt của chất này trong thủy sản nhập khẩu.

Diễn biến sự kiện:

>>Thủy sản VN có nguy cơ bị cấm nhập vào Lousiana
>>Louisiana ngưng bán thủy sản nhập khẩu từ VN
>>Bộ Thuỷ sản đối phó với lệnh cấm của Louisiana
>>Bộ Thuỷ sản cấm sử dụng kháng sinh Fluoroquinilones
>>Hàng thuỷ sản nhiễm kháng sinh chỉ là cá biệt

Song, ông Huy cho rằng, tại Việt Nam, Bộ Thủy sản cũng như các cơ quan chức năng đã không cập nhật thường xuyên những yêu cầu mới nhất về ATVS từ các thị trường. Đơn cử, FDA đưa Fluoroquinolones và dẫn xuất của nó vào danh mục cấm sử dụng từ 1997, thì trong QĐ 07/2005 do Bộ trưởng Tạ Qang Ngọc ký ban hành, chất này vẫn chỉ là hạn chế sử dụng. Chỉ sau khi sự việc thủy sản Việt Nam bị ngưng bán ở 3 bang của Mỹ và ngay lập tức,  Bộ Thủy sản mới đưa Fluoroquinolones vào danh mục cấm hoàn toàn sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản (QĐ 26/QĐ-BTS ban hành ngày 18/8/2005).

Theo ông Bửu Huy, đây không chỉ là lần đầu Bộ Thủy sản bị động trong việc đối phó với dư lượng kháng sinh. Năm 2004, các cơ quan chức năng của Bộ mới đưa Malachite Green vào cấm sử dụng khi cũng có lô hàng thủy sản của ta bị thị trường nhập khẩu trả lại. Ông Huy cho rằng, rõ ràng là cứ thị trường nhập khẩu đưa ra yêu cầu gì, chúng ta mới làm theo mà không lo các biện pháp đối phó từ trước.

Tuy đã đưa Fluoroquinolones vào kiểm soát, song ông Huy cho biết vẫn vấp phải nỗi lo khác khi phải gánh khoản chi phí để kiểm nghiệm Fluoroquinolones và các dẫn xuất của nó. Hiện nay, mỗi mẫu kiểm nghiệm công ty ông phải trả cho đơn vị thực hiện (Cục Quản lý Chất lượng ATVS và Thú y thủy sản (Nafiqaved) và các Trung tâm chất lượng vùng) là 300.000 đồng. Trong khi đó, kháng sinh này lại có tới 11 dẫn xuất. Như vậy, tổng chi phí lên tới hơn 3 triệu cho một lô hàng.

"Chiêu bài chính trị" hậu thuẫn cho catfish Mỹ?

Ông Huy cũng nhận xét, chuyện các bang ngưng nhập khẩu thủy sản Việt Nam là một chiêu bài chính trị. Lô hàng của Afiex không hề bị cảnh báo trên mạng của FDA - cơ quan chính thức kiểm duyệt chất lượng thực phẩm của Mỹ. Các lô hàng của công ty tại Mỹ cũng đã tiêu thụ hết, không ách lại container nào. Theo quy định của FDA áp dụng cho tất cả các lô hàng thủy sản, của tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ, nếu bị phát hiện có dư lượng kháng sinh, sẽ cảnh báo DN trên mạng. Tuy nhiên, DN có thể xuất 5 lô tiếp theo để chứng minh rằng sản phẩm của mình là sạch, là an toàn, thì cơ quan này sẽ xóa tên đi ngay lập tức.

Soạn: AM -53045 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chiêu bài chính trị đánh vào cá basa Việt Nam trong tâm lý người tiêu dùng Mỹ?

"Vấn đề ở đây là tại sao các nước khác như Thái Lan, Bangladesh, Trung Quốc... cũng xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ lại không bị ngưng bán, mà chỉ có hàng Việt Nam? Hơn nữa, việc cảnh báo về dư lượng kháng sinh là chuyện hàng ngày ở FDA, tại sao các bang lại làm việc này? Rất có thể họ đã vin cớ này để hạ uy tín cá tra, basa Việt Nam, đánh vào tâm lý người tiêu dùng Mỹ, vốn thích cá basa Việt Nam hơn catfish Mỹ", ông Huy nói.

Đồng thời, các bang này cũng là khởi nguồn cho vụ kiện cá tra, basa Việt Nam năm 2002. Rất có thể sự việc trên sẽ gây áp lực nào đó đối với việc xem xét hành chính đối với mức thuế đánh vào cá Việt Nam vào tháng 10 tới. Một mức thuế phi lý mà các DN Việt Nam đã vượt qua, thậm chí, còn đẩy mạnh lượng cá tra, basa xuất khẩu sang thị trường này?

Xuất khẩu chưa bị ảnh hưởng, nhưng đã có tín hiệu xấu

Tại Agifish An Giang - một trong những DN xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam, bà Phan Thị Lượm, Phó tổng giám đốc Agifish, cho biết, công ty không bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm trên. Thị trường tiêu thụ của Agifish tại Mỹ không tập trung tại 3 tiểu bang đưa ra lệnh cấm. Bà Lượm nói thêm, thực tế, sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Agifish chỉ chiếm 10% sản lượng xuất khẩu của công ty. Cụ thể, trong tổng sản lượng xuất khẩu của Agifish hiện nay, có đến 60% tiêu thụ tại thị trường châu Âu, dưới 10% tại Mỹ và khoảng 30% tại các nước châu Á, Australia và Mexico.

Ông Bửu Huy cũng nhấn mạnh, việc các bang của Mỹ ngưng bán thủy sản Việt Nam không tác động nhiều đến hoạt động xuất khẩu của DN. Thị phần cá tra, basa của Afiex tại Mỹ hiện chỉ còn 2-3%, EU là 40%. Năm nay, Afiex sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 4.500 tấn, tăng cao so với năm trước. Sự việc sẽ không gây lo lắng cho DN như vụ kiện hồi năm 2002, bởi sau đó, các DN Việt Nam đã có bài học đắt giá về đa dạng hóa thị trường. 

Song, ông cũng rất e ngại khi thông tin trên đã tạo tâm lý hoang mang trong bà con ngư dân. Hiện tượng bán tháo cá bắt đầu xuất hiện và giá cá đã giảm đáng kể, còn 10.000-10.200 đồng/kg đối với loại cá thịt trắng, loại ngon.Với giá này, người nuôi đã thua lỗ. Đó là chưa kể, giá cá xuất khẩu sụt giảm. Một số khách hàng nhập khẩu cá tra, basa vốn dễ tính như Singapore, Australia nay quay sang kiểm tra chặt hơn chất lượng cá nhập từ Việt Nam. DN thì tốn thêm chi phí.

Ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty Nông súc sản XNK Cần Thơ (CATACO) thì đang  đứng ngồi không yên khi 57 tấn thủy sản của công ty nằm trong số hơn 350 tấn đang bị ách tại bang Lousiana. Thị trường Mỹ đang chiếm tới 20-30% lượng hàng xuất khẩu của công ty. Ông buồn rầu nói với VietNamNet rằng, phải chấp nhận và thị trường luôn là chiến trường. Ông nói đây là bài học đắt giá để các DN thủy sản Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.

Ông Bửu Huy kiến nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào đồng thời, cần nhanh chóng đưa ra chỉ tiêu kiểm tra bắt buộc đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào Mỹ. Bên cạnh đó, Nafiqaved nhanh chóng có buổi làm việc với FDA về quy trình kiểm tra chất lượng thủy sản ở cấp liên bang cũng như tiểu bang tại Mỹ. Tiêu chuẩn của các bang khác với FDA như thế nào? Điều này các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa nắm được. Ngoài ra, Bộ cũng nên đưa ra những tiêu chuẩn nhất định trong kiểm tra dẫn xuất của loại kháng sinh trên, tránh phiền hà cho các DN.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam sẽ còn thiếu đường trầm trọng (24/08/2005)
Bàn cách giải quyết 300.000 điện kế điện tử (24/08/2005)
Dời cảng Nhà Rồng khỏi TP.HCM trước 2010 (24/08/2005)
VASEP cho rằng thủy sản VN bị đối xử bất công (24/08/2005)
Dệt may Đài Loan chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam (24/08/2005)
Sẽ có tập đoàn đa sở hữu về dệt may (23/08/2005)
Mặt bằng cho DN nhỏ và vừa: cần 10 mới có 1 (23/08/2005)
Cá basa Việt Nam có nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ (22/08/2005)
Hàng thuỷ sản nhiễm kháng sinh chỉ là cá biệt (21/08/2005)
Ra mắt Cẩm nang ngành lâm nghiệp (20/08/2005)
Tổng Công ty Chè chuyển sang mô hình Mẹ - Con (19/08/2005)
Bộ Thuỷ sản cấm sử dụng kháng sinh Fluoroquinilones (19/08/2005)
Xăng dầu tăng giá: Chuyển sang ô tô chạy gas (18/08/2005)
Bộ Thuỷ sản đối phó với lệnh cấm của Louisiana (18/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang