Dời cảng Nhà Rồng khỏi TP.HCM trước 2010
11:34' 24/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Khu cảng Nhà Rồng sẽ được di dời ra khỏi TP.HCM  trong mục tiêu quy hoạch lại cảng biển khu vực phía Nam trước năm 2010.

Quyết định số 791 của Chính phủ vừa ban hành đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Theo kế hoạch Chính phủ đặt ra, trước năm 2010, các cảng gồm Tân cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, khu cảng Nhà Rồng và khu cảng Khánh Hội của cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông, cảng Rau Quả sẽ được di dời khỏi TP.HCM.

Soạn: AM 526527 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các cảng biển trong nội thành đang gây nhiều phiền toái cho TP.HCM. (Ảnh: Nguyên Vũ)

Sau năm 2010, Chính phủ giao các cơ quan chức năng từng bước nghiên cứu di dời các cảng còn lại nằm trong phạm vi cần di dời với tiến độ được xác định, nếu làm sớm hơn thì càng tốt.

Trong giai đoạn từ nay đến 2010, mục tiêu Chính phủ đặt ra với khu vực phía Nam là tập trung đầu tư phát triển các cảng và khu vực cảng container Cái Mép và cảng tổng hợp Thị Vải (sử dụng vốn ODA Nhật Bản); Các cảng tổng hợp và cảng container phục vụ cho công tác di dời tại khu vực Cát Lái và khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM; Cảng tổng hợp Phú Hữu I thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hoá của các khu công nghiệp.

Mời DN tham gia làm cảng

Trong quy hoạch của mình, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư các cảng trọng điểm để đảm bảo tính chủ đạo trong điều hành hoạt động khai thác hệ thống cảng, gồm: cảng container Cái Mép và cảng tổng hợp Thị Vải. Đồng thời, Chính phủ cho biết rằng Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cảng khác theo quy hoạch được duyệt bằng các hình thức như BOT, BTO, BT, liên doanh theo quy định.

Với các doanh nghiệp cảng thuộc diện di dời, vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài cảng (tại vị trí di dời đến), hệ thống đường ngoài cảng; hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc (đến chân hàng rào ngoài cảng) sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả.
Vốn đầu tư cho thiết bị và xây dựng hạ tầng trong cảng (tại vị trí di dời đến), các cảng phải tự lo.

Sẽ thu phí cảng biển

Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu hình thành Quỹ đầu tư phát triển và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển để tái đầu tư phát triển thông qua cơ chế sử dụng cảng phải trả phí.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ cho phép đối tác nước ngoài tự đầu tư trang thiết bị bốc xếp và thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng được đầu tư bằng vốn trong nước (có gắn với việc chuyển giao công nghệ tiên tiến).

Việc quy hoạch cảng biển phía Nam là một bước trong việc sắp xếp lại quy hoạch cảng biển toàn quốc, chấm dứt tình trạng đầu tư cảng biển lãng phí, lộn xộn dư luận đã nói thời gian qua.

 


Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực TP.HCM - tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Nhóm cảng biển số 5 thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam) bao gồm cả Quy hoạch tổng thể di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tầu Ba Son đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Phạm vi phục vụ trực tiếp của khu vực cảng biển số 5 là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Phạm vi phục vụ gián tiếp: các vùng phụ cận, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nam Bộ và Nam Tây Nguyên.

Mục tiêu cụ thể: khối lượng hàng hoá (không bao gồm hàng lỏng) năm 2010 là 53 triệu tấn/năm (trong đó cảng thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh kể cả giai đoạn di dời đạt là 26 triệu tấn/năm vào năm 2010) và hành khách là 163 ngàn lượt/năm (chủ yếu do cảng thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh thực hiện); năm 2020 là 100 triệu tấn /năm (trong đó cảng thuộc khu vực TP.HCM kể cả giai đoạn di dời đạt là 35 triệu tấn/năm vào năm 2020) và hành khách là 326 ngàn lượt /năm.

Tiếp nhận được các tầu vận tải biển như: tầu bách hóa, hàng rời có trọng tải từ 30.000 DWT tới 70.000 DWT, tàu chở hàng container có trọng tải tương đương từ 50.000 DWT tới 80.000 DWT, tầu chở dầu sản phẩm có trọng tải từ 25.000 DWT tới 70.000 DWT, tàu khách có trọng tải từ 65.000 GT tới 100.000 GT.

Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch di dời được chia thành 3 cụm cảng lớn: cụm cảng TP.HCM; cụm cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu; cụm cảng tỉnh Đồng Nai.

Cụm cảng khu vực TP.HCM bao gồm khu cảng Sài Gòn (sông Sài Gòn), khu cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè - Lòng Tầu), khu cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), khu cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp).

Cụm cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu bao gồm khu cảng Gò Dầu C, khu cảng Phú Mỹ, khu cảng Cái Mép (sông Thị Vải), khu cảng Vũng Tầu (Bến Đình - Sao Mai), khu cảng Sông Dinh (sông Dinh).

Cụm cảng khu vực Đồng Nai hiện nay đa số là các cảng chuyên dụng chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, các nhà máy, các cơ sở sản xuất nằm trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, bao gồm: khu cảng Đồng Nai (sông Đồng Nai), khu cảng Phú Hữu (đoạn sông Đồng Nai và đoạn sông Lòng Tầu - Nhà Bè), khu cảng Ông Kèo (sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh), khu cảng Gò Dầu A và B, khu cảng Phước An (sông Thị Vải).
 

  • Hồng Phúc
     
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
VASEP cho rằng thủy sản VN bị đối xử bất công (24/08/2005)
Dệt may Đài Loan chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam (24/08/2005)
Sẽ có tập đoàn đa sở hữu về dệt may (23/08/2005)
Mặt bằng cho DN nhỏ và vừa: cần 10 mới có 1 (23/08/2005)
Cá basa Việt Nam có nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ (22/08/2005)
Hàng thuỷ sản nhiễm kháng sinh chỉ là cá biệt (21/08/2005)
Ra mắt Cẩm nang ngành lâm nghiệp (20/08/2005)
Tổng Công ty Chè chuyển sang mô hình Mẹ - Con (19/08/2005)
Bộ Thuỷ sản cấm sử dụng kháng sinh Fluoroquinilones (19/08/2005)
Xăng dầu tăng giá: Chuyển sang ô tô chạy gas (18/08/2005)
Bộ Thuỷ sản đối phó với lệnh cấm của Louisiana (18/08/2005)
Kỷ lục về sáng kiến tiết kiệm trong ngành công nghiệp (17/08/2005)
TP.HCM thuê chuyên gia Nhật Bản vạch chiến lược cho ngành ôtô (17/08/2005)
Louisiana ngưng bán thủy sản nhập khẩu từ VN (17/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang