VASEP cho rằng thủy sản VN bị đối xử bất công
08:58' 24/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong thông cáo phát đi tối 23/8, VASEP cho rằng, những biện pháp xử lý của chính quyền các bang Hoa Kỳ là vượt quá phạm vi, mức độ sự việc và đã thể hiện đối xử không công bằng với thuỷ sản Việt Nam.

Soạn: AM 526287 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chất lượng thuỷ sản Việt Nam đã được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu.

Việc có một số lô hàng bị phát hiện nhiễm Fluoroquinolones chỉ là những trường hợp cá biệt, không nên quy kết cho toàn bộ hàng thuỷ sản Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhiều năm qua, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện nhất quán chính sách quản lý an toàn vệ sinh, trong đó đặc biệt chú trọng việc quản lý sử dụng kháng sinh; đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống lại các hành động gian lận thương mại của các DN. Rất nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được ban hành tương đương với quy định của các nước nhập khẩu, trong đó có Hoa Kỳ.

Về phía mình, các DN thành viên VASEP đã luôn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, quan tâm đến việc đảm bảo ATVSTP và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các DN coi đó là trách nhiệm tối cao, là uy tín và danh dự của mình đối với người tiêu dùng. Nhiều DN đã tự mình đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm để kiểm tra việc sử dụng kháng sinh trong nguyên liệu đầu vào.

Nhờ đó, sản phẩm thuỷ sản Việt Nam, nhất là cá tra, cá basa đã vượt qua nhiều cuộc kiểm tra của các cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu và ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

VASEP mong rằng, vì lợi ích người tiêu dùng, vì lợi ích của các nhà kinh doanh thuỷ sản Hoa Kỳ và Việt Nam, chính quyền các bang miền Nam Hoa Kỳ xem xét lại lệnh tạm ngừng tiêu thụ cá basa fillet Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) thực hiện nhất quán các chính sách, không phân biệt giữa  DN các nước. VASEP và các DN thuỷ sản Việt Nam đã và sẽ không ngừng cải thiện điều kiện sản xuất, đáp ứng ngày càng cao quy định của các nước nhập khẩu, nhất là việc thực hiện quy định của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, để nhanh chóng giải quyết tình trạng trên, Cục Quản lý Chất lượng ATVS và Thú y thuỷ sản (NAFIQAVED) tới đây sẽ cử đoàn cán bộ sang làm việc với US FDA, cơ quan FDA của ba bang, để tìm hiểu kỹ hơn các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm (đặc biệt là các quy định mới) của Hoa Kỳ, trao đổi ý kiến về hoạt động hợp tác, nhằm bảo đảm tốt hơn chất lượng hàng thủy sản Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ.

Trước đó, lệnh tạm ngừng tiêu thụ toàn bộ cá Basa fillet Việt Nam tại 3 bang Lousiana, Missisippi, Alabama do phát hiện chất kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinoloné trong một số mẫu cá tra, basa Việt Nam đã gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu, phân phối thuỷ sản Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng như tạo dư luận bất lợi cho thuỷ sản Việt Nam. Đã có khoảng 350 tấn cá da trơn Việt Nam bị “ách” lại tại bang Louisiana.

Nhiều DN thuỷ sản trong nước cho rằng, hành động trên nhằm trả đũa đối với cá basa Việt Nam, bởi sau khi thua trong vụ kiện chống bán phá giá, cá tra, basa vẫn tiếp tục thâm nhập thành công thị trường Mỹ. 6 tháng đầu năm nay, sản lượng cá tra, basa xuất khẩu tăng 55%, giá trị tăng 54% so cùng kỳ. Không những thế, sự việc còn xảy ra ngay sau khi các nhà khoa học ở một số trường đại học ở Mỹ đầu tháng 7 đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng và độ an toàn của cá basa Việt Nam hơn hẳn catfish của Mỹ. Ngay cả khi một số DN nuôi catfish ở bang Mississippi tổ chức một cuộc thi nếm thử khác, cá basa của Việt Nam cũng được nhiều người tiêu dùng Mỹ cho là ngon hơn.

Đó là chưa kể, bang Louisiana là nơi sản xuất cá catfish chính của Mỹ, nơi khởi động vụ kiện chống bán phá giá cá basa của Việt Nam vào thị trường Mỹ mà Việt Nam thua kiện vào cuối năm 2003. Đây cũng là tiểu bang dẫn đầu trong vụ kiện tôm năm ngoái mà Việt Nam là một bị đơn.

Theo Bộ Thuỷ sản, hiện  nay, sản lượng cá tra, basa Việt Nam đạt khoảng 300.000 tấn (2004) và 5 tháng đầu năm 2005 ước đạt 200.000 tấn. Sản lượng tăng đột biến đã tác động mạnh tới cán cân cung - cầu. Việc các nước nhập khẩu lớn như EU,  bây giờ là Mỹ, đưa ra các quy định khắt khe về tiêu chuẩn ATVSTP, quy định  dư lượng kháng sinh, các hóa chất cấm sử dụng là rào cản kỹ thuật làm hạn chế xuất khẩu cá vào EU, Mỹ và các nước.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dệt may Đài Loan chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam (24/08/2005)
Sẽ có tập đoàn đa sở hữu về dệt may (23/08/2005)
Mặt bằng cho DN nhỏ và vừa: cần 10 mới có 1 (23/08/2005)
Cá basa Việt Nam có nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ (22/08/2005)
Hàng thuỷ sản nhiễm kháng sinh chỉ là cá biệt (21/08/2005)
Ra mắt Cẩm nang ngành lâm nghiệp (20/08/2005)
Tổng Công ty Chè chuyển sang mô hình Mẹ - Con (19/08/2005)
Bộ Thuỷ sản cấm sử dụng kháng sinh Fluoroquinilones (19/08/2005)
Xăng dầu tăng giá: Chuyển sang ô tô chạy gas (18/08/2005)
Bộ Thuỷ sản đối phó với lệnh cấm của Louisiana (18/08/2005)
Kỷ lục về sáng kiến tiết kiệm trong ngành công nghiệp (17/08/2005)
TP.HCM thuê chuyên gia Nhật Bản vạch chiến lược cho ngành ôtô (17/08/2005)
Louisiana ngưng bán thủy sản nhập khẩu từ VN (17/08/2005)
Thủy sản VN có nguy cơ bị cấm nhập vào Lousiana (17/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang