(VietNamNet) - Trong một khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc triển khai các chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho thấy mặt bằng sản xuất vẫn là một trong những bức xúc lớn nhất.
|
Còn thiếu các khu, cụm công nghiệp phù hợp với DNNVV. |
Khảo sát tại một số tỉnh thành có tốc độ phát triển công nghiệp cao như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai... cho thấy, tuy đã và đang xây dựng thêm các Khu công nghiệp (KCN) và các Cụm công nghiệp (CCN) nhưng tốc độ xây dựng và đưa vào sử dụng còn chậm, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của DNNVV về mặt bằng sản xuất.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho biết, việc thành lập các CCN, KCN nhỏ và vừa là một trong những giải pháp về mặt bằng sản xuất cho các DNNVV. Cho đến nay, tại 36 tỉnh thành đã quy hoạch và xây dựng khoảng trên 200 CCN, KCN nhỏ và vừa. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu với việc xây dựng đồng loạt xây dựng 18 KCN, CCN diện tích lên đến 800 ha, nhưng cũng chỉ có khoảng 130 DNNVV được thuê đất xây dựng nhà xưởng - một con số quá nhỏ bé so với nhu cầu.
Mặc dù rất cố gắng nhưng mỗi KCN nhỏ và vừa chỉ có thể giải quyết cho trên dưới 20 doanh nghiệp là đã quá tải. Để vào được các CCN, KCN nhỏ và vừa cũng rất khó khăn, doanh nghiệp phải được xét với rất nhiều tiêu chí. Trước đây, khi KCN nhỏ và vừa Từ Liêm đi vào hoạt động với sức chứa khoảng 25 doanh nghiệp, nhưng số đơn hợp lệ đã lên tới hàng trăm nên việc xét chọn cũng rất khó khăn.
Trong khi đó, hầu hết các dự án đầu tư KCN, KCX tập trung với hạ tầng hiện đại thì giá thuê thường cao, phải trả tiền một lần cho thời gian dài với số tiền nhiều khi vượt cả số vốn của DNNVV. Hiện tại, cả nước có 69 KCN tập trung đang vận hành và trong thời kỳ 2001 - 2004 đã tiếp nhận 1.675 dự án đầu tư trong nước nhưng đa số là các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, so với trước đây, việc trợ giúp mặt bằng cho các DNNVV cũng đã có nhiều cải thiện. Nhiều địa phương đã quy định thời gian thuê đất dài đến 50 năm, áp dụng mức thấp nhất trong khung giá thuê đất.
Kể từ sau khi có Luật Đất đai 2003, Chính phủ đã có những hướng dẫn cụ thể để giải quyết mặt bằng cho doanh nghiệp như: yêu cầu công khai quy hoạch, cho doanh nghiệp được lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất, doanh nghiệp được tự thoả thuận với người có đất để có mặt bằng sản xuất. Trong đó, công tác công khai quy hoạch đã được nhiều địa phương thực hiện tốt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động trong xây dựng dự án sản xuất kinh doanh nhất là trong các lĩnh vực: nuôi trồng thuỷ sản, xuất khẩu, khách sạn - du lịch.
|