Bộ Thuỷ sản cấm sử dụng kháng sinh Fluoroquinilones
08:46' 19/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã chính thức ban hành quyết định đưa Fluoroquinilones vào Danh mục các hoá chất bị cấm trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Thông tin trên do các quan chức Bộ này xác nhận hôm qua (18/8)

Soạn: AM 520815 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm việc cấm sử dụng thuốc kháng sinh trong chế biến thủy sản. Ảnh Hà Yên.

Ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQAVED), cho biết, vấn đề hoá chất, kháng sinh có hại sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đã được Chính phủ Việt Nam và Bộ Thuỷ sản nghiêm cấm từ lâu. Ngay từ năm 2002, Chính phủ đã có Chỉ thị 07 cấm sử dụng các chất kháng sinh có hại trong NTTS. Năm 2005, Bộ Thuỷ sản đã công bố Danh mục 17 hoá chất cấm sử dụng, trong đó có 10 hoá chất mà EU cấm, 11 hóa chất mà Mỹ cấm (có một số hoá chất trùng nhau). Đồng thời, Bộ cũng ban hành 34 chất quy định sử dụng giới hạn có tối đa trong NTTS (tương đương với các quy định của EU, Mỹ).

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc:

Bộ Thuỷ sản Việt Nam đang tiến hành điều tra cụ thể trước thông tin về việc một số bang của Mỹ ngừng nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam, từ đó, có những quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Thuỷ sản là sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về dư lượng kháng sinh của thị trường, với nguyên tắc: bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng các nước.

Vì vậy, nếu Mỹ không chấp nhận nhóm chất Fluoroquinilones trong thuỷ sản thì Việt Nam sẽ ngay lập tức điều chỉnh. Bộ Thuỷ sản cũng sẽ phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao để nhanh chóng giải quyết vấn đề này, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng như người nuôi cá và các DN Việt Nam.

Song, như VietNamNet đã đưa tin, trong Danh mục này lại chưa có chất kháng sinh mà Hoa Kỳ vừa cho rằng có trong cá da trơn Việt Nam, đó là Fluoroquinilones. Trả lời câu hỏi này, ông Cương giải thích, hoá chất này đã có trong danh sách hoá chất bị hạn chế sử dụng. Tại thời điểm Bộ Thuỷ sản Việt Nam ban hành Danh mục đó, Mỹ cũng không cấm sử dụng Fluoroquinilones.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, gần đây, qua việc nghiên cứu các tác động của hoá chất đối với sức khoẻ người tiêu dùng, Mỹ đã chuyển hóa chất này từ danh sách các chất bị hạn chế sử dụng sang danh sách các chất bị cấm sử dụng trong thuỷ sản.

Tại Việt Nam, Bộ Thuỷ sản đã giao cho NAFIQAVED thường xuyên cập nhật các quy định mới, nhất là về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm của các thị trường xuất khẩu. "Về nguyên tắc, chúng ta phải tuân thủ quy định của thị trường. Đây là một hoạt động hết sức bình thường trong hoạt động XNK", ông Cương nói.

Vì vậy, khi Mỹ đưa chất Fluoroquinilones vào Danh mục cấm, nhất là mấy ngày qua một số bang ở Mỹ không cho lưu hành cá da trơn Việt Nam trên thị trường vì nghi nhiễm Fluoroquinilones, ngày 18/8, Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã ban hành quyết định đưa chất kháng sinh này vào Danh mục các hoá chất bị cấm trong NTTS.

"Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) để đàm phán. Dự kiến hôm nay (19/8), Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ có thông báo chính thức về việc này", ông Cương cho biết.

Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã và đang tăng cường các hoạt động kiểm soát gắt gao dư lượng kháng sinh trong sản xuất, chế biến hàng thuỷ sản. Đặc biệt, chúng ta tuân thủ nghiêm mọi quy định về dư lượng kháng sinh của EU, Mỹ - những thị trường nhập khẩu thuỷ sản khó tính nhất.

Trước đó, 3 bang Louisiana, Alabama, Missisippi của Mỹ đã yêu cầu ngưng cung cấp cá da trơn Việt Nam ra thị trường để kiểm tra một loại chất kháng sinh có trong cá (trị bệnh than - có thể có trong thức ăn). Đây là loại kháng sinh mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không chấp nhận cho thực phẩm, nằm trong nhóm Fluoroquinilones. Thông tin này cũng được một số trang web nước ngoài đưa tin trong mấy ngày qua, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động xuất khẩu thuỷ sản.

Do vậy, ngày 16/8, Bộ Thủy sản đã có công văn khẩn gửi các Sở Thủy sản và Sở NN-PTNT, các cơ quan và tổ chức trong ngành thủy sản tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc cấm, cũng như ngăn chặn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh đã bị cấm trong tất cả các khâu từ NTTS, bảo quản đến chế biến xuất khẩu.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xăng dầu tăng giá: Chuyển sang ô tô chạy gas (18/08/2005)
Bộ Thuỷ sản đối phó với lệnh cấm của Louisiana (18/08/2005)
Kỷ lục về sáng kiến tiết kiệm trong ngành công nghiệp (17/08/2005)
TP.HCM thuê chuyên gia Nhật Bản vạch chiến lược cho ngành ôtô (17/08/2005)
Louisiana ngưng bán thủy sản nhập khẩu từ VN (17/08/2005)
Thủy sản VN có nguy cơ bị cấm nhập vào Lousiana (17/08/2005)
Mỹ hỗ trợ tôm Bangladesh, đe doạ xuất khẩu tôm VN! (16/08/2005)
Đổ xô vào sản xuất xe máy! (16/08/2005)
DN nước chấm kiến nghị lùi thời hạn công bố tiêu chuẩn (15/08/2005)
Xe máy Việt Nam "đầu Ngô, mình Sở" (13/08/2005)
Công nghiệp TP.HCM chững lại (13/08/2005)
Triển lãm quốc tế đầu tiên về chăn nuôi tại VN (12/08/2005)
Siemens lập thêm công ty con tại Việt Nam (10/08/2005)
Thêm sự khẳng định cá basa VN ngon hơn catfish Mỹ (10/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang