Xăng dầu tăng giá: Chuyển sang ô tô chạy gas
15:58' 18/08/2005 (GMT+7)

Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự (thuộc Tổng Công ty CN ôtô Việt Nam), là một trong những đơn vị đầu tiên thử nghiệm thành công việc chuyển đổi xe ôtô chạy xăng sang chạy bằng gas, và lợi ích đã được khẳng định.

Soạn: AM 519653 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Nguyễn Quang Vinh.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tiền Phong đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc công ty, Phó chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Chuyển đổi nhiên liệu xăng sang chạy gas cho ôtô”.

Ông Vinh cho biết: Ở nhiều nước, việc ứng dụng và triển khai công nghệ sử dụng nhiên liệu gas cho các phương tiện giao thông rất phổ biến. Thậm chí ở một số nước còn quy định chủ phương tiện khi đi vào trong nội thành bắt buộc phải chạy bằng gas.

Qua thử nghiệm trên các loại xe ôtô cho thấy chi phí nhiên liệu của xe chạy bằng gas thấp hơn xe chạy bằng xăng (rẻ hơn khoảng 30% so với xăng), điều đó đồng nghĩa với việc sẽ tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu. Còn nếu chạy đường trường, mức tiết kiệm của xe gas có thể lên đến 50%.

Điểm nổi trội nhất của autogas là không gây ô nhiễm môi trường. Bởi so với động cơ xăng thì khả năng hóa hơi của nó nhanh hơn, độ cháy sạch cao nên sẽ làm giảm hẳn lượng khói đen đến 90% và giảm thiểu tiếng ồn do động cơ của các phương tiện giao thông gây nên.

Lượng khí phát thải sau khi cháy của autogas có hàm lượng ôxit cacbon (CO) thấp hơn 50%, diôxit cacbon (CO2) thấp hơn 12%, ôxit nitơ thấp hơn 35%, các loại hydrocarbon không cháy thấp hơn 40% nên so với xăng nguy cơ ảnh hưởng tầng ozon giảm 50%.

Sau khi cháy, gas không tạo muội và cặn cacbon nên sẽ làm tăng thời gian sử dụng dầu nhờn bôi trơn, giảm sự mài mòn xilanh để tăng tuổi thọ cho động cơ.

- Thưa ông, việc chuyển đổi có ảnh hưởng đến kết cấu và thẩm mỹ của xe không?

- Việc lắp đặt thêm một bộ chuyển đổi sử dụng nhiên liệu gas cho các loại xe ôtô hoàn toàn đơn giản và không hề làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như thẩm mỹ của xe.

Thiết bị bao gồm một bộ chuyển đổi có kích thước khoảng 20cm2 được lắp trong máy của xe, cùng một bình nhiên liệu gas được lắp ở phía cốp sau và chiếm một phần nhỏ thể tích của khoang chứa hành lý.

Một điều tiện ích là bộ chuyển đổi này có thể sử dụng song song hai chế độ (dùng xăng và dùng gas). Nếu hết loại nhiên liệu này có thể chuyển sang dùng nhiên liệu khác và việc chuyển hình thức sử dụng nhiên liệu cũng rất đơn giản.

Khi đồng hồ báo mức nhiên liệu gas sắp hết, lái xe chỉ cần bấm vào công tắc đặt ngay gần vô-lăng là chiếc xe lập tức trở về chế độ sử dụng xăng, mà không cần phải dừng lại ngay cả khi xe đang chạy.

Về chi phí thì bộ chuyển đổi này có giá thành thấp hơn nhiều so với bộ chuyển đổi của các nước, giá khoảng từ 5-10 triệu tùy vào từng loại xe ôtô.

- Vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ này như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay ở Hà Nội đã có hai Cty taxi đó là Cty Ngô Gia Tự của chúng tôi và Cty taxi gas- Petrolimex đang áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiên liệu từ xăng sang gas với 80 đầu xe taxi.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với các đơn vị để mở rộng mạng lưới phục vụ autogas trong phạm vi toàn quốc, mà trước tiên là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. 

Ông Vinh cho biết thêm, hiện Cty đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu áp dụng nhiên liệu khí dầu hóa lỏng LPG cho xe bus chạy bằng động cơ diezel”, và sắp tới nó sẽ được thí điểm tại một số thành phố lớn.

- Xin cảm ơn ông!

Chuyển đổi chậm vì thủ tục hành chính

Ông Trần Viết Đổi - Phó Giám đốc Cty Taxi Petrolimex cho biết, để một chiếc xe từ chạy xăng chuyển sang chạy gas phải trải qua rất nhiều công đoạn từ thiết kế, trình các cơ quan thẩm quyền xét duyệt và cấp phép đến nhập thiết bị; sau khi lắp đặt xong phải có sự kiểm tra, chấp thuận của Cục Đăng kiểm Việt Nam mới được đưa vào hoạt động. Chuỗi quy trình này, nhanh nhất phải mất ít nhất 2 năm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng trạm nạp chiết gas cũng gặp không ít trở ngại, ngay từ khâu thủ tục. Vì chưa có tiền lệ nên các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này còn lúng túng. Vì vậy, để xin một giấy phép lắp đặt trạm chiết nạp gas không phải dễ.

Hiện ở khu vực phía Nam mới chỉ có 2 trạm nạp gas cho ôtô chạy gas, một tại TP.HCM và một tại Vũng Tàu. ở Hà Nội cũng mới chỉ có 2 trạm  nạp gas.

Tâm lý người tiêu dùng vốn ngại (đúng hơn là chưa quen) sử dụng gas thay xăng, họ còn thêm ngại khi trạm chiết nạp quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi.

(Theo Tiền Phong)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bộ Thuỷ sản đối phó với lệnh cấm của Louisiana (18/08/2005)
Kỷ lục về sáng kiến tiết kiệm trong ngành công nghiệp (17/08/2005)
TP.HCM thuê chuyên gia Nhật Bản vạch chiến lược cho ngành ôtô (17/08/2005)
Louisiana ngưng bán thủy sản nhập khẩu từ VN (17/08/2005)
Thủy sản VN có nguy cơ bị cấm nhập vào Lousiana (17/08/2005)
Mỹ hỗ trợ tôm Bangladesh, đe doạ xuất khẩu tôm VN! (16/08/2005)
Đổ xô vào sản xuất xe máy! (16/08/2005)
DN nước chấm kiến nghị lùi thời hạn công bố tiêu chuẩn (15/08/2005)
Xe máy Việt Nam "đầu Ngô, mình Sở" (13/08/2005)
Công nghiệp TP.HCM chững lại (13/08/2005)
Triển lãm quốc tế đầu tiên về chăn nuôi tại VN (12/08/2005)
Siemens lập thêm công ty con tại Việt Nam (10/08/2005)
Thêm sự khẳng định cá basa VN ngon hơn catfish Mỹ (10/08/2005)
Giá tôm xuất khẩu sẽ tăng cao (10/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang