Vào thời điểm này, giá vé hàng không nội địa đang có sức cạnh tranh so với các loại hình vận tải khác. Đã có những loại vé máy bay hạng phổ thông giá chỉ cao hơn vài chục ngàn đồng so với vé giường nằm hạng nhất của tàu hỏa. Vì thế đối với khách bình dân, đi lại bằng máy bay cũng không phải là chuyện khó khăn.
|
Hãng Hàng không Quốc gia VN đưa ra nhiều loại giá vé để hành khách lựa chọn. |
Ấn tượng nhất là vé khứ hồi một năm Hà Nội – TP.HCM của Hãng Hàng không Cổ phần Pacific Airlines (PA) từ 3 triệu đồng/vé giảm xuống còn 2,7 triệu đồng.
Đa dạng hóa giá vé
Với Hãng Hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines - VNA), mức trần không đổi nhưng hệ thống giá vừa được bổ sung thêm hai loại mới là giá khách đoàn và giá bay đêm. Vé bay đêm khứ hồi có giá chỉ 2 triệu đồng/vé, khá hấp dẫn đối với thị trường khách bình dân. Trước đây, loại vé này chỉ được áp dụng vào dịp Tết nhưng mãi lực không tăng cao như mong muốn.
Thống kê cho thấy trên hệ thống giá công bố quốc tế có tới 50 triệu loại giá vé khác nhau. Hệ thống bán chỗ toàn cầu có 200 triệu loại giá. Mỗi năm, sự điều chỉnh giá của hàng không toàn cầu lên đến khoảng 1 tỉ lần. Còn hàng không VN có khoảng 150.000 loại giá được triển khai, tuy nhiên sự thay đổi giá chỉ thực sự linh hoạt trên các đường bay quốc tế. Đường bay nội địa chưa có những loại giá hằng ngày do còn bị khống chế giá trần. |
“Thực chất đây không phải giảm giá mà là đa dạng hóa giá vé”. Ông Trịnh Hồng Quang, quyền Trưởng Ban Hành khách Tiếp thị VNA, phân tích. Mục đích của đa dạng hóa giá vé là tạo ra những loại giá phù hợp với sức mua của từng đối tượng khách hàng để “kéo” họ vào đường bay.
Mỗi loại giá đều có điều kiện kèm theo, giá càng thấp thì điều kiện càng chặt chẽ, phạm vi áp dụng càng hẹp. Do đó, ngay tại thời điểm các hãng hàng không đang đau đầu vì giá nhiên liệu tăng cao như lúc này, khách hàng càng có cơ hội đi máy bay với những loại giá thấp vì nhà vận chuyển phải nỗ lực đa dạng hóa giá vé để nâng cao hệ số sử dụng ghế.
Lý giải vì sao đến thời điểm này, hàng không trong nước mới tính chuyện đa dạng hóa giá vé nội địa, ông Quang nói trước đây thị trường chưa đủ lớn để áp dụng chính sách này một cách hiệu quả. Bây giờ mới là thời điểm thích hợp vì khách nội địa đã đạt mức 3 triệu lượt người/năm.
Tính trung bình mỗi ngày, VNA thực hiện 80 chuyến bay nội địa nối 16-20 thành phố với số lượng vận chuyển gần 16.400 lượt khách. Hiện nay, PA có 7 loại giá, VNA có 8 loại. Sắp tới, VNA sẽ tung ra loại giá nhằm vào đối tượng học sinh và gia đình đi lại trong kỳ nghỉ hè. Mặc dù đã đa dạng hơn nhưng hệ thống giá của cả VNA và PA chưa thể “phủ” hết các thị trường và cần thời gian dài mới đạt mục tiêu “công cộng hóa vận tải hàng không”.
Làm gì để giảm giá?
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giá cước vận tải mới đây, Bộ GTVT nêu thực trạng giá vé máy bay nội địa của VN đang ở mức trung bình thấp so với giá vé trên đường bay nội địa ở cùng cự ly của một số nước trong khu vực. Mức thấp hơn phổ biến từ 5%-34%, cá biệt so với giá vé nội địa của Myanmar chỉ bằng 50%.
5 loại giá độc quyền hàng không sẽ do Bộ Tài chính quy định
- Dịch vụ điều hành bay đi, đến. - Dịch vụ điều hành hạ, cất cánh. - Cung cấp dịch vụ bổ sung điều hành bay quá cảnh. - Dịch vụ soi chiếu an ninh hàng không. - Phục vụ khách tại cảng hàng không. |
VNA tính toán vẫn còn khả năng và biện pháp giảm chi phí hoạt động để có nhiều mức giá thấp hơn. Trong điều kiện chưa thể bỏ giá trần như hiện nay, VNA đang đề nghị Chính phủ cho phép nới rộng biên độ trần ở mức ± 20%.
Về phía nhà vận chuyển, cả PA và VNA đều đang tìm biện pháp tăng giờ bay trung bình, giảm chi phí quảng cáo và giảm hoa hồng bán vé (hiện ở mức 5%). Sớm nhất là cuối năm nay, VNA sẽ thực hiện bán vé qua mạng Internet. Tuy nhiên, tăng giờ bay trung bình là điều không dễ dàng vì hiện nay, hệ thống đèn báo hiệu của hầu hết các sân bay lẻ không đạt tiêu chuẩn an toàn, nhất là vào ban đêm để có thể nâng tần suất bay.
Một yếu tố rất thuận lợi cho các hãng hàng không giảm chi phí đầu vào là Chính phủ vừa có chỉ thị thực hiện lộ trình giảm các loại giá, phí hàng không xuống bằng khu vực vào năm 2006. Bên cạnh đó, theo Trưởng Ban Tài chính Cục Hàng không VN Lưu Thanh Bình, cục đang đề nghị bổ sung thêm 5 loại giá dịch vụ độc quyền hàng không vào danh sách giá đặc thù do Bộ Tài chính ban hành nhằm tạo ra sự thống nhất về giá tại các cảng hàng không trong nước.
(Theo Người Lao động) |