(VietNamNet)- Ngày 02/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có công văn phúc đáp đề nghị cung cấp tài liệu của báo điện tử VietNamNet. Công văn cũng đã thông tin rõ hơn một số nội dung bài báo “Đề tài ‘Độc chất trong nước tương’ đã… đi đâu?” đăng trên báo ngày 01/8. Tôn trọng ý kiến của cơ quan quản lý chuyên môn, VietNamNet đăng lại nội dung của công văn này.
|
Cơ quan quản lý hàng năm vẫn có những hoạt động kiểm tra giám sát trong lĩnh vực nước chấm. Ảnh: T.L. |
Vào tháng 12/2001, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường TP.HCM (nay là Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) có cấp kinh phí cho Trung tâm dịch vụ phân tích và thí nghiệm (đơn vị trực thuộc Sở) thực hiện phân tích một số chất độc (2-MCPD; 2,3-DCP) trong các mẫu nước chấm, dầu hào đang lưu hành trên thị trường thành phố.
Đây là hoạt động thường xuyên theo chức năng của Trung tâm, nguồn kinh phí không lấy từ kinh phí đầu tư cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xác định, không có triển khai đề tài “Khảo sát độc tố trong nước tương” như quý báo đã thông tin. Và về nguyên tắc, do không phải là đề tài nghiên cứu nên Sở không lưu giữ tài liệu theo quy trình quản lý các đề tài, dự án KHCN. Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị quý báo đính chính nguồn thông tin đã đăng tải.
Về các số liệu kết quả phân tích do Trung tâm dịch vụ Phân tích và thí nghiệm thực hiện: Do đây chỉ mới là số liệu khảo sát ban đầu, chưa có kiểm chứng và nhiều đơn vị chức năng, cho nên các số liệu chỉ có giá trị tham khảo và hỗ trợ cho các nhà quản lý ngành an toàn vệ sinh thực phẩm lưu ý đến chất lượng của các sản phẩm nước chấm, dầu hào đang lưu hành trên thị trường, thành phố, từ đó tìm biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tại thời điểm phân tích mẫu, Bộ Y tế chưa quy định tiêu chuẩn về hàm lượng các chất độc (2-MCPD, 2,3-DCP) có trong nước chấm hóa giải, do đó các số liệu này chưa thể công bố công khai vì dễ tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nước chấm.
Được sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TP.HCM đã có công văn ký ngày 28/12/2001 gửi Sở Y tế TP.HCM (là đơn vị quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm) về việc thông báo kết quả phân tích nêu trên. Sở Y tế thành phố đã có báo cáo với Bộ Y tế và có đề xuất một số giải pháp quản lý Nhà nước về vấn đề này. Do đó, Bộ Y tế đã chính thức ban hành tiêu chuẩn quy định về hàm lượng các chất độc (2-MPCD; 2,3-DCP) có trong nước chấm hóa giải.
Hiện nay, xí nghiệp nước chấm Nam Dương (trực thuộc Saigon CO.OP) và nhóm nghiên cứu của Trung tâm phát triển khoa học và Công nghệ trẻ (trực thuộc thành Đoàn TP.HCM) đã tổ chức buổi công bố kết quả đề tài “Nghiên cứu sản xuất nước tương sạch” vào ngày 17/5/2005. Sau đó Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã nhận được nhiều văn bản đề nghị chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp ngành nước chấm. Ngày 17/6/2005, Sở đã tổ chức buổi trao đổi thông tin giữa chủ sở hữu công nghệ, nhóm tác giả và các doanh nghiệp đặt hàng chuyển giao. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức thẩm định công nghệ sản xuất nước tương sạch của nhóm nghiên cứu nên trên, trước khi tiến hành chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp ngành nước chấm.
Trên đây là một số ý kiến của Sở Khoa học và Công nghệ. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý báo nhằm thông tin chính xác kịp thời đến đông đảo bạn đọc quan tâm.
KT. Giám đốc
Phó Giám đốc thường trực
Phan Minh Tân
VietNamNet trân trọng ghi nhận sự hợp tác thiện chí của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Rất mong được đơn vị hỗ trợ và hợp tác, có những trao đổi thường xuyên để thông tin đến bạn đọc được kịp thời và chính xác.
|