Đầu tư vào VN: Làn sóng thứ hai của Nhật
18:05' 27/07/2005 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn Nhật như Honda, Canon, Nidec... đã mở rộng nguồn vốn đầu tư tại VN.

Sự gia tăng nguồn vốn đầu tư của các “đại gia” Nhật vào VN đã kéo theo một số lượng không nhỏ dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật.

Sẽ không thua kém Thái Lan!

Soạn: AM 496937 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sản xuất môtơ quạt tại nhà máy của Nidec Tosok trong Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM.

Đầu tháng 7/2005, sau gần 10 năm đầu tư tại VN, Tập đoàn Nidec (Nhật) đã khẳng định sự tin tưởng về môi trường đầu tư của VN thông qua việc khởi công xây dựng nhà máy thứ ba tại VN. Mặc dù tính cả vốn đầu tư của nhà máy thứ ba (tại Khu công nghệ cao TP.HCM), cho đến nay Nidec mới chỉ đầu tư vào VN gần 100 triệu USD, nhưng tổng giám đốc Nidec Tosok (một trong ba thành viên của Tập đoàn Nidec tại VN) - ông Kunihiko Nishihara - khẳng định: “Sau năm năm hoạt động nhà máy thứ ba này, chúng tôi sẽ nâng tổng vốn đầu tư lên 200 triệu USD và năm tiếp theo sẽ là 500 triệu USD. Còn về lâu dài, nguồn vốn của Nidec đầu tư vào VN sẽ không hề thua kém Thái Lan”. Thực tế, nguồn vốn đầu tư của Nidec tại Trung Quốc đến nay là 2,5 tỉ USD, còn tại Thái Lan là 1,8 tỉ USD, chính vì vậy sự cam kết của Nidec là một tín hiệu đáng mừng cho tình hình đầu tư của VN.

Trước đó, cuối tháng 4-2005, một sự kiện đã gây chấn động giới đầu tư của Nhật tại VN khi Công ty Canon VN khởi công xây dựng nhà máy sản xuất máy in laser lớn nhất của Canon với công suất gần 8,5 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Điều khá bất ngờ là ngay sau khi Canon khởi công xây dựng nhà máy sản xuất máy in laser tại Khu công nghiệp Quế Võ, có khá nhiều công ty vệ tinh của Canon từ các nước và vùng lãnh thổ như Nhật, Đài Loan, Trung Quốc... đến Khu công nghiệp Quế Võ tìm hiểu môi trường đầu tư. Trước mắt đã có một số công ty đăng ký thuê đất tại đây để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho Canon.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) - cho hay để đẩy nhanh thu hút đầu tư của Nhật, thời gian tới phía VN sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai chương trình Sáng kiến chung VN - Nhật Bản, thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư. Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Sáng kiến chung VN - Nhật Bản, trong số 125 hạng mục nhỏ (được tách ra từ 44 điểm chính trong Sáng kiến chung VN - Nhật Bản) hiện đã có 33 hạng mục được phía VN hoàn thành và 75 hạng mục đang được triển khai đúng kế hoạch như xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2005.

Dự báo của giới chuyên môn cho thấy không bao lâu nữa Khu công nghiệp Quế Võ sẽ được lấp đầy do sự tác động “dây chuyền” từ nhiều doanh nghiệp vệ tinh của Canon cũng như những doanh nghiệp kinh doanh ngành khác vào đây. “Canon nói riêng cũng như nhiều nhà đầu tư Nhật nói chung hiện đang xem VN là một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN, nên lượng vốn đầu tư của chúng tôi sẽ tiếp tục tăng” - ông Sachio Kageyama, tổng giám đốc Canon VN, khẳng định.

Làn sóng của những công ty vừa và nhỏ

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), trong sáu tháng đầu năm 2005, Nhật Bản đã có 43 dự án xin tăng vốn đầu tư với số vốn hơn 347 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng số vốn của các dự án xin tăng vốn của tất cả các nước và trở thành nước dẫn đầu cả về vốn lẫn dự án xin tăng vốn.

“Môi trường đầu tư ở VN liên tục được cải thiện khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh. Và đây là một dấu hiệu cho thấy đang có một dòng vốn đầu tư lớn của các doanh nghiệp Nhật chảy vào VN”, ông Takashi Nakano - giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư của Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO), cho hay.

Theo ông Takashi Nakano, do giá nhân công tại Nhật ngày càng đắt đỏ, những công ty vừa và nhỏ của Nhật ngày càng có xu hướng chuyển ra nước ngoài đầu tư và một trong những yếu tố để họ quyết định đầu tư đó là tham khảo những “đàn anh” đi trước. Trong số hơn 36 dự án cấp mới của các doanh nghiệp Nhật từ đầu năm đến nay, có thể thấy phần lớn là các dự án vừa và nhỏ, phần lớn đều thuộc những ngành công nghệ cao. Trong đó có những dự án vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn... 18.000 USD của Công ty M.C.C thiết kế và gia công phần mềm tại TP.HCM, hay dự án sản xuất phần mềm máy tính của Công ty Global Labo Saigon tại TP.HCM với số vốn chỉ 60.000 USD...

Tham tán thương mại VN tại Nhật Nguyễn Trung Dũng cho biết việc chuyển đổi đầu tư của các doanh nghiệp Nhật sang VN đang là một xu hướng phát triển rất mạnh mẽ. Trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn vài triệu USD. VN đang được xem là một trong những lựa chọn đầu tiên khi các DN này có ý định đầu tư ra nước ngoài.

(Theo Tuổi Trẻ)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng 17,4% (27/07/2005)
Pacific Airlines giảm giá vé cho đối tượng chính sách (27/07/2005)
Hà Nội sẽ xây dựng đường sắt đô thị (27/07/2005)
Đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4,1 triệu tấn gạo (27/07/2005)
“Mở cửa bầu trời” cạnh tranh với khu vực (27/07/2005)
Giá lốp xe tăng 10 – 15% (26/07/2005)
Hàng thủ công mỹ nghệ: Tìm cửa rộng ra thị trường lớn (26/07/2005)
Công ty bên bờ vực phá sản, lãnh đạo vô can (25/07/2005)
Nhiều dòng sông đang chờ... thủy điện (25/07/2005)
Sốt “vàng trắng” (25/07/2005)
Xuất khẩu cá tra, basa sang các quốc gia Hồi giáo (24/07/2005)
Gần 1,4 tỷ xây dựng thương hiệu cho 5 nhóm thủy sản (22/07/2005)
Phát triển công nghiệp ôtô: Dễ bị đi ngược (22/07/2005)
Hải Phòng: Những công trình “đắp chiếu” kéo dài (22/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang