Theo quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đường sắt đô thị sẽ được ưu tiên xây dựng tạo nên trục chính của mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố.
|
Thay vì ở bên dưới, đường sắt đô thị Hà Nội sẽ ở trên cao. |
Hệ thống nhà ga cũng từng bước được nâng cấp, làm mới, để trở thành đầu mối trung chuyển, kết hợp các loại hình vận tải công cộng, đồng thời là trung tâm dịch vụ đa chức năng.
Tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi, dài 25km, sẽ chạy trên cao. Phương án tuyến cơ bản bám sát tuyến hiện tại.
Để hạn chế giải phóng mặt bằng, đoạn Hà Nội - Ngọc Hồi sẽ ưu tiên mở về bên trái, đoạn Hà Nội - cầu Long Biên ưu tiên mở bên phải. Riêng đoạn ga Gia Lâm đến ga Yên Viên sẽ có hai phương án tuyến.
Phương án thứ nhất, giữ nguyên đoạn đường sắt hiện tại phục vụ chạy tàu hàng. Như vậy đoạn đường sắt Gia Lâm - Yên Viên chạy trên cao có nhà ga nằm dưới mặt đất.
Phương án hai, khi vành đai phía Đông hình thành (trong đó có đoạn Yên Viên - Phú Thụy dài 11km), toàn bộ tàu hàng hướng Hải Phòng sẽ chạy theo vành đai này về Yên Viên. Tuyến đường sắt trên cao sẽ xây dựng tại vị trí tim đường sắt hiện tại. Tàu qua sông Đuống bằng cầu tại vị trí cầu Đuống hiện tại. Phương tiện đường bộ qua sông Đuống bằng cây cầu mới xây dựng tại vị trí hạ lưu. Nhánh đường sắt từ ga Gia Lâm vào kho xăng Đức Giang vẫn được giữ nguyên.
Trong quy hoạch, ga Hà Nội sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hành khách; nơi kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng của thủ đô; đồng thời đây cũng là trung tâm thương mại, dịch vụ đa chức năng.
Ga Ngọc Hồi và Yên Viên sẽ trở thành ga lập tàu quy mô lớn. Trong đó, ga Ngọc Hồi sẽ thay thế chức năng của hai ga Giáp Bát và Hà Nội hiện nay. Ga Giáp Bát được thiết kế là ga trên cao, hỗ trợ cho ga Hà Nội. Vì vậy ga Giáp Bát vừa có chức năng là ga đường sắt quốc gia vừa là ga đường sắt đô thị, với quy mô 4 đường. Ga Yên Viên sẽ được xây dựng trên mặt đất, bao gồm ga hành khách (Yên Viên Nam), ga hàng (Yên Viên Bắc), đảm nhận chức năng là ga lập và giải thể các đoàn tàu khách phía Nam, tàu khách địa phương; đồng thời là ga quay đầu của các đoàn tàu đô thị.
Trên tuyến, ga đường sắt đô thị được thiết kế tại các vị trí cầu Đuống, Đức Giang, Long Biên Bắc, Long Biên Nam, Công viên Thống Nhất, Bệnh viện Bạch Mai, Phương Liệt, Hoàng Liệt, Văn Điển, Vĩnh Quỳnh là những điểm có khả năng thu hút hành khách đô thị, thuận lợi cho việc trung chuyển sang những phương tiện công cộng khác.
Dự kiến, đường sắt sẽ vượt sông Hồng qua một cây cầu mới được xây dựng ở vị trí thượng lưu cầu Long Biên. Cây cầu mới được thiết kế với kiến trúc, kết cấu vật liệu, kiểu dáng phù hợp với cầu Long Biên sau khi được khôi phục
Theo Thời báo Kinh tế VN |