Hàng thủ công mỹ nghệ: Tìm cửa rộng ra thị trường lớn
14:51' 26/07/2005 (GMT+7)

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cả nước ước tính đạt 277 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Liệu ngành thủ công mỹ nghệ có vượt được ngưỡng 500 triệu USD trong năm nay?

Cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường

Soạn: AM 496055 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Thuê "vệ tinh" thiết kế mẫu ở nước ngoài là một trong những cách tạo ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ bán chạy.

Làm thế nào để thiết kế nhiều mẫu bán được và tìm được kênh phân phối hiệu quả là hai vấn đề quan tâm lớn nhất của người làm hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã thuê chuyên gia thiết kế mẫu mã nước ngoài, cứ xuất vào nước nào thì thuê chuyên gia mẫu của thị trường đó. Hợp tác xã Ba Nhất (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã chọn cách làm này. Nhiều kiểu dáng mới với những nguyên liệu mới như lục bình, dây chuối của Ba Nhất đã tìm được nhiều khách hàng lớn.

Chi nhánh Tổng công ty Thương mại Hà Nội tại TP.HCM (Hapro) có hẳn một đội ngũ trẻ chuyên làm mẫu mới cho hàng thủ công mỹ nghệ, nhờ vậy mà kéo được một số đơn đặt hàng thủ công mỹ nghệ của châu Âu chạy từ Indonesia về VN. “Mỗi tháng chúng tôi đưa  ra 50-70 mẫu mới, bán cho khách hàng châu Âu rất chạy”, ông Nguyễn Đức Mưu - phó giám đốc Hapro - hào hứng.

Ngành thủ công mỹ nghệ đang nỗ lực rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu. “Trước mắt là đi qua cửa các nhà phân phối để vào thị trường châu Âu, Mỹ”, ông Mưu nói. Năm ngoái Hapro ký hợp đồng bán được 500.000 chiếc phin cà phê bằng sứ dạng phễu cho một khách hàng châu Âu, trị giá 400.000 USD.

Một chi nhánh Hapro đã được mở tại Budapest (Hungary) để bán hàng gắn thương hiệu Hapro; hàng gốm sứ, hàng đan mây tre cói gửi qua bán trực tiếp tại đây và tỏa đi khắp châu Âu. Qua một số “vệ tinh” tại Pháp và Đức, Hapro cũng đã bán được mỗi tháng một vài container hàng mang thương hiệu công ty.

Soạn: AM 496057 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chậu sứ hình gốc cây với chim hạc là mặt hàng đang bán chạy của Hapro.

Còn Ba Nhất đã ký được một hợp đồng lớn đầu tiên với Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) trị giá 2,3 triệu USD cho cả năm 2005. Những mẫu hàng được IKEA đặt gồm khay hình vuông, khay hình chữ nhật, ghế xôpha, lục bình cổ cao đan bằng nguyên liệu dây chuối. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, trưởng phòng xuất nhập khẩu Ba Nhất, cho hay giá đặt hàng sản phẩm của IKEA rất sát sao, đòi hỏi phải đầu tư công nghệ sản xuất tự động để hạ giá thành.

Theo Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Thương mại), nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong nước hiện có khả năng cạnh tranh tốt và có nhu cầu lớn tại thị trường Mỹ như hàng gốm ngoài vườn, gốm trang trí trong nhà, chậu trồng cây, tượng, hình các con vật, đài phun nước, vỏ đồng hồ... Các chuyên gia khuyến cáo: các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ nên nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hóa của các dân tộc sống ở Mỹ để lồng nó vào sản phẩm. Hướng thâm nhập chủ yếu vào thị trường Mỹ là nên chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh xảo, có mẫu mã độc đáo phù hợp thị trường.

Bài toán nguyên liệu và vốn

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có nhiều cải tiến nhưng đến nay mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ của VN chưa phong phú, các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ lại chưa hiểu thấu đáo nhu cầu người tiêu dùng. “Hiện doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tốn kém rất nhiều đầu tư cho ra lò mẫu mã mới, nhưng mẫu mới lại rất khó đi vào thị trường.

Làm cả trăm mẫu mới mỗi tháng, nhưng chỉ 10-20 mẫu bán được, do chưa theo sát với tâm lý tiêu dùng của người bản xứ”, đó là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đã có lúc chững lại, theo đánh giá của ông Mưu. Nhân lực ở các làng nghề đan tre mây lá, gốm sứ lại đang bị “chảy máu” khi các thợ trẻ có tay nghề rời bỏ làng quê đi làm trong các nhà máy ở các khu công nghiệp.

“Thiếu vốn để nuôi trồng, tạo vùng nguyên liệu ổn định, phải đi thu mua nguyên liệu nhiều nơi đẩy chi phí sản xuất lên cao, không ổn định sản xuất”, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ nhiệm Hợp tác xã Ba Nhất, thổ lộ. Lâu nay nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã này vẫn phải dựa trên 30% giá trị hợp đồng xuất khẩu khách ứng trước, 70% còn lại thế chấp bộ chứng từ hợp đồng xuất khẩu cho ngân hàng để có tiền mua nguyên liệu sản xuất.

Thế nhưng khách hàng Mỹ không ứng trước 30% như các khách hàng khác, hợp tác xã phải vay ngân hàng và cả vay nguồn vốn bên ngoài chịu lãi suất cao để mua nguyên liệu. Nguyên liệu trong nước lại ngày một khan hiếm, cạn kiệt. Mây phần lớn phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Campuchia..., giá cao hơn nguyên liệu trong nước 15-20%.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Công ty bên bờ vực phá sản, lãnh đạo vô can (25/07/2005)
Nhiều dòng sông đang chờ... thủy điện (25/07/2005)
Sốt “vàng trắng” (25/07/2005)
Xuất khẩu cá tra, basa sang các quốc gia Hồi giáo (24/07/2005)
Gần 1,4 tỷ xây dựng thương hiệu cho 5 nhóm thủy sản (22/07/2005)
Phát triển công nghiệp ôtô: Dễ bị đi ngược (22/07/2005)
Hải Phòng: Những công trình “đắp chiếu” kéo dài (22/07/2005)
Phát triển lúa phụ thuộc vào Trung Quốc! (22/07/2005)
400 triệu USD cho Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình 2 (21/07/2005)
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ký gói thầu 500 triệu USD (21/07/2005)
Hợp đồng 400 triệu USD để chủ động nguyên liệu đóng tàu (21/07/2005)
Trao giấy phép đầu tư cho liên doanh Tanda Motor (20/07/2005)
Xuất khẩu thuỷ sản sang Hàn Quốc đang chững lại (20/07/2005)
Cá basa Việt Nam ngon hơn cá da trơn Mỹ (20/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang