Sốt “vàng trắng”
09:30' 25/07/2005 (GMT+7)

Không khí vốn thanh bình tại các vườn cao su (CS) do người dân trồng tại khu vực miền Đông Nam bộ nay đang “nóng” dần lên bởi giá mủ CS tăng mỗi ngày.

Dọc các con đường làng quê Bến Cát (Bình Dương), hàng loạt trạm thu mua mủ CS mọc lên như nấm sau mưa. “Cơn sốt“ đổ xô vào trồng CS khiến giá đất khu vực này tăng lên chóng mặt...

Sống bằng “vàng trắng”

Soạn: AM 494642 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Mua bán mủ cao su tại một cơ sở thu mua ở thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát.

Chiếc xe gắn máy chở bao tải căng cứng mủ CS vừa trờ tới trước cửa cơ sở thu mua mủ của chị Dung (Chánh Phú Hòa, Bến Cát), anh thanh niên ngồi trên xe hỏi vọng vào: “Hôm nay lấy bao nhiêu một độ (hàm lượng CS tinh trong 1kg, thường mỗi ký có 21-23 độ)?”. Khi nghe thông báo giá 207 đồng/độ, anh thanh niên rú ga vọt qua các cơ sở mua mủ khác. Nhìn  quanh khu vực này, hàng chục xe gắn máy đến giao mủ, cân đo đong đếm xong lại tất tả ra đi.

Theo một công nhân tại cơ sở thu mua của ông Hai Hoàng, phần lớn khách đem hàng đến đều là lái mủ, họ đi thu gom mủ CS của những hộ trồng ít hoặc ở vùng sâu đem về giao lại cho cơ sở thu mua để hưởng chênh lệch giá. Một lái mủ tên Thành cho biết việc thu mua mủ CS trước đây chủ yếu do các trạm thu mua của một số công ty nhà nước, song kể từ khi giá mủ CS tăng vọt từ đầu năm đến nay, nhiều điểm thu mua của tư nhân đua nhau ra đời.

Theo Tổng Công ty Cao su VN (Geruco), Bình Dương hiện là địa phương có diện tích CS lớn nhất cả nước, với hơn 52.000 ha, trong đó diện tích CS tiểu điền (vườn CS do người dân trồng) chiếm khoảng 50%. Bà Trần Thị Kim Vân - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - thông báo từ nay đến năm 2020, Bình Dương sẽ phát triển thêm khoảng 15.000-20.000ha CS, trong đó chủ yếu vẫn là CS tiểu điền.

Dọc những con đường mới mở và cả những con lộ làng quê tại khu vực Chánh Lưu, Mỹ Phước, Lai Hưng..., cứ vài ba trăm mét lại xuất hiện một điểm thu mua mủ. Trừ một vài cơ sở thu mua qui mô lớn có bồn chứa, xe tải nhỏ vận chuyển..., hầu hết các điểm thu mua đều đầu tư “hạ tầng” khá đơn sơ.

Chỉ cần vài thùng phuy đựng mủ, một bếp nướng mủ với dụng cụ đo độ là đã có thể treo bảng “cơ sở thu mua mủ”. Cũng tùy qui mô của mỗi điểm thu mua, sản lượng mủ mua vào của các cơ sở thấp nhất cũng 200 - 300kg mủ/ngày, nhiều nhất lên tới hàng tấn. “Cạnh tranh lắm, chỉ cần chênh lệch một vài đồng mỗi độ mủ là có thể thu hút thêm khách hoặc mất khách như chơi”, chị Thúy - chủ cơ sở thu mua mủ mới hoạt động ba tháng tại thị trấn Mỹ Phước - cho hay.

Theo lời anh Thành, do giá mủ liên tục tăng, một số cơ sở lớn áp dụng chiêu thức ứng tiền trước, lấy mủ sau theo giá thị trường hoặc cho vay một khoản tiền không lấy lãi để chủ vườn giải quyết những công nợ tạm thời. “Cả nhà tui sống nhờ “vàng trắng” này đó chú” - anh Thành nói rạng rỡ.

Đổi đời nhờ cao su

Đưa tôi đi tham quan vườn cây CS vừa được trồng hơn tháng nay, anh Trần Phi Hùng (xã Tân Định, Bến Cát) cho biết đất này trước đây được anh trồng điều, nay thay bằng cây CS. Trong ba năm liên tiếp, khi thấy giá mủ CS tăng liên tục, anh Hùng lần lượt chặt bỏ gần 2ha điều để trồng cây CS. “Thấy cây điều cũng có ăn nên tui cứ lần lữa mãi, nhưng với giá mủ hiện nay tính ra CS hiệu quả nhất nên tui cũng... liều một phen” - anh Hùng nói.

Hiện nay trong vườn nhà anh Hùng có 400 cây CS đang trong giai đoạn thu hoạch, thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Chị Nhung - chủ vườn cao su 3ha (Tân Định) - kể gia đình chị cũng đang mở rộng diện tích CS tại khu ruộng cạn xưa nay vốn trồng các loại cây ngắn ngày, chưa kể các nọc tiêu trong vườn cũng được thay dần bằng cây CS. Theo nhiều người dân tại Bến Cát, cây CS đang trở thành cây trồng “thời thượng”, các loại cây trồng khác, kể cả vườn cây ăn trái, cũng nhường chỗ cho CS.

“Giá đất cũng leo thang theo giá mủ CS” - ông Tư Thành (thị trấn Mỹ Phước) nói. Theo ông Thành, dăm ba năm trước giá đất tại khu vực này chỉ khoảng 50 triệu đồng/ha cũng ít người mua, bây giờ đất trồng CS tại khu vực này đang được nhiều người lùng mua với giá 450-500 triệu đồng/ha đối với những khu đất trong sâu, còn đất ngoài những con lộ đất đỏ đã được kêu giá đến 700 triệu đồng/ha.

Một người dân tại Mỹ Phước cho biết khu vực này hiện có khá nhiều “đồn điền” CS rộng 20-30ha của những người từ TP.HCM đến. “Có lẽ tui phải lên Bình Phước mua đất trồng CS chứ ở đây giá đất ngày càng cao” - anh Ngô Văn Đó (ấp 4, Chánh Phú Hòa) vừa lên đường đi Bình Phước nói. Theo lời anh Đó, thu nhập từ vườn cao su 5ha của gia đình anh hiện không dưới 10 triệu đồng/tháng, lần này sẽ trồng CS tại Bình Phước với diện tích lớn hơn.

“Nhiều người dân đã đổi đời nhờ cây CS. Với giá mủ CS như hiện nay, họ không chỉ đủ ăn, có tiền xây nhà khang trang hơn mà còn của ăn, của để”, ông Lê Quốc Cường - chủ “đồn điền” CS rộng hơn 10ha tại Mỹ Phước - kể. Với thu nhập từ vườn CS, cả bốn người con của vợ chồng ông Cường đều được đi học đến nơi đến chốn. Không có nhiều đất để trồng CS, nhưng với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng từ vườn CS khoảng 1,4ha, gia đình anh Vân (Mỹ Phước) cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt và cho con ăn học. Anh Vân vừa nghỉ làm bảo vệ tại một công ty để ở nhà vừa làm kinh tế phụ như chăn nuôi heo, vừa chăm sóc vườn cây CS.

“Nếu không có cây CS, chẳng biết trồng cây gì trên mảnh đất nhỏ này để có nguồn thu nhập cao và ổn định như vậy” - anh Vân nói.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu cá tra, basa sang các quốc gia Hồi giáo (24/07/2005)
Gần 1,4 tỷ xây dựng thương hiệu cho 5 nhóm thủy sản (22/07/2005)
Phát triển công nghiệp ôtô: Dễ bị đi ngược (22/07/2005)
Hải Phòng: Những công trình “đắp chiếu” kéo dài (22/07/2005)
Phát triển lúa phụ thuộc vào Trung Quốc! (22/07/2005)
400 triệu USD cho Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình 2 (21/07/2005)
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ký gói thầu 500 triệu USD (21/07/2005)
Hợp đồng 400 triệu USD để chủ động nguyên liệu đóng tàu (21/07/2005)
Trao giấy phép đầu tư cho liên doanh Tanda Motor (20/07/2005)
Xuất khẩu thuỷ sản sang Hàn Quốc đang chững lại (20/07/2005)
Cá basa Việt Nam ngon hơn cá da trơn Mỹ (20/07/2005)
Trên 83 tỷ đồng xúc tiến xuất khẩu thủy sản (19/07/2005)
Daewon đầu tư NM dệt may 8 triệu USD vào Đà Nẵng (19/07/2005)
Giấy in, giấy viết: cung đã vượt cầu (19/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang