Phát triển lúa phụ thuộc vào Trung Quốc!
06:11' 22/07/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo đề án phát triển lúa lai của Bộ NN-PTNT, đến năm 2010, Việt Nam sẽ trồng 1 triệu ha lúa lai, trên tổng diện tích đất trồng lúa khoảng 3 triệu ha, nhằm nâng cao năng suất lúa. Song, nguồn giống lúa lai hiện đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc.

80% giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc

Soạn: AM 490643 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đi kiểm tra việc trồng lúa lai.

Được trồng ở Việt Nam từ năm 1991, đến nay, diện tích lúa lai tại Việt Nam đạt khoảng 600.000 ha, cho năng suất bình quân 6,3-6,4 tấn/ha, cao hơn lúa thường khoảng 1,5 tấn/ha. Trung bình mỗi năm, lúa lai cho sản lượng  khoảng 3,5 triệu tấn.

Song, Bộ NN-PTNT cho biết, 80% giống lúa lai hiện vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, trong một hội nghị gần đây về khoa học nông nghiệp, đã thừa nhận, mặc dù KHCN trong nông nghiệp đã tạo ra được nhiều giống mới, như điều, lạc, ngô lai... cho chất lượng, năng suất cao, nhưng rõ ràng là chúng ta "chưa làm tốt giống lúa lai".

Báo cáo của Cục Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho thấy, chất lượng hạt giống sản xuất trong nước đã được nâng lên rõ rệt và hầu hết đảm bảo tiêu chuẩn quy định, giá chỉ bằng 50% so với nhập ngoại. Theo đánh giá chủ quan của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai, chúng ta đã nghiên cứu và làm chủ được công nghệ lúa lai 3 dòng và bước đầu làm chủ về công nghệ lúa lai 2 dòng, là cơ sở vững chắc cho sản xuất lúa lai. Đến nay, kinh phí cấp cho chương trình nghiên cứu hạt giống lúa lai cũng lên đến 20 tỷ đồng.

Vụ Đông Xuân vừa qua, giống lúa lai Trung Quốc rất khan hiếm, giá tăng tới mức kỷ lục. Nhiều địa phương đã không thực hiện được diện tích gieo cấy lúa lai như kế hoạch.

Toàn bộ một cánh đồng rộng 200ha tại Quảng Nam được gieo cấy lúa giống bố mẹ thuộc tổ hợp nhị ưu 838 của Trung Quốc.  Điều đáng buồn là 200 tấn giống lúa lai gieo cấy tại đây thực chất là của Việt Nam sản xuất, nhưng chính một công ty sản xuất giống của Quảng Nam, do sản phẩm không có thương hiệu, đã bán lại cho Việt Hoa với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Sau đó, Việt Hoa chỉ cần thêm bao bì, nhãn mác vào và bán lại cho nông dân, với giá 28.000 đồng/kg.

PGS-TS. Tạ Minh Sơn, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, lý giải, nguyên nhân chính là do nông dân Việt Nam thích dùng hàng ngoại, và cũng chưa tin tưởng vào giống lúa lai trong nước. Hậu quả, họ phải mua với giá đắt gần gấp 3 lần, mặc dù chất lượng giống lúa lai sản xuất ở Việt Nam được chính các chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao.

Nhập khẩu giống vì lãi hơn nghiên cứu giống

Trên thực tế là việc nhập giống lúa lai từ Trung Quốc bao giờ cũng có lãi và lãi nhanh hơn khi phải nghiên cứu và sản xuất giống lúa lai. TS. Nguyễn Trí Hoàn - Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam), cho biết, thực tế đã từng có một công ty không biết gì về giống lúa (sản xuất cơ khí) lại nhảy vào nhập giống lúa lai. Các DN kinh doanh giống, vốn ít, thường thích đi buôn để đem lại lợi nhuận tức thì hơn là kết hợp với các viện nghiên cứu giống. Vốn cũng là lý do khiến Công ty Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam đã phải bán giống cho công ty Trung Quốc.

TS. Nguyễn Thị Trâm - ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, cũng dẫn chứng, lớn như Công ty Giống cây trồng Trung ương mà 1-2 năm nay mới bắt đầu sản xuất, còn mấy năm trước chủ yếu vẫn đi nhập. Ngoại trừ Công ty Giống cây trồng miền Nam đã cung ứng một lượng khá lớn giống lúa lai tự sản xuất từ năm 2000 đến nay, thì nhiều công ty giống các tỉnh, như Công ty Giống cây trồng Hải Phòng, Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái, Công ty Giống cây trồng Hà Nam... sản xuất không đáng kể. Chúng ta phải nhập giống Trung Quốc với giá khá cao và mỗi khi giá giống của Trung Quốc tăng thì y như rằng, diện tích lúa lai trong nước bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, vụ đông xuân vừa qua, Việt Nam đã phải nhập tới hơn 4.000 tấn giống lúa lai từ Trung Quốc với giá rất cao do bị ép giá. Hay như vụ mùa năm nay, tình hình thiếu giống lúa lai đang rất nghiêm trọng. Các chuyên gia cũng dự báo, nguồn giống lúa lai nhập từ Trung Quốc còn khan hiếm hơn vào vụ hè thu tới.

Nhà nước cũng khuyến khích nhập khẩu giống!

Bên cạnh đó, chính sách trợ giá của Nhà nước trong việc nhập giống lúa lai hiện không còn phù hợp. GS-VS. Đào Thế Tuấn, trong lần trả lời báo chí gần đây, bức xúc nói: "Chính sách này là không đúng. Nếu Nhà nước trợ giá cho giống nước ngoài thì sẽ bóp chết công ty sản xuất giống trong nước. Đi đến đâu cũng thấy các cơ quan, đơn vị tiếp thị giống lúa lai thì làm sao lúa thuần trong nước sống được"? Và theo ông, hiện các tỉnh cứ đưa lúa lai vào sản xuất vì chính lãnh đạo các Sở NN-PTNT cũng được ăn % trong chính sách trợ giá lúa lai, chứ chưa phải do quần chúng ủng hộ, tin tưởng vào hiệu quả của nó.

Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hoàn kiến nghị, Chính phủ cần gấp rút có Chỉ thị yêu cầu các địa phương không được trợ giá giống lúa lai nhập khẩu.

Một khó khăn khác cho việc nghiên cứu giống lúa lai hiện nay là đội ngũ khoa học. TS Nguyễn Thị Trâm lo lắng, hiện cả nước có 5 người có trình độ tiến sĩ về lúa lai thì 1 người chuyển sang sản xuất lúa thuần, 1 người lên Đảng uỷ Bộ NN-PTNT, 1 người chuyển sang bộ môn canh tác. Cả 5 người đều từ chối lúa lai. Trong khi đó, Trung Quốc có một lực lượng hùng hậu chuyên về lúa lai: 500 người.

Theo báo cáo của Cục Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) ngày 23/6/2005, thì những năm qua, thông qua các chương trình giống cây trồng, nghiên cứu khoa học, khuyến nông, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, dự án hợp tác quốc tế về giống... đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ NSNN, DN, tập thể HTX... cho nghiên cứu và phát triển giống lúa lai. Đây cũng được coi là khâu đột phá để có thể nâng cao diện tích lúa, góp phần đẩy sản lượng, năng suất lúa của Việt Nam lên cao hơn. Song, rõ ràng là cho đến nay, hiệu quả thiết thực thu được từ việc đầu tư này chưa cao.

Giống nội, bao giờ đủ?

"Sẽ xem xét lại mục tiêu của chương trình lúa lai"

Trước ý kiến chưa thống nhất của nhiều nhà chuyên gia, nhà khoa học về Đề án Phát triển hạt giống phục vụ mục tiêu 1 triệu ha lúa lai đến năm 2010, tại hội nghị toàn quốc về khoa học và khuyến nông mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ xem xét lại mục tiêu của chương trình.

Trước đó, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ NN-PTNT chủ trương sẽ không mở rộng diện tích lúa lai mà tập trung vào nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả. Bộ NN-PTNT chỉ tiếp tục phát triển lúa lai khi chủ động được giống lúa trong nước.

TS Nguyễn Trí Hoàn đã đưa ra hai bài toán để chứng minh cho hiệu quả sản xuất lúa lai và việc đổ hàng chục tỷ đồng vào việc nghiên cứu, sản xuất giống là hiệu quả: Giá thành giống lúa lai sản xuất trong nước là 10.000 đồng/kg, thấp hơn giá giống nhập từ Trung Quốc là 18.000 đồng/kg.

Như vậy, với 1.250 tấn hạt lai F1 từ dự án sản xuất giống, Việt Nam đã tiết kiệm được 10 tỷ đồng. Nông dân sử dụng giống lúa lai của chương trình cấy trên diện tích 50.000 ha cho doanh thu tăng thêm 150 tỷ đồng.

Do vậy, theo phương hướng của Bộ NN-PTNT, đến năm 2010, Việt Nam phấn đấu đảm bảo tự túc được 50% hạt giống lúa lai. Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát khi trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội cũng cho biết, đến năm 2010, Việt Nam sẽ chủ động được 70% giống lúa lai.

Tuy nhiên, việc này đang vấp phải nhiều khó khăn. GS.TS Nguyễn Ngọc Kính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Giống cây trồng Việt Nam, nói rằng, đến nay, Việt Nam vẫn chưa tạo được dòng bất dục đực (dùng để tạo cặp lai ra dòng F1).

Đây là bí quyết của Trung Quốc và nước này cũng cấm xuất khẩu hạt giống bố mẹ. Do vậy, chúng ta vẫn phải nhập giống lúa lai từ nước này. Trong khi đó, Trung Quốc lại liên tục tạo được những cặp lai với ưu thế mới. Vậy nên, Việt Nam có nghiên cứu, tạo ra giống lúa lai giá 10.000 đồng/kg cũng là quá đắt.

  • Hà Yên

Ý kiến của bạn về triển vọng mở rộng giống lúa lai và phát triển ngành lúa Việt Nam?

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
400 triệu USD cho Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình 2 (21/07/2005)
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ký gói thầu 500 triệu USD (21/07/2005)
Hợp đồng 400 triệu USD để chủ động nguyên liệu đóng tàu (21/07/2005)
Trao giấy phép đầu tư cho liên doanh Tanda Motor (20/07/2005)
Xuất khẩu thuỷ sản sang Hàn Quốc đang chững lại (20/07/2005)
Cá basa Việt Nam ngon hơn cá da trơn Mỹ (20/07/2005)
Trên 83 tỷ đồng xúc tiến xuất khẩu thủy sản (19/07/2005)
Daewon đầu tư NM dệt may 8 triệu USD vào Đà Nẵng (19/07/2005)
Giấy in, giấy viết: cung đã vượt cầu (19/07/2005)
Mỹ sang VN kiểm tra các doanh nghiệp thủy sản (18/07/2005)
Doanh nghiệp và dân đều "xù" hợp đồng (18/07/2005)
Ngành công nghiệp sử dụng hơn 3,9 tỷ USD vốn ODA (18/07/2005)
Giá tôm xuất khẩu tăng mạnh (17/07/2005)
Công ty điện lực TP.HCM và Linkton thông đồng? (16/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang