(VietNamNet) - Ngày 14/7, ngày làm việc thứ 8 của đoàn kiểm tra Bộ công nghiệp về vấn đề 260.000 điện kế điện tử, đại diện đoàn của Sở công nghiệp TP.HCM tham gia làm thành viên đoàn kiểm tra đã có báo cáo, cho rằng 14 hợp đồng mua bán ĐKĐT đã vi phạm quy chế đấu thầu và vi phạm hợp đồng kinh tế.
Vi phạm quy chế đấu thầu
Trong 14 hợp đồng mua ĐKĐT chỉ có hai HĐ 03 và 04 là đấu thầu và có kết quả đấu thầu được phê duyệt. Số còn lại không được đấu thầu, dùng hình thức mua sắm trực tiếp để thực hiện theo các tờ trình của các phòng kinh doanh và và hợp tác quốc tế, căn cứ vào kết quả đấu thầu của hợp đồng 03 - 04. Số lượng mua trực tiếp là 15.000, 17.000, 20.000, 25.000 điện kế, trong khi số lượng của hợp đồng 03 - 04 là 10.000 điện kế.
Về thời gian cung cấp điện kế, tất cả cho thấy các hợp đồng trước chưa thực hiện thì Công ty Điện lực TP.HCM và Linkton đã ký kết hợp đồng tiếp theo. Đồng thời, đa số các hợp đồng đều cung cấp trễ hạn (10/14 hợp đồng). Như vậy, theo đại diện này, “năng lực Linkton chưa đáp ứng được yêu cầu”. Mặc dù vậy nhưng Công ty điện lực TP.HCM vẫn cố ý không xem xét đến năng lực cung ứng của nhà thầu Linkton mà ký các hợp đồng trên.
Theo đại diện của đoàn Sở Công nghiệp tham gia thành viên kiểm tra, “điều này đã vi phạm quy chế đấu thầu ban hành theo Nghị định 88 của Chính phủ”.
Vi phạm hợp đồng kinh tế
Theo giải trình ngày 13/7 của Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, 14 lô hàng mua sắm công tơ điện tử không có thử nghiệm và phê duyệt mẫu trước khi đưa vào lưu hành lắp đặt cho dân. Điều này vi phạm pháp lệnh đo lường năm 1999 của Quốc hội.
Trong khi điều kiện giao nhận hàng là phải có và chỉ có mỗi C/O để chứng nhận xuất xứ, nhưng khi kiểm tra các lô hàng của 4 hợp đồng không có hồ sơ xuất xứ (C/O), Công ty điện lực vẫn nghiệm thu và nhập kho. 14 lô hàng không có hồ sơ hải quan nhập khẩu và vận đơn, đồng thời các lô hàng đều đóng gói do Linkton Vina ký đóng dấu, có địa chỉ tại Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận. Nghĩa là, các lô hàng này đã đóng gói tại Việt Nam chứ không qua nhập khẩu.
Theo giải trình ngày 13/7 của Công ty điện lực, chuyên viên quản lý hợp đồng của công ty không để ý đến đơn vị giao hàng, mà chỉ nhận theo thông lệ từ trước đến nay đối với các hợp đồng nhập khẩu giao hàng và căn cứ vào thông báo giao. Nhưng trên thực tế, khi giao hàng, về nguyên tắc Công ty điện lực phải kiểm tra xuất xứ của lô hàng và các điều kiện khác theo hợp đồng, ngoài ra cần xem xét thêm hồ sơ hải quan để xác nhận xuất xứ (như lô hàng vận chuyển có đúng theo chuyến tàu thời gian theo C/O, số lượng, chất lượng, có kiểm định mẫu chưa, thông quan ở đâu...) nhưng Công ty Điện lực đã không kiểm tra về C/O, không kiểm tra địa điểm đóng gói, và vẫn nhập kho, nghiệm thu và thanh toán.
Từ các vấn đề nêu trên, đoàn tham gia phối hợp của Sở công nghiệp thống nhất cho rằng: Việc mua sắm 14 lô hàng theo 14 hợp đồng mua ĐKĐT só dấu hiệu thông đồng giữa Công ty Điện lực TP.HCM và Công ty Linkton.
Về biện pháp xử lý, đại diện Sở công nghiệp cho rằng, vì không có cơ sở khẳng định chất lượng ĐKĐT, nên nên không thể dựa vào sai số của công tơ để tính toán tiền bồi thưường. Đoàn phối hợp của Sở công nghiệp đề nghị bồi thường theo nghị định 45, là lấy điện năng bình quân ngày của 3 chu kỳ ghi chỉ số công tơ trước khi lắp ĐKĐT để tính tiền bồi thường cho khách hàng.
Đại diện đoàn Sở Công nghiệp cho rằng, đến thời điểm này vụ việc phức tạp đã vượt quá phạm vi trách nhiệm của công tác kiểm tra. Một lần nữa, đoàn phối hợp của Sở Công nghiệp kiến nghị chuyển vụ việc sang Công an điều tra thu lý.
Người dân không đồng tình việc kiểm định ĐKĐT
Cũng trong ngày 14/7, tổ kiểm định đo lường đã làm việc tại Trung tâm thí nghiệm điện. Tổ đã đưa ra 19 ĐKĐT do dân khiếu nại để kiểm tra trước sự chứng kiến của chủ nhân đồng hồ. Trong đó có 17 ĐKĐT 1 pha, 1 ĐK cơ 1 pha, 1 ĐK cơ 3 pha. Kết quả sai số cho phép là + - 1%.
Tuy nhiên, người dân đã không đồng tình với cách làm này từ trước khi công bố kết quả kiểm định. Theo các chủ nhân của những chiếc đồng hồ chạy như bão này, trước kia kiểm định đã sai, nhưng nay ngành điện lại dùng chính các dụng cụ này để đo lại, là bất hợp lý, thiếu độ tin cậy. Theo ý kiến của chủ nhân các ĐKĐT, căn cứ chính xác nhất để khẳng định chất lượng là con số trên hóa đơn tiền điện mà ngành điện dã thu.
|