Trong một vài ngày tới, sau khi các doanh nghiệp vận tải ôtô xây dựng xong phương án tăng cước để trình cơ quan quản lý giá, cước vận tải ôtô sẽ đồng loạt tăng từ mức 6-10%.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) trong cuộc trao đổi với báo chí sáng nay (13/7) về vấn đề cước vận tải sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua.
|
Cước vận tải ôtô sẽ tăng 6-10% |
Việc phải làm
Theo ông Hùng, trong vòng 18 tháng qua, giá xăng dầu đã liên tục tăng đến 5 lần. Trong 4 lần trước, VATA đã khuyến cáo 482 doanh nghiệp thành viên bằng mọi cách tìm biện pháp để giảm chi phí sản xuất nhằm giữ ổn định giá cước vận tải, thậm chí phải kéo dài thời gian khấu hao tài sản và lùi lại lợi nhuận nên giá cước vận tải ôtô nói chung đã tương đối ổn định.
Tuy nhiên, đợt tăng giá xăng dầu từ 12 giờ ngày 3/7 với mức tăng giá xăng 10% và dầu diesel 18% đã đẩy giá thành vận tải lên trên 5% đối với xe chạy xăng và trên 7% đối với xe chạy dầu diesel, mức mà hầu hết doanh nghiệp không thể tiếp tục tự điều chỉnh và chịu đựng được nữa. Do đó, việc tăng giá cước vận tải ôtô là việc tất yếu phải làm để tránh những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
“Mặc dù đồng loạt tăng cước, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải lấy nguồn thu từ các hoạt động khác “đập” vào hoạt động vận tải. Bởi lẽ, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hiện nay không chỉ hoạt động trong lĩnh vực vận tải và tỷ suất lợi nhuận từ vận tải rất thấp, không quá 8% (mức bình quân 3,4-4% tổng vốn) trong khí giá xăng dầu, nhiên liệu đầu vào quan trọng nhất liên tục đội giá, thậm chí còn có khả năng tiếp tục tăng”, ông Hùng cho biết.
Làm nhanh thì tăng trước
Sau cuộc họp chiều hôm qua (12/7), Hiệp hội Vận tải ôtô Tp.HCM đã quyết định sẽ tăng cước vận tải ở mức 8-10%. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở vân tải ôtô cũng đã tiến hành tăng cước. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp taxi đã tăng thêm 500 đồng/km; giá vé xe khách các tuyến vùng Nam Bộ cũng đã tăng lên 7-10% so với mức giá cũ. Mặc dù “đi sau” nhưng một số doanh nghiệp vận tải phía Bắc cũng đã bắt đầu rục rịch tăng cước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ngày 9/7 Hiệp hội đã có cuộc họp trong đó có thống nhất về vấn đề tăng cước vận tải đối với các đơn vị thành viên. Theo đó, tùy theo từng loại hình hoạt động, từng vùng hoạt động mà ngay từ bây giờ các doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng phương án tăng cước cho mình. “Do mức cước đối với từng loại hình, từng tuyến vận tải, từng đối tượng khách hàng khác nhau nên sẽ có nhiều mức tăng cước khác nhau và có thể mỗi doanh nghiệp sẽ mất vài ngày để xây dựng phương án. Và nếu doanh nghiệp nào xây dựng phương án xong sớm để trình cơ quan quản lý giá thì sẽ tăng cước vận tải trước”, ông Hùng cho biết.
Như vậy, doanh nghiệp nào càng nhanh chân hơn sẽ càng đỡ được gánh nặng tài chính khi chi phí giá thành bị đội giá lên cao.
Không để tạo giá độc quyền
Trong công văn gửi các 25 hiệp hội vận tải cơ sở cùng các doanh nghiệp thành viên vừa được hoàn thành sáng nay (13/7), VATA đã khẳng định, việc tăng giá cước và tăng ở mức bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, VATA cũng khẳng định, mức tăng cước tối đa không thể vượt quá 10%, mức đã được Hiệp hội tính toán kỹ lưỡng từ chi phí đến những tác động xã hội.
Ngoài ra, các hiệp hội cơ sở sẽ phải hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp thành viên của mình xây dựng phương án chi tiết, hợp lý nhất nhằm tránh những phản ứng sau thực hiện tăng cước. Đặc biệt, các hiệp hội và doanh nghiệp tuyệt đối không được hiệp thương với nhau để đưa ra một mức giá độc quyền, tức mức giá bất hợp lý mà các doanh nghiệp cùng thực hiện dẫn đến ảnh hưởng người tiêu dùng và kéo theo hàng loạt những tác động đến giá cả tiêu dùng nhiều mặt hàng khác.
Ông Hùng cho biết, phải khuyến cáo rõ ràng bởi đây là khả năng rất dễ xảy ra ở nhiều doanh nghiệp khi họ có thể lợi dụng việc tăng giá để tăng ở mức bất hợp lý nhằm tạo thêm lợi nhuận, thậm chí chỉ để bù đắp thêm cho những thiệt hại từ những đợt tăng giá xăng dầu trước mà họ đã phải cố gắng tự điều chỉnh tối đa tránh tăng giá cước.
Nhiều doanh nghiệp và tuyến vận tải đã tăng cước
Sau hơn một tuần xăng dầu tăng giá (từ 3/7 đến 12/7/2005), giá vé xe đò tại các bến xe miền Đông, miền Tây Tp.HCM đã tăng 7%, cụ thể là tuyến Tp.HCM - Bà Rịa Vũng Tàu tăng 7%, còn tuyến Bình Dương - Bình Phước tăng 10%, trong khi đó tất cả các tuyến còn lại tăng ở mức từ 7% đến 8%. Giá vé xe đò tuyến từ Tp.HCM - Cần Thơ tăng từ 54.000 đ lên 56.000 đồng/vé, tuyến Tp.HCM - Cà Mau từ 98.000 đồng lên 107.000 đồng/vé, Cần Thơ - Cà Mau từ 47.000 lên 52.000 đồng/vé.
Hiệp hội taxi Tp.HCM cũng đã quyết định áp dụng từ ngày 15/7/2005 mức cước taxi là 6.500 đồng/km so với mức 6.000 đồng/km trước đó; hoặc hãng nào đang ở mức 6.500 đồng/km sẽ tăng lên 7.000 đồng/km hay 7.000 đồng/km lên 7.500/km. |
Theo VNEconomy |