"Tranh cướp" nguyên liệu đang làm hại ngành chè!
14:27' 13/07/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cầm túi chè được cắt bằng dao, dài tới hơn 30cm, Tổng giám đốc Công ty Chè Phú Bền Rajit Dasgupta bức xúc đến Hiệp hội Chè Việt Nam kêu cứu vì tình trạng tranh mua nguyên liệu và chất lượng chè bị đe dọa nghiêm trọng.

Soạn: AM 480965 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tiêu chuẩn hái chè nguyên liệu phải là "một tôm hai lá" và hái bằng tay.
 
Ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè, cho biết, chuẩn mực thu hái chè nguyên liệu của Việt Nam cũng như trên toàn thế giới là “một tôm hai lá” và tất nhiên, phải được thu hái bằng tay. Song, chuyện lạ đã xảy ra ở hai xí nghiệp chế biến mini thuộc Công ty TNHH Cường Thịnh (Hạ Hoà) và Công ty TNHH Hoài Chung (Thanh Ba) của Phú Thọ. Những búp chè dài tới 25-30cm, được thu hái bằng dao hoặc bằng liềm, bất chấp quy định về tiêu chuẩn chất lượng. Không phải hai lá, mà búp chè này có đến năm bảy lá. Một kiểu thu hái tàn sát cây chè! Người nông dân thì vì lợi nhuận trước mắt mà không lo tới những vụ sau, lo cho lợi ích lâu dài.

“Thực sự, tôi không hiểu vì sao họ lại dùng dao để cắt chè?", ông Dasgupta đau xót thốt lên.

Ấy vậy mà những búp chè trên lại được các ông chủ xưởng mini thu mua ở loại B, với giá 2.150 đồng/kg? Tại sao có tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Thụ lý giải, đó là do đói nguyên liệu. Hiện ngành chè đã có tới 630 đơn vị chế biến và 220 trong số đó tham gia hoạt động xuất khẩu. Diện tích chè nguyên liệu của Việt Nam vào khoảng 120.000ha, song, công suất chế biến của các nhà máy đã gấp đôi khả năng cung ứng của nguyên liệu.

Đơn cử như Công ty Chè Phú Bền. Vào thời điểm này, tổng công suất của tất cả các nhà máy, xưởng chế biến chè trong 3 huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng là 544 tấn/ngày. Trong đó, riêng 3 nhà máy của Phú Bền có công suất 130 tấn/ngày. Ước tính, nếu tất cả các cơ sở chế biến này cùng hoạt động hết công suất sẽ cần 108.800 tấn búp tươi/năm. Song, tổng lượng sản xuất chè nguyên liệu trong vùng cũng chỉ là 30.706 tấn/năm (chỉ cung cấp được 28% công suất chế biến, vừa đủ để 3 nhà máy của Phú Bền hoạt động). Chính do sự mất cân đối nghiêm trọng giữa vùng nguyên liệu và công suất chế biến là nguyên nhân của tình trạng cạnh tranh nguyên liệu gay gắt, không lành mạnh.

Ông Rajit Dasgupta rất lo lắng cho tương lai đi xuống của ngành chè - nếu như 50 xí nghiệp nhỏ ở trong vùng này và hàng trăm xưởng chế biến mini ở các vùng chè khác, vẫn cứ tranh mua nguyên liệu theo kiểu "chụp giựt" như vậy. Cả một vùng nguyên liệu đang bị đe dọa bởi những “bóng ma” "tranh cướp" chè búp tươi, "tranh cướp" bằng mọi giá! Ở một số nơi, nhiều xí nghiệp chế biến đã phải đóng cửa vì không “tranh cướp” được nguyên liệu.

Năm 2004, sản lượng xuất khẩu chè của cả nước đạt 961.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu 92 triệu USD, tăng 60% về khối lượng và 53% về giá trị so với năm 2003. Ngành chè Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Song, cũng giống như nhiều ngành sản xuất nông nghiệp khác, khó khăn hiện nay vẫn là sự bấp bênh của vùng nguyên liệu. Trong khi đó, việc xây dựng các nhà máy chế biến lại diễn ra ồ ạt, không tính đến đầu vào, dẫn tới tranh chấp nguyên liệu và lãng phí tiền của khi máy móc không được vận hành hết công suất. Bài học về việc thiếu kết hợp giữa vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến, như mía đường, dứa, sắn... vẫn còn nóng hổi, song, biết đâu sắp tới lại xảy ra với cây chè?

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngành điện lỗ 639 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (13/07/2005)
Giá hàng dệt may Việt Nam cao hơn nhiều nước (13/07/2005)
Không chấp nhận cho Vietnam Airlines tăng giá vé (12/07/2005)
30 triệu USD cho một dự án đầu tư sang Lào (12/07/2005)
Vươn ra biển lớn (11/07/2005)
Đầu tư SX 50 triệu lít bia/năm phải xin phép Chính phủ (11/07/2005)
Cao su thiếu hàng để xuất khẩu (11/07/2005)
Giấy in, giấy viết tiêu thụ khó khăn (10/07/2005)
Xây dựng cơ bản có quá nóng? (09/07/2005)
Mekong Auto sản xuất ôtô sử dụng nhiên liệu rẻ (09/07/2005)
Bộ NN-PTNT chuyển hướng sang cây cacao (09/07/2005)
Khởi công thủy điện Sơn La vào cuối tháng 11 (08/07/2005)
Khí Nam Côn Sơn đạt 2 tỷ m3 trong nửa đầu 2005 (08/07/2005)
Thêm 20 DN thủy sản được xuất sang EU (08/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang