Vươn ra biển lớn
15:15' 11/07/2005 (GMT+7)

Phóng sự về một làng nghề đã vươn mình ra biển khơi với việc chinh phục đường biển Đông Nam Á và trở thành một khu phố sầm uất. Đó là xã An Lư (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).

Vượt cầu Bính theo con đường 10 trải nhựa láng bóng chừng 8km, xã An Lư (Thủy Nguyên, Hải Phòng) hiện ra tựa một khu phố phồn hoa với chợ búa sầm uất và những biệt thự bề thế sáng màu sơn. Từ một vài chiếc thuyền sông, trải qua bao gian nan, nay An Lư trở thành xã có đội tàu vận tải lớn nhất nhì trong nước với hàng trăm chiếc tàu biển của hơn 50 doanh nghiệp vận tải biển tư nhân.

Xã 200 tàu biển

Trụ sở của Công ty Trung Kiên (một trong những thương hiệu vận tải biển mạnh của An Lư) là ngôi biệt thự bề thế tọa lạc ngay chân cầu Xưa.

Soạn: AM 478556 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Những con tàu ở An Lư ngày càng được đóng lớn hơn...

Đã quá 5g30 chiều mà những cú điện thoại giao dịch của khách hàng và đối tác vẫn cứ đến tới tấp, giám đốc Nin giải thích: “Đợt này hàng nhiều nên tôi và anh em cứ phải quay như chong chóng mới hết việc, vừa rồi lại  nhận thêm đơn hàng chở ximăng từ đây (Hải Phòng) vào TP.HCM, đang lo tàu của mình trong Hội An không ra kịp”.

Vào thời điểm dân An Lư bắt đầu chạy hàng tuyến Trung Quốc, trọng tải tàu trung bình chỉ 200-400 tấn/tàu. Đến năm 1995, hàng Trung Quốc cạn, họ đã nâng cấp, đóng mới tàu lên mức trọng tải 700-900 tấn/tàu để chạy tuyến Bắc  -Nam.

Và đến nay, đội tàu của An Lư đang bắt đầu thêm một lần “lột xác” nữa. “Hiện tại có gần chục công ty (của An Lư) đang tự nâng cấp, làm thiết kế, đóng tàu có trọng tải lớn từ 3.000 - 5.000 tấn để vươn ra làm chủ tuyến Đông Nam Á và Bắc Á” - ông Bùi Thanh Bản, giám đốc Công ty Hoàng Đạt, chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển An Lư, cho biết.

Tấm bảng treo giữa phòng với chi chít những dòng nhỏ ghi lịch tàu chuyển hàng: tàu TK19 chạy Hải Phòng - TP.HCM; nâng cấp tàu HL36 để chạy tuyến ASEAN; rồi lịch sửa chữa tàu, lịch đào tạo thủy thủ các hạng cho anh em thuyền viên...

Ông Nin vẫn còn nhớ như in những bước trầm một thời chưa xa của nghề sông nước truyền đời đối với người dân An Lư. Mấy chục năm trước cả xã chỉ có hơn chục con thuyền gỗ thô sơ, chuyên chở vôi từ Hải Phòng lên mạn ngược rồi chở cát xuôi về.

Nhiều người bằng lứa với ông lúc đó đã theo cha rong ruổi thuyền hàng xuôi ngược khắp nơi. Đến năm 1980, xã thành lập Hợp tác xã vận tải Tân Tiến thu hút gần 60 phương tiện với hàng trăm xã viên tham gia.

Năm 1991, do quản lý kém, Tân Tiến thua lỗ triền miên, đội tàu tê liệt, chỉ còn một vài chiếc hoạt động cầm chừng. Hợp tác xã phải giải thể, hàng trăm xã viên thất nghiệp.

Nhưng những người con An Lư vẫn đau đáu khát vọng giữ nghề, không chịu bó tay nhìn cảnh làng nghề “chết chìm”. Đi tiên phong phải kể đến ông Bùi Thanh Bản (hiện là giám đốc Công ty Hoàng Đạt) là người An Lư đầu tiên thành lập công ty vận tải tư nhân, mạnh dạn bỏ vốn sắm tàu lớn chạy tuyến biển.

Sau đó, nhiều xã viên khác cũng hợp nhau lại thành từng nhóm, chung vốn tậu tàu chạy tuyến biển. Rồi “canh bạc” của cả làng, cả xã thắng lớn do hàng hóa tuyến Trung Quốc có nhiều, giá cước lại cao, chẳng bao lâu người An Lư trả dần được nợ, đầu tư nâng cấp hoặc đóng tàu mới.

Chỉ trong thời gian ngắn, An Lư có 70 tàu đóng mới, 30 tàu cũ được nâng cấp với trọng tải 200 - 400 tấn, rồi hàng loạt doanh nghiệp vận tải tư nhân ra đời với hơn 200 chiếc tàu biển.

Không an phận trong “ao nhà”

Khát vọng vươn ra biển lớn đã manh nha từ nhiều năm trước, khi các doanh nghiệp An Lư ngày một lớn mạnh đã chuyển trụ sở của mình từ xã ra thành phố, rồi thiết lập quan hệ trên toàn quốc, vươn ra ký kết hợp đồng với đối tác ở nước ngoài.

Soạn: AM 478514 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sự sầm uất của An Lư không chỉ được thể hiện ở các đội tàu trọng tải lớn mà còn thể hiện ở sự bề thế của khu biệt thự nơi đây.

Chính ông Bản là người đầu tiên trong số các chủ tàu An Lư vận chuyển phân bón sang Indonesia, Công ty Hưng Phát của ông Bùi Văn Tiến cũng đưa tàu 3.500 tấn vào khai thác tuyến vận tải này…

Ông Nin cùng nhiều người con An Lư khác đã thật sự trở thành những ông chủ trong làng nghề, nắm trong tay những chiếc tàu trị giá hàng chục tỉ đồng. Cụ thể như Công ty Trung Kiên của ông Nin có bốn con tàu, Công ty Hoàng Đạt của ông Bản có tới 10 con tàu... Đến nay cả xã An Lư đã có hơn 50 doanh nghiệp vận tải tư nhân, hơn 200 chiếc tàu biển có trọng tải từ vài trăm đến hơn 3.000 tấn với tổng trị giá hơn 1.000 tỉ đồng, doanh thu đạt hơn 100 tỉ đồng/năm.

Hiện tại trong 10 chiếc tàu thuộc Công ty Hoàng Đạt thì có đến ba chiếc tham gia vận tải tuyến Đông Nam Á và Bắc Á. Nhiều chủ tàu khác người An Lư cũng không chịu an phận trong “ao nhà”.

Để thực hiện ước mơ ra biển lớn, người An Lư không chỉ đổ tiền để đóng những con tàu to hơn, họ còn đang thực hiện chiến lược đào tạo nhân lực khá bài bản.

Các công ty TNHH của An Lư đã đưa con em mình vào học trong trường hàng hải hoặc quản lý kinh tế từ nhiều năm trước, hiện giờ một số trở về đang bắt đầu làm quen công việc trong công ty của cha, anh mình.

An Lư cũng tích cực đào tạo các thuyền viên người địa phương thay vì phải đi thuê thuyền viên từ nơi khác. Ông Nguyễn Huy Hồng, chủ tịch xã An Lư, cho biết: “Hiện nay, đội tàu của An Lư đang giải quyết việc làm cho 3.000 trong số 5.000 lao động của toàn xã với thu nhập bình quân hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Bởi vậy chúng tôi đã thực hiện việc đào tạo nghề này cho người đến tuổi lao động ngay tại địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành vận tải biển của An Lư”.

Mới đây xã đã mời giảng viên  Trường đại học Hàng hải (Hải Phòng) về đào tạo nghiệp vụ thuyền viên cho hơn 40 lao động, tới đây xã sẽ tiếp tục mở những lớp đào tạo ngắn hạn như vậy.

Phong - cháu của ông Nin, vừa lấy bằng cử nhân tin học, hiện đang học quản trị kinh doanh - nói rằng thế hệ trẻ An Lư có rất nhiều người đi học ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Và sau này họ sẽ trở về làm việc trong những đội tàu, trường học, trạm xá… của An Lư.

Theo Tuổi trẻ

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đầu tư SX 50 triệu lít bia/năm phải xin phép Chính phủ (11/07/2005)
Cao su thiếu hàng để xuất khẩu (11/07/2005)
Giấy in, giấy viết tiêu thụ khó khăn (10/07/2005)
Xây dựng cơ bản có quá nóng? (09/07/2005)
Mekong Auto sản xuất ôtô sử dụng nhiên liệu rẻ (09/07/2005)
Bộ NN-PTNT chuyển hướng sang cây cacao (09/07/2005)
Khởi công thủy điện Sơn La vào cuối tháng 11 (08/07/2005)
Khí Nam Côn Sơn đạt 2 tỷ m3 trong nửa đầu 2005 (08/07/2005)
Thêm 20 DN thủy sản được xuất sang EU (08/07/2005)
Thủy sản hướng vào thị trường Trung Đông (08/07/2005)
Xuất khẩu cá ngừ: mình làm khổ ta! (07/07/2005)
Sản xuất công nghiệp đang gặp khó (06/07/2005)
Xuất khẩu cá tra, basa tăng trở lại (06/07/2005)
Đầu tư hạ tầng để mua điện của Trung Quốc (05/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang