(VietNamNet) - Để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, Bộ Công nghiệp vừa kiến nghị Chính phủ, đối với những dự án đầu tư mới từ 25 triệu lít bia/năm trở lên phải có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, từ 50 triệu lít bia/năm trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
|
Đang "loạn" đầu tư sản xuất bia. |
Trong bản điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010, do Bộ Công nghiệp trình lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép các DN sản xuất bia trích 15-20% giá thành sản phẩm hoặc 10-15% doanh thu để chi cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, đầu tư thương hiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường trong và ngoài nước...
Đồng thời, Bộ Công nghiệp cũng kiến nghị sẽ dành mức thuế ưu đãi nhất đối với các cơ sở chế biến nước quả từ nguyên liệu trong nước. Song, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với rượu dân tự nấu. Khoản thuế thu này được giữ lại cho ngân sách địa phương để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát. Đối với bia, rượu, cồn công nghiệp, đề nghị điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu và lộ trình cắt giảm thuế quan để tăng sức cạnh tranh, tạo nguồn vốn đầu tư.
Do nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát tăng cao nên sản lượng sản xuất của các sản phẩm bia và nước giải khát đã bằng và vượt mục tiêu của quy hoạch. Năm 2003, công suất bia của cả nước đạt 1,29 tỷ lít, đến năm 2004 đã vượt lên 1,37 tỷ lít. Dự kiến năm 2005 sản lượng bia của cả nước vượt xa mức 1,5 tỷ lít. Bộ Công nghiệp dự báo những năm tới, nhu cầu bia và nước giải khát sẽ tiếp tục tăng cao.
Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010, Bộ Công nghiệp điều chỉnh lại chỉ tiêu như sau: năm 2010, sản xuất bia đạt 2,5 tỷ lít; sản xuất rượu, cồn đạt 120 triệu lít (trong đó rượu sản xuất công nghiệp 80 triệu lít, cồn cho xuất khẩu 40 triệu lít); sản xuất nước giải khát đạt 1,5 tỷ lít (trong đó nước giải khát có gas đạt 500 triệu lít; nước khoáng và nước tinh lọc 700 triệu lít; nước quả 300 triệu lít). Tổng vốn đầu tư cho ngành từ 2005 đến 2010 dự kiến là 14.292 tỷ đồng, riêng sản xuất bia chiếm đến 10.580 tỷ đồng.
Thống kê của Bộ Công nghiệp cho thấy, hiện nay, các nhà máy bia được phân bổ tại 49/64 tỉnh thành cả nước, tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam bộ, ĐBSH, Trung bộ và Nam Trung bộ. Khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL, trung du miền núi phía Bắc năng lực sản xuất bia ở mức thấp. Hiện chỉ còn 15 tỉnh không có cơ sở sản xuất bia.
|