(VietNamNet) - Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương than phiền với PV VietNamNet về mức thuế áp với cá ngừ nhập khẩu cao ngất ngưởng: "Tôi không biết mức thuế 45% được áp từ bao giờ, bởi năm 1991 khi Hải Vương ra đời đã có mức thuế này, song nó đang gây rắc rối cho bao DN".
|
Sản phẩm cá ngừ được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. |
Câu chuyện về mức thuế nhập khẩu cá ngừ thực ra chỉ là khúc dạo đầu cho một loạt những khó khăn trong việc đánh bắt, bảo quản, chế biến cá ngừ hiện nay, bởi nguyên liệu là khâu đầu tiên của một chu trình sản xuất. Tuy Bộ Thủy sản xác định đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, một đối tượng đầy tiềm năng xếp ngay sau con tôm và cá tra, basa, nhưng cá ngừ hiện vẫn tung tăng đâu đó ngoài khơi.
Mới "bắt" được 1/10 khả năng
TS. Đào Mạnh Sơn - Viện Nghiên cứu hải sản, cho biết, trữ lượng cá nổi lớn vùng biển khơi miền Trung và Đông Nam Bộ năm 2004 ước khoảng 1,16 triệu tấn, cho khả năng khai thác bền vững 405.000 tấn. Trong đó, đứng đầu là nhóm cá ngừ, chiếm tới 65%. Trong nhóm này, nếu xếp theo thứ tự tỷ lệ % sản lượng từ trên xuống thì cá ngừ vằn đứng thứ nhất, chiếm tới 54% (618.000 tấn), tiếp theo là cá cờ (11%), cá đuối (5,6%) và cá ngừ đại dương 3,9%.
Theo ông Sơn, chỉ tính riêng hai loài lớn nhất là cá ngừ đại dương (bao gồm cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn mắt to) và cá ngừ vằn cho khả năng khai thác 670.600 tấn/năm. Song, thật đáng tiếc bởi cả năm 2004, chúng ta mới khai thác được khoảng 50.000 tấn, tức chưa với tới 1/10 khả năng. Trong đó, xuất khẩu được 24.500 tấn, đạt trên 54 triệu USD, tăng 14% so với năm 2003. Việt Nam hiện xuất khẩu cá ngừ sang 40 thị trường, trong đó, lớn nhất là Mỹ, rồi tới Nhật Bản, Australia, New Zealand, Đài Loan, Israel, Đức, Séc, Tây Ban Nha... Nhưng con số xuất khẩu của Việt Nam chưa bằng 10% của Thái Lan - nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với 290.000 tấn.
Không những thế, đây là nghề khai thác, chế biến và xuất khẩu có lời cao. Theo một chuyên viên Bộ Thủy sản, giá xuất khẩu lên tới 7.802 USD/tấn đối với cá ngừ mắt to tươi và 7.343 USD/tấn đối với cá ngừ vây vàng tươi (giá bình quân của hai tháng đầu năm 2005). Trong khi đó, giá thu mua cá ngừ nguyên liệu hiện chỉ vào khoảng 60.000-65.000 đồng/kg.
Một kỹ sư của Công ty Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa tiết lộ, hiện Nha Trang mới chỉ xuất khẩu được 50% sản lượng cá ngừ, có nghĩa là chưa tận dụng được tối đa nguồn hàng. Mặc dù thị trường rộng mở, nhu cầu nhập khẩu trên thế giới lên tới 837 triệu USD/năm (năm 2003), nhưng nếu so với tiềm năng, rõ ràng chúng ta chưa chú ý nhiều đến con cá này.
Nguyên liệu thiếu, chất lượng yếu
Cá ngừ đại dương được Bộ Thủy sản chọn là đối tượng mục tiêu để phát triển nghề cá xa bờ. Những năm gần đây, việc khai thác đã phát triển mạnh, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, với khoảng 1.500 tàu câu cá. Hàng năm, số liệu của các sở thủy sản vẫn thông báo, đánh bắt cá ngừ được mùa. Ông Võ Châu, Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên, cho VietNamNet biết, 6 tháng đầu năm nay, Phú Yên đánh bắt được 3.600 tấn cá ngừ trong tổng số 21.500 tấn thuỷ hải sản các loại, đạt 81% kế hoạch, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2004, Bình Định cũng đạt 3.260 tấn và dự kiến năm nay đạt trên 4.000 tấn. Nhưng được mùa đối với ngư dân không có nghĩa đã đủ nguyên liệu cho DN chế biến.
Ông Vũ Duyên Hải, chuyên viên Vụ KHCN (Bộ Thuỷ sản), cũng đưa ra nhận xét, trong số 1.500 tàu thuyền, chỉ có 40 tàu câu cá ngừ công nghiệp, với trang thiết bị hiện đại; số còn lại chỉ là tàu cải hoán, khó có thể đi xa vào mùa mưa bão. Mặc dù trình độ, thiết bị phục vụ đánh bắt không thua kém các nước, nhưng tàu không đi dài ngày được, chỉ 15-20 ngày là về. Như 600 tàu đánh bắt cá ngừ hiện nay của Bình Định, chỉ 1/3 trong số này có thể ra khơi vào mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, thiết bị bảo quản trên tàu lại quá kém. 70% cá ngừ đánh bắt của Phú Yên hiện chưa đủ điều kiện về đông lạnh trước khi về vào đến bờ. Ông Hải nói rằng, 80% số lượng cá ngừ khi cập bến đã bị xếp là loại 2 về chất lượng. Trong khi bảo quản yêu cầu phải đạt - 30oC-40oC, thì Việt Nam chỉ đạt 0độC. Công nghệ cấp đông của tàu nước ngoài lại không đồng bộ với tàu Việt Nam, chưa kể giá thành đắt đỏ, ngư dân không mua nổi. Đó là chưa kể hiện chưa có cơ quan nào của Việt Nam đứng ra xác định tiêu chuẩn, xếp loại chất lượmg cá ngừ, mà việc này hầu như do các đại lý thu mua quyết định.
Khổ về thuế
Công ty TNHH Hải Vương là DN chế biến và xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam hiện nay, tiếp theo đó là một số công ty khác ở Khánh Hòa (Trúc An, Nha Trang Seafood, Hoàng Hải), ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Công ty Mạnh Hà) ở TP.HCM (như VITACO), ở Bình Dương (Highland Dragon)...
Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty Hải Vương, cho biết, trước đây, 98% nguyên liệu cá ngừ, DN sử dụng trong nước. Song, 3-4 năm lại đây, trước sức hút mạnh mẽ của thị trường xuất khẩu, nguồn cá đánh bắt trong nước không đủ để chế biến, buộc Hải Vương phải nhập khẩu 35-40% nhu cầu. Sản phẩm chủ yếu là cá ngừ cấp đông, mua của Nam Phi, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, EU... để chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, bán trong siêu thị như sashimi chất lượng cao, steak (dạng khúc), cube (dạng viên), các món cà ri để nấu... Năm 2004, Hải Vương thu 40 triệu USD từ xuất khẩu cá ngừ và 6 tháng đầu năm nay là 26,6 triệu USD, chủ yếu xuất sang Mỹ (35%), Nhật Bản (35%), Trung Đông, một số nước châu Á.
|
Hiện có 3 tỉnh khai thác cá ngừ là Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. |
Song, ông Nam thực sự bức xúc vì mức thuế 45% đánh vào cá ngừ nhập khẩu. Trong khi đó, theo ông biết, các nước ASEAN chỉ áp mức thuế 10%. Ông đồng ý rằng áp thuế đối với cá ngừ nhập khẩu để bảo hộ ngành cá ngừ trong nước, song khi nguồn nguyên liệu khan hiếm, DN phải chấp nhận nhập khẩu với giá cao thì mức thuế trên sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh so với các DN khác trong khu vực.
Mặt khác, Tổng giám đốc Xí nghiệp Highland Dragon, ông Nguyễn Phạm Thanh, cũng cho biết, giá cá nhập khẩu dao động từ 0,65-1,35 USD/kg tùy kích cỡ, chủng loại và thị trường. Đây là mức giá phổ biến mà các DN xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang nhập khẩu từ năm 2001 đến nay. Tuy nhiên, theo một công văn của phía Hải quan ngày 29/11/2004, do không đạt 90% đơn giá cá ngừ là 4 USD/kg trong "danh mục dữ liệu giá" nên từ tháng 12/2004, tất cả các lô hàng nhập khẩu của Highland Dragon bị áp 4 USD/kg, nâng số thuế nhập khẩu lên hơn 4 lần. Tuy chưa phải nộp ngay vì thời gian ân hạn là 275 ngày, song, với thuế suất 45% đã tạo ra số thuế nhập khẩu khổng lồ.
"Đó là chưa kể số tiền vốn lên tới hàng trăm tỷ bị ách lại 3-4 tháng, nếu vấp phải các rào cản như kỹ thuật đối với tôm và cá tra, basa, chúng tôi phải làm thế nào? Có lẽ Hải Vương sẽ phá sản mất", ông Nguyễn Xuân Nam lo lắng.
Ông Vũ Duyên Hải cho biết, trước tình trạng này, Bộ Thủy sản đã giao Vụ KHCN chủ trì và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế về quản lý, khai thác và tiêu thụ cá ngừ, với sự tham gia của các cơ quan quản lý Trung ương, UBND và Sở Thủy sản Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, các DN sản xuất, xuất khẩu cá ngừ, các chuyên gia trong và ngoài nước... Hội thảo sẽ diễn ra trong tháng 7, chậm nhất là tháng 8, tại Khánh Hòa. Đây là cơ hội để Bộ đánh giá tổng quát về tình hình quản lý, khai thác và tiêu thụ cá ngừ hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ đó có các định hướng nghiên cứu thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cá ngừ hiện nay.
|