Chi phí đầu vào cao, tiêu thụ khó, trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng đè nặng không chỉ đối với sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, mà cả sản phẩm tiêu thụ nội địa.
Tại hội nghị sơ kết ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay, nhiều tiếng nói từ phía các doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà rõ nét nhất là trong 6 tháng tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế quốc doanh giảm sút, đặc biệt là quốc doanh địa phương (chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ).
Mức tăng giá trị gia tăng công nghiệp chậm lại so với cùng kỳ năm trước, chỉ tăng 9,38% (6 tháng đầu năm 2004 tăng 9,7%) và thấp hơn kế hoạch tăng GDP công nghiệp cả năm 11%.
Nhiều ngành xuất hiện lỗ
|
Điện lực TP.HCM đang thi công trên đường Lý Thường Kiệt. |
Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) lần đầu tiên "nếm mùi" thua lỗ, với số lỗ ước 6 tháng đầu năm lên tới 639 tỷ đồng, thoạt nghe khiến nhiều người giật mình.
Ông Đặng Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN cho biết chưa có năm nào ngành điện phải chống chọi với tình hình thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Lưu lượng nước về các hồ chứa thuỷ điện thấp nhất so với trung bình nhiều năm đã khiến ngành này không huy động được tối đa công suất các nhà máy thuỷ điện.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong những tháng cao điểm mùa khô, EVN đã phải huy động tổng lực các nguồn nhiệt điện, kể cả nhiệt điện dầu với sản lượng cao, giá cao; mua của các nhà máy ngoài ngành đã khiến chi phí sản xuất điện bị "đội lên".
Tình hình vẫn còn căng thẳng vào các mùa khô năm 2006-2007, bởi theo ông Hùng dự báo mức tăng trưởng phụ tải vẫn sẽ ở mức cao (trung bình 18-20%/năm) và khó khăn về tài chính đã xuất hiện.
Trong 6 tháng đầu năm, thép cũng là ngành gặp nhiều thăng trầm. Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) vẫn phải đảm bảo giá bán ổn định, thậm chí thấp hơn giá thị trường để góp phần bình ổn. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay các doanh nghiệp ngành thép lại gặp khó khăn vì sản phẩm không tiêu thụ được, trong khi vẫn chịu áp lực cạnh tranh phải hạ giá sản phẩm.
Ông Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VSC cho biết, nếu như bình quân các tháng quý I/2005, Công ty Gang thép Thái Nguyên sản xuất 35.000 tấn thép/tháng thì 2 tháng gần đây công suất giảm xuống chỉ còn 15.000-17.000 tấn/tháng.
|
Thép xây dựng. |
Giá thép bình quân của VSC hiện chỉ ở mức 6,7-6,8 triệu đồng/tấn, mà vẫn tiêu thụ chậm. Chỉ tính riêng quý I, Công ty gang thép Thái Nguyên lỗ 1,018 tỷ đồng. Công ty thép miền Nam cũng lỗ tới 8,297 tỷ đồng...
Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) không giấu nổi sự lo lắng vì đã hết 6 tháng mà kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn ngành hầu như không tăng, thậm chí còn giảm sút ở một số thị trường chủ yếu. Ngoài việc chịu ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng bất thường, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chịu sức ép gay gắt với hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc và các nước thành viên WTO đã được dỡ bỏ rào cản hạn ngạch.
Tính đến 20/6/2005, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ chỉ đạt 871 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu sang EU cũng chỉ đạt 255 triệu USD, giảm 5,37% so với cùng kỳ.
Nhận định về những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp nửa đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho rằng doanh nghiệp Việt Nam rõ ràng đang ở vào thế bất lợi, không thể chủ động đối phó với những diễn biến xấu. Đành rằng có sự tác động của những yếu tố bất khả kháng như thiên tai, giá thế giới biến động khó lường, khó dự đoán nhưng hầu như doanh nghiệp của ta vẫn chưa chuẩn bị tư thế để nhập cuộc.
“Chúng ta có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay, sang năm 2006 hội nhập đầy đủ AFTA, nền kinh tế sẽ chuyển mình nhanh chóng và sẽ có những thay đổi rất lớn, thế mà ngay tại hội nghị chúng ta vẫn còn loay hoay nói về cơ chế, về thiếu vốn lưu động, thì làm sao phát triển được. Bây giờ là lúc phải thay đổi tư duy”, Bộ trưởng nói.
6 tháng cuối năm: tăng trưởng công nghiệp 16,4%?
Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nhận định, do những năm qua, tăng trưởng công nghiệp chủ yếu dựa vào đầu tư chứ chưa khai thác tối ưu từ tài sản hiện có. Có đầu tư thì sẽ có tăng trưởng nhưng về lâu dài, theo ông, phải là vấn đề hiệu quả đầu tư, là phải tăng được giá trị gia tăng công nghiệp. Trong điều kiện nền sản xuất của ta vẫn bị phụ thuộc lớn vào biến động giá thế giới, thì một trong những giải pháp sống còn của ngành công nghiệp là phải tích cực thúc đẩy sản xuất, tìm mọi biện pháp giảm giá thành sản phẩm bằng cách giảm chi phí.
Căn cứ vào kết quả đạt được của những tháng đầu năm, mục tiêu còn lại của những tháng cuối năm khá nặng nề: đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 16,4% và giá trị gia tăng công nghiệp trên 12,5%. Đây là thách thức rất lớn đối với toàn ngành, đặc biệt là chỉ tiêu giá trị gia tăng.
Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện cho được 2 nhóm giải pháp cơ bản: về sản xuất kinh doanh và về đầu tư xây dựng. Các doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là nhóm các sản phẩm đang có khả năng cạnh tranh và có thị trường như sản phẩm than, dầu khí, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và lâm sản, hàng may mặc, giày dép, sản phẩm cơ khí chế tạo hoá chất cơ bản..., ưu tiên các sản phẩm hướng ra xuất khẩu, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu hàng hoá trên thị trường, tăng cường khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu và tăng giá trị trong nước của hàng xuất khẩu.
Mặt khác, tiếp tục khai thác thị trường trong nước, nhất là khu vực nông thôn. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, vấn đề quan trọng là phải đẩy nhanh tiến độ, không để chậm trễ, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia như Khí điện đạm Cà Mau, lọc dầu Dung Quất, các dự án thuỷ điện đang trong giai đoạn thi công...
Bộ Công nghiệp cũng yêu cầu các tổng công ty, doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp quản lý thi công, đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, thực hiện tốt yêu cầu về công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước.
Giải pháp cuối cùng là đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, trong năm nay, Bộ Công nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện cổ phần hóa trên 100 doanh nghiệp bao gồm cả những doanh nghiệp có số vốn lớn và xử lý những doanh nghiệp thua lỗ kéo dài.
(Theo Thời báo Kinh tế VN) |