Khi nông dân vẫn phải “tự bơi”…
16:28' 02/07/2005 (GMT+7)

Hiệp hội Lương thực VN vừa dự báo: sản lượng gạo thơm VN xuất khẩu (XK) trong năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 30.000-40.000 tấn, giảm 60-70% so với năm trước.

Thông tin này không chỉ gây thất vọng cho nhiều nông dân trồng lúa, mà các doanh nghiệp (DN) cũng không vui khi bị mất một cơ hội “làm bàn”.

Soạn: AM 466215 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Không những sản lượng gạo thơm XK sụt giảm mà giá cũng giảm mạnh. Chẳng hạn, loại gạo jasmine hiện chỉ xuất được với giá cao nhất chưa tới 280 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với mức giá năm trước. Loại gạo có chất lượng cao nhất là KDM cũng giảm 40 USD/tấn, hiện chỉ bán được 360 USD/tấn.

Sản lượng và giá gạo thơm XK giảm đã đẩy nhiều nông dân vào tình cảnh dở khóc dở mếu. Hàng trăm ngàn tấn gạo thơm sản xuất ra với kỳ vọng sẽ bán được với giá cao nhưng nay đành chịu cảnh ứ hàng, rớt giá. Anh nông dân Nguyễn Ngọc Cường (Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang) bức xúc: “Nông dân được khuyến cáo trồng nhiều lúa thơm, lúa jasmine… để tăng chất lượng gạo mới bán được giá cao. Chúng tôi tin và làm theo nhưng đến khi bán vẫn không được giá, trong khi chi phí đầu tư để làm loại lúa này lại rất cao”.

Không quá khó để tìm câu trả lời cho tình trạng này. Theo phản ánh của nhiều nhà nhập khẩu, chất lượng gạo thơm VN không... thơm. Họ nói rằng gạo thơm nhưng hạt cơm không dẻo, mùi thơm không giữ được lâu, khi để nguội hạt cơm bị cứng chứ không mềm… “Gạo thơm nhưng pha quá nhiều gạo tạp, tỉ lệ pha tạp lên đến 30-40%”, ông Trương Thanh Phong - tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam - cho hay.

Theo ông Phong, có ba yêu cầu để nông dân trồng lúa thơm thành công: đó là phải có những vùng chuyên canh, chọn giống được sản xuất từ lúa dành riêng để làm giống và có hợp đồng bao tiêu với DN. Một số địa phương có những khu vực trồng được lúa thơm như An Giang, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng và Cần Thơ đều được khuyến cáo nên tổ chức qui hoạch vùng chuyên canh cho giống lúa thơm, không để nông dân “tự bơi”. Thế nhưng đến nay hầu như chưa có địa phương nào vào cuộc.

Nhìn sang Thái Lan, chính phủ nước này sẵn sàng can thiệp vào những trường hợp như vậy bằng cách thu mua giá cao để giữ giá lúa cho nông dân, và cũng đảm bảo cho giá gạo XK của nước này duy trì ở mức trên 290 USD/tấn trong những tháng đầu năm nay. Hoặc như Malaysia thực hiện chính sách cấm nhập khẩu gạo để đảm bảo tiêu thụ hết lúa cho nông dân bản địa.

Trong khi đó, sau 10 năm tham gia XK gạo, đến nay VN chủ yếu vẫn XK các loại gạo phẩm cấp thấp, giá trị XK không cao. Giá gạo XK của VN thường thấp hơn giá gạo của Thái Lan 30-40 USD/tấn. Việc chuyển sang sản xuất các loại lúa thơm đang trở thành yêu cầu bức thiết để nâng giá trị XK gạo, do diện tích lúa không thể mở rộng thêm, sản lượng gạo XK chỉ có thể xoay quanh con số 3,8-4 triệu tấn mỗi năm.

Nói như anh Nguyễn Ngọc Cường, người trồng lúa hiện nay đang phải đối phó với nhiều khó khăn, sản xuất lúa thơm giúp nông dân nuôi hi vọng sẽ có thu nhập khá hơn, đỡ vất vả hơn. “Chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất được lúa chất lượng cao, nhưng Nhà nước hãy góp sức cùng chúng tôi và đừng để niềm hi vọng của chúng tôi cứ vơi dần sau mỗi mùa vụ”, anh Cường nói.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cá ngừ vây vàng Việt Nam dẫn đầu tại Mỹ (01/07/2005)
Ngành da giày: Thời hưng thịnh đã qua! (01/07/2005)
Dệt may có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường Mỹ (30/06/2005)
Chính phủ yêu cầu đảm bảo tiến độ của Dung Quất (30/06/2005)
Ngành điều với “cái chết” được báo trước (30/06/2005)
Nhiều DN dệt may, da giày Hải Phòng phải đóng cửa (30/06/2005)
Xe máy chạy gas sắp được tung ra thị trường (29/06/2005)
1,5 tỷ USD đầu tư để nâng cấp hạ tầng đường sắt (29/06/2005)
Manh mún thị trường lâm sản ngoài gỗ (29/06/2005)
Săm lốp xe nội đánh bạt hàng ngoại (28/06/2005)
Hoa Kỳ - đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam (27/06/2005)
Công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 15,6% (27/06/2005)
Ứng tiền - đổi quota (27/06/2005)
Vẫn phải cắt điện giờ cao điểm (27/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang