Manh mún thị trường lâm sản ngoài gỗ
08:06' 29/06/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hầu hết các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ (LSNG) xuất khẩu của Việt Nam hiện có số lượng nhỏ, lại không ổn định, giá cả bấp bênh, thất thường.

Soạn: AM 461791 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phát triển LSNG đang tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân tộc.

Ông Phan Sinh, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê (Tổng cục Hải quan) cho biết, xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng LSNG của Việt Nam mặc dù tăng đều hàng năm, từ 15-30%, song chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng kim ngạch XNK của cả nước (58,5 tỷ USD năm 2004).

Việt Nam như thị trường trung chuyển

Thống kê của Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng LSNG mậu dịch năm 2000 đạt 100 triệu USD, năm 2004 tăng gần gấp đôi, lên mức 198 triệu USD và 5 tháng đầu năm nay đạt 88 triệu USD... Con số này chưa cộng với hàng xuất khẩu phi mậu dịch hàng năm. Hàng xuất khẩu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất từ nguyên liệu là tre, nứa, song, mây, cói, lá...; tiếp theo là các loại mật ong, quế, hồi....

Có thể nói, trừ thủ công mỹ nghệ, hầu hết hàng LSNG khác của Việt Nam chỉ xuất khẩu ở dạng thô hoặc sơ chế (rửa sạch, phơi khô, chưng cất đơn giản) ít chế biến sâu nên giá trị kinh tế không cao, khó bảo quản, hàng hoá chỉ có thời vụ. Điều này rất bất lợi với người sản xuất vì khi thu hoạch, hàng hoá dồi dào thì người dân hay bị ép giá, ép bán, lúc được giá lại hết hàng.

Bên cạnh đó, việc sản xuất hàng LSNG xuất khẩu rất manh mún, phân tán, không có những vùng sản xuất hàng hoá lớn, công nghiệp. Do vậy, hàng XNK phần nhiều chỉ là những lô hàng nhỏ, lẻ vài tấn, thậm chí vài trăm kg... chất lượng cũng không ổn định và không đều. Do vậy, tuy chúng ta có nhiều mặt hàng, nhưng giá trị xuất khẩu lại thấp, một mặt hàng chỉ thu về vài chục nghìn đôla mỗi năm.

Bert Jan Ottens, chuyên gia Hà Lan có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường LSNG, đưa ra ví dụ, nguyên liệu song mây ở Viêt Nam chất lượng quá thấp, lại nhỏ, không thể chế biến hàng đạt giá trị xuất khẩu cao. Theo một chuyên gia của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, chất lượng kém đã làm cho hàng LSNG xuất khẩu của Việt Nam bị đẩy xuống mức giá thấp. Trong khi cùng một tấn quế, Việt Nam chỉ xuất khẩu được với giá 651 USD/tấn thì ở Đức, mức giá này là 1.015 USD/tấn.  

Hiện nay, thị trường nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khá rộng lớn, có mức tăng trưởng cao, tập trung vào Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc... Đối với hàng LSNG ở dạng nguyên liệu của Việt Nam, như thảo quả, hoa hồi, các loại tinh dầu... 70-80% xuất sang thị trường Trung Quốc. Sau đó, chính hàng từ Trung Quốc lại được tái xuất qua Việt Nam, hay sang một vài nước lân cận. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là thị trường trung chuyển để Indonesia và Lào xuất quá cảnh qua Việt Nam 500-700 tấn đinh hương, song mây... hay Trung Quốc xuất khẩu các mặt hàng tỏi, hành, gia vị... với khối lượng lớn, chất lượng ổn định, đạt 5.000-7.000 tấn trở lên.

Sản xuất được hàng LSNG, nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu nguyên liệu thuốc bắc từ Trung Quốc; các loại sâm, nấm Linh chi... của Hàn Quốc; các loại dầu chai phà, tinh dầu xá xị... ở Campuchia và nguyên liệu song, mây... của Lào, Indonesia.

Nguy cơ cạn kiệt

Tại Hội thảo quốc gia về phát triển "Thị trường LSNG theo hướng bền vững ở Việt Nam - những cơ hội, rủi ro về kinh tế - xã hội và sinh thái", diễn ra hôm 28/6, tại Hà Nội, rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều công nhận rằng, về mặt xã hội, hàng hoá là LSNG xuất khẩu có ý nghĩa rất lớn vì đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho một số đông người lao động (mà chủ yếu là dân nghèo ở những vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, ít có điều kiện được đào tạo).

Song, chính việc khai thác tự phát, quá mức các sản phẩm LSNG mà không tổ chức sản xuất tốt, sẽ khiến cho nguồn hàng hoá này nhanh chóng suy giảm và cạn kiệt. Ông Phan Sinh đưa ra ví dụ về một DN nhỏ sản xuất cao lá si, mỗi năm chỉ nấu được khoảng 15 tấn cao với trị giá khoảng 18.000 USD, song mới chỉ hoạt động được 2-3 năm đã vặt trụi lá cây si ở tỉnh Cao Bằng (bởi 100 tấn lá si mới cho 5 tấn cao). Thậm chí, DN này còn đang tính đến việc di chuyển sang các tỉnh lân cận để kiếm nguồn nguyên liệu.

Chuyên gia Bert Jan Ottens cho rằng, chúng ta cần hỗ trợ người nông dân trong việc sản xuất hàng chất lượng cao, vì nếu sản phẩm giá trị thấp, ít giá trị gia tăng, thu nhập thấp thì họ sẽ không quan tâm đầu tư đến việc phát triển nguồn nguyên liệu, làm nguyên liệu ngày càng nghèo nàn và cạn kiệt. "Điều quan trọng là khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia để đẩy mạnh chế biến hàng LSNG, tăng giá trị gia tăng", Bert Jan Ottens  nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, đối với việc một số loài bị khai thác quá mức, thì yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững là thu hút và gắn kết tất cả các đối tượng liên quan tham gia vào việc quy hoạch và phát triển ngành hàng LSNG một cách bền vững.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Săm lốp xe nội đánh bạt hàng ngoại (28/06/2005)
Hoa Kỳ - đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam (27/06/2005)
Công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 15,6% (27/06/2005)
Ứng tiền - đổi quota (27/06/2005)
Vẫn phải cắt điện giờ cao điểm (27/06/2005)
Khánh thành nhà máy carton lớn nhất VN (27/06/2005)
Xuất khẩu 200 tấn vải thiều chế biến sang Thụy Sỹ (25/06/2005)
Doanh nghiệp Singapore quan tâm đến ngành cơ khí Việt Nam (24/06/2005)
Thùng bia cả nước đang ngầu bọt (24/06/2005)
Giữ sản lượng lúa ở mức 40 triệu tấn/năm (24/06/2005)
Mỹ và Nhật Bản quay lại mua tôm Việt Nam (24/06/2005)
Doanh nghiệp điện tử lo sợ việc giảm thuế nhập khẩu (23/06/2005)
VN có 6 sản phẩm lợi thế khi gia nhập WTO (23/06/2005)
Đánh bắt xa bờ... nằm bờ (23/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang